Lời chứng: Sự biến đổi của một tín đồ Ấn Độ giáo sùng đạo

Oneway.vn – Trong Tin Lành Giăng, Chúa Jêsus nói về ý nghĩa của sự tái sinh với người cai trị dân Giu-đa là Ni-cô-đem, vì ông tò mò nhưng cũng bối rối.

Khi giải thích sự khác biệt giữa sinh ra theo cách thông thường và tái sinh nhờ Đức Thánh Linh, Chúa Jêsus nói với Ni-cô-đem: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:8).

Lời này cũng là kinh nghiệm của riêng tôi về sự tái sinh. Vào thời điểm tin nhận Chúa, tôi là  nghiên cứu sinh của chương trình tiến sĩ kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Princeton, là kiểu người phải biết rõ những thứ như gió đến từ đâu và gió đi đâu. Mặc dù vậy, tôi vô cùng bối rối trước những gì đã xảy ra. Giống như Ni-cô-đem, nguồn gốc và kết quả của việc tái sinh nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi.

Nhìn lại các sự kiện trong cuộc đời, hơn 20 năm sau khi được biến đổi, tôi có thể thấy rõ hơn cách Chúa làm việc phía sau “hậu trường”. Cuộc đấu tranh chống lại Ngài bởi sự thiếu hiểu biết và niềm kiêu hãnh của tôi hoàn toàn là vô ích.

Vượt quá sự hiểu biết tôi

Tôi lớn lên ở miền nam Ấn Độ trong một thành phố nhỏ. Anh em tôi là thế hệ đầu tiên tốt nghiệp trung học, nên việc tôi theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ do NASA tài trợ hoàn toàn là phép lạ. Và giống như nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh, phép lạ nào cũng có một mục đích sâu xa hơn: kéo tôi đến với Đấng Christ.

Quê hương tôi nổi tiếng trong giới Ấn Độ giáo vì những ngôi đền lịch sử và một tu viện nổi tiếng. Ấn Độ giáo tồn tại trong đất, nước và không khí. Tôi lớn lên trong một gia đình Ấn Độ giáo sùng đạo. Cam kết của tôi với Ấn Độ giáo ngày càng sâu sắc, khi rời khỏi nhà năm 11 tuổi để học tại trường nội trú điều hành bởi một lãnh đạo Ấn Độ giáo nổi tiếng, tại đây tôi đã xuất sắc vượt hơn mong đợi của gia đình và giáo viên. Lời chứng của Phao-lô trong Ga-la-ti 1 “tôi tấn tới trong giáo Giu-đa hơn nhiều người cùng tuổi cùng nước với tôi” (câu 14) cũng giống như sự tấn tới của tôi trong Ấn Độ giáo. Nhiều năm sau, tôi trở thành lãnh đạo Hiệp hội sinh viên Ấn Độ giáo tại Princeton.

Trước khi đến đó, tôi đã được tiếp xúc với Cơ Đốc giáo qua bạn bè, qua sự nổi bật của các trường cao đẳng Công giáo ở Ấn Độ và các bộ phim Cơ Đốc phát hành ở Mỹ. Tôi cũng tò mò về các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Tôi nhớ đã nhìn thấy các biểu tượng trong nhà thờ Chính thống giáo và Công giáo, và nghĩ rằng chúng cũng giống với các vị thần mà tôi tôn thờ. Tôi không xem Cơ Đốc giáo là khác biệt với Ấn Độ giáo, mà chỉ nghĩ đó là tôn giáo thích hợp cho một xã hội khác.

Mặt khác, tôi khinh miệt sâu sắc các giá trị văn hóa và đạo đức Cơ Đốc, vì chúng được đại diện bởi văn hóa phương Tây. Giống như hầu hết tín đồ Ấn Độ giáo ngày nay, tôi nghĩ rằng đó là một hình thức đồi trụy. So với lời dạy của Ấn Độ giáo, Cơ Đốc giáo nghe có vẻ lỏng lẻo. Trong tâm trí tôi, Chúa Jêsus có thể đủ điều kiện trở thành một trong số nhiều vị thần, nhưng không có gì hơn thế. Cam kết của tôi với Ấn Độ giáo cũng chứa đựng yếu tố dân tộc mạnh mẽ (và thế giới quan đằng sau nó), điều này dẫn đến sự ngờ vực và ác cảm sâu sắc đối với việc chuyển đổi tôn giáo, đặc biệt là Cơ Đốc giáo.

Mặc dù vậy, Chúa vẫn đang làm việc, chuẩn bị cho tôi tiếp nhận Ngài thông qua tình bạn của tôi với một nghiên cứu sinh. Khi làm việc cùng nhau hơn 12 giờ mỗi ngày, tôi tôn trọng anh ấy như một đồng nghiệp, và cuối cùng tôi trở thành bạn thân với anh và gia đình anh. Trong vài dịp, câu chuyện về ‘thập tự giá Đấng Christ’ xuất hiện khi chúng tôi trò chuyện. Cảm thấy rằng tôi đang thiếu một điều gì đó, bạn tôi giải thích rằng Chúa Jêsus Christ đã chết vì tội lỗi chúng ta để hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời.

Đây là điều tôi chưa bao giờ nghe trước đây. Và điều đó đã xúc phạm tôi! Tôi là người sùng đạo sâu sắc, siêng năng phấn đấu để trở nên tốt hơn. Làm sao bạn tôi có thể nghĩ rằng một người như tôi lại là tội nhân cần được cứu rỗi? Vâng, tôi có vấn đề, nhưng tôi có khả năng tự sửa chữa nó! Tại sao tôi cần Chúa Jêsus chịu tội lỗi tôi chứ?

Vì tôn trọng người bạn và cũng là nhà nghiên cứu đồng nghiệp, tôi đã yêu cầu anh ta cung cấp bằng chứng về thập tự giá. Anh ấy khuyên tôi đọc cuốn Mere Christianity/Cơ Đốc giáo của C. S. Lewis, tác giả mà tôi đã biết qua các tác phẩm nổi tiếng khác của ông. Nhưng tôi nhận ra rằng mình cần phải trực tiếp đến với nguồn gốc, vì vậy tôi nhờ bạn mình mua cho một quyển Kinh thánh.

Trong vài tháng tiếp theo, những câu chuyện Kinh thánh xuất hiện thường xuyên trong khi chúng tôi trò chuyện. Tôi không thích dụ ngôn về người con trai hoang đàng chút nào, một phần vì Chúa không thể nào giống như người cha mù quáng trong câu chuyện đó. Ông ta nên khen ngợi hành động đạo đức tốt đẹp, chứ không phải bênh vực hành vi nổi loạn vô trách nhiệm. Tôi đứng về phía người con trai cả, vì anh ta tốt nên không cần ân điển. Dụ ngôn người Pha-ri-si và người thu thuế (Lu-ca 18: 9-14) cũng khiến tôi tức giận. Làm sao một người lừa gạt người khác lại có kết cục tốt hơn một lãnh đạo tôn giáo tuân theo mọi quy tắc? Tôi phải đi đến tận cùng của “Cơ Đốc” này.

Sau những lý luận “thông minh” của tôi, Chúa đã cho tôi thấy việc chống lại Ngài là hoàn toàn vô ích, cũng giống như sự kháng cự của Phao-lô trước khi được biến đổi (Công vụ 26:14). Trong một thời gian ngắn ngủi nhưng dứt khoát, Chúa đã phơi bày suy nghĩ kiêu ngạo sai lầm của tôi, thứ tôi đặt ra dựa trên sự thịnh vượng về tài chính, thành công trong học tập và mối quan hệ bền chặt với gia đình. Trong một thời gian ngắn, tôi đã trải qua những thất bại bất ngờ và không thể giải thích được trong mọi lĩnh vực. Thất bại đến theo nhiều cách, nhưng hậu quả đều là sự tàn phá. Bằng cách loại bỏ nền tảng yếu ớt mà tôi đang cố xây dựng cuộc đời mình trên đó, Chúa đã phơi bày sự thật về con người vô cùng yếu đuối của tôi, đặc biệt là tôi không hề có khả năng khắc phục những đổ vỡ trong mối quan hệ. Tôi cảm thấy đau đớn hơn những gì mình tưởng tượng, và cuộc sống tôi không còn sự bình an trước đây nữa.

Biết không còn lối thoát nào khác, tôi quyết định tự kết liễu cuộc đời mình. Giữa bóng tối, một giọng nói trong tôi vang lên: “Đây là lý do Chúa Jêsus phải chết vì bạn”. Giọng nói ấy đến từ hư không, nhưng ngay lúc đó, sự tan vỡ của tôi đã phơi bày một sự đổ vỡ lớn hơn trong mối quan hệ tôi với Chúa. Không còn gì để mất, tôi đã yêu cầu bạn tôi đưa tôi đến nhà thờ. Tôi gọi cho anh ấy vào một sáng Chúa nhật, khi gia đình anh đang đến nhà thờ để thờ phượng Chúa. Sáng hôm đó tôi đã được nghe Tin Lành, và đáp lại bằng một tấm lòng tan vỡ rộng mở.

A-na-nia và Ba-na-ba

Kinh nghiệm trở thành Cơ Đốc nhân của tôi không đột ngột như bật một chiếc công tắc. Tin vào Phúc âm không tự động giúp tôi trở nên giống Đức Chúa Jêsus Christ hoặc sinh ra bông trái ngay lập tức. Trong khi tuyệt vọng khao khát món quà của sự tha thứ, tôi phải gồng mình thay đổi mọi thứ về cuộc sống và thế giới quan. Do khác biệt to lớn giữa Cơ Đốc giáo và Ấn Độ giáo trước đây, tôi phải nuôi dưỡng cuộc sống mới của mình trước khi có thể tăng trưởng tâm linh.

Về mặt tâm trí, tôi vật lộn với ba câu hỏi: Chúa là ai? Tôi là ai? Mối quan hệ của tôi với Chúa là gì? Càng suy ngẫm về những câu hỏi này, tôi càng thấy rõ rằng câu trả lời của Ấn Độ giáo và Cơ Đốc giáo hoàn toàn không giống nhau. Tôi phải từ chối điều này để nhận được điều kia. Tôi phải bắt đầu lại cuộc sống mới này từ con số không tròn trĩnh, đơn giản là vì tôi không có nền tảng hay kiến thức để hiểu về danh tính mới của mình.

Phao-lô cần một A-na-nia để châm ngòi cho sự biến đổi của ông, nhưng ông cũng cần một Ba-na-ba để đồng hành cùng mình trong hành trình đức tin mới. Cũng tương tự như vậy, Chúa đặt để những người hỗ trợ mà tôi cần để phát triển như một môn đồ. Trong khi Ấn Độ giáo cho rằng một tôn giáo gắn liền với con người từ khi họ sinh ra, thì Cơ Đốc giáo dạy rằng mỗi cuộc đời được cứu dưới chân thập tự giá. Cộng đồng Cơ Đốc không quan tâm tôi sinh ra như thế nào, nhưng chỉ quan tâm đến việc tôi được tái sinh: lời xưng nhận đức tin của tôi, sự cam kết trong mối tương giao và mong muốn được sống trọn vẹn vì Đấng Christ.

Mỗi hành trình biến đổi trở nên Cơ Đốc nhân chân chính đều là phép lạ, là sự biến đổi từ cái chết tâm linh sang sự sống đời đời, từ kẻ thù trở thành con cái Chúa. Chúa chắc chắn rất vui mừng với những trường hợp trông như không có hy vọng biến đổi, giống như Phao-lô là kẻ bắt bớ đạo, để rồi khi được tái sinh, ân điển dư dật của ông có thể tỏa sáng hơn tất cả. Khi xem xét sự khác biệt giữa con người cũ và cuộc sống mới của tôi trong Đấng Christ, tôi vô cùng kinh ngạc trước công việc cứu chuộc của Ngài, và chỉ biết quỳ xuống tôn ngợi Danh Ngài.

 

Bài: Kamesh Sankaran; dịch: Daisy

(Nguồn: christianitytoday.com)

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *