Nước sạch hay Phúc Âm?

Oneway.vn – Bạn có biết hiện nay 844 triệu người trên khắp thế giới không được sử dụng nước sạch, 2,5 tỷ người không có nhà vệ sinh, và 3,4 tỷ người chưa được nghe Phúc Âm?

Điểm chung của cả 3 điều trên tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn bị chi phối bởi thuyết duy linh và các tôn giáo dân gian khác. Là Cơ Đốc nhân, điều gì chúng ta nên ưu tiên? Giúp cộng đồng có nước sạch nhằm cải thiện sức khỏe, hay công bố Phúc Âm để biến đổi họ?

Là lãnh đạo một tổ chức Cơ Đốc chuyên cung cấp nước sạch, tôi đã tranh đấu về việc khó xử này trong nhiều năm. Tôi tin chắc chúng ta phải phục vụ người khác (cả về thể xác lẫn linh hồn), và tôi cũng tin Chúa Jesus phải là trung tâm cho mọi nỗ lực của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ giảng Tin Lành, bỏ qua các nhu cầu vật chất cơ bản. Nếu chúng ta chỉ cho họ nước, dạy về vệ sinh, xây nhà vệ sinh… chúng ta như đang bỏ bê Phúc Âm trong công việc mình.

Làm sao để vừa có thể giải quyết nhu cầu vật chất, vừa hoàn thành Đại mạng lệnh? Dưới đây là một số hướng dẫn hữu ích:

1. Làm rõ các phạm trù

Tôi không tin rằng khoan giếng, lắp máy bơm và dạy mọi người rửa tay là hoàn thành Đại mạng lệnh. Đó là việc quan trọng, xứng đáng để chúng tôi hỗ trợ, bởi nó cải thiện đáng kể cuộc sống của mọi người. Nhưng bản thân nó không phải những gì Chúa Jesus giao cho Hội Thánh.

Tôi cũng không tin rao giảng Tin Lành, phớt lờ những khủng hoảng, đau đớn mà mọi người đang trải qua là phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh. Chúa Jesus dạy rõ rằng chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ người bị kẻ cướp tấn công và không bỏ mặc họ chết (Luke/Lu-ca 10:25-37). Đơn giản ‘bỏ mặc’ không phù hợp với giáo huấn của Chúa Jesus dạy môn đệ mình.

Giữ sự rõ ràng giữa những phạm trù này vô cùng quan trọng. Các môn đồ giữ sự rõ ràng trong Acts/Công vụ 6. Họ cảm thấy cần đảm bảo các góa phụ được chăm sóc, trong khi vẫn duy trì cam kết chắc chắn về việc công bố Lời Chúa. Họ không từ bỏ bất kỳ việc gì, nên chúng ta cũng vậy.

Khắp thế giới, nhiều người đang đau đớn, tổn thương và khủng hoảng. Dù là về sức khỏe, an toàn cá nhân hay kinh tế, một người bình thường sống ở nông thôn giữa khó khăn, mất mát… là điều chúng ta không thể làm ngơ.

Là con cái Chúa, chúng ta không hành động như thể những cuộc khủng hoảng này không tồn tại hay nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ của nhà thờ. Hơn nữa, chúng ta không thể bỏ qua bóng tối tâm linh kéo dài – căn nguyên của những vấn đề này.

2. Hội Thánh địa phương làm trung tâm

Hội Thánh địa phương tại các ngôi làng trên khắp thế giới là vị trí tốt nhất để phục vụ những người gặp khủng hoảng và giới thiệu hy vọng của Tin Lành. Các tổ chức phát triển cộng đồng dựa trên đức tin như Lifewater/Nước Sống chỉ là một phần trong chuỗi cung ứng cho Hội Thánh địa phương. Chúng tôi không chỉ nhóm họp tín hữu để thông công, truyền giảng và dạy Kinh Thánh. Thay vào đó, chúng tôi là một phần của các Hội Thánh trên toàn cầu, những người có thể đến Hội Thánh để được giải quyết khủng hoảng sức khỏe, đời sống…

Tín hữu phương Tây không thể (và có lẽ không nên) là bộ mặt của chủ nghĩa nhân đạo trên toàn thế giới. Thay vào đó, Hội Thánh địa phương và tín đồ nên là bàn tay, bàn chân của Chúa Jesus để đến với họ. Hội Thánh địa phương đã ở đó trước và sau khi nước sạch đến.

Nếu chưa có Hội Thánh địa phương, việc lành trở nên cơ hội chiến lược để xây dựng Hội Thánh mới ở đó.

Parachurch Organizations/Các tổ chức viện trợ sẽ hoạt động tốt nhất khi họ trở thành nhà thầu cho Hội Thánh địa phương. Chúng tôi đã sử dụng các nhà thầu địa phương để làm những việc vượt quá khả năng, năng lực của mình. Hội Thánh địa phương thường không có kỹ năng xử lý đào tạo nghề, khoan giếng, cải thiện vệ sinh hoặc cứu trợ thảm họa. Chúng ta không nên mong đợi họ làm tất cả.

Tương tự, các tổ chức viện trợ không phải là người “quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” (1 Corinthians/I Cô-rinh-tô 4:1). Các tổ chức nhân đạo cần biết vai trò của họ với tư cách là nhà thầu, và xem Hội Thánh địa phương là nhà quản lý thực sự.

Một Hội Thánh địa phương nên làm gì khi gặp một ngôi làng bị khủng hoảng về y tế và sức khỏe do thiếu nước sạch? Nên duy trì sự tập trung vào việc thu thập và trang bị những nhà truyền giáo, đồng thời hợp tác với một tổ chức Cơ Đốc có kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp về sức khỏe, vệ sinh và nước sạch.

Hội Thánh địa phương nằm trong kế hoạch của Chúa để biến đổi thế giới. Nó đã và sẽ luôn ở đó. Khi Hội Thánh địa phương thực hiện sứ mệnh tại các ngôi làng trên khắp thế giới, họ sẽ gặp được những người đang bị khủng hoảng. Khi họ tìm cách giải quyết các nhu cầu khác nhau của những người đó, họ cần dựa vào sự khôn ngoan và công việc của các tổ chức viện trợ.

3. Đem Phúc Âm vào mọi khía cạnh công việc

Image processed by CodeCarvings Piczard ### FREE Community Edition ### on 2019-01-15 22:55:06Z | http://piczard.com | http://codecarvings.com

Mặc dù các tổ chức viện trợ không truyền giảng và làm báp-tem, chúng ta vẫn có thể tích hợp Phúc Âm vào mọi khía cạnh công việc.

Chúng ta không được xấu hổ về Phúc Âm khi giúp đỡ mỗi gia đình cải thiện đời sống, sức khỏe. Đó là động lực và mục tiêu của công việc chúng ta.

Làm thế nào để có thể tích hợp Phúc Âm khi cung cấp nước sạch? Dưới đây là một số ví dụ về cách mà chúng tôi đã tích hợp Phúc Âm vào mọi việc lành:

– Chỉ thuê nhân viên Cơ Đốc địa phương: Điều này đang ngày càng khó khăn khi chúng tôi phục vụ ở những vùng xa xôi. Chia sẻ sứ mạng là yếu tố quan trọng trong công việc, nếu sắp xếp sai các giá trị, sẽ dẫn đến các ưu tiên và kết quả sai.

Cầu nguyện tập thể: Tại trụ sở chính và các văn phòng, các đội tập hợp lại để cầu nguyện cho cộng đồng mà họ phục vụ, những khó khăn mà họ phải đối diện hàng ngày. Đây là một kỷ luật mà tôi muốn tổ chức của chúng tôi giữ qua các thế hệ.

Chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi trang bị chu đáo cho tín hữu địa phương để họ dạy lại cho mọi người việc cải thiện sức khỏe qua sử dụng nước, vệ sinh và thực hành vệ sinh đúng cách. Khi họ thiết lập mối quan hệ thân thiết với hàng xóm mình, họ được mời chia sẻ một cách trân trọng về Đức Chúa Trời yêu thương và chăm sóc họ. Những tài liệu này phải phù hợp về mặt văn hóa và dễ tiếp thu ngay cả với người mới.

Nghiên cứu Kinh Thánh: Kinh Thánh chứa đầy các câu chuyện về những người bị khủng hoảng và cách Chúa quan tâm đến họ. Chúng tôi mời mọi người tham gia học Kinh Thánh tại Hội Thánh địa phương để tìm hiểu thêm về sự quan phòng của Chúa đối với lợi ích của họ – tại đây và ngay bây giờ. Khi chúng tôi đào tạo cư dân trong làng về các kỹ thuật vệ sinh phù hợp, chúng tôi tích hợp các nguyên tắc và câu chuyện từ Kinh Thánh. Nhiều người chúng tôi phục vụ nghĩ về Đức Chúa Trời theo nghĩa tiêu cực hay loại bỏ Ngài khỏi các mối quan tâm về sức khỏe. Bằng cách kết hợp Kinh Thánh vào các bài học vệ sinh, chúng tôi giới thiệu cho mọi người về sự tể trị của Chúa trên tất cả các khía cạnh của cuộc sống và mong muốn của Ngài cho các tạo vật phát triển.

– Chuyên nghiệp và kết quả: Các giếng nước bị vỡ sau 18 tháng vì tay nghề hoặc kỹ thuật kém là sự phản ánh tồi tệ về Chúa Jesus và Giáo hội của Ngài đối với thế giới vô tín. Không mang lại sự thay đổi nghĩa là nó không thể làm chứng cho chúng ta. Các tổ chức viện trợ phải đi đầu trong thực tiễn và nên cung cấp các dịch vụ tốt đến mức các cộng đồng nghèo sẵn sàng trả tiền để được cung cấp.

Nước sạch hay Phúc Âm? Vâng. Câu trả lời là cả hai! Như người Sa-ma-ri nhơn lành, chúng ta không thể bỏ qua các khủng hoảng mà mọi người đang chịu đựng. Như các sứ đồ trong Công vụ 6, chúng ta không thể từ bỏ việc rao giảng Phúc Âm trong khi giải quyết các vấn đề của người dân. Các sứ đồ đã tìm ra những người có khả năng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các góa phụ.

Ngày nay, Hội Thánh địa phương có thể dựa vào các tổ chức viện trợ để giải quyết các nhu cầu trong cộng đồng địa phương họ.

Jane Nguyễn dịch

(Nguồn: christianitytoday.com


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *