Oneway.vn – Cơ Đốc nhân, và kể cả những người không tin Chúa, trên khắp thế giới đều kỷ niệm ngày lễ Giáng sinh là ngày Chúa Giê-xu, Đấng Mê-si-a được sinh ra trong máng cỏ tại thành Bết-lê-hem bé nhỏ ở xứ Do Thái. Dù Chúa Giê-xu có sinh vào ngày 25 tháng 12 hay không, thì sự giáng sinh của Ngài cũng là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử.
Nhưng còn Mùa Vọng thì sao? Có phải là bốn tuần trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh không? Chúng ta có cần phải kỷ niệm giai đoạn trước ngày Chúa Giê-xu được sinh ra không?
Nếu xem xét các câu chuyện giáng sinh của Chúa Giê-su trong sách Phúc Âm Ma-thi-ơ và Lu-ca, cũng như đoạn mở đầu của sách Phúc Âm Giăng, bạn sẽ thấy Đấng Mê-si-a đã được báo trước từ rất lâu trong các sách tiên tri, và kể cả trong năm sách của Môi-se. Điều này chứng tỏ việc Chúa Giê-xu đến đã được nhiều người báo trước vào thế kỷ đầu tiên ở xứ Pa-lét-tin.
SỰ HY VỌNG
Toàn bộ cốt truyện của Kinh Thánh được xây dựng đến đỉnh điểm là sự giáng sinh của Đấng Mê-si-a trong máng cỏ hơn hai ngàn năm trước. Đầu tiên là câu chuyện A-đam và Ê-va đã ăn trái cấm, và Chúa ban lời hứa về một người sẽ bị con rắn cắn gót chân (Sáng thế ký 3:15). Sau đó, khoảng 2100 năm trước Chúa, Đức Chúa Trời đã chọn một gia đình, là gia đình Áp-ra-ham, để làm nguồn phước cho mọi dân tộc qua con trai ông I-sác và dòng dõi của ông (bao gồm Gia-cốp, sau này đổi tên thành Y-sơ-ra-ên).
Một ngàn năm sau, vào năm 1000TC, Đức Chúa Trời đã chọn Đa-vít làm vua xứ Do Thái. Đấng Mê-si-a không chỉ thuộc dòng dõi Áp-ra-ham, mà còn là dòng dõi của vua Đa-vít. Đa-vít được xem là “người được Đức Chúa Trời yêu” (1 Sa-mu-ên 13:14). Tuy nhiên, ông đã phạm tội tà dâm và tội giết người. Điều này chứng tỏ lời hứa ban Đấng Mê-si-a không được ứng nghiệm trong thời vua Đa-vít hay con trai ông, Sa-lô-môn, người rơi vào bi kịch cưới vợ ngoại bang.
CHỜ ĐỢI HÀNG THẾ KỶ
Trước khi mọi thứ trở nên tốt hơn thì chúng ta thấy mọi thứ trở nên tồi tệ. Đầu tiên, sau khi Sa-lô-môn chết, vương quốc bị chia làm hai là vương quốc phía Bắc và phía Nam. Sau đó, nước Y-sơ-ra-ên (phía Bắc) và nước Giu-đa (phía Nam) bị các cường quốc ngoại bang đánh chiếm và dân sự bị lưu đày. Cuộc lưu đày đến A-si-ri năm 722 TC, và cuộc lưu đày đến Ba-bi-lôn trong ba đợt khoảng năm 606 và 586 TC, để trừng phạt và khiến dân Y-sơ-ra-ên khiêm nhường. Sau bảy mươi năm lưu vong, một số được trở về Đất Thánh, nhưng những ngày vinh quang của vương quốc Đa-vít rõ ràng đã không còn nữa.
Đền thờ của Sa-lô-môn được tái xây dựng (được gọi là Đền Thờ thứ hai), nhưng thời đại mới này mang đặc điểm là ít có tiếng nói của tiên tri. Thực ra, mặc dù các phong trào khởi nghĩa Mác-ca-bê đã khôi phục lại tiêu chuẩn của độc lập chính trị của các chúa tể ngoại bang trên Y-sơ-ra-ên, nhưng chức thầy tế lễ ngày càng mục nát – đến nỗi một nhóm dân đã quay lưng lại, ghê tởm tình trạng ở Đất Thánh và quyết định chuyển đến khu vực gần Biển Chết (cộng đồng Qumran nổi tiếng với các Cuộn Giấy Biển Chết).
LỜI TIÊN TRI
Tất cả sự kiện này đều với mục đích chung là dọn đường cho Đấng Mê-si-a. Khi Ma-thi-ơ mở đầu sách phúc âm của mình, ông giới thiệu Chúa Giê-xu là con cháu của Áp-ra-ham và con cháu của Đa-vít, ông chia gia phả của Chúa Giê-xu trong ba phần, với mười bốn thế hệ mỗi phần: từ Áp-ra-ham đến Đa-vít, từ Đa-vít đến thời kỳ lưu đày, và từ thời lưu đày đến Chúa Giê-su. Tương tự như vậy, Lu-ca cho chúng ta biết trong Chúa Giê-xu, con cháu của A-đam, Con Đức Chúa Trời, rất nhiều những lời hứa xưa đã được ứng nghiệm chính xác nhất. Cuối cùng, Giăng mô tả Chúa Giê-su là Ngôi Lời có từ trước, Ngôi Lời trở nên xác thịt trong Chúa Giê-xu.
Với những người đã chấp nhận sứ điệp Giáng sinh – rằng Chúa Giê-xu được sinh bởi nữ đồng trinh để cứu chuộc dân Do Thái và là Cứu Chúa của thế gian – đây cũng là một phần trong câu chuyện của họ, một câu chuyện về sự cứu chuộc được thừa nhận và kêu gọi tham gia với Chúa Giê-xu trong chức vụ của Ngài dành cho thế giới.
Dịp Giáng sinh đánh dấu sự kiện giáng sinh của Đấng Mê-si-a, Đấng mà đã được chờ đợi từ lâu, nhưng còn nhiều về Đức Chúa Giê-xu hơn là ngày Ngài được sinh ra.
CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH LỚN HƠN
Đó là lý do vì sao có Mùa Vọng. Mặc dù các truyền thống khác nhau của giáo hội đã phát triển những cách đặc biệt về sự giáng sinh của Chúa Giê-xu, nhưng tiền đề cơ bản của truyền thống Mùa Vọng là rất chắc chắn: Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu không tự nhiên mà đến. Chúa giáng sinh là đỉnh cao của thế kỷ, thậm chí là thiên niên kỉ, gắn kết sự kỳ vọng về sự đến của Đấng Mê-si-a và Cứu Chúa của nhân loại.
Hãy luôn nhớ câu chuyện lớn hơn về lời hứa của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài, vậy chúng ta có thể hiểu trọn vẹn hơn lời tuyên rao của thiên sứ trong câu chuyện giáng sinh của Lu-ca theo văn cảnh Kinh Thánh:
“Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Mừng, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân: Hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.” (Lu-ca 2:10–11)
Đây không phải là em bé bình thường. Đây cũng không phải sự Giáng sinh tầm thường, nhưng Chúa chính Ngài đã đến trong thân xác con người. Đây là sự Giáng sinh quan trọng nhất trong lịch sử thế giới. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của Tin Lành, Chúa trong thân xác con người đến giải cứu loài người khỏi tội lỗi, đau khổ, hủy hoại và sự chết. Điều này quá vinh hiển đến không thể nào chỉ kỷ niệm trong một ngày được
Một ngày quan trọng như ngày Giáng sinh đáng cho Mùa Vọng bốn tuần để chuẩn bị và vui thỏa. Chúng ta sẽ muôn đời kinh ngạc về sự giáng sinh của chính Đức Chúa Trời để cứu dân Ngài ra khỏi tội, và bốn tuần Mùa Vọng trong sự kính sợ là chỗ tốt đẹp để bắt đầu.
CTV Kim Dung
Theo desiringgod.org
Leave a Reply