Phan Khôi | Dịch Giả Kinh Thánh | Được Đặt Làm Tên Một Đường Mới Tại Đà Nẵng

Oneway.vn: Một sự kiện đáng được ghi nhận, dù có phần khá muộn màng, đó là sự kiện, vừa qua, Chính quyền Thành phố Đà Nẵng đã chính thức lấy tên nhà văn Phan Khôi để đặt tên cho một con đường tại thành phố nầy. Đây là một tin vui cho người dân vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, nói riêng và cho người dân trên toàn quốc, nói chung. Và đặc biệt là tin vui cho những ai yêu mến tài năng và tính cách độc đáo của nhà văn rất đặc biệt nầy của xứ Quảng.

tenduongpk (1)

Gia đình và bà con cùng người thân trong ngày lễ gắn bảng tên đường Phan Khôi tại Đà Nẵng

            Nhà văn Phan Khôi là một cây bút sắc sảo và nổi bật trong làng văn nghệ sĩ đất Quảng thế kỷ 20. Ông được mệnh danh là người khởi xướng phong trào “Thơ mới” vào đầu thế kỷ 20 với bài thơ “Tình già” nổi tiếng và sống mãi với thời gian.

Sáng ngày 30 tháng 7 năm 2013, Chính quyền và gia đình (ông Phan Trản và bà Phan Thị Mỹ Khanh, con trai và con gái nhà văn Phan Khôi) cùng gia tộc họ Phan làng Bảo An, xã Điện Quang, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam đã cùng thực hiện việc gắn bảng tên đường PHAN KHÔI tại ngã tư đường Phan Khôi – Hoàng Châu Ký thuộc tổ 21, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Đường Phan Khôi có độ dài 615m, và rộng 7,5m, vỉa hè 2 bên rộng chừng 4m, song song với đường Văn Tiến Dũng ở phía Tây, giao với đường Hoàng Châu Ký ở khoảng 1/3 đường kể từ đầu đường phía Bắc thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Tại buổi lễ, ông Phan On, đại diện gia tộc họ Phan làng Bảo An, một đất học nổi tiếng của Quảng Nam  đã giới thiệu vài nét về nhân vật độc đáo nầy như sau: “Ông Phan Khôi quê chính tại làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ngày 20 tháng 8 năm Đinh Hợi, tức ngày 06 tháng 10 năm 1887. Ông là cháu ngoại của nhà chí sĩ Hoàng Diệu, vị Tổng đốc đã tuẫn tiết giữa thành Hà Nội”  … Sau khi đỗ tú tài năm 18 tuổi, ông bỏ lối học khoa cử và “Bằng sự không ngừng tự học, đọc nhiều sách báo Đông – Tây, Kim – Cổ. Từ năm 1920 trở đi, trong suốt hơn hai thập kỷ, ông theo đuổi không mệt mỏi trên trường Văn, trận Bút, khắp Hà Nội, Huế, Sài Gòn, khi thì nghiên cứu, khi thì dịch thuật, làm chủ bút nhiều tờ báo …”.  ông để lại “hàng ngàn bài báo … thể hiện một kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực thuộc văn hóa, văn nghệ, một khẩu khí thẳng thắn bênh vực những cái đúng. Ông được coi là người khởi xướng ra phong trào thơ mới với bài thơ “Tình già” nổi tiếng”. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ 2011 – 2016 thống nhất thông qua nghị quyết đặt tên đường Phan Khôi, chính là “sự vinh danh xứng đáng cho nhà văn hóa, nhà báo Phan Khôi, một người có những đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển văn học của nước nhà”.

IMG_4126

            Nhân sự kiện đặt tên đường Phan Khôi ở thành phố Đà Nẵng, tưởng cũng nên nhắc lại vài nhận xét của những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học… về con người lỗi lạc nầy để bạn đọc thêm yêu quý, kính trọng một nhân tài của đất Quảng Nam, nói riêng và của cả nước Việt Nam, nói chung.

Nhà văn Hoàng Hương Việt viết:

“Ở Quảng Nam có những nhà báo lão luyện như cụ Nguyễn Bá Trác, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Thế Mỹ, Lương Khắc Minh, nhà văn nữ Huỳnh Thị Bảo Hoà, bà Bút Trà-Nguyễn Đức Nhuận, ông Phan Thanh, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Văn Xuân, Lê Bá Thuyên, Đoàn Bá Từ, Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc, Vũ Hạnh, bà Tùng Long, Nguyễn Mạnh Hào, Huỳnh Bá Thành…đều viết báo. Nhưng người làm báo nổi danh một thời, không chỉ thể hiện ở ngòi bút tung tẩy đủ thể loại, viết đủ mọi chuyện đương thời, đến đông tây kim cổ; thông thạo tiếng Pháp, chữ nho; từng làm chủ bút nhiều tờ báo ở Trung, Nam, Bắc, tờ nào cũng để lại tiếng vang và dấu ấn trong làng báo chí Việt Nam ở cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 – đó là nhà báo gạo cội Phan Khôi.”(1)

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc thì nhận xét:

“Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng, nếu chỉ chọn lấy một nhà báo tiêu biểu nhất của xứ Quảng  trong thế kỷ 20, tôi sẽ chọn lấy Phan Khôi. Đó là một hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại.”(2)

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng:

“ Ông là người có tính cách quyết liệt và tư tưởng duy tân.”

Nhà thơ Hữu Thỉnh thì có nhận xét:

“Phan Khôi là nhà văn hoá nổi bật của thế kỷ 20. Ông vừa viết văn chương, làm báo, vừa vận động yêu nước.”

Nhà văn Nguyễn Vỹ đã viết về Phan Khôi như sau:

“Là nhà văn chân chính, có tài năng quán xuyến và học thức uyên thâm, tự thấy mình có một sứ mạng cao cả đối với dân tộc, Phan Khôi không bao giờ chịu để ngòi bút của mình làm nô lệ cho một uy quyền nào. Tuy ông chưa xuất bản được mấy quyển sách, nhưng tất cả những bài văn của ông đã viết trên các mặt báo ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn trong 50 năm trời, đều để lại cho chúng ta ngày nay bài học quý giá ấy.”(3)

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho rằng:

“Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề : phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lí thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học.

Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng  đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức.”   (4)

Được biết, mới đây, vào khoảng giữa năm 2013, con trai nhà văn Phan Khôi là Phan An Sa sau một thời gian 6 năm dài cẩn thận sưu tầm, sắp xếp tư liệu đã cho ra mắt bạn đọc gần xa cuốn sách khá dày (trên 600 trang) với tựa đề rất thú vị “Nắng được thì cứ nắng”(tựa đề nầy lấy từ câu cuối trong bài thơ “Nắng chiều” của Phan Khôi), viết về 23 năm cuối đời của cha mình (từ 1936 -1959). Cuốn sách được đón nhận khá nồng nhiệt. Được xem lời giới thiệu về cuốn sách trên báo, tôi tìm mua ở một số nhà sách mà không còn. Thật tiếc!

IMG_4113

Với những tín hữu tin thờ Chúa Giê-su, thì Phan Khôi được biết đến như là một dịch giả xuất sắc, đã có công cùng với Giáo sĩ W. C. Cadman, góp phần dịch Kinh thánh ra Việt ngữ trong vòng 5 năm mới hoàn tất. Và năm 1926 quyển Kinh thánh Việt ngữ đầu tiên đã được xuất bản tại Việt Nam, với văn phong thật trau chuốt và mang nhiều chất giọng xứ Quảng trong đó, vì Phan Khôi là một người Quảng Nam chính hiệu.

Bản dịch Kinh thánh Việt ngữ 1926 đã được con dân Chúa tại Việt Nam sử dụng trong vòng 88 năm qua và đã trở thành bản dịch truyền thống nổi tiếng trong cộng đồng tín hữu người Việt trong và ngoài nước từ đó đến nay. Ngày nay khi nói đến bản dịch Kinh thánh 1926 là người ta biết ngay đó là bản dịch truyền thống, và ngược lại, khi nói bản dịch Kinh thánh truyền thống là người ta biết đó là bản dịch Kinh thánh 1926. Và khi nhắc đến bản dịch truyền thống là người ta lại nhớ đến tên của nhà văn Phan Khôi. Mỗi  khi nhớ đến nhà văn Phan Khôi thì những tín hữu Tin Lành lại nghĩ ngay đến bản Kinh thánh truyền thống (tức bản dịch 1926). Thật thú vị!

Ngày nay, dù có nhiều bản dịch Kinh thánh tiếng Việt khác nhau, trong đó có nhiều bản dịch mới với ngôn ngữ hiện đại và được dịch từ nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ và Hy-lạp (với nhiều ưu điểm hơn bản dịch truyền thống) đã được xuất bản thời gian qua và đang được nhiều con dân Chúa đón nhận cách hào hứng, thích thú, nhất là giới trẻ, vì nó phù hợp với ngôn ngữ hiện tại mà họ đang sống, nhưng bản dịch truyền thống vẫn còn được không ít con dân Chúa sử dụng, nhất là thế hệ những người tin Chúa lớn tuổi, vì đã quen với lối văn mà mình đã từng gắn bó hàng mấy chục năm trôi qua rồi. Tôi tin rằng, mai sau dù đến bao giờ, thì bản dịch Kinh thánh truyền thống 1926 vẫn còn có chỗ đứng trong lòng tín hữu Tin Lành người Việt chúng ta. Và tôi cũng tin rằng, tên tuổi nhà văn Phan Khôi sẽ được các tín hữu Tin Lành biết đến nhiều nhất, nhiều hơn bất cứ  nhà văn nào khác. Sở dĩ như thế là vì Phan Khôi đã có công góp phần trong việc dịch Kinh thánh ra Việt ngữ.

Kết thức bài viết nầy, tôi xin giới thiệu với bạn đọc mấy câu thơ đặc sắc của Phan Khôi, thể hiện được tính cách khẳng khái của người Quảng Nam trong con người của ông một cách rõ nét nhất:

Làm sao cũng chẳng làm sao

                        Dầu có thế nào cũng chẳng làm chi

                        Làm chi cũng chẳng làm gì

                        Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao!

Dù có muộn màng, rất muộn màng mới phải, thì cái gì đến nó phải đến đúng thời điểm của nó, như là ý Trời vậy, cuối cùng rồi người ta cũng đã nhớ đến Phan Khôi vì những đóng góp xuất sắc của ông cho nền văn chương nước nhà. Tên  Phan Khôi đã có mặt trên một con đường ở thành phố Đà Nẵng, đường PHAN KHÔI.

Tôi nghe tin là Đà Nẵng đã có tên đường PHAN KHÔI, một hôm tôi đi Đà Nẵng có việc, và dành thì giờ tìm đến đường PHAN KHÔI để thăm và chụp hình lưu niệm tên đường mang tên một nhà văn mà mình rất yêu mến, kính trọng nầy, nhưng tìm sai khu vực, nên tìm mãi không ra, và hỏi người dân xung quanh thì cũng không ai biết cả, vì tên đường mới đặt. Quyết không bỏ cuộc, lần sau, tôi dành thì giờ đi tìm lại một lần nữa cho bằng được. Tôi đã đến đúng khu vực và tìm được tên đường PHAN KHÔI. Tôi chụp hình cả con đường và vui thích ngắm nhìn tên đường PHAN KHÔI. Vì đây là một trong những mong ước từ lâu của tôi: Vùng Quảng Nam – Đà Nẵng không thể thiếu con đường mang tên nhà văn lỗi lạc nầy của xứ Quảng. Và hôm nay, mong ước đó đã thành sự thật, nên tôi không thể không vui.

IMG_4129

Tác giả bên đường Phan Khôi

            Có dịp đến Đà Nẵng, mời bạn dành thì giờ ghé thăm con đường mang tên một nhà văn, một học giả, dịch giả  xuất sắc của nước ta, người đã từng tham gia dịch Kinh thánh ra Việt ngữ, nhà văn PHAN KHÔI bạn nhé.

Bình Tú Ngọc.

(Quảng Nam, Việt Nam)

Tài liệu tham khảo:

(1): Hoàng Hương Việt, Sông Cạn Đá Mòn, Tản văn, Hồi ức, Ký sự, nxb Văn Hoá Thông Tin, 2008, p. 181.

(2): Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, Ký và Tản văn, nxb Đà Nẵng, 2007, p. 270.

(3): Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Chứng dẫn một thời đại, nxb Văn Học, 2007, p. 375.

(4): Lại Nguyên Ân, Suy nghĩ từ hành trình khai quật quá khứ, Tạp chí Tia Sáng, Bộ Khoa Học và Công Nghệ, số 21, ra ngày 05. 11. 2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *