Hãy đem Đấng Bảo vệ, Thần Yên ủi đến cho họ

Oneway.vn – Bạn từng đi xe ôm Grab, Uber? Bạn có bắt chuyện để biết về nỗi nhọc nhằn mưu sinh của họ, nhiều nhất là sinh viên, công nhân, người nhập cư… tất cả đều lao khổ, tất bật tranh thủ chạy thêm mỗi ngày vài cuốc để kiếm sống? Nhưng buồn nhất, nguy hiểm nhất là sự cạnh tranh không lành mạnh của lực lượng xe ôm truyền thống – cho rằng mình bị “đập bể nồi cơm”. Đặc biệt, bạn đã bao giờ làm chứng về Chúa cho họ?

Tối qua, tôi bắt GrabBike từ Thủ Đức về Quận 7, quãng đường dài 20 cây số, giá 80 ngàn đồng. Em trai chạy Grab nói quê em ở Bến Tre. Em đi học cả tuần, tối làm thêm ở quán ốc, cuối tuần chạy GrabBike kiếm thêm tiền ăn học, chi tiêu. Cách nói chuyện của em hiền lành, từ tốn và lễ phép. Em hỏi tôi: “Em chạy nhanh chị có sợ không?”, “Trời mưa chị có lạnh không?”, “Chị đưa ba-lô em để đằng trước cho đỡ nặng”… Quãng đường dài, mưa to, đôi lúc sấm chớp khiến tôi hơi sợ. Em tập trung chạy xe cẩn thận nhưng vẫn lịch sự hỏi chuyện cho tôi bớt sợ. Về đến nhà, tôi đưa em 100 ngàn. Em nhất quyết trả lại tôi 20 ngàn. Tôi phải thuyết phục mãi, em mới chịu nhận thêm.

Một lần, tôi đi từ bến xe miền Tây về đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1. Hồi đó chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tính tôi cẩn thận, không muốn gọi điện thoại đặt Grab nơi công cộng, đặc biệt ở các bến xe và bệnh viện. Lúc đó, cả một đám người xe ôm vây quanh như muốn xâu xé tôi, tôi không dám mở miệng vì sợ họ nghe giọng Bắc sẽ lấy đắt. Tôi chọn một bác lớn tuổi cho an tâm và hỏi giá bao nhiêu. Bác nói 150 ngàn. Tôi thấy đắt nên từ chối và lui vào một góc mang điện thoại ra gọi GrabBike. Thấy vậy, bác đó sấn tới nhìn chằm chằm vào tôi: “Không có tiền mới đi Grab chứ gì?” …và bác chửi rủa nhiều câu khó nghe nữa mà tôi không tiện kể ra đây. Tôi tin nếu vẫn giữ cách chèo kéo khách như vậy, sớm muộn gì xe ôm truyền thống cũng sẽ bị đào thải, vĩnh viễn. Như cánh taxi vừa rồi thể hiện sự bức bối, bế tắc trong cạnh tranh, đến nỗi phải dùng chiêu dán biểu ngữ “kêu oan” chạy đầy đường, nhưng cũng chỉ làm khách cảm thấy buồn cười, phản cảm và chán ghét thêm thôi.

Đó cũng chính là lý do từ khi xuất hiện Grab, Uber, tôi bỏ hẳn đi xe ôm truyền thống. Theo tôi, không phải tất cả, nhưng đa số xe ôm truyền thống không được đào tạo, nên không tránh khỏi những thành phần chỉ nhom nhom chặt chém khách, nhất là khách lạ, khách ở quê ra… Nhưng những điều này không khó chịu bằng họ rất hay văng tục khi khách kêu mắc, trả giá rồi không đi… Trong khi đó, với Grab hay Uber, tất cả thông tin về tài xế, số xe, quãng đường và giá cả đều được báo trước và lưu lại trên email. Nếu tài xế Grab phục vụ không tốt, tôi có thể phản ánh lên công ty. Đi GrabBike rẻ và chuyên nghiệp hơn so với xe ôm truyền thống. Nhưng tôi tin đa số chọn Grab vì dịch vụ tốt và thông tin minh bạch, chứ giá rẻ chỉ là một phần. Bằng chứng là rất nhiều người hài lòng, “boa” thêm tiền cho tài xế GrabBike gần bằng hoặc hơn cả giá xe ôm truyền thống.

Còn đây là hình ảnh một bạn chạy GrabBike sinh năm 1988, tạm trú quận 6, cách đây không lâu bạn bị chém đứt 2 ngón tay ở bến xe miền Tây vì “tranh giành địa bàn làm ăn của mấy ông xe ôm” – một chị bán nước ở gần đó cho biết. Khi bạn đứng đón khách ở cổng bến xe miền Tây, bất ngờ có một người chạy đến dùng dao chém túi bụi, bạn giơ tay lên đỡ và bị chém đứt 2 ngón tay. Và mặc dù rất đau, bạn vẫn cố gắng tự chạy xe đến bệnh viện Triều An để băng bó. Hiện bạn đã về quê nghỉ ngơi và không biết đến bao giờ mới dám quay trở lại Sài Gòn mưu sinh.

Nhìn vào bức ảnh, ít ai kềm nổi cảm xúc tức giận, thương xót. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thật nghiêm minh cho những hành vi cạnh tranh côn đồ này.

Rất nhiều lần tôi đọc báo, nghe kể các câu chuyện đau lòng về những người chạy Grab bị lực lượng xe ôm “hội đồng”, hành hung. Một lần, chính tôi tận mắt chứng kiến một người xe ôm trung tuần, lực lưỡng chặn đường, kẹp đầu xe rồi tát tới tấp vào đầu, vào mặt một em sinh viên chạy Grab gầy gò ngay trên lề đường Hùng Vương, cạnh Hùng Vương Plaza.

Cùng vì miếng cơm manh áo mà nỡ hành hạ, làm đổ máu nhau đến thế? Từ những người lao động thiện lương, họ trở nên máu lạnh, sẵn sàng cướp đi sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác, của đồng loại mình bởi những tranh giành nhỏ nhoi như vậy, liệu có đáng?

Họ, chính họ rất cần Chúa, cần tình yêu và sự chở che, bao phủ về thể chất lẫn tinh thần của Đấng Yêu thương, Đấng Yên ủi, Đấng duy nhất có thể bảo vệ, mang lại sự bình an trong tâm hồn cho họ, cho tất cả chúng ta. Cả những tài xế xe ôm truyền thống kia, cũng cần sự cầu thay và ân điển Chúa để không còn những cay đắng, hung ác trong họ nữa.

Bạn hãy thử, một lần tâm sự, sẻ chia, đồng hành cùng họ trên quãng đường dù dài, dù ngắn, từ chỗ làm về nhà, từ nhà tới Hội Thánh… và tranh thủ chia sẻ về Chúa cho họ. Hãy tặng họ một câu Kinh Thánh, một quyển chứng đạo đơn, rồi mời họ đến nhà thờ Tin Lành gần nhất nơi họ sinh sống bất kể khi nào họ gặp bức hiếp, khó khăn, khốn khổ, tuyệt vọng… chẳng biết kêu cầu ai. Hãy đọc cho họ nghe lời chân thành, ngọt ngào của Chúa: “Ta ban cho các con sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi” (John/Giăng 14:27b).

Chị Trương Thị Hà kể

Thảo Phạm ghi

* Mọi thông tin phản hồi hay câu chuyện thực của chính bạn, của người thân, của tín hữu trong Hội Thánh làm chứng hoặc những người xung quanh mà bạn biết rõ; vui lòng gửi về: [email protected]. Chúng tôi luôn trân trọng tất cả những chia sẻ, những ý kiến đóng góp và bài vở của Quý vị!

Ban Biên Tập

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *