Oneway.vn – Nếu biết trước mình chỉ còn vài ngày để sống, bạn sẽ làm gì? Cuộc sống chúng ta hiện đã ý nghĩa cho Chúa, nhất là cho những người xung quanh chưa, hay ta sẽ cố gắng dốc sức trong vài ngày sau cuối? Đã bao giờ bạn nghĩ: “người khác sẽ nhớ gì, nghĩ gì về tôi khi tôi qua đời?”
Về nhà Cha
Con người thường thích tiệc tùng – những nơi vui vẻ, đông đúc, đầy tiếng cười, ít ai muốn chứng kiến cảnh đau thương, bầu không khí ảm đạm của tang lễ. Nhưng Kinh Thánh chép: “Đi đến nhà tang chế, hơn là đến nhà yến tiệc, vì đó là điểm cuối cùng của mọi người, và người sống để tâm suy nghĩ” (Ecclesiastes/Truyền đạo 7:2 – BHĐ).
Thật vậy, tang lễ vừa qua của một người chị, một người đồng công trong công tác hầu việc Chúa với rất nhiều người thăm viếng, an ủi, chia sẻ, tâm tình… đã để lại trong chúng tôi không chỉ sự thương cảm, mất mát, nhưng rất nhiều suy ngẫm.
Người đời có câu: “Khi bạn sinh ra, mọi người cười còn bạn khóc. Hãy sống sao khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn cười”. Người đã đi rồi có cười được đâu? Nhưng tôi tin người chị đồng lao của tôi – một con cái yêu dấu của Chúa – đang vui cười nơi vinh hiển và ngợi khen Đức Chúa Trời.
Dù biết thế, nhưng mọi sự mất mát, chia lìa đều khiến người ở lại ít nhiều bàng hoàng, tiếc thương.
Tôi rất sợ bản thân không cầm được nước mắt, vô tình làm tăng thêm nỗi đau cho người khác, cho gia đình, người thân và bạn bè chị. Tôi cũng không biết phải an ủi thế nào cho đúng, cho đủ, cho nguôi ngoai sự ra đi quá đột ngột này. Tôi chọn bước vòng quanh, chậm rãi nhìn từng hình ảnh của chị được gia đình đặt tại góc nhà tang lễ. Và tôi cảm ơn Chúa vì chị không đơn độc, mải cho đến giây phút cuối cùng. Tuy ở lại Việt Nam một mình, trong khi ba mẹ và em trai ở nước ngoài, nhưng chị có Hội Thánh, có gia đình YWAM, gia đình anh em đồng công hầu việc Chúa…
Luôn nhận phần thiệt cho mình
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo” – (Proverbs/Châm ngôn 22:6).
Được biết, từ nhỏ chị đã được ba mẹ dạy dỗ bằng Lời Chúa, dạy cách cầu nguyện, bước đi, tin kính Chúa và rồi lớn lên, chị đã tự nguyện dâng mình hầu việc Ngài. Với gia đình, chị yêu thương, trách nhiệm; với con cái Chúa và bạn bè đồng lao, chị hợp tác chân thành; với tha nhân, chị dốc đổ cầu nguyện, dẫn đưa họ về nhà Cha. Tình yêu của Chúa luôn tuôn tràn qua đời sống chị…
Thiên Ân là tên chị. Một cái tên ba mẹ đặt nhưng gói ghém tất cả tình yêu mà họ dành cho chị và cho Chúa. Bởi chị chính là ân điển, là ơn phước Chúa ban cho gia đình. Bác Tấn Hoàng – ba chị nhớ lại: “Hồi nhỏ, có lần bác nói với Thiên Ân nếu bạn chơi ‘xấu’ con thì con đừng chơi với họ nữa. Nhưng nó nhất quyết: ‘Những người như vậy mình càng phải tìm hiểu và nâng đỡ họ chứ ba? Vậy mình mới bày tỏ tình yêu của Chúa cho họ được…’”.
Mẹ chị – cô Mỹ Phượng – tiếp lời: “Thiên Ân thường tâm sự, xin ý kiến ba mẹ trong từng việc lớn nhỏ. Mỗi khi cần tư vấn cho các em thiếu niên, nó đều hỏi chúng tôi cách xử lý. Chúa cho Thiên Ân được ơn trong công tác hướng dẫn thiếu niên…”.
Chia sẻ được ít phút, cả hai lại tất bật tiếp đón khách đến thăm hỏi, ủi an. Chúng tôi chạnh lòng nhìn “đầu bạc tiễn đầu xanh”, vai họ như oằn xuống vì nỗi đau mất mát quá lớn, nhưng mặt họ vẫn dạt dào niềm tin, tình yêu, hy vọng, vì họ chắc chắn rằng sẽ còn gặp lại đứa con yêu dấu một ngày không xa.
Chị Yến – chị họ của chị Thiên Ân – ngân ngấn nước mắt, cố cắm cúi lau bụi bẩn quanh bàn, giọng lạc đi: “Hai bác ấy không muốn mọi người nhìn thấy nỗi đau mất con sâu thẳm trong lòng. Thiên Ân được về với Chúa là phước hạnh cho em ấy và cả cho hai bác. Em ấy rất mực nhẫn nhịn, dịu dàng. Kể cả khi mình gây ra lỗi trước thì lúc nào Ân cũng là người nhận, rằng do Ân không quan tâm đủ, không hiểu đủ nên mới để xảy ra như vầy…”.
Nhìn bé Yến Linh – 3 tuổi, con chị Yến – hồn nhiên chạy đùa quanh, chị nghẹn ngào: “Mới vừa qua phụ dọn nhà với dì Hai, chơi với dì Hai, vậy mà… Con bé thương dì Hai lắm, nó cứ hỏi dì Hai ngủ chừng nào dậy, chừng nào được chơi với dì Hai nữa?”.
Mai Anh, em dâu của Thiên Ân ngậm ngùi: “Chị ấy rất nhẹ nhàng, tình cảm; không bao giờ đối xử với người khác theo cách họ đối với chị, mà luôn chấp nhận phần thiệt cho mình. Với ý Chúa, chị luôn vui lòng đón nhận, vâng phục. Chị thường chia sẻ phương châm sống của mình ‘Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy’ (Isaiah/Ê-sai 50:4)”.
Người tâm vấn quên mình
Không chỉ với người thân, với bạn bè, đồng nghiệp, Thiên Ân cũng để lại rất nhiều hình ảnh đẹp, tràn ngập yêu thương…
Chị Phượng – Hội Thánh Liên hiệp Truyền giáo – bạn thân, cùng hầu việc Chúa với Thiên Ân ở tổ chức YWAM (Thanh niên với Sứ mệnh) kể: “Nhiều khi phát bực vì Thiên Ân quá quan tâm đến người khác mà quên mất bản thân mình. Nhưng cảm ơn Chúa vì Ngài đã kêu gọi, đặt để trong bạn ấy tấm lòng và ân tứ tâm vấn…”.
Chúng tôi hỏi chơi thân như vậy có bao giờ các chị giận dỗi, mâu thuẫn? Giọng chị lắng xuống: “Có chứ! Nhưng Thiên Ân luôn là người hỏi thăm, làm hòa trước, luôn nhận lỗi và chịu thiệt về mình. Chúa cho bạn ấy ân tứ lắng nghe, khuyên nhủ mọi người. Cùng học với nhau, nhưng có người mình tiếp cận được, có người không; nhưng với Thiên Ân, bạn ấy luôn có thể khích lệ người khác bằng tình yêu và sự quan tâm”.
Một người bạn, người em khác của Thiên Ân – chị Hương Ly, Hội Thánh Sứ mạng Đấng Christ – cho biết Thiên Ân là cố vấn của chị trong suốt khóa học DTS – Discipleship Training School/Trường Huấn luyện Môn đồ hóa). Không cầm được nước mắt, chị chia sẻ: “Ly chưa bao giờ ngừng cảm ơn Chúa về cuộc đời và tấm lòng chị: những yêu thương chân thật, sự chăm sóc chu đáo, ân cần, sự lắng nghe, chia sẻ, khích lệ, khuyên bảo, dạy dỗ, cầu thay và làm gương cho Ly nếp sống chính trực, khiêm nhường, yêu mến và vâng phục Chúa từng bước đi trong đời…”.
Chương trình của Chúa
Nhìn tang khách an ủi nhau bằng những nụ cười, những vòng ôm, những cái siết tay che giấu nước mắt, niềm đau, chúng tôi chợt nhớ đến nhân vật Tabitha, người nữ được Kinh Thánh nhắc: “người làm nhiều việc lành và hay bố thí” (Acts/Công vụ 9:36-42). Tôi dại dột hỏi Chúa: Tại sao Chúa lại cất chị đi? Sao Chúa không để chị tiếp tục khích lệ, gây dựng nhiều người nữa? Và Đức Thánh Linh lập tức nhắc nhở tôi: “Chúa có chương trình tốt đẹp của Ngài mà trí hiểu hạn hẹp của con không thể dò lường”.
Chị Như – Hội Thánh Gia Định – thoáng tiếc nuối: “Thiên Ân ra đi đột ngột quá! Nhưng là phước hạnh của Ân: được về với Chúa một cách nhẹ nhàng, trong lúc đang hầu việc Chúa mạnh mẽ nhất. Ân chỉ thay đổi nơi thờ phượng Chúa từ dưới đất lên Thiên Đàng thôi!”.
Thật vậy, hầu việc Chúa là công việc không có điểm dừng.
Tôi vẫn nhớ những ngày đầu bỡ ngỡ và nhiều thiếu sót khi tiếp nhận công việc mới với các anh chị cộng tác viên dịch thuật của Oneway. Chính chị Thiên Ân là người động viên, khích lệ tôi rất nhiều. Chị – một người hoàn toàn xa lạ – đã cho tôi cảm giác gần gũi, cảm thông và trên hết là tình thân trong Chúa khi tương tác, làm việc cùng nhau.
Cưu mang cho giới trẻ
Cảm phục tấm lòng chị, tôi còn được khích lệ hơn bởi sự cưu mang của chị với giới trẻ.
Em Ny Phụng – Hội Thánh Baptist Thiên Ân, Đà Lạt – ấm ức: “Em vẫn không tin, không chấp nhận được chị Thiên Ân đã đi rồi! Chỉ thương em lắm, xem em như em ruột, cho em sự ấm áp, an ủi… Chị giúp em nhận ra em có giá trị đối với Chúa, em được Chúa yêu thương. Nhiều hôm ngủ lại nhà chị, nửa đêm thức giấc, thấy chị sửa lại, đắp chăn lại cho em. Hôm trước khi ra đi, chị nói mai mốt dù không có chị nhắc nhở, em vẫn phải vững tin nơi Chúa, nhìn Chúa mà bước đi. Chị còn hỏi em nếu gặp Chúa, em sẽ hỏi Ngài câu gì? Chưa có ai quan tâm em như vậy, chị chính là người nữ của yêu thương…”.
Bạn Ny Ánh – Hội Thánh Thông Tây Hội, người ở cùng nhà trọ với Thiên Ân – chia sẻ trong nước mắt: “Tối nào chị cũng tâm sự, cầu nguyện và nhắc tụi em học Kinh Thánh. Chị chu đáo lo cho tụi em từ chỗ ở cho đến đồ ăn thức uống. Từ thuộc thể đến thuộc linh. Mới tuần trước, chị còn tranh thủ tìm nhà trọ của con cái Chúa để an toàn cho tụi em. Chị luôn lên kế hoạch, lên lịch chi tiết cho mọi việc: chị còn định tham gia khóa đào tạo Mục vụ, chị định đi Hà Nội làm công tác dịch thuật… Chị muốn dấn thân hầu việc Chúa nhiều hơn nữa…”.
“Đời người ngắn ngủi, ví thể hoa rơi…” (*)
Bạn Quốc Bảo – Ban Thanh niên Hội Thánh Thông Tây Hội – nói: “Chị không để mình trở thành ‘ai-đồ’ (idol) của bất kỳ ai, nhưng qua chị, em thấy mình gần Chúa hơn mỗi ngày. Buổi cầu nguyện cho tang lễ chị với hàng trăm người tham dự. Nhiều người chưa tin Chúa thắc mắc ‘cô gái trẻ này là ai, làm gì mà nhiều người đến viếng vậy?’. Nhờ thế, em có cơ hội làm chứng về Chúa cho họ, về đời sống tin kính, về tình yêu Chúa qua cuộc đời chị. Chị yên nghỉ trong Chúa nhưng những gì chị làm vì Danh Chúa còn mãi mãi…”.
Chúa ban cho người sự sống và cũng chính Ngài là Đấng cất đi hơi thở. Chúng ta không thể chọn nơi được sinh ra, nhưng Chúa cho chúng ta tự do chọn cách sống và nhất là nơi sẽ về khi ta qua đời.
Trước sự hữu hạn của đời người
“như cỏ hoa, rồi bị phát; người chạy qua như bóng, không ở lâu dài” (Job/Gióp 14:2), bạn chọn đầu tư Nước Trời hay vẫn để lòng mình chìm đắm trong thế gian, nơi “có sâu mối, ten rét làm hư” (Matthew/Ma-thi-ơ 6:19)? Bạn và tôi, chúng ta đã và sẽ học được gì từ Thiên Ân – cô con gái của Chúa – một “Người nữ của yêu thương”. Amen!
Linh Ân – Hoàn Nguyện
(*): Thánh ca 164
* Mọi thông tin phản hồi hay câu chuyện thực của chính bạn, của người thân, của tín hữu trong Hội Thánh làm chứng hoặc những người xung quanh mà bạn biết rõ; vui lòng gửi về: [email protected]. Chúng tôi luôn trân trọng tất cả những chia sẻ, những ý kiến đóng góp và bài vở của Quý vị!
Ban Biên Tập