Oneway.vn – “Em bé Napalm” do nhiếp ảnh gia Nick Út, phóng viên hãng AP, chụp tháng 6/1972, trở nên nổi tiếng khắp thế giới và nhận được giải thưởng Ảnh Báo chí Pulitzer. Nhân vật chính của bức ảnh – cô Phan Thị Kim Phúc – được nhiều người biết đến. Vậy những nhân vật ‘thứ chính’ – 4 đứa trẻ còn lại trong bức ảnh ngày ấy giờ ra sao?
Gặp lại bé trai ‘vai phụ’
“Bất ngờ” – đó là cảm giác của tôi khi tình cờ và hân hạnh được gặp một trong số những người có mặt trong bức ảnh lừng lẫy ấy: chú Phan Thành Phước, em ruột của cô Phan Thị Kim Phúc, năm nay 50 tuổi, một tín hữu đang sinh hoạt tại Điểm Nhóm Tân Châu (Chi Hội Tây Ninh), khi chú đang tất bật giúp đoàn bác sĩ CBN Việt Nam khám chữa bệnh thiện nguyện ở Tân Châu, Tây Ninh ngày 13/10/2017 vừa qua.
Tôi thuộc thế hệ sau, nên những câu chuyện thời chiến, những vết thương chiến tranh tôi chỉ được biết qua sách vở; nhưng “bom Napalm” – cụm từ quen thuộc qua bức ảnh “Em bé Napalm” với tôi không xa lạ.
Nhưng cũng như nhiều người khác, tôi hầu như chỉ quan tâm đến “Em bé Napalm” Kim Phúc – nhân vật chính của bức ảnh – mà vô tình quên những nhân vật khác cũng kinh hoàng, hoảng loạn vì chạy giặc – trong ảnh, những em bé Napalm gián tiếp góp phần làm bức ảnh trở nên… kinh điển, trực diện tố cáo tội ác chiến tranh.
“Chú vẫn còn nhớ khoảnh khắc kinh hoàng đó?” – tôi hỏi. “Có chứ!” – và chú đáp – đồng thời cho tôi xem lại bức ảnh mà chú luôn lưu trong điện thoại cá nhân để nhắc nhớ mình không được quên đi quá khứ, dù kinh khiếp, đau buồn. Trong ảnh, chú là cậu bé nhỏ nhất, mặc áo trắng dài tay ở bìa trái, chạy lon ton sau lưng cô chị Kim Phúc, đầu hơi quay nghiêng, sợ hãi ngoái nhìn phía sau. Chú nói dù may mắn không bị trúng bom, không bị cháy hết áo quần như chị Phúc, nhưng chú vẫn thấm thía cái cảm giác bỏng rát, kinh hoàng. “Tôi vừa chạy vừa khóc. Cứ đâm đầu mà chạy chẳng biết lý do, cũng không biết phải chạy về đâu. Nói chung đó là một khung cảnh hoảng loạn, kinh hãi, không ai muốn trải qua. Kéo theo sau là chuỗi ngày dài kinh hoàng…” – chú Phước chia sẻ.
Chỉ vào từng người trong bức ảnh, chú tiếp: đầu tiên là ông anh lớn, anh Phan Thành Tâm – đã mất. Hai người còn lại: “Đây là chị Tĩnh, tay dắt anh Bon, hiện anh chị vẫn đang sống ở Trảng Bàng, Tây Ninh”.
Đó là cột mốc đáng nhớ của đại gia đình chú. “Cũng như chị Phúc từng chia sẻ: ‘Không thích những người bình thường’, chính vì những vết thương trong tâm hồn chúng tôi quá lớn”.
“Giáng Sinh năm 1982, chị Phúc – sau thời gian dài miệt mài tìm kiếm chân lý – đã gặp được Chúa và tin nhận Ngài. Sau đó, chị nhiều lần làm chứng về Chúa cho cả nhà, nhưng thật buồn vì không ai chịu tin. Gia đình chúng tôi vốn đạo gốc Cao Đài, nên rất khó từ bỏ đức đức tin cũ để tiếp nhận Chúa. Nhưng trong một kế hoạch tốt lành, Chúa đã bắt phục ba mẹ tôi bằng cách riêng, không thể hiểu hết bằng trí hiểu của con người. Bản thân tôi cũng từng rất sùng Cao Đài. Đến nỗi hễ nghe về Tin Lành, về Chúa Jesus là tôi hoặc đuổi, hoặc ngăn cản không cho họ nói tiếp, hoặc tự bỏ đi chỗ khác” – chú kể.
“Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình” – (Jeremiah/Giê-rê-mi 29:11).
Chúa nghe tiếng kêu cầu
“Năm 2003, tôi bị đau nhức ở tay không rõ nguyên nhân. Cánh tay trái cứ sưng lên không cử động được. Việc tôi làm trước tiên là cầu nguyện các vị thần của mình, sau đó là… tới bệnh viện. Những vị thần không nghe lời kêu cầu của tôi, các bác sĩ cũng bó tay, còn cánh tay tôi thì tiếp tục bất động” – chú Phước nhớ lại.
“Rồi, trong một lần đi đám cưới và bất ngờ đau không chịu nổi. Tôi buộc phải cầu nguyện với ‘ông Trời’, Đấng mà tôi đã phải nghe ra rả suốt những năm tháng sau khi chị Phúc tin Chúa. Tôi đã đưa ra lời thách thức: nếu Chúa chữa cho hết đau tôi sẽ tin Chúa”.
“Và Chúa, Đấng nhân từ, Đấng biết rõ, Đấng luôn yêu thương, chờ đợi và dõi theo từng người một trong chúng ta. Kinh Thánh chép: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian” (II Chronicles/II Sử ký 16:9); “Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài; cũng nghe tiếng kêu cầu của họ và giải cứu cho” (Paslm/Thi Thiên 145:19). Mười ngày sau, chỗ đau tự dưng xẹp xuống rồi… khỏi hẳn. Khỏi cho tới bây giờ, không lần nào đau lại nữa. Tôi bắt đầu… sợ vì đã hứa tin Chúa! Nhưng rồi Chúa vẫn yêu thương, chờ đợi và làm ơn trên tôi, giống như Ngài đã làm ơn trên chị Phúc và gia đình tôi”.
Ngày ấy, bây giờ
Cuộc đời của chú Phước rẽ sang hướng khác kể từ đó. Chú dần nhận biết chính mình, nhận biết Đấng mình phải tôn thờ. Hiện chú là thư ký của Điểm nhóm Tin Lành Tân Châu, Tây Ninh, và là nhân sự đắc lực của Hội Thánh trong việc gây dựng và phát triển công việc Chúa tại vùng “đất thánh” này.
Có thể nói, dù với bất kỳ con người nào, số phận nào, Chúa vẫn luôn là Đấng yêu thương, Đấng tốt lành, Ngài luôn có chương trình kỳ diệu dành cho mỗi cuộc đời chúng ta.
Vấn đề còn lại là liệu chúng ta có đủ đức tin để tin cậy và nhận lãnh? Hay ta tiếp tục vô tín, vô ơn, oán trách Chúa, oán trách cuộc sống, để rồi sống với nỗi buồn bã, oán hận, chịu đựng bệnh tật và rồi chết đi trong sự rủa sả, tăm tối…
Ngài phán rằng: “Hãy trao gánh nặng của con cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ con…” – (Palsm/Thi Thiên 55:22); “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” – (Matthew/Ma thi ơ 11:28).
Hãy giao phó mọi sự cho Chúa và vâng phục Ngài trong mọi điều. Amen!
Hoàn Nguyện