Phần cuối: QUẾ SƠN, MỘT THỜI KHÔNG QUÊN
Sáng ngày 11/02/2014, tôi lại lên đường dự chương trình Hiệp nguyện của MSTĐ trong tỉnh. Tôi không đi theo những con đường quen thuộc, từ Hương An lên Đông Phú, hoặc từ ngã ba Cây Cốc lên Việt An rồi rẽ xuống Quế Sơn. Hôm nay, theo sự giới thiệu của MSNC Trần Văn Khôi, Quản nhiệm HTTL Hà Lam, tôi chạy lên đến nhà thờ Tin Lành Hà Lam, rồi dọc theo con đường bêtông mới làm phía trước nhà thờ, qua sông Ly Ly, ra Chợ Đàng rồi đến nhà thờ Quế Sơn. Đường khá gần, chỉ khoảng 15km, rất thoáng, dễ đi.
HTTL Quế Sơn, đối với tôi không hề xa lạ. Từ khi MS Đinh Văn Tư còn quản nhiệm ở đây, tôi thường hay lên xuống để giúp đỡ ông một số việc, dạy Thánh kinh hè cho thiếu nhi, thiếu niên, dạy nhạc… Sau này, khi MS Phan Ân về quản nhiệm, tôi cũng thường đến, ghé thăm ông, bởi ông cũng là Mục vụ của TLH nữa. Các anh chị em tại Quế Sơn, bao năm rồi vẫn vậy, vẫn những con người ấy: Lai, Hồng, Hiền, Tuyết, Đồng, Hà, Thu Ba, Ánh…, vẫn gắn bó với công việc Chúa tại quê hương mình. Dĩ nhiên, Quế Sơn hôm nay đã quá nhiều thay đổi. Cơ sở Cơ Đốc Giáo dục được xây mới, HT cũng đông vui hơn, ổn định hơn. Lên Quế Sơn lại có nhiều đường hơn, tốt hơn. Ngồi nói chuyện với MS Phan Ân về sức khỏe của ông, về những câu chuyện gặp mặt của các cựu cô nhi TL Nha Trang… tôi lại thấy vui vì sự gần gũi, thân thiện của một vị lãnh đạo Giáo hội. Thật lòng mà nói, tôi phục MS ở một điều, khi có những điều gì chưa đạt, ông không bao giờ la trách tôi mà chỉ dùng những từ rất nhẹ nhàng để điều chỉnh, và dĩ nhiên là tôi không thể nào không vâng phục được. Riêng bà MS Phan Ân, bao giờ cũng như một người chị tinh thần, một phần bà là chị của một người anh em cựu cô nhi TL Nha Trang, một phần vì sự gần gũi, chân tình đối với chúng tôi…
Nhà thờ Tin Lành Quế Sơn đầu tiên (ảnh Thánh Kinh báo)
Nhà thờ Tin Lành Quế Sơn hiện nay
MS Phan Ân, Quản nhiệm HTTL Quế Sơn
Khi đi dạo một vòng, khi nhìn lại ngôi nhà thờ, tôi mới giật mình, mới đó mà đã trên 20 năm rồi, kể từ khi xây dựng lại nhà thờ như hiện nay. Trong lịch sử, HTTL Quế Sơn được thành lập từ HTTL Tam Kỳ, chỉ sau Hội Thánh mẹ 1 năm (1927). Xem Thánh Kinh báo, chúng ta dễ dàng thấy, nhà thờ Tin Lành Quế Sơn hồi ấy giống hệt như nhà thờ Tin Lành Tam Kỳ, có lẽ cả hai chung một bản vẽ. Tuy nhiên thời gian về sau, mỗi HT đều có những chặng đường khác nhau, nếu Tam Kỳ luôn ổn định, không bị hư hoại bởi chiến tranh thì nhà thờ Quế Sơn đã bị đổ nát vào năm 1972, sau những trận chiến ác liệt. Đó là ngôi nhà thờ đã xây lại, chứ không phải nhà thờ đầu tiên. Tôi đã sưu tầm được tấm hình ông bà MS Nguyễn Văn Sĩ đứng trên đống đổ nát của nhà thờ Tin Lành Quế Sơn, chỉ còn lại một bức tường một bên mặt tiền, và thú vị thay, bức tường đó vẫn còn được giữ lại cho đến bây giờ. Hơn bốn mươi năm trôi qua, bao cuộc đổi dời, nhưng thời gian như dừng lại khi tôi đứng bên bức tường kỷ niệm ấy và dưới chân nó là hai ngôi mộ, một của những “Nạn nhân chiến cuộc Mùa hè đỏ lửa” (nguyên văn) và một, của hai người con của ông bà MS Nguyễn Văn Sĩ, về Nước Chúa ngày 18/8/1972. Tôi lặng người, không dám để cho những xúc cảm của mình dâng trào, có một khoảng trống vắng nào trong tâm tư lại tràn về, đã bao nhiêu năm rồi, dù chỉ là một kẻ hậu sinh, nhưng tôi cũng không thể làm ngơ được trước những điều quá xót xa như vậy…
Kinh Thánh Hè năm 1971 (ảnh tư liệu của HTTL Quế Sơn)
Ông bà MS Nguyễn Văn Sĩ đứng giữa cảnh đổ nát của nhà thờ TL Quế Sơn, bức tường nhà thờ bên góc phải hiện vẫn còn đến bây giờ (ảnh sưu tầm trên internet)
Bức tường còn lại và hai ngôi mộ
Sau năm 1975, nhà thờ Quế Sơn được xây dựng, bằng những gì còn lại của nhà thờ Tin Lành Phú Trung. Không biết chi tiết này có chính xác hay không, nhưng tôi cũng đã đến và thấy ngôi nhà thờ này rồi, nó khá nhỏ. Và đến năm 1993, MS Đinh Văn Tư đã cùng HT xây dựng lại một ngôi nhà thờ khá lớn, khá đẹp cho tới bây giờ.
Nói đến Quế Sơn tôi lại nhớ đến những cô bé, cậu bé đã một thời gắn bó. Nói là vậy, nhưng hiện nay đa số các em đã có gia đình. Nào Trang, nào Na, nào Lộc… Riêng Lộc thì tôi không thể nào quên được những tháng ngày cùng nhau trong lớp Thánh Kinh hè năm xưa, khi cuộc sống còn khá vất vả. Buổi chia tay cuối cùng làm các em khóc nức nở, và bản thân tôi cũng không cầm được nước mắt. Tôi đã dốc lòng cầu nguyện cho các em, có một tương lai tươi sáng trong Chúa, một cuộc đời thành công trong bước đường Hầu việc Ngài. Lộc về lại quê nhà Việt An với một bao tải đựng áo quần, Kinh Thánh, sách vở. Hồi đó, do không có điều kiện tổ chức nên HTTL Việt An gởi các em lên Quế Sơn học Thánh Kinh hè. Tôi hỏi Lộc, em đi về bằng gì, em trả lời, đi bộ, nếu xin được xe của ai đó thì về. Chặng đường từ Quế Sơn về Việt An trên 10km, ngày hôm nay đi lại rất dễ dàng, còn cách đây trên 20 năm thì khác, chưa kể đường xấu, khó đi. Cái chất phát, hồn nhiên của em như vậy làm tôi nhớ mãi, và dầu đến hôm nay, em đã trưởng thành, đã là một người lo cho sinh viên tại HTTL Hòa Mỹ, nhưng đối với tôi, em bao giờ cũng là Lộc của ngày xưa, của những ngày khó khăn, vất vả, nhưng rất giàu tình yêu thương trong Chúa.
Quá khứ là vậy, có thể có những điều chúng ta quên, nhưng có những điều luôn phải nhớ, bởi nó là nguồn động lực, nguồn cảm hứng cho cuộc sống hôm nay và cả ngày mai.
Cuộc sống trôi qua từng ngày, mỗi ngày đều có những điều thú vị, hấp dẫn riêng của nó như từng trang sách mới, điều quan trọng là chúng ta nhìn ra nó, và có biết tận hưởng nó hay không. Tháng 2 này vẫn còn nhiều chuyến đi, vẫn còn những nhiều lần phải lăn bánh, chỉ mong sao Chúa ban cho có sức khỏe, có niềm vui… để mỗi chuyến lên đường, tôi học được những bài học quí báu cho riêng mình, để luôn thấy đời mãi vui, ngày mãi đẹp, dẫu mưa nhiều, nắng rát, nhưng điều đó chỉ là những nét chấm phá thêm phần thi vị cho cuộc hành trình của tôi trên mỗi chặng đường quê hương.
Vũ Hướng Dương
Bài vở cộng tác xin gởi về: [email protected]