Nhọc nhằn nơi miền cao khô hạn

Oneway.vn – Tháng Năm, chúng tôi ghé thăm một vài huyện miền cao. Sông suối, ao hồ hầu hết trơ đáy. Sự khô hạn bao trùm. Người dâ

n thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt… Chạnh lòng, nghe nhọc nhằn nơi miền cao khô hạn…

      

Chúng tôi ghé thăm Bình Phước, Đắk Nông và Khánh Hoà trong một chuyến đi vào đầu tháng 5/2019. Nơi chúng tôi đi qua, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trồng tiêu, điều. Những năm vừa qua, giá hồ tiêu sụt giảm liên tục, làm cho cuộc sống kinh tế người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Dưới cái oi bức của ngày hè, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều người địa phương gồng mình đi tìm nguồn nước để tưới tiêu và sinh hoạt. Ghé qua một cái hồ lớn thuộc huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, thì lòng hồ mênh mông sắp trơ đáy, lượng nước ít ỏi gần cạn giữa cái nắng gay gắt. Những máy bơm nước nằm im lìm trên bờ hồ như những con bọ sắt, bất lực trước sự khô hạn của thiên nhiên. Đâu đó, những mảng rêu đóng chặt trên các lòng hồ cũng không còn sức sống, chuyển từ màu xanh tươi mát sang một màu vàng khô khốc trên nền bùn đang nứt nẻ. Người dân địa phương chia sẻ: “Cỡ 2 tuần nữa thôi thì hồ này cũng không còn nước nữa”. Ông Y Grong Kanul, người dân sống tại xã Đak Rla, huyện Đak Mil nghẹn ngào: “Chúng tôi đào đến giếng thứ 18 rồi! Nhưng chắc không được bao lâu rồi cũng cạn”.

Tại huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước, chúng tôi ghé thăm một ngôi làng của người Mnong. Nhà cửa chen chúc nhau. Không một giếng nào còn nước. Chỉ tay về phía xa xa, một người phụ nữ cao tuổi nói, hằng ngày bà phải đi qua đó để xin nước đem về mà ăn uống tắm giặt. Có khi xin được, có khi không, bởi vì có quá nhiều người đến để lấy nước. Nếu hết nước, người đến sau phải ngồi chờ hàng giờ để nước giếng dâng nước lên.

Bên trong ngôi nhà tuềnh tàng của họ, chẳng có gì đáng giá ngoài một vài vật dụng ít ỏi đầy bụi như từ lâu lắm chưa được lau chùi dọn dẹp. Một lý do đơn giản: “Lượng nước hiếm hoi chỉ dành cho ăn uống!”. Cả xóm cũng không có nhà vệ sinh nào, mà nếu có thì nhà vệ sinh ấy cũng không biết lấy đâu ra nước để sử dụng. Từ trẻ con đến người lớn gần như đồng nhất một màu với nhau: màu của bụi đất, màu của sự khô hạn của vùng đất này. Không chỉ một xóm này thôi, nhiều xóm khác nữa, những trường học cũng chẳng hơn gì. Cả trường học cũng không có nhà vệ sinh. Mà nếu có lại không có nước thì tình hình chắc còn càng tệ hại hơn?!

Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), một hình ảnh quen thuộc nhưng không mấy dễ chịu lặp lại: những con suối cạn khô, còn người dân thì chắt chiu từng thùng nước nhỏ trên vai mang về nhà. Người đàn ông đang cõng nước tên Hà Ta, ở thôn Gia Rích, xã Giang Ly. “Một trăm lượt mỗi ngày với quãng đường hơn 1 cây số” – ông Ta cho biết. Số nước này vừa dùng cho sinh hoạt gia đình, vừa để thợ hồ đang xây nhà tình thương cho ông. Có lẽ việc lấy nước đã chiếm trọn thời gian một ngày của ông. Nhìn thân hình hom hem gầy gò của ông với thùng nước trên vai, chúng tôi không khỏi nao lòng. Sự khắc nghiệt của thời tiết đè nặng trên vai ông, người trụ cột trong gia đình. Có lẽ ông cũng chẳng còn đủ thời gian quan tâm đến tuổi tác của mình nữa.

Nước sạch cho vùng xa, vùng cao. Đây là nhu cầu thiết yếu cần được đáp ứng. Xin cùng chung tay để góp phần đem lại nguồn nước sạch trong lành cho đồng bào vùng cao, vùng sâu; vì sức khỏe cộng đồng, vì một thế hệ kế cận cần chăm sóc. Những dòng nước ấy chính là những dòng nước mang theo tình yêu thương, sự sẻ chia ngọt ngào giữa người với người. Nguồn nước đó không những đem lại cho họ cuộc sống tốt hơn, mà còn giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt, hướng đến một ngày mai tốt đẹp …

 


Clean Water Project là Dự án hỗ trợ nước sạch các vùng khó khăn bằng giếng khoan do CBN Việt Nam và Oneway Media thực hiện với nguồn quỹ kêu gọi, tài trợ từ nhiều nơi.
 
Nếu địa phương của quí vị có nhu cầu hỗ trợ về nước sạch, xin vui lòng liên hệ với chương trình. Mọi liên lạc, xin gởi email về địa chỉ [email protected].

 

Bài: Châu Liêu

 

Ảnh: Phi Long – Châu Liêu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *