Oneway.vn – “Hôm nào tới gần 4g chiều mà Hội Thánh người Lào chưa xong, chúng tôi phải gặp trở ngại trong khâu chuẩn bị phòng nhóm. Hoặc khi Hội Thánh Lào có chương trình đặc biệt nhóm cả ngày, chúng tôi phải dời về nhà riêng để thờ phượng Chúa” – Mục sư Lê Văn Chính chia sẻ.
Công việc Chúa tại Lào ra sao?
Hội Thánh đầu tiên tại vùng cực nam Tổ quốc
Chiều cuối tuần, tôi đến thăm căn nhà mới sửa của Mục sư Lê Văn Chính ở thủ đô Vientiane/Viêng Chăn, Lào. Hai bộ ghế và đồ nghề cắt tóc đặt trước hiên; trong quầy may đồ nhỏ phía góc phòng khách được sắp đặt gọn ghẽ, bà Mục sư đang loay hoay cắt vải. Vừa dắt tôi bước vào, Mục sư Chính giải thích: “Tiệm cắt tóc là của tôi, còn bàn may thì của bà. Chúng tôi làm thêm mỗi khi có thời gian rảnh, để đủ chi phí trang trải cho cuộc sống và việc học tập của con cái”.
Hội Thánh người Việt đầu tiên ở Lào
Mục sư Lê Văn Chính là Quản nhiệm Hội Thánh Việt Nam tại Lào, người tiên phong trong công tác truyền giảng, mở mang Hội Thánh người Việt tại ‘đất nước triệu voi’ này.
Từ đầu năm 2006, Mục sư Chính nghe lời chia sẻ và kêu gọi của Mục sư Trần Đình Ái về công việc Chúa tại Lào, ông cảm động, cầu nguyện và được sự thôi thúc của Thánh Linh, bắt đầu hầu việc Chúa tại vùng đất mới, nơi hàng ngàn người Việt chưa từng biết về Tin Lành.
“Thời gian đầu, suốt 3 tháng ròng nơi đất khách tôi không làm được gì. Có những lúc định bỏ về nước vì chưa biết tiếng, không quen văn hóa, ẩm thực, môi trường…” – ông nhớ lại. Rồi cơ hội đến khi ông cầu nguyện cho một người bệnh, người này được chữa lành và tin nhận Chúa. Công trường của ông bắt đầu từ đấy: dạy giáo lý cho tân tín hữu. Dần dà, một Điểm nhóm nhỏ được thành lập tại Non Teng, cách Viêng Chăn 15km. Sau 2 năm, ông bàn giao và trở về Việt Nam tiếp tục hầu việc Chúa ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Giáng Sinh 2014, ông trở lại Lào thăm viếng con cái Chúa thì lúc này, Hội Thánh đã đi xuống, chỉ còn một ít tín hữu. Ông cùng những con cái Chúa tổ chức chương trình Giáng Sinh. Sau đêm Truyền giảng có thêm 40 người tin nhận Chúa, ông quyết định ở lại thêm 3 tuần để dạy giáo lý rồi mới trở về.
“Thời gian đầu 2 con tôi khóc rất nhiều vì không quen. Nhưng cảm ơn Chúa, bây giờ ổn định rồi!”.
Con cái Chúa ở đây thiếu người chăn nên liên tục mời ông quay lại để giúp Hội Thánh. Được Chúa cảm động, ông bàn với vợ con, quyết định bán tất cả nhà cửa, tài sản, cả gia đình qua Lào sinh sống và hầu việc Chúa. “Thời gian đầu 2 con tôi khóc rất nhiều vì không quen. Nhưng cảm ơn Chúa, bây giờ ổn định rồi!”.
Thách thức
Ngôi nhà thờ nhỏ được bài trí đơn sơ tại khu Anou, Viêng Chăn, là nơi nhóm lại của 3 Hội Thánh: HT Lào từ 9g-15g, HT người Việt từ 16g-18g và HT người Hoa từ 19g – 21g. Một buổi nhóm chỉ được tối đa 2 tiếng, vì thế, các tiết mục phải được chuẩn bị chu đáo và thực hiện nhanh nhất có thể để không lố giờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của HT bạn.
“Hôm nào tới gần 4g chiều mà Hội Thánh người Lào chưa xong, chúng tôi lại gặp nhiều trở ngại trong khâu chuẩn bị phòng nhóm. Hoặc khi Hội Thánh Lào có chương trình đặc biệt, nhóm cả ngày, chúng tôi phải dời về nhà riêng để thờ phượng Chúa” – Mục sư Lê Văn Chính chia sẻ.
Hiện, Hội Thánh Việt Nam tại Lào, nơi Mục sư Chính quản nhiệm, trên danh sách có hơn 100 tín hữu, nhưng nhóm lại hàng tuần chỉ từ 30-35 người. Hội Thánh có các giờ sinh hoạt gồm: học Kinh Thánh tối thứ sáu, thờ phượng Chúa chiều Chúa Nhật và các giờ bồi linh, thông công, thăm viếng không cố định.
Tín hữu có cả người Lào gốc Việt và người Việt sang Lào làm ăn, học tập… Mục sư Chính chia sẻ: “Nhiều con cái Chúa vì công việc phải đi đây đó, không thường xuyên nhóm lại; một số khác thấy tin Chúa không được gì nên không đi nữa”. Ông thêm: “Trước đây từng dạy giáo lý cho nhóm mấy chục công nhân xây dựng Việt Nam, nhưng khi công trình xong thì họ cũng không còn ở đây nữa”.
“Hầu hết người Việt tại Lào theo Phật giáo, nên rất khó truyền giáo cho họ”.
Ông Hoàng Quang Khương, 76 tuổi, người Lào gốc Việt, một trong những “trái đầu mùa” của Hội Thánh hồ hởi: “Gia đình tôi trước đây theo Phật giáo. Khi được Mục sư Chính làm chứng và thách thức: ‘Ông thử không thờ cúng 1 tháng xem có gì thay đổi không, rồi sau đó không tin Chúa tiếp cũng được’. Tôi về thử 2 tuần liền, và đúng là không có gì khác biệt. Từ đó cả nhà tôi tin Chúa cho đến hôm nay”. Ông Khương thêm: “Hầu hết người Việt tại Lào theo Phật giáo, nên rất khó truyền giáo cho họ”.
Mùa gặt đã tới…
Tại thủ đô Viêng Chăn, tôi cũng như hầu hết người Việt lần đầu đặt chân đến sẽ không mấy khó khăn để nhận ra những nét quen thuộc như thể trên chính quê hương mình, từ những nhãn hàng Việt, bảng hiệu Việt, giọng nói Việt… Không biết từ nguồn nào, nhưng cả Mục sư Lê Văn Chính, Th.S Đặng Thị Thanh Ngân – Giảng viên khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào và hầu hết mọi người đều đồng ý rằng có trên 2 triệu người Việt sống tại Lào – gồm người Lào gốc Việt, người Việt sang Lào làm ăn, học tập… Thế nhưng, tính cả Hội Thánh Mục sư Chính đang gây dựng và vài nhóm tín hữu người Việt khác cũng tại Viêng Chăn, thì tổng số tín hữu người Việt tại thủ đô này chưa tới 100 người.
Dù con số 2 triệu kia chưa chính xác, thì theo vài thống kê được công bố, gần 100.000 người Việt (Ethnologue, 2016) tại đất nước Phật giáo này, so với số 100 tín hữu thật ít ỏi. Quả thật, như Kinh Thánh chép: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít” (Matthew/Ma-thi-ơ 9:37), cũng là sự trăn trở của Mục sư Chính – vị Mục sư người Việt đầu tiên tại Lào.
Chưa kể, Mục sư Sẻng Đao, Quản nhiệm Hội Thánh Nongtha, Lào chia sẻ: “Dù Tin Lành truyền đến Lào sớm hơn Việt Nam, nhưng cho tới nay, cả nước chỉ có khoảng 200 ngàn tín hữu/7 triệu dân, do đất nước này Phật giáo là quốc đạo, nên việc truyền giáo bị bắt bớ và gặp rất nhiều khó khăn…”.
Hoàn Nguyện
Xem thêm:
Một Hội Thánh nhỏ trên dòng Tonle Sap mênh mông
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!