Oneway.vn – Tôi cảm thấy buồn khi chứng kiến nhiều người trong nhà thờ thường hay kết án nhau về những chuyện không đáng như ăn gì, mặc gì.
Họ tự đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt về cách thức ăn mặc và xa lánh những ai không có cùng niềm tin đó với họ. Điều này khiến cho những người đến với nhà thờ lúc nào cũng trong tâm thế lo sợ, không biết mình có phạm tội gì không, mình có bị kết án không. Kết quả là họ không còn chú tâm đến tình yêu, sự tha thứ, sự chấp nhận trong Chúa nữa mà thay vào đó, tâm trí họ lúc nào cũng nghĩ đến tội và tội.
Các nhà thần học gọi đó là mặc cảm tội lỗi. Nói cách khác, đó là khi chúng ta cứ luôn đặt để tâm trí của mình vào những điều Đức Chúa Trời ghét, thay vì quân bình cuộc sống của chúng ta với tình yêu của Ngài.
Đúng là Đức Chúa Trời ghét tội lỗi. Tội lỗi ngăn cách chúng ta khỏi Ngài, và Ngài ghét nó. Nhưng Chúa Jêsus nói Ngài không đến thế gian để kết án người có tội, mà để cứu họ. Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã mở ra một con đường sống và tự do để con người có thể trở về với chính Ngài qua Chúa Jêsus.
Tôi biết và tin điều này. Tuy nhiên, mặc cảm tội lỗi là một bệnh dịch thực sự giữa vòng dân sự của Đức Chúa Trời. Tôi đã rơi vào bẫy của nó trong những năm đầu tiên bước đi theo Chúa và hết lần này đến lần khác, tôi thấy mình ở bên bờ vực dù rằng tôi vẫn biết Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ.
Tác giả thư Hê-bơ-rơ nói:
“Vì luật pháp chỉ là bóng của những điều tốt đẹp đến sau, chứ không phải là hình thật của sự vật; cho nên, những người đến gần Đức Chúa Trời không bao giờ toàn hảo nhờ các sinh tế được dâng liên tục năm nầy qua năm khác. Nếu được thì họ đã ngưng dâng sinh tế rồi, vì những người thờ phượng đã được thanh tẩy một lần đủ cả; như thế, họ đâu còn cảm biết tội lỗi nữa? Nhưng các sinh tế đó chẳng qua là để nhắc nhở hằng năm về tội lỗi”. (Hê-bơ-rơ 10:1-3).
Nếu bạn tiếp tục đọc những câu tiếp theo trong Chương này, bạn sẽ thấy điều quan trọng là huyết của những con bò đực và dê đực không thể thánh hóa chúng ta, tức là không thể giúp chúng ta sống đúng với Chúa. Nhưng chi tiết mà chúng ta cần lưu ý đó là, “những người thờ phượng đã được thanh tẩy một lần đủ cả; như thế, họ đâu còn cảm biết tội lỗi nữa”.
Hãy tạm dừng và suy nghĩ về những gì chúng ta vừa đọc. Tác giả thư Hê-bơ-rơ cho biết huyết của con sinh tế không thể khiến chúng ta trở nên toàn hảo, cũng không thể xoá đi mặc cảm tội lỗi trong chúng ta. Vậy chẳng phải lập luận được đưa ra ở đây là huyết của Chúa Jêsus CÓ THỂ và THỰC TẾ là đã làm trọn những điều ấy cho chúng ta?
Khi tâm trí của chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ về tội lỗi thay vì thực tế là sự tha tội trong huyết của Chúa Jêsus Christ thì không có gì lạ khi đám mây tội lỗi cứ vây lấy và che mờ cuộc sống của chúng ta, khiến đời sống chúng ta trở nên nặng nề.
Ngược lại, nếu chúng ta hướng suy nghĩ của mình về Chúa Jêsus, về dòng huyết quý báu mà Ngài đã đổ ra trên thập tự giá để tha tội và thanh tẩy chúng ta, khiến chúng ta trở nên xứng đáng trước mặt Đức Chúa Trời, được Ngài chấp nhận, thì chúng ta sẽ thấy mình sống dưới bóng cánh thập tự giá thay vì bóng đen của đám mây tội lỗi.
Và kết quả tự nhiên của quá trình này đó là chúng ta sẽ mong muốn làm vui lòng Đấng đã cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Và khi những cám dỗ về tội lỗi gõ cửa, chúng ta thực sự ít có xu hướng trả lời nó hơn vì bây giờ chúng ta là người hướng lòng về sự công chính.
Kinh Thánh cũng hứa rằng cho dù nếu chúng ta sa ngã, thì Đức Chúa Trời sẽ tha thứ và tẩy sạch những ai thật lòng ăn năn tội mình. Nói cách khác, khi chúng ta ăn năn tội lỗi, Chúa sẽ xoá bỏ nó và cả sự mặc cảm về nó.
“Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.” (1 Giăng 1:9)
Vì vậy, tôi hy vọng bạn sẽ luôn ghi nhớ rằng huyết của Chúa Jêsus làm cho những người tin nhận Ngài trở nên toàn hảo và không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ hướng tâm trí và tấm lòng mình đến tình yêu và sự công chính của Đức Chúa Trời.
Bài: Debby Lee; dịch: TP
(Nguồn: cbn.com)