Khi còn nhỏ, tôi rất thích theo Chúa Jesus. Tuổi thiếu niên, tôi luôn tìm cách nói với mọi người về Chúa. Thời sinh viên, tôi học tập để trở thành nhà truyền giáo. Khi làm giáo viên trường tư thục, tôi say mê giảng dạy Phúc âm. Là vợ mục sư, tôi là một phụ nữ mẫu mực. Tôi đã làm mọi việc để để trở nên tin kính.
Tôi dành cả khoảng thời gian đó để yêu thương, học tập, giảng dạy, kỷ luật và làm việc. Tôi là một Cơ Đốc nhân. Tôi nghĩ rằng mình đã được cứu. Nhưng không.
Con đường đến với sự cứu rỗi thật sự bắt đầu khi vợ chồng tôi trở thành đối tác nghiêm túc với một cơ quan truyền giáo. Nhiệm vụ đầu tiên chúng tôi được giao đã thay đổi mạnh mẽ cuộc đời tôi.
Bắt đầu khó khăn để mạnh mẽ hơn
Với mong muốn tham gia vào Hội Thánh địa phương, chúng tôi đã họp với mục sư. Cuộc họp này diễn ra không như dự đoán. Thay vì những cái ôm để bắt đầu mối quan hệ đối tác giữa chúng tôi, tôi đã rời đi trong nước mắt. Mục sư chỉ đơn giản yêu cầu tôi diễn giải Phúc âm, và trong khi biết rõ sứ điệp này, tôi vẫn không làm được. Tôi cảm thấy thất bại. Thật là xấu hổ. Nhưng Chúa đã sử dụng thảm họa này để khiến trái tim sắt đá của tôi trở nên mềm mại.
Tôi biết mình nên vượt qua sự việc xấu hổ này, nhưng vẫn cảm thấy rằng có gì đó bất ổn. Không chỉ việc diễn giải Phúc âm; có một sự thiếu sót sâu sắc hơn ẩn giấu trong tâm linh tôi. Tôi nhận ra rằng tôi sợ chết. Nói đúng hơn, tôi sợ địa ngục. Nhưng khi thành thật nhất với chính mình, tôi không chắc rằng tội lỗi mình có xứng đáng phải nhận địa ngục không. Nhưng tôi phớt lờ suy nghĩ ấy và tiếp tục làm một Cơ Đốc nhân.
Suy nghĩ này đã lớn hơn nhiều khi chồng tôi nhận chức vụ. Bây giờ tôi đang là vợ mục sư. Bề ngoài tôi trông rất “Cơ Đốc”, nhưng bên trong vẫn canh cánh câu hỏi về sự cứu rỗi của mình.
Sau đó, tôi đã tìm được mảnh ghép bị mất cho bức tranh hoàn hảo của mình.
Ngày phán xét
Vào đêm lễ thương khó năm 2007, tôi nhận ra mình là một tội nhân.
Buổi tối hôm đó tôi đã lên chia sẻ về chủ đề tội lỗi cho mọi người, nhưng chính tấm lòng tôi lại tan vỡ và biết mình tội lỗi đến nhường nào.
Tôi cảm thấy tồi tệ về tội lỗi cả cuộc đời mình. Nhưng đức tin thời thơ ấu của tôi bắt nguồn từ những ảnh hưởng bên ngoài – được dạy dỗ Kinh Thánh, được cha mẹ dạy thế nào là đúng sai và chính Đức Thánh Linh cũng giúp những người chưa được cứu “tự cáo về tội lỗi” (Giăng 16: 8). Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ được cáo trách bởi “thần mới” (Ê-xê-chi-ên 36: 26-27).
Nhưng vào đêm thương khó ấy, tôi đã nhận thức rõ rằng tội lỗi kinh tởm của tôi đã biến tôi thành kẻ thù của Chúa. Tội lỗi khiến tôi bị tách biệt đời đời với Đấng tạo ra tôi và tội lỗi tôi đã đóng đinh Chúa Jesus trên thập tự giá. Khi tôi bắt đầu biết mình có tội, Tin Lành Đấng Christ trở nên sống động hơn cả chân lý.
Sau nhiều năm trông như một Cơ Đốc nhân, nói chuyện như Cơ Đốc nhân, và làm mục vụ với tư cách là Cơ Đốc nhân, cuối cùng tôi cũng đã thấy được khao khát mãnh liệt hướng về Đấng Cứu Rỗi của mình. Và chỉ khi ấy, Chúa mới cứu tôi.
“Người tốt” cần Tin Lành
Lớn lên trong Hội Thánh có thể gây “tác dụng phụ”. Được phát triển giữa những giáo lý tốt đẹp và tin kính, chúng ta nghĩ rằng mình đang gần gũi với Chúa. Thêm một số kiến thức Kinh Thánh và lòng khao khát “làm điều công chính”, bạn đã có “công thức” cho một Cơ Đốc nhân chưa được cứu. Thật dễ dàng khi cuộc sống tràn ngập những lời dạy về Chúa và chuẩn mực tin kính, nhưng sự thật tôi chỉ đang đánh lừa chính mình và những người khác rằng tôi là một “người tốt”.
Tất nhiên, không có “người tốt” nào theo tiêu chuẩn của Chúa cả; đó chính là sự thật mà tôi không thể hiểu được. Chúa Jesus đã kể một câu chuyện cho những người như tôi:
“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.
Giống như người Pha-ri-si luôn tự cao rằng mình rất giỏi, họ quá bận rộn để so sánh bản thân với người khác đến nỗi không thấy được sự thấp hèn của mình trước Chúa. Họ làm những việc tin kính, tham vọng về mặt tâm linh, nhưng họ vẫn không được cứu. Giống như tôi, họ có một tấm lòng “Pha-ri-si” – không thể nào được cứu.
Nhưng sau đó, cũng có những người kêu cầu Chúa, nhận ra mình tuyệt vọng khao khát lòng thương xót Ngài. Họ đứng khiêm nhường trước Chúa xin Ngài tha thứ. Họ nhận ra mình chưa bao giờ là người tốt, nhưng họ bám vào Đấng Cứu Rỗi hoàn toàn tốt lành. Linh hồn họ đã được cứu chuộc; giờ đây họ là người công chính (Lu-ca 18:14).
Chỉ am tường về Chúa vẫn chưa đủ
Kể cả những người cho rằng mình “nên thánh” cũng thường ảo tưởng về việc mình được cứu. Nhưng chỉ trừ khi tấm lòng chúng ta kêu cầu khẩn thiết: “Chúa ơi, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi!”
Đáng buồn thay, nhiều người đứng trước Chúa nghĩ rằng mình được cứu vì có một “bản lý lịch” Cơ Đốc tốt đẹp (Ma-thi-ơ 7: 21-23). Nhưng việc làm không bảo đảm sự cứu rỗi, ủng hộ Chúa Jesus không có nghĩa bạn là Cơ Đốc nhân, thậm chí nhận biết tội lỗi và cố gắng vâng lời cũng không đảm bảo bạn được cứu.
Mọi người gia nhập vào nhà thờ (và chức vụ) vì nhiều loại lý do, trong khi lại thiếu điểm mấu chốt sống còn. Chúng ta cần được biến đổi bên trong tấm lòng, khao khát Đấng Christ hơn bất cứ điều gì (Ma-thi-ơ 13: 44-46). Còn không, chúng ta chỉ là một linh hồn chưa được cứu.
Nỗi đau, niềm vui vinh hiển
Thật buồn khi phải thừa nhận rằng sau nhiều năm truyền giáo và nỗ lực làm mục vụ, tôi vẫn không phải là Cơ Đốc nhân. Nhưng không có gì tốt hơn khi nhận ra Cứu Chúa đã chết thay cho tôi. Gạt bỏ niềm kiêu hãnh của mình, tôi đã có được sự sống đời đời. Biết rằng những “kinh nghiệm thuộc linh” của mình chỉ đơn thuần là hiểu biết loài người, tôi đã nhận được sự tha thứ. Thật đau đớn khi thừa nhận mình là kẻ giả hình, nhưng đổi lại tôi có được niềm vui thật khi được trở thành con cái Chúa.
Nếu bạn nhận ra mình đang theo đuổi một điều gì đó khác hơn Chúa Jesus, đừng che giấu điều đó. Hãy chôn vùi niềm kiêu hãnh của bạn. Hãy thừa nhận bạn rất cần Phúc âm. Hãy hạ mình xuống như người thu thuế, và cầu xin Chúa tha thứ. Hãy tin rằng Chúa Jesus đã chịu thay cơn thịnh nộ mà lẽ ra bạn phải nhận. Hãy xoay khỏi những “kinh nghiệm thuộc linh” của bản thân và hướng về Chúa Jesus trong sự ăn năn và đức tin thật (Công vụ 20:21).
Sự sống đời đời phụ thuộc vào sự công bình; đừng để sự “sùng đạo” đánh lừa bạn.
Bài: Heather Pace, dịch: Hồng Nhạn
(nguồn: christianity.com)
Leave a Reply