Khi con vô cảm

Oneway.vn – Có một một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tới phỏng vấn vào vị trí quản lý của một tập đoàn lớn. Sau khi biết mẹ anh làm nghề giặt quần áo, ông giám đốc cầm đôi tay trắng muốt, mềm mại, thư sinh của chàng trai, ông bảo anh hãy về cầm đôi bàn tay của mẹ rồi hôm sau hãy tới phỏng vấn tiếp.

1. Cho con cơ hội làm người có trách nhiệm

Chàng trai về nhà, tối đó lần đầu tiên trong đời, anh cầm đôi bàn tay chằng chịt những vết nhăn, vết sẹo, vết chai sần nứt nẻ của mẹ, lầu đầu tiên anh giặt quần áo phụ mẹ. Và anh khóc… Hôm sau, gặp lại ông giám đốc, chàng trai ngượng ngùng, ân hận, hết xin lỗi lại cảm ơn ông đã nhắc anh việc vô tâm, vô tình trước nỗi vất vả của mẹ bao nhiêu năm qua… Và rồi anh được nhận vào làm.

Câu chuyện kết thúc có hậu. Nhưng tôi không tin! Tôi không tin có một người suốt hai mươi mấy năm vô tâm với mẹ, sau một đêm bỗng trở nên người tử tế! Một kỹ năng đơn giản như tập đi, tập viết… còn phải mất hàng năm trời, thì những rèn luyện cho ‘cơ bắp’ trái tim phải công phu hơn thế nhiều chứ?

Các bà mẹ có thể mua rất nhiều đĩa, sách, video, danh ngôn, ‘chicken soup for the soul’/hạt giống tâm hồn – cho con… cũng tốt thôi, nhưng chưa đủ. Vì đó chỉ là lý thuyết. Cũng như các tiết đạo đức trong nhà trường nếu chỉ học bài, phân tích câu chuyện, thậm chí phân vai, diễn kịch… cũng chỉ là lý thuyết. Bởi tính cách thì không thể rèn luyện qua lý thuyết. Lòng trắc ẩn, yêu thương cần học và thực hành. Mình không tin cứ chìu chuộng hết nấc rồi tự nhiên con khắc biết sống trách nhiệm, biết thương người, yêu mình…

Tôi có 2 con, công việc và thu nhập cũng tạm, có thể thuê ‘full-time’ (trọn thời gian) một người giúp việc nhà. Nhưng tôi chỉ chọn người giúp việc theo giờ. Tôi muốn ‘chừa’ một ít việc lại cho 2 con để chúng có việc mà làm. Tôi chấp nhận để chúng – ngoài việc học – cần có trách nhiệm với công việc và gia đình mình bằng cách bận rộn một chút, thiếu thốn, chật vật một chút, thậm chí bừa bộn một chút…

Các con tôi mới 2 – 3 tuổi đã bị mẹ ‘sai vặt’. Đứa lớn biết lấy quần áo cho em nhỏ, chọn ngồi học, ngồi chơi cạnh em để khi em khóc thì gọi mẹ. Tôi vẫn thường sai chúng chạy tứ tung lấy cái này, cất cái kia, dọn dẹp cái nọ… luôn tay luôn chân. Khi con học lớp 2 đã có thể tự tắm, tự ăn, tự xếp dọn giường; còn giúp mẹ nhặt rau, rửa chén, bắc cơm… (dù rằng sau đó mẹ phải bò ra xử lý bãi chiến trường!).

Xem thêm:

Dạy con xài tiền

NGƯỜI DO THÁI DẠY CON XÀI TIỀN

Mỗi ngày có 200 người Việt chết vì ung thư

Nuôi dạy con – không dễ!

Khi con lên lớp 4, nhiều lúc đi làm về mệt tôi đã có thể… nằm dài, nhờ con mát-xa! Ăn xong, tôi hướng dẫn con dọn dẹp, cái gì bỏ sọt rác, cái gì cất tủ lạnh… Những việc như soạn sách vở, làm bài tập, mua dụng cụ học tập, gấp quần áo, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt… con đều tự làm. Từ lớp 4 tới lớp 7, con tự đạp xe đi học. Tiền tiêu vặt: 50 ngàn đồng/tuần, kèm điều kiện: dọn dẹp nhà cửa và làm mẹ vui lòng! Có người bảo đó là con gái nên dễ dạy. Tôi nghĩ: Không. Để trở thành một người sống tử tế, có trách nhiệm thì không phụ thuộc giới tính.

Cậu em từ lúc 8 tuổi mỗi khi có khách ghé chơi đã biết mở cửa, xách túi, kéo ghế, rót nước mời khách. Mỗi sáng, cậu đều tự dọn dẹp giường ngủ trước khi đánh răng, ăn sáng, đến trường. “Con là một quý ông, hãy tỏ ra ga-lăng với phụ nữ!” – tôi dạy. Và cậu nhóc vui vẻ sắm vai quý ông, tận tình hướng dẫn cho khách những thứ trong nhà khi khách hỏi, không quên thêm: “Cô/chú có cần gì nữa cứ gọi con!”.

Chưa hết, từ lúc 6 tuổi chàng đã biết tự cột dây giày, tự đeo ba-lô, mở cửa, thậm chí đề nghị được xách túi cho mẹ. Chàng trai 6 tuổi thỉnh thoảng còn vui vẻ dọn vệ sinh toilet: “Việc này nặng lắm, mẹ cứ để đàn ông làm!” – chàng ga-lăng.

Khi con tập đi, bạn hãy để con tự bước, dù biết chắc sẽ có lúc chúng té ngã. Khi con vào lớp 1, bạn chỉ cần hướng dẫn rồi để con tự cầm bút, dù biết những chữ cái đầu tiên con viết có thể rất chậm và xấu. Dù bản năng che chở của bạn dành cho con lớn cách mấy, cũng cần hiểu rằng đã cắt sợi dây rốn rồi, bảo bọc quá bạn chỉ làm con yếu đi.

Nhìn hình ảnh đứa con ngồi trên xe đạp co cẳng lên để mẹ dắt qua vũng nước, tôi chả thấy xúc động gì, chỉ thấy bực. Bà mẹ đó đang tạo cơ hội mời mọc con trơ lì, vô cảm. Khi bạn còn cho phép con vô cảm với người nhà, thì bạn đừng hy vọng gì con có thể tử tế với người ngoài. Đã có nhiều nghiên cứu công bố rằng trí thông minh không liên quan nhiều đến thành công của trẻ, vì vậy, thành công phụ thuộc vào thái độ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Petrotimes

2. Kỷ luật để yêu thương

“Có thứ tình yêu giống như dòng nước mát, sau khi làm thỏa mãn cơn khát trong cổ họng của con, nó sẽ không để lại dấu vết gì; có thứ tình yêu lại giống như giọt máu đào đi sâu vào thể xác và tinh thần của con, suốt đời chảy trong người con, ban cho con sức mạnh”.

Câu trên của bà Sara Imas – tác giả của quyển ‘A Mother’s Rigorous Love’/ ‘Tình yêu của một bà mẹ nghiêm khắc’; tựa tiếng Việt ‘Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương’ – Alphabooks & NXB Dân Trí 2015. Một quyển sách đặc biệt viết về phương pháp dạy con của người Do Thái và bài học về tình yêu thương nếu đặt đúng chỗ.

Khi con vô cảm, khó dạy… kỷ luật là cần thiết. Không phải ghét bỏ, nhưng để sửa dạy con đi theo đường ngay, lẽ thật, lối công chính


Khi con vô cảm, khó dạy… kỷ luật là cần thiết. Không phải ghét bỏ, nhưng để sửa dạy con đi theo đường ngay, lẽ thật, lối công chính. Kinh Thánh chép: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (Hebrew/Hê-bơ-rơ 12:11).

Kỷ luật của Đức Chúa Trời là yêu thương, như tình yêu cha mẹ đối với con cái. Kỷ luật thân thể không đồng nghĩa với việc làm hại, gây đau đớn cho con. Hình phạt nên tiếp ngay sau đó bằng sự xoa dịu, nâng niu, bảo đảm cho con biết rằng bạn luôn yêu chúng. Kinh Thánh quan tâm nhiều đến mục tiêu xây dựng nhân cách tin kính hơn là sửa phạt nghiêm khắc nhằm đạt mục đích. Tân Ước, sách Ephesians/Ê-phê-sô 6:4 chép rằng cha mẹ không được chọc giận con cái, nhưng cần dạy chúng tiếp cận đường lối Đức Chúa Trời, để được “sự huấn luyện và hướng dẫn của Chúa”.

Bạn có đang chỉ chăm lo cho con về vật chất mà quên đi việc quan trọng là dạy dỗ để con trưởng thành trong tâm hồn, tâm linh? Cha mẹ không sống bằng đức tin, con cái ắt cũng không tin kính Chúa. Cha mẹ không trung tín trong việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, con cái cũng sẽ y như vậy. Hãy dành thời gian rèn tập con cái có kỷ luật tâm linh. Học biết Lẽ thật Lời Chúa và áp dụng vào môi trường gần gũi, yêu thương, ân cần dạy dỗ tro một gia đình yêu mến, kính sợ Chúa.

Bạn đang gặp vấn đề về gia đình, về nuôi dạy con cái? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn cho chúng tôi. Bạn chưa tin nhận Chúa, nhưng muốn dạy dỗ con cái theo đường lối của Đức Chúa Trời? Hãy liên hệ với chúng tôi bạn nhé. Chúng tôi rất vui được sẻ chia, đồng hành, cầu thay và hướng dẫn bạn. Đức Chúa Trời yêu bạn.

Thu Hà (P.1) & Thảo Phạm (P.2)

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *