Sáu Điều Nên Làm Sau Quyết Định Của Tòa Án Tối Cao Về Hôn Nhân Đồng Tính

Lần này chúng ta đã thua. Chúng ta và nhiều người khác đã lý luận với nền văn hóa của chúng ta rằng hôn nhân truyền thống là thiết kế tốt lành của Thượng Đế, và sự thiết lập đó thể hiện qua sự hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ, đã đem đến sự thịnh vượng cho xã hội. Thế nhưng nền văn hóa của chúng ta không tin vào điều đó. Thêm vào sự thất vọng của chúng ta, bây giờ điếu đó đã trở thành luật của đất nước, họ đã định nghĩa lại “hôn nhân.”

Sáu Điều Nên Làm Sau Quyết Định Của Tòa Án Tối Cao Về Hôn Nhân Đồng Tính

Chúng ta bị cám dỗ để từ bỏ và giận dữ trong cái góc “thánh khiết” của mình. Hay là đào hố chôn chân và đấu tranh kịch liệt hơn. Hay là giận dữ đả kích. Hay là trở nên tuyệt vọng. Chúng ta có thể làm tốt hơn. Ví dụ như là nhắc nhở mình về bảy phước hạnh trong bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu:

Hãy vui mừng: Không phải là vì quyết định đó, dĩ nhiên rồi, nhưng “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,” Sứ đồ Phao-lô nói, “tôi lại còn nói nữa hãy vui mừng đi,” và đâu đó trong Kinh Thánh nói rằng, “hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh.” Và câu Kinh Thánh đó giải nghĩa cho câu: Phước cho các con khi vì Ta mà các con bị mọi người nhục mạ, bắt bớ, vu cáo mọi điều xấu, hãy vui mừng hớn hở…” (Ma-thi-ơ 5:11).

Nhưng chính xác vui mừng vì điều gì? Chúng ta hãy xem xét những điều lớn lao: Rằng Chúa chưa bỏ đi. Rằng Sự chết và sự Phục Sinh của Đấng Christ vẫn là quyền năng Cứu Rỗi với tất cả mọi người. Rằng Phúc Âm vẫn sẽ tấn tới. Và rằng cánh cổng của Tòa Án Tối Cao hay là Quốc Hội không thể trổi hơn Hội Thánh của Đấng Christ. Rằng không có gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Rằng nước Đức Chúa Trời sẽ đến—và rằng vẫn còn những công tác tối quan trọng trong Hội Thánh và trong xã hội mà chúng ta phải thực hiện.

Ăn năn: Có một cám dỗ đến với chúng ta trong những ngày này, đó là chỉ tay vào những thế lực – chính trị, xã hội, triết học, hay tâm linh – đã được sắp đặt để chống lại Hội Thánh và giáo lý của Hội Thánh. Không cần phải từ chối thực tại của “quyền cái trị, các thế lực” (Ê-phê-sô 6:12), điều mà chúng ta nên suy tư là: hành động và thái độ nào mà chính chúng ta đã hấp thụ khiến cho xã hội, nền văn hóa của chúng ta từ bỏ nền đạo đức của chúng ta? Thái độ kì thị người đồng tính (homophobia) đã làm lộ ra qua sự sợ hãi và thành kiến của chúng ta. Tính không nhất quán với Thánh Kinh – sự sốt sắng của chúng ta trong việc nhổ tận gốc tội tà dâm, nhưng lại hững hờ với tội kì thị, tội tham lam, và nhiều tội khác – đã khiến chúng ta bị cáo buộc là giả tạo. Trước khi chúng ta dành thời gian để uốn nắn hàng xóm của mình (xã hội), chúng ta nên uốn nắn lại chính ngôi nhà của chúng ta (Hội Thánh). Phước cho người nào nghèo khó tâm linh, than khóc vì tội lỗi mình (Ma-thi-ơ 5:3-4).

Tòa Án Tối Cao Tái Định Nghĩa Hôn Nhân Trên Toàn Nước Mỹ - Hôn Nhân Đồng Tính Chính Thức Được Công Nhận Hình ảnh cộng đồng LGBT ăn mừng chiến thắng ngay khi biết tin hôn nhân đồng tính được công nhận

Suy nghĩ: Có nghĩa là cân nhắc lại xem chúng ta nên hoặc không nên làm gì khi, ví dụ, có một cặp đồng tính muốn được gần gũi với Chúa, họ đến Hội Thánh và muốn tham gia vào đó. Tất nhiên không cần phải bàn cãi là chúng ta sẽ chào đón họ vô điều kiện cũng như là bất kì ai bước vào cánh cửa đó. Nhưng tình yêu thương sẽ như thế nào trong hoàn cảnh cụ thể này? Chúng ta khích lệ họ tham gia với chúng ta tới mức nào trước khi chúng ta yêu cầu họ chấp nhận luân lý về tình dục trong Cơ Đốc giáo? Phần lớn điều đó phụ thuộc vào truyền thống của Hội Thánh và Tín điều về Phép Báp-tem, thành viên, trưởng lão, và nhiều điều khác nữa.  Nhưng nhiều giáo hội không có truyền thống về hệ phái để dựa vào, cho  nên họ cần suy nghĩ thấu đáo về những vấn đề này một cách cấp bách.

Một vấn đề cần phải chú ý là ly dị và tái hôn. Kính Thánh nói rất nhiều về hôn nhân (bằng hoặc nhiều hơn là nói về đồng tính), vậy mà Hội Thánh Tin lành trở nên lỏng lẻo khi nói về việc trân trọng lời nguyện thề hôn nhân. Chúng ta sử dụng Ân Điển một cách rẻ tiền để tránh việc thể hiện tình yêu thương mạnh mẽ qua việc kỉ luật Hội Thánh. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cấm ly dị hay là tái hôn. Nó có nghĩa rằng: chúng ta người Tin lành, chúng ta cần có sự đồng thuận về những căn cứ của Kinh Thánh trên vấn đề ly dị và tái hôn, và cũng có thể là lập giao ước trong nội bộ chúng ta để giúp chúng ta đứng vững trong niềm tin của mình về vấn đề này.

Và cho dù là vấn đề gì đi nữa, chúng ta nên nhớ rằng những ai đói khát sự công chính trong những vấn đề như vậy sẽ được phước và sẽ được no đủ sự công chính (Ma-thi-ơ 5:6).

Tái hòa nhập: Có rất nhiều ý kiến ngày hôm nay cho rằng Hội Thánh của nước Mỹ đã bị đẩy ra khỏi những vị thế trong xã hội. Chúng ta nói rằng mình đang sống như “đi đày” và “sống bên lề”. Với mức độ nào đó, thì đúng là như vậy, nhưng còn có nhiều vấn đề hơn nữa:

Một người Miến Điện trẻ tuổi vào văn phòng của chúng tôi vài tuần trước. Anh ấy mới ở trên đất Mỹ có 5 tháng. Anh ấy nói là mình sống ở Miến Điện, Cơ Đốc nhân ở đó bị cấm đến Hội Thánh và trường học. tình trạng thù ghét của xã hội và chính trị với Cơ Đốc giáo trở nên cao độ, và anh ấy bỏ quê hương trốn sang Indonesia. Tại đó anh bị đi tù 7 tháng vì không có giấy tờ hợp pháp. Nhờ sự giúp đỡ của World Relief, giờ đây anh ấy tới nước Mỹ, vật lộn với ngôn ngữ và văn hóa mới, trong khi phải làm việc để hỗ trợ cho gia đình với mức lương gần tối thiểu.

Đó mới là đi đày. Chúng ta sống ở Hoa Kỳ thì còn lâu mới gọi là sống bên lề. Chúng ta vẫn sống trong một xã hội mà quyền tự do ngôn luận và tự do nhóm họp được bảo vệ, điều đó hỗ trợ quyền tự do tôn giáo, quyền được phép tham gia vào chính trường tại tất cả mức độ. Điều chắc chắn là chúng ta đang gặp phải thách thức lớn tới quyền lợi và tự do của mình, và thách thức đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt và bền bỉ trong những ngày sắp tới. Nhưng mà những quyền lợi và tự do mà chúng ta có không nơi nào trên thế giới này có được. Hãy tận dụng nó vì đó là lợi ích chung – hãy là người kiến tạo hòa bình (Ma-thi-ơ 5:9) tốt nhất có thể khi chúng ta tham gia vào bất kì mức độ nào trong chính trị.

Tòa Án Tối Cao Tái Định Nghĩa Hôn Nhân Trên Toàn Nước Mỹ - Hôn Nhân Đồng Tính Chính Thức Được Công Nhận Nhà Trắng thắp sáng “cầu vồng lục sắc” sau quyết định của Tòa Án Tối Cao về hôn nhân đồng tính

Vươn tới: Giờ đây vấn để hôn nhân đồng tính đã được ấn định, chúng ta nên nhận ra rằng mình đang có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để xây dựng mối quan hệ kết quả với những người trong cộng đồng LGBT, những người có thái độ thù ghét với tất cả những gì liên quan tới Cơ Đốc giáo. Cho tới giờ, chúng ta được coi là mối đe dọa mục tiêu chính trị của họ. Giờ thì chúng ta đã thua cuộc trong vấn đề hôn nhân đồng tính, thì mối đe dọa đã được loại bỏ và có thể không lâu nữa chúng ta sẽ thấy được sự gắn kết giữa chúng ta với họ với tư cách là đồng loại. Chúng ta nên chào đón hay hơn nữa là chủ động bắt đầu điều đó để có cơ hội chia sẻ – bằng sự thương xót (Ma-thi-ơ 5:7) – sự tốt lành và hoàn mỹ của Phúc Âm như chưa từng có trong tiền lệ.

Vui mừng: Như Phao-lô khuyên, chúng ta cần phải: Vui mừng. Cụ thể là chúng ta vui mừng vì Chúa kêu gọi chúng ta trong thời điểm chuyển giao của lịch sử. Giống như trong thế kỷ thứ 4, Hội Thánh đã được giao cho trách nhiệm phải suy nghĩ sáng suốt về bản chất của Đấng Christ, và trong thế kỷ 16, Hội Thánh có nghĩa vụ tư duy mới lại mối quan hệ giữa đức tin và việc làm. Vậy giờ đây, chúng ta phải tư duy sáng suốt về vấn đề tình dục của con người, những gì chúng ta dạy và làm trong thế hệ này sẽ hình thành nên đời sống và tư duy của Hội Thánh ở những thế hệ sắp tới.

Đây không phải là sự kêu gọi dành cho lãnh đạo quốc gia hay Hội Thánh, nhưng cho tất cả Cơ Đốc nhân. Dù là chúng ta đang vận động hành lang của Quốc Hội hay là kiểm soát vấn đề buôn bán tình dục hay là dạy dỗ con cái của chúng ta về món quà tình dục quý giá, chúng ta phải tăng cường việc hình thành giáo lý của Hội Thánh trên vấn đề tình dục. Nghĩa vụ cao quý đi cùng với sự biết ơn lớn lao vì chúng ta được giao phó công tác hệ trọng này.

Và như thế, chúng ta bước vào cuộc thám hiểm trong tương lai không bằng những cái nhăn mày hay sự hồi hộp nhưng bằng sự khiêm nhường (phước cho những người nhu mì) và mạnh mẽ (vì họ sẽ thừa hưởng đất Ma-thi-ơ 5:5). Đấng Christ vẫn là Chúa và vẫn dẫn dắt Hội Thánh của Ngài. Phước cho những người nhận biết điều