Oneway.vn – “Tôi biết ơn Chúa Jêsus khôn tả khi Ngài đã can thiệp vào cuộc đời tôi, giải thoát tôi khỏi tội lỗi và biến đổi xu hướng của tôi”.
Tôi thầm cảm thấy xấu hổ về danh tính của mình là một người đồng tính nam, mặc dù người khác sẽ không bao giờ biết điều đó qua số lượng bạn trai mà tôi liên hệ, các quán bar đồng tính tôi thường lui tới, và các cuộc diễu hành của cộng đồng LGBT mà tôi tham dự.
Việc lớn lên là một người đồng tính ở Dallas, Texas vào những năm 1980 là một bí mật đáng xấu hổ. Thế giới xung quanh tôi lúc bấy giờ chống lại lối sống đó. Gia đình theo đạo Công giáo La Mã của tôi, bạn bè trong trường dòng của tôi và xã hội nói chung ít nhiều đều đồng ý rằng hành vi đồng tính là sai trái. Phần lớn mọi người, đặc biệt những người tôi quen biết, đều tỏ ra gớm ghiếc khi nhắc đến điều đó. Không cần phải nói, tôi phải giữ kín bưng mọi chuyện.
Nhưng lúc 16 tuổi, trải nghiệm đầu tiên tại một cuộc diễu hành “niềm tự hào đồng tính” (gay pride) đã bắt đầu khiến tôi bộc lộ chính mình hơn. Cuối cùng, tôi đã tìm thấy một thế giới nơi tôi cảm thấy được chấp nhận hoàn toàn, một thế giới nơi những ham muốn thầm kín của tôi không có gì là bất thường, một thế giới hứa hẹn sự tự do không giới hạn. Ở những sự kiện này, hành vi đồng tính không chỉ được chấp nhận mà còn được tôn vinh.
Trên thực tế, khái niệm “hành vi đồng tính” đã trở nên lỗi thời khi một ý niệm khác mạnh mẽ hơn xuất hiện: nhân diện đồng tính (gay identity). Đã qua rồi cái thời người ta xem đồng tính luyến ái là một loại hành vi tính dục bất hợp pháp hoặc lệch lạc. Một thời kỳ mới đã mở ra, tôi có thể tự hào không chỉ về hành vi của mình, mà quan trọng hơn, về nhân diện của mình. Còn cách nào tốt hơn để ăn mừng thực tế mới này bằng một cuộc diễu hành theo phong cách baroque hoành tráng phủ đầy những lá cờ cầu vồng? Tất cả đều biểu thị một cuộc cách mạng — một cuộc cách mạng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có kết quả hơn cuộc cách mạng tính dục của thập niên 1960.
Tiếng súng vang lên vào ngày 28 tháng 6 năm 1969 ở quận Greenwich Village của thành phố New York, tại một quán bar đồng tính tên là Stonewall Inn. Vào đầu giờ sáng, cảnh sát đã đột kích vào quán bar và bắt giữ khách khứa trong đó, lấy lý do là quán phục vụ rượu mà không có giấy phép. Thực tế là New York muốn loại bỏ triệt để các quán bar đồng tính nên đã sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết để làm điều đó. Cuộc đột kích ấy đã dẫn đến một loạt các cuộc bạo động vào những đêm tiếp theo, cuối cùng tạo điều kiện cho cộng đồng đồng tính đoàn kết thành một lực lượng chính trị hùng mạnh. Vào ngày 28 tháng 6 năm 1970, các cuộc tuần hành “niềm tự hào đồng tính” đầu tiên đã diễn ra tại New York, Los Angeles, Chicago và San Francisco. Ngày nay, nhiều người Mỹ ăn mừng tháng 6 là “Tháng tự hào” để kỷ niệm những sự kiện này.
Những lần đầu trải nghiệm quan hệ tình dục đồng tính ở trường trung học, tôi cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Tôi nhớ như in những lần đó. Phải mất nhiều ngày để cảm giác xấu hổ vơi đi, nhưng cũng như bất kỳ tội lỗi nào, càng làm nhiều, trái tim người ta càng chai lì. Khi chuyển đến sống ở Los Angeles sau đại học, tim tôi hầu như đã chai đá. Cảm giác xấu hổ và tội lỗi cuối cùng đã biến mất khỏi tâm trí – hoặc tôi nghĩ thế.
Nhưng cho dù con người chúng ta cố gắng che giấu sự xấu hổ đến đâu chăng nữa, tôi tin rằng vết tích của nó vẫn còn đó, tận sâu trong tâm khảm. Tôi nghĩ tôi luôn có cảm giác xấu hổ nào đó về danh tính và hành vi của mình là một người đồng tính nam, mặc dù người khác sẽ không bao giờ biết được bởi số lượng bạn trai đáng kể mà tôi quan hệ, các quán bar đồng tính tôi thường lui tới, và các cuộc diễu hành “tự hào đồng tính” mà tôi tham dự mỗi năm ở Los Angeles, New York và San Francisco.
Thế rồi, cách đây 10 năm, tôi đã có một cuộc gặp gỡ bước ngoặt với Chúa Jêsus, và mọi thứ thay đổi. Cho đến thời điểm đó, tôi là một người vô thần thực tế. Tôi gặp một số người lạ ở quán cà phê và họ mời tôi đến nhà thờ Tin Lành của họ ở Hollywood. Bất chấp sự kháng cự bên trong, tôi đã đi, và đó là ngày tôi được biến đổi hoàn toàn bởi Phúc Âm. Không có cách nào khác để mô tả ngoài hai chữ “siêu nhiên”. Tình yêu của Chúa tràn ngập trong tôi. Ngay lập tức, tôi biết ngay rằng hành vi đồng tính là tội và tôi đã phải từ bỏ nó. Nhưng điều đó không làm tôi thối lui, bởi vì tôi đã được gặp Chúa Jêsus, Vua của vũ trụ, và cảm thấy một sự thôi thúc rất rõ ràng và thực tế rằng tôi phải từ bỏ cuộc sống đó, phải vác thập giá của mình và đi theo Ngài. Cuộc sống của tôi chưa bao giờ trở lại như trước. Mười năm sau, tôi vẫn chỉ một mình và chưa có gia đình, nhưng tất cả hoàn toàn xứng đáng.
“Niềm tự hào đồng tính” hứa hẹn rất nhiều điều: Tự do thay vì gò bó; khẳng định thay vì lên án; tính nguyên bản (sống đúng với “con người thật của mình”) thay vì che giấu; chấp nhận thay vì khước từ; sức mạnh thay vì sự yếu đuối. “Niềm tự hào đồng tính” vẽ lên bức tranh về một thế giới ảo tưởng, nơi người ta có thể hãnh diện trong tội lỗi mình mà không có hậu quả.
Trái lại, Phúc Âm mới thực sự đem đến những điều đó: Phúc Âm giải phóng con người khỏi sự xấu hổ thay vì vòng lẩn quẩn vô tận của mặc cảm tội lỗi, sợ hãi và hối tiếc; sự nhận làm con nuôi của Đức Chúa Trời, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài; ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời được phát huy trọn vẹn trong sự yếu đuối của con người; sự phục hồi khi Ngài làm mọi thứ trở nên mới. Phúc Âm cho chúng ta thấy thực tại về Đức Chúa Trời, Đấng không chỉ tha thứ tội của chúng ta mà còn giải thoát chúng ta khỏi những tội đó, xoay chuyển xu hướng của chúng ta. Phúc Âm đem đến cuộc đời mới — bây giờ và vĩnh cửu — thay vì sự chết.
“Niềm tự hào đồng tính” đã làm cho tôi nhìn đen ra trắng, xấu ra tốt, tội lỗi ra thiêng liêng. Suốt những năm tháng đó, tôi tưởng mình được giải phóng về tính dục, nhưng thật ra, tôi đang bị giam hãm. “Niềm tự hào đồng tính” thể hiện những viễn cảnh tuyệt vời mà con người sẵn sàng hướng tới để hợp lý hóa tội lỗi, thậm chí gọi điều mà lẽ ra phải cảm thấy ngược lại: niềm tự hào đồng tính.
Nhưng ngay cả khi bị bao phủ bởi sự lừa dối này, vẫn có hy vọng: Khi chúng ta đặt niềm tin vào Đấng Christ, Ngài sẽ tẩy sạch mọi điều đáng xấu hổ, xóa mọi tội lỗi và che đậy nỗi xấu hổ của chúng ta bằng chiếc áo công chính của Ngài. Sứ đồ Phao-lô đã nói rất rõ về điều này trong thư gửi cho hội thánh Cô-rinh-tô: “Trước đây anh em có đôi người như vậy. Nhưng trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ và trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, anh em đã được thanh tẩy, được thánh hóa và được xưng công chính” (I Cô-rinh-tô 6:11). Đây quả thật là tin tức tốt lành.
“Niềm tự hào đồng tính” đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tôi suốt 25 năm. Tôi biết ơn Chúa Jêsus khôn tả khi Ngài đã can thiệp vào cuộc đời tôi, giải thoát tôi khỏi tội lỗi và biến đổi xu hướng của tôi. Đấng Christ chỉ cho tôi thấy rằng nhân diện của tôi là ở trong Ngài chứ không phải ở xu hướng tình dục của tôi, và Thánh Linh Ngài ban cho tôi quyền năng để sống một cuộc đời xứng đáng với sự kêu gọi của mình. Tôi không còn phải giả vờ rằng tôi tự hào là một người đồng tính. Tôi có thể yên nghỉ trong niềm vui không lay chuyển khi biết rằng tôi là con của Thượng Đế, là người được Đức Vua chọn và yêu thương.
Tác giả: Becket Cook; Dịch: Blessie
(Nguồn: boundless.org)
Leave a Reply