Kỷ luật con cái theo Kinh Thánh

Oneway.vn – Cách đúng đắn để kỷ luật một đứa trẻ là gì? Đây là câu hỏi với hàng trăm câu trả lời. Nếu bạn hỏi tất cả các bậc cha mẹ bên ngoài, thì thật sự không có một phương pháp cụ thể để kỷ luật một đứa trẻ. Nhưng nếu dựa vào Kinh Thánh để tìm câu trả lời, bạn sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời rất rõ ràng với cách Ngài muốn bạn dùng để rèn luyện và kỷ luật con bạn. Vì vậy, làm thế nào để bạn kỷ luật con trẻ theo Kinh Thánh?

Đức Chúa Trời kỷ luật con cái Ngài.

Trước khi nói cụ thể về điều này, xin hãy tham khảo phân đoạn quan trọng này:

Hebrews/Hê-bơ-rơ 12:4-11 cho biết: “Anh em chống cự với tội lỗi còn chưa đến nỗi phải đổ máu. Anh em đã quên lời khuyên dành cho anh em như khuyên con,rằng: ‘Hỡi con ta, chớ xem thường sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa khiển trách, chớ ngã lòng. Vì Chúa sửa phạt người Ngài yêu thương, những ai được nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt’. Anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đối đãi anh em như con; vì có người con nào mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em không chịu sửa phạt như mọi người con đều phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chứ không phải con thật. Hơn nữa, cha về phần xác sửa phạt mà chúng ta còn kính sợ,huống chi Cha về phần hồn, chúng ta lại chẳng thuận phục bội phần hơn để được sống hay sao? Vì cha về phần xác theo ý mình sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích lợi cho chúng ta mà sửa phạt, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài. Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng,nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy”.

Đặc trưng của việc kỷ luật theo Kinh Thánh

Đức Chúa Trời chấp nhận việc kỷ luật con cái, như bạn đã thấy trong các câu trên. Phân đoạn đó cũng cho biết kỷ luật là một điều khó khăn phải chịu đựng. Kỷ luật không hề dễ chịu, nó đau đớn, nhưng rất xứng đáng vào thời điểm cuối cùng. Vậy, chính xác Chúa muốn bạn kỷ luật con mình như thế nào?

1. Hành động

Bạn cần phải kỷ luật con mình, đặc biệt là nếu bạn thấy con bạn đang làm những điều sai trái. Chúa kêu gọi bạn hành động. Nếu bạn cần phải dạy con của mình, hãy làm điều đó. Khi bạn muốn dạy dỗ con mình một điều gì, hãy làm những gì bạn nghĩ là cần thiết để dạy cho chúng, chỉ cần bạn không lạm dụng quyền lực và thẩm quyền của mình. Một số bậc cha mẹ có thể phạm sai lầm về việc đối xử con cái của họ như thể chúng là ông chủ; họ sợ con cái của họ nổi giận với họ. Kinh Thánh nói rằng kỷ luật sẽ gây ra nỗi đau cho cha mẹ, vì vậy hãy chấp nhận nếu con cái nổi giận với bạn trong vài giờ. Tận đáy lòng mình bạn biết rằng ý định của bạn là tốt, và con bạn cũng sẽ làm vậy một khi chúng lớn hơn.

2. Hành động và lời nói

Để sự kỷ luật có hiệu quả, phải có sự quân bình tốt giữa hành động và lời nói. Cha mẹ không chỉ  thực hiện các biện pháp kỷ luật, mà còn phải giải thích cho con mình biết tại sao hình phạt là cần thiết. Kỷ luật mà không giải thích là vô nghĩa. Bạn không thể chỉ nói với con mình rằng chúng đã làm điều gì đó sai và hậu quả thành ra như thế. Hãy nhớ rằng, kỷ luật con bạn không chỉ là kỷ luật cho có, nhưng bạn muốn chúng học một bài học có giá trị.

3. Tình yêu cân bằng với tính nhất quán

Ý niệm này khá là đơn giản. Nếu bạn yêu con mình, bạn phải kỷ luật chúng, và bạn phải nhất quán về điều đó. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên về điều này, nhưng đứa trẻ hiểu vấn đề cơ bản đằng sau sự sửa phạt. Con trẻ biết chúng đã làm điều gì đó tồi tệ, và bạn sẽ không bỏ qua sự sai trật đó. Các con thực sự biết rằng điều này là bởi vì bạn yêu chúng. Khi cha mẹ không chú ý đến con cái của mình hoặc thậm chí không quan tâm nếu chúng đang nghịch ngợm, đó là một dấu hiệu cho thấy đứa trẻ không được yêu thương.

Ngoài ra, bạn phải nhất quán với sự kỷ luật của mình. Bạn không thể nói rằng con mình phải bị quản thúc trong hai tuần lại rồi tha cho nó chỉ mới sau ba ngày. Điều đó phản ánh thế nào về bạn? Có thể bạn có sự tranh chiến của việc luôn muốn có mối quan hệ tốt với con mình, và vì vậy cuối cùng bạn sẽ thỏa hiệp với chúng. Tuy nhiên, điều này là phản tác dụng. Phải tuân thủ theo sự kỷ luật của bạn, và có sự nhất quán. Khi con của bạn lớn lên, chúng cũng sẽ giữ sự nhất quán trong cuộc sống của mình.

4. Mục tiêu cuối cùng là sự vâng phục

Bạn kỷ luật con bạn không phải vì muốn chúng sợ mình. Bạn kỷ luật con bởi vì muốn con mình vâng lời. Bạn muốn con mình hiểu rằng tại sao lại có các quy tắc đó. Và quan trọng hơn, bạn muốn chúng vâng lời bạn (cha mẹ) bởi vì điều này cuối cùng sẽ phản ánh sự vâng phục của chúng đối với Đức Chúa Trời. Nếu con bạn có thể tôn trọng các quy tắc của bạn ở nhà, thì chúng sẽ không có vấn đề gì khi hiểu các quy tắc của Chúa. Vâng lời chứa đựng tình thương và sự tin cậy.

Hãy lắng nghe những gì Đức Chúa Trời đang nói với bạn – Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo (Proverbs/Châm Ngôn 22:6). Nếu bạn yêu con mình giống như cách Chúa yêu bạn, đừng sợ hãi hoặc ngần ngại trong việc kỷ luật con mình. Hãy nhớ những đặc trưng của việc Chúa kỷ luật và xem nó như là một sự hướng dẫn trong thời gian tới khi bạn dạy dỗ một đứa trẻ không vâng lời. Ngoài ra, hãy ghi nhớ rằng kỷ luật không

phải là làm cho trẻ sợ hãi, nhưng chúng sẽ được thấm nhuần những giá trị mà chúng có thể sống khi lớn lên. Đó là nỗi đau ngắn để đạt được lợi ích lâu dài.

Hồng Nhung

dịch

Nguồn: christiantoday.com

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *