Đã lâu lắm rồi tôi không lên Khánh Bình, Nông Sơn. Thời Mục sư Phạm Mính còn quản nhiệm, tôi có lên đó đôi ba lần, lần cuối có lẽ là chuyến đi với đoàn công tác của Ban Y tế Xã hội khám bệnh và phát thuốc cho đồng bào tại đây, buổi trưa có nghỉ lại tại nhà thờ. Bốn năm qua, kể từ khi MS NC Nguyễn Thiện Dũng về quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Khánh Bình, tôi vẫn chưa có dịp trở lại, dẫu cũng đã vài ba lần lên thăm Hội Thánh Tin Lành Phước Bình, cách đó khoảng 7-8 cây số.
MS NC Nguyễn Thiện Dũng, Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Khánh Bình
Thế rồi một ngày mùa thu, tôi lại lên đường đến thăm Khánh Bình, như một lời chuộc lỗi. Đường lên Nông Sơn đã được sửa sang khá nhiều, dẫu chưa hoàn thành, đổ bê tông chỉ mới một nửa, nhưng cũng quá tuyệt vời so với trước đây. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh MS Phạm Mính, thời kỳ đầu mới lên quản nhiệm Khánh Bình, đi chiếc xe cub 90, chở theo gạo, thực phẩm, áo quần.. và bộ đồ nghề vá xe. Đường thì đá lổm chổm, đi xe giống như cỡi ngựa, vậy mà suốt mười mấy năm, ông vẫn kiên cường trước hoàn cảnh khó khăn đó để có được một Hội Thánh phước hạnh như hôm nay. Đèo Le như một thử thách cho mọi tay lái, vừa dốc lại vừa nhiều khúc quanh, từ chân đèo lên đỉnh cũng vài ba chục lần rẽ trái, rẽ phải…
Tôi đến nhà thờ Khánh Bình khá sớm, chỉ có vài ba người. Ở đây, giờ thờ phượng không giống dưới thành phố: 7g30 cầu nguyện, 8g học trường Chúa nhật, 9g nhóm thờ phượng. MS NC Nguyễn Thiện Dũng cho tôi hay, vì đa số con dân Chúa đều ở xa, cho nên Hội Thánh phải nhóm trễ một chút, có khi đến 11 giờ hoặc 12 giờ mới xong.
Nhà thờ Tin Lành Khánh Bình
Ngôi nhà thờ rất khang trang, phải nói là đẹp nằm giữa một vùng bán sơn địa, thật là điều hiếm có. Nằm cách thị trấn Trung Phước khá xa, nhưng nơi đây, dân cư lại đông đúc. Có lẽ sự giàu có tài nguyên của dòng sông Thu Bồn cũng như núi rừng đã khiến mọi người tụ họp về đây sinh sống. Lần theo lịch sử, Hội Thánh Tin Lành Khánh Bình được thành lập năm 1932, trước đây là một nhánh của Hội Thánh Tin Lành Thu Bồn, cả hai đều nằm trên tả ngạn sông Thu Bồn. Đây là một con sông lớn của vùng quê Quảng Nam, xuất phát từ vùng núi cao Ngọc Lĩnh, phía Tây Nam tỉnh. Qua Trà My, sông nhận nước của dòng sông Tranh, qua Tiên Phước, dòng sông Tiên lại đổ vào dòng chảy sông Thu, khiến nó càng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Dòng sông chảy từ hướng nam ra bắc khiến cho người dân Tiên Phước có câu ca: “Sông Tiên nước chảy ngược dòng…”
Lịch sử thăng trầm theo thời cuộc, biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra, nhưng điều kỳ diệu là qua bao nhiêu năm tháng, Hội Thánh Chúa vẫn vững vàng trên vùng đất đầy khó khăn này. Chúng tôi vẫn thường nghe kể lại câu chuyện của cố MS Lê Văn Từ, khi ông thuê ghe chở lương thực về cứu đói cho đồng bào và tín hữu trong trận lụt lịch sử năm 1964. Khi đoán được những người chèo ghe vì quá khó khăn nên có ý định hãm hại ông để lấy lương thực, ông bình tĩnh nói với họ: “Các anh đừng có làm bậy, cứ chở tôi về đến nơi đến chốn, các anh cũng sẽ có phần như mọi người. Nếu các anh giết tôi thì sẽ không có gì hết.”
Mấy người kia hoảng sợ, không hiểu vì sao mà ông Thầy Tin Lành này lại biết ý định của mình, bởi họ chưa hề nói ra. Họ bằng lòng vâng phục ông và chở ông về đến nhà thờ Khánh Bình. Kết quả họ đã được toại nguyện.
Cũng nên biết rằng trận lụt đó đã cuốn trôi nhà thờ Khánh Bình, nhà thờ Thu Bồn, khiến cho các Hội Thánh này phải chuyển nhà thờ đến một nơi an toàn hơn. MS NC Nguyễn Thiện Dũng chỉ cho tôi xem hồ báp têm và chiếc giếng của ngôi nhà thờ Tin Lành Khánh Bình cũ nằm bên bờ sông Thu Bồn. Thời gian đã phủ một màu đen lên thành giếng, thành hồ, vậy mà đã tròn năm mươi năm kể từ trận lụt lịch sử ấy. Những dấu ấn thời gian vẫn còn khắc ghi lại ký ức một thời cha ông chúng ta tại Trường giảng Tin Lành Khánh Bình (tên gọi dân gian chỉ nhà thờ Tin Lành lúc bấy giờ). Phía bên kia đường vẫn còn lại cây phượng già của gia đình một tín hữu, cũng vì trận lũ mà phải dời đi nơi khác…
Hồ báp têm và giếng nước còn lại của Trường giảng Tin Lành Khánh Bình ngày trước
Cây phượng già đã hơn 50 năm chứng kiến bao đổi thay…
Trên đường về, tôi lại ghé thăm Hội Thánh Tin Lành Phước Bình. TĐ Nguyễn Ngọc, Quản nhiệm Hội Thánh cho tôi biết, nhà thờ đang dần hoàn thiện phần thô. Do nơi đây là vùng thấp lũ nên nền nhà thờ phải nâng cao hơn mặt đường 1,5m, vậy mà cũng chỉ vừa ngang cây cầu phía trước đường. Trên diện tích chỉ vỏn vẹn 700m2, người thiết kế phải tận dụng tất cả các không gian để có được một ngôi nhà thờ kiên cố với sức chứa khoảng 150 người, mà vẫn có tháp chuông, nhà Giáo dục Cơ Đốc, tư thất, ngôi nhà nhóm tạm cũng được giữ lại để tận dụng cơ sở vật chất.
Lịch sử của Hội Thánh Tin Lành Phước Bình cũng nhiều thăng trầm như người anh em bên bờ sông Thu ấy. Hội Thánh được thành lập năm 1933. Ngày nay, khu đất Trường giảng Tin Lành Phước Bình vẫn còn đó, một khu đất khá vuông vắn nằm bên con đường đi lên nhà thờ hiện nay. Sau năm 1975, Hội Thánh Tin Lành Phước Bình phải nhóm tạm tại nhà các tín hữu, trải qua biết bao thăng trầm, mới có được khu đất như hiện nay. MS NC Nguyễn Đan Chiêu, người mở đầu cho kế hoạch xây dựng, và hôm nay, TĐ Nguyễn Ngọc, cũng là đồng hương Trường An với mục sư tiền nhiệm, đã tiếp nối công việc xây dựng ngôi nhà thờ mới.
Nhà nhóm tạm của Hội Thánh Tin Lành Phước Bình trước kia
TĐ Nguyễn Ngọc cho biết, Hội Thánh dự kiến tháng 1/2015 sẽ tổ chức lễ Khánh thành và Cung hiến Đền thờ. Nhà thờ Tin Lành Phước Bình quả thật là một món quà quí báu mà Thiên Chúa dành tặng cho những con dân Ngài nơi đây. Đã gần 50 năm rồi, họ chưa có được một ngôi nhà thờ theo đúng nghĩa. Nhưng nhờ sự chung tay góp sức của rất nhiều con dân Chúa khắp nơi, đền thờ Chúa được xây dựng, như một điểm sáng, một biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con dân Ngài nơi đây.
Con dân Chúa góp công xây dựng nhà thờ
Nhà nguyện tạm của Hội Thánh Tin Lành Phước Bình
TĐ Nguyễn Ngọc, Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Phước Bình đứng trước ngôi nhà thờ đang xây dựng
Thung lũng Nông Sơn thật đẹp trong những ngày nắng. Hai bên con đường là những cánh đồng lúa đã xong mùa gặt, tôi chợt nghĩ đến những mùa gặt thuộc linh tại đây trong quá khứ. Ước mong sao những người con Chúa nơi đây lại vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách để tiếp bước cha ông và những mùa gặt bội thu lại về trên cánh đồng Nông Sơn này.
Vẫn còn nhiều điều để nói, nhưng tình yêu Thiên Chúa sẽ mãi mãi sáng ngời trong tâm lòng của những người con Chúa nơi đây, tôi chợt nghĩ đến điều này khi thấy thập tự trên tháp chuông màu trắng của nhà thờ Phước Bình vươn cao giữa đất trời Nông Sơn. Rồi một ngày mai, trong sương sớm giữa đất trời thung lũng, tiếng chuông lại vang xa, vang xa, như là một lời mời gọi, nhắn nhủ…
Vũ Hướng Dương
(những tháng ngày thu)