Khi người đời chỉ trích: Bài học từ Ma-ri và Giô-sép

Oneway.vn – Chính đức tin và hy vọng đã giúp gia đình Ma-ri và Giô-sép vượt qua mọi thử thách – để cuối cùng họ đã nhận được phần thưởng mà họ không thể nhìn thấy trong đời!

Khi kỷ niệm lễ Giáng sinh – ngày Chúa Cứu Thế Jêsus ra đời, chúng ta cũng ôn lại những bài học quý báu từ hai nhân vật quan trọng khác trong câu chuyện – cha mẹ phần xác của Ngài – về cách họ đối phó với những người phản đối đức tin của chúng ta.

Điều Ma-ri và Giô-sép phải đối mặt trong vai trò cha mẹ Chúa Jêsus

1. Ma-ri đáng ra phải bị ném đá đến chết

Nếu bạn cho rằng người châu Á quá bảo thủ và phán xét khi nói đến việc mang thai ở tuổi vị thành niên, nghĩa là bạn chưa gặp những người Na-xa-rét trong thế kỷ 32 TCN!

Ngày trước, Na-xa-rét là một ngôi làng tương đối nhỏ, với dân số ước tính khoảng 400 người. Có nghĩa là khi bụng Ma-ri ngày càng to, đó sẽ là một vụ bê bối lớn giữa 398 người Na-xa-rét khác!

Những lời đồn đại về việc Ma-ri gian dâm có lẽ đã lan truyền nhanh như lửa đốt, và lời giải thích của cô về việc mang thai bởi Thánh Linh có thể đã khiến cô trở thành trò cười với nhiều người.

Hãy nhớ rằng trong xã hội Do Thái xưa, hình phạt dành cho tội gian dâm là ném đá đến chết, theo luật được ghi trong Lê-vi Ký.

Nếu Giô-sép chọn quay lưng lại với cô ấy, thì cái chết đau đớn vì bị ném đá là điều tất yếu. Nhưng thay vào đó, anh ấy chọn nhận đứa bé là con mình, nghĩa là đồng ý gánh chịu mọi sự phán xét, đàm tiếu và chế nhạo từ gia đình, bạn bè và người thân vì đã “ăn cơm trước kẽng”.

Cả hai đều phải hy sinh thanh danh của mình để vâng lời Đức Chúa Trời.

2. Hài nhi Jêsus và gia đình – những người tị nạn luôn phải chạy trốn

Ma-ri và Giô-sép sống ở Na-xa-rét, nhưng họ phải đến Bết-lê-hem để khai tên vào sổ dân theo lệnh Hê-rốt. Họ là những người xa lạ ở giữa một thành phố xa lạ, không quen biết một ai. Đó là lý do Ma-ri phải hạ sinh trong máng cỏ. Ngay sau khi Ma-ri sinh con, họ bất ngờ phải chạy trốn đến một đất nước xa lạ – Ai Cập.

Những chuyến đi từ thị trấn này sang thị trấn khác trong Y-sơ-ra-ên có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Hành trình từ quốc gia này sang quốc gia khác thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn. Làm gì có chuyện Giô-sép và Ma-ri mang đủ tiền bạc, quần áo hay đồ dùng cho một chuyến đi dài như vậy, khi họ chỉ định đến Bết-lê-hem. Điều này có nghĩa là hàng tuần đi bộ qua sa mạc, cùng với một em bé sơ sinh đang khóc, không có thu nhập, không có thức ăn và nước uống. Nếu bạn nghĩ rằng Giô-sép và Ma-ri đã trở nên giàu có nhờ những món quà đắt tiền cửa các nhà thông thái, hãy xem lại. Tôi đoán họ đã phải bán tất cả để sống tiếp khi phải chạy trốn sang Ai Cập.

Đây là một gia đình tị nạn. Vô gia cư và đói khát, không được chào đón ở bất cứ nơi nào họ đến. Vua sinh ra trong hoàn cảnh tồi tệ nhất – Chúa Cứu Thế chúng ta thật khiêm nhường vô biên!

