Hội Thánh trong rừng!

Oneway.vn – Hội Thánh không tên, tọa lạc trong thung lũng, giữa khu rừng thông thơ mộng sực nức mùi cỏ cây, hoa lá… Không khí trong veo, mát lành; gió đùa qua vai, qua tóc người, qua những ngọn thông vi vút, tạo nên bản hòa tấu thiên nhiên ca ngợi Chúa. Nhưng để đi được đến đó thờ phượng Chúa, bạn phải trải qua một “con đường đau khổ” mà tôi gọi đùa là “đường đến Gô-gô-tha”!

Tôi còn háo hức gọi đây là “Hội Thánh thức trong rừng”, theo câu chuyện về nàng “Công chúa ngủ trong rừng” mà tôi thích và mường tượng, hình dung.

Bởi vì quả thật tuy trong ẩn sâu trong rừng, được bao bọc xung quanh bởi đồi dốc và thung lũng với màu xanh ngút mắt, nhưng Hội Thánh không như nàng công chúa kiêu sa mê ngủ, mà luôn tỉnh thức, “thức canh và cầu nguyện không thôi” (Matthew/Ma-thi-ơ 26:41).

Hội Thánh thuộc khu An Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 10 cây số; với chỉ khoảng hơn 30 tín hữu, bao gồm người Kinh và cả người sắc tộc; họ quây quần học Kinh Thánh, học lớp “Môn đồ hóa” vào các tối trong tuần, và nhóm lại thờ phượng Chúa mỗi sáng Chúa Nhật bắt đầu từ… sáng sớm, kéo dài cho đến xế trưa.

Ngoài đẹp đẽ, hoang sơ, thì điều đáng nói chính là “con đường Gô-gô-tha”, “con đường thập tự” nếu muốn đến được Hội Thánh.

Bạn cần gì nếu đi bộ? Một đôi chân thật khỏe, đúng nghĩa “chân cứng đá mòn”, không mang dép hoặc chỉ cần dép nhựa (để có thể dễ dàng chà rửa). Và bạn cần gì nếu đi xe gắn máy? Một tay lái lụa và phải thuộc đường. Nhưng vừa chạy xe máy vừa kết hợp dắt bộ, cuốc bộ qua những đoạn sình lầy, ổ gà là thường xuyên, giữa một bên là vách đồi, một bên là thung lũng mà nếu yếu tay, sơ sểnh hay không chịu cầu nguyện, nhờ cậy Chúa, bạn có thể lao ngay xuống sình, xuống vực!

Khi mặt trời vừa soi tỏ đường đi, các con cái Chúa đi chuyển từ khắp nơi xung quanh, cùng không ít tín hữu lặn lội từ trung tâm thành phố Đà Lạt tới nhóm. Những người tới trước đứng hoặc ngồi kỉnh kiềng, ngay ngắn hát Thánh Ca, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, chờ người tới sau; tới khoảng 10g thì Mục sư hoặc diễn giả lên chia sẻ Lời Chúa.

Đến khoảng 12g nhóm xong. Thật lạ, mọi người không tất tả, quày quả trở về mà tiếp tục ở lại lặt rau, vo gạo, nấu nướng rồi dùng cơm trưa, “thông công với nhau một bữa cho chắc cái bụng rồi hãy lặn lội về nhà!” – bà Mục sư chia sẻ.

Hội Thánh tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng thờ phượng Chúa thật chuyên nghiệp, không thua kém bất kỳ các Hội Thánh lớn ở chốn “phồn hoa đô hội” nào. Với dàn trống jazz, piano điện, guitar lead, guitar bass và cả kèn saxsophone, cùng ban nhạc “liên hiệp quốc” với tay trống người Hàn Quốc, tay saxsophone người Mỹ.

Khi các diễn giả tới giảng dạy thì Hội Thánh cũng không thiếu con cái Chúa xung phong dịch và còn dịch rất hay.

Được biết, “Hội Thánh trong rừng” không bảng tên, không hệ phái này được thành lập từ hơn chục năm nay, vị Mục sư sáng lập đầu tiên cũng đã qua đời. Hiện, có vợ chồng một vị Mục sư trẻ ngụ cư, thay thế dẫn dắt, chăm sóc bầy chiên của Chúa mấy năm qua, và rất được các con cái Chúa tại đây yêu mến, tín nhiệm.

Một đoạn của “Con đường Gô-gô-tha” dẫn vào Hội Thánh

Bên cạnh sình lầy, ổ gà ổ voi, không thiếu những vạt hoa dã quỳ, hoa xuyến chi… tưởng thưởng con mắt, an ủi tấm lòng và những bước chân khấp khiễng, xiêu tó trên “con đường thập tự” tìm kiếm và thờ phượng Chúa.

Và đây, “Hội Thánh thức trong rừng” với gian lớn dành thờ phượng Chúa, gian nhỏ là nơi Hội Thánh sinh hoạt, thông công. Ngoài sân còn còn có chiếc võng cho các mẹ, các chị có con nhỏ dành… đưa em, ru em ngủ!

Con đường chỉ để cuốc bộ hoặc chạy xe gắn máy, “chống chỉ định” với các loại xe hơi

Khu vườn phía sau Hội Thánh với những giò lan được ông bà Mục sư chăm chút.

Hội Thánh tôn vinh, thờ phượng Chúa thật mạnh mẽ, sôi động.

Cầu nguyện, thăm hỏi nhau sau giờ nhóm

Cầu nguyện, thăm hỏi nhau sau giờ nhóm

Món rau dành cho bữa thông công.

Một nồi cơm, một nồi canh, một nồi thịt kho và một nồi rau xào.

Cơm chín rồi, nào dọn lên thôi!

Cùng thông công với nhau một bữa cho “chắc cái bụng” rồi mới ra về!

Bài & ảnh: Thảo Phạm


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *