Oneway.vn – Điều rất quan trọng là phải biết chia sẻ Phúc Âm đúng cách với những người tự coi mình là đồng tính, song tính hay chuyển giới (cộng đồng LGBT).
Là Cơ Đốc nhân sống trong nền văn hóa hiện đại, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ Phúc Âm với mọi người, bất kể tình trạng giới tính của họ như thế nào. Bài viết này là một phần của bài giảng gồm 2 phần về cách chia sẻ Phúc Âm với những người tự coi mình là LGBT.
Nhiều Cơ Đốc nhân cảm thấy sợ hãi về việc chia sẻ với người đang có vấn đề về giới tính và tình dục. Nguyên nhân của sự sợ hãi này thường là do tư duy của họ bị ảnh hưởng bởi văn hóa và phương tiện truyền thông, vốn cho rằng những người không đồng ý với hôn nhân đồng tính, và tin vào quan điểm của Kinh Thánh về tình dục và giới, là những người thù ghét cộng đồng LGBT.
Cơ Đốc nhân có thể từ bỏ trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ Tin Lành với những người LGBT chỉ vì một số nền văn hóa ở một số quốc gia đã chấp nhận lối tư duy phi Kinh Thánh về tình dục. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải biết cách chia sẻ Tin Lành với tất cả mọi người. Trong các đoạn sau đây, tôi sẽ chia sẻ phương pháp và chiến lược hiệu quả nhất của tôi trong chức vụ.
Tôi điều hành một chức vụ truyền giáo và vươn tới cộng đồng. Tại đây, tôi và và những cộng sự đã thực hiện rất nhiều những mục vụ đường phố và vươn ra cộng đồng. Tôi đã chăm sóc cho nhiều người LGBT hơn là Cơ Đốc nhân “trung bình”. Chúa Thánh Linh đã hướng dẫn tôi cách để chăm sóc người gặp vấn đề về giới tính, chứ không chỉ những trường hợp phạm tội về tình dục.
Nếu bạn gặp khó khăn không biết cách chia sẻ Phúc Âm với một người tự coi mình là LGBT thì điều tôi sắp chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn rất nhiều.
Điều quan trọng bạn phải hiểu rằng nhiều người trong cộng đồng LGBT thường có thái độ phòng thủ chống lại các Cơ Đốc nhân. Lý do của điều này là vì có thể họ đã trải qua sự chống đối và lên án gay gắt của các Cơ Đốc nhân trong suốt cuộc đời của họ. Hoặc cũng có thể là vì trong họ có gốc rễ của sự nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời và bị áp chế nặng nề bởi ma quỷ. Và vẫn còn, lý do khác là bởi vì các phương tiện truyền thông thường mô tả đạo đức và niềm tin Cơ Đốc một cách quá đáng và thiếu chính xác. Cũng có thể có nhiều sự pha trộn giữa ba điều này trong từng trong mỗi cá nhân.
Khi tôi chia sẻ Phúc Âm với một người LGBT, họ thường sẽ đưa vấn đề tính dục của họ lên hàng đầu trong cuộc trò chuyện. Thay vì tranh luận với họ cụ thể về chủ đề đồng tính, tôi sẽ bắt đầu nói chuyện với họ về “định dạng”. Khi làm mục vụ này, chúng ta rất dễ bị mắc kẹt trong những tranh luận thậm chí là cãi lộn qua lại về chủ đề đồng tính. Phúc Âm chủ yếu đề cập đến trái tim và tấm lòng. Vậy nên, tốt hơn hết nên tránh những lập luận vô nghĩa của tâm trí.
Câu hỏi đầu tiên tôi sẽ hỏi người mà tôi đang chia sẻ là họ đã nhận dạng giới tính hiện tại của mình bao lâu rồi. Đây là một câu hỏi quan trọng để hiểu họ đến từ đâu. Có phải đó là quyết định gần đây không? hay chỉ là một quyết định đã được họ chấp nhận từ lâu rồi? Câu trả lời cho phép tôi biết rõ hơn cách tiếp cận tình hình.
Từ đó tôi sẽ hỏi anh ấy hoặc cô ấy xem liệu có sự kiện nào trong đời đã làm họ bị tổn thương không. Đôi khi, có thể họ sẽ chia sẻ rằng họ đã trải qua tình trạng lạm dụng tình dục khi còn nhỏ, lần khác họ có thể chia sẻ về một mối quan hệ khủng khiếp với cha mẹ, hoặc thậm chí là với người phối ngẫu cũ. Đôi khi, họ sẽ không muốn trả lời, hoặc họ sẽ nói rằng họ đã không trải qua bất kỳ sự tổn thương nào. Điều quan trọng là phải không rụt rè khi đặt câu hỏi. Nhiều lần, mọi người sẵn sàng nói về tổn thương và sang chấn của họ, đặc biệt nếu họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa khi nói chuyện với chúng ta.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng dựa trên kinh nghiệm nhiều năm của mình, tôi thấy thường có tổn thương sâu trong cuộc sống của những người LGBT. Đáng ngạc nhiên là họ cũng luôn sẵn sàng chia sẻ về nó. Họ thường không tin rằng những vết thương trong quá khứ lại dẫn họ đến sự lựa chọn khuynh hướng tình dục của mình. Tuy nhiên, tôi đã thấy mọi người chia sẻ rõ ràng về cuộc sống của họ với tôi mặc dù họ chỉ vừa gặp tôi vài phút trước đó.
Dù vậy, tổn thương trong quá khứ không phải là lý do chính đáng để cho phép bất cứ ai có thể biện hộ tội lỗi mình trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không thể chấp nhận tội lỗi của bất cứ con người nào dù họ là ai và đã từng trải qua điều gì trong quá khứ. Romans/Rô-ma 1:20 nói rõ ràng là tất cả nhân loại “không thể bào chữa được“.
Thông tin được chia sẻ trong cuộc trò chuyện giúp tôi hiểu rõ hơn về cách chia sẻ Phúc Âm với họ. Tôi đã từng chia sẻ về Chúa với một cô gái trẻ tuổi, người vừa quyết định trở thành một người đồng tính nữ. Cô ấy đi cùng bạn gái của mình khi tôi chia sẻ với hai người họ về Đấng Christ. Cô ấy mở lòng đối với tôi và nói với tôi rằng cô ấy đã bị hãm hiếp hai năm trước đó, và cô ấy ám chỉ rằng có những vấn đề lạm dụng tình dục khác từ đàn ông trong suốt cuộc đời của cô ấy. Cô ấy nói rằng cô ấy không còn tin tưởng đàn ông nữa. Biết về những vết thương trong cuộc sống của cô ấy đã giúp tôi hiểu rõ hơn nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để biết cách giúp đỡ và hướng dẫn cô ấy.
Tất cả mọi người cần được tha thứ tội, dù tội lỗi ấy có nặng nề ra sao. Sau khi đối phó với những thương tổn có thể đã dẫn dắt một người đến lựa chọn hiện tại, thì điều quan trọng là phải đối phó với sự thật rằng mỗi người trong thế gian đều có một định dạng tội lỗi.
Tôi sẵn sàng bỏ qua sự mơ hồ có thể xuất hiện trong tâm trí của họ, bằng cách giúp họ nhận biết họ là tội nhân và họ cần đến một vị cứu tinh, chứ không chỉ giúp họ đối diện với sự vi phạm trong tính dục. Ví dụ, nếu tôi chỉ đối phó với một vấn đề về tình dục của họ, họ sẽ dễ dàng nghĩ: “Ồ, anh ấy nói với tôi về Chúa Jesus chỉ bởi vì tôi là LGBT”. Không, sự thật là ngay cả khi họ không đấu tranh với các vấn đề về khuynh hướng tình dục, họ sẽ chỉ cần sự cứu rỗi và tha thứ qua Chúa Cứu Thế Jesus như bất kỳ người nào khác. Trong cuộc trò chuyện, tôi sẽ chia sẻ điều này, và kết quả là sự phòng thủ và bức tường thành kiên cố của người đó được hạ xuống đủ thấp để cuộc trò chuyện được tiếp tục sâu và xa hơn.
Từ đó, tôi sẽ thảo luận với họ về những tội lỗi khác như nói dối, ăn cắp, gian lận, ghét người, dục vọng, và sau đó giải thích cho họ cách mà tất cả những tội này đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Tôi sẽ nói với họ cách chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời về tất cả tội lỗi của chúng ta, rằng tội lỗi của chúng ta đã ngăn cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời, và tội lỗi của chúng ta đã đặt chúng ta dưới sự phán xét của Ngài.
Điều này giúp tôi giải thích thêm cho họ rằng mỗi người trong thế giới này đều có vấn đề về sự nhận dạng. Và vấn đề ở chỗ chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta đã sa ngã và nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời và điều này dẫn đến những hậu quả khủng khiếp trong cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người khác. Và, một trong những ảnh hưởng tồi tệ nhất của tội lỗi là khả năng làm mù nhận thức con người. Tôi sẽ giải thích rằng Chúa Jêsus đã đến để giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và khỏi một kiểu giới tính mà Ngài không bao giờ định cho chúng ta, và Ngài đã làm điều này bằng cách cất tội lỗi của chúng ta đi và mang hình phạt cho tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá. Tất cả điều này đặt nền móng vững chắc cho những gì sẽ được thảo luận trong phần hai.
Trong phần hai, tôi sẽ tiếp tục giải thích các ví dụ cụ thể sẽ rất ích lợi cho tín hữu trong việc truyền đạt lẽ thật rằng mỗi người đều có vấn đề nhân dạng mà chỉ có ăn năn và tin nhận Phúc Âm mới có thể giải quyết được.
David Hoffman là nhà truyền giáo và là giám đốc của Kingdom Enterprises – Mục vụ truyền giáo ở Tucson, Arizona. Niềm đam mê của ông trong chức vụ là vươn tới những người hư mất bằng Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Jesus, đốt cháy niềm đam mê truyền giáo trong cuộc sống của những tín hữu, và giúp trang bị cho họ một đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh và có Đấng Christ làm trung tâm của đời sống. Kingdom Enterprises chuyên cung cấp các khóa đào tạo truyền giáo miễn phí cho các cá nhân, nhóm và Hội Thánh. Để biết thêm thông tin hoặc liên hệ với Kingdom Enterprises, hãy truy cập vào HisKingdomEnterprises.com.
Tác giả: David Hoffman; Hadassah Phạm dịch
Nguồn: christianpost.com
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!