3. Đức Chúa Jêsus bị loài người khinh rẻ và chối bỏ

Khi họ quay trở lại quê hương Na-xa-rét, những lời đồn đại vẫn xoay quanh gia đình họ. Ma-ri có khả năng bị hàng xóm xa lánh và gán cho cái danh hư hỏng, rằng những cô gái Do Thái ngoan không nên kết giao với loại người này.

Nếu điều đó thật khó khăn với Ma-ri, hãy tưởng tượng xem nó còn khó khăn đến mức nào đối với Chúa Jêsus. Khi Ngài học ở trường, mẹ của tất cả những đứa trẻ khác sẽ không cho chúng chơi với Ngài. Chúng có thể sẽ đặt nhiều biệt danh xấu xí để trêu chọc Ngài.

Không lạ gì khi Ê-sai nói về Đấng Mê-si: “Người đã bị người ta khinh rẻ và chối bỏ, từng trải sự đau khổ, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; Chúng ta cũng chẳng coi Người ra gì” (Ê-sai 53:3).

4. Ma-ri và Giô-sép không bao giờ cứu vãn được thanh danh của mình

Có một đoạn trong Câu chuyện Giáng sinh, Ma-ri hỏi Giô-sép rằng đến khi nào mọi người mới nhận ra con trai họ không chỉ là một đứa trẻ bình thường. Có lẽ phải mất 30 năm cho đến khi Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ của Ngài với tư cách là Đấng Mê-si.

Đối với Ma-ri và Giô-sép, cách duy nhất có thể khôi phục phẩm giá và được xã hội chấp nhận là chờ đợi Chúa Jêsus tự mặc khải Ngài là Đấng Mê-si. 30 năm chờ đợi đó dường như là cả cuộc đời với họ. Cả hai chắc hẳn đã không ngừng tự hỏi khi nào Ngài sẽ bày tỏ quyền năng, để cuối cùng họ có thể dập tắt những tin đồn tiêu cực xung quanh gia đình mình.

Đối với Ma-ri và Giô-sép, phép lạ ở Ca-na-an dấy lên tia hy vọng rằng mọi thứ cuối cùng cũng đang xoay chuyển – rằng thời điểm gia đình họ lấy lại danh dự đã đến. Họ không biết rằng ý định của Đức Chúa Trời dành cho Đấng Mê-si khác xa với những gì họ nghĩ! Thực tế, khi Chúa Jêsus trở lại Na-xa-rét trong chức vụ, Ngài đã bị đuổi khỏi chính quê hương mình và không thể thực hiện nhiều phép lạ ở đó – “nhà tiên tri không bị khinh dể, ngoại trừ giữa quê hương, bà con và gia đình mình” (Mác 6:4).

Chắc hẳn Ma-ri và Giô-sép đã phải ngạc nhiên lẫn lộn khi sau bao thời gian chờ đợi, cuối cùng họ vẫn không được giải thoát khỏi những phán xét họ đã phải chịu đựng bấy lâu nay, và thực tế còn trở nên tồi tệ hơn vào thời điểm Chúa Jêsus bị đóng đinh. Nhưng chính đức tin và hy vọng đã giúp họ vượt qua thử thách suốt đời của gia đình – để rồi có được phần thưởng mà họ không thể nhìn thấy trong đời!

Ngày nay, cả Ma-ri và Giô-sép đều được tưởng nhớ trên khắp thế giới, những việc họ làm được kỷ niệm hàng năm. Họ sẽ được vinh danh đến muôn đời sau vì đã tuân theo ý muốn Đức Chúa Trời trên hết mọi điều.

Trong lúc bạn gặp phải những trở ngại, chống đối và bắt bớ đương khi đang bước trên con đường hẹp dẫn đến sự sống đời đời, hãy xem tấm gương Ma-ri và Giô-sép, những gì họ đã phải trải qua, kể từ thiên sứ mang đến tin tức sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời Ma-ri. Tôi tự hỏi bao nhiêu người trong chúng ta có thể nói những lời Ma-ri đã nói, khi những thách thức đang đè nặng lên đức tin:

“Tôi đây là tớ gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” (Lu-ca 1:38).

Liệu chúng ta có sẵn sàng đối mặt với mọi điều để tôn cao danh Chúa Jêsus trong đời sống chúng ta?


Bài: David Foo; dịch: Jennie
(Nguồn: thirst.sg)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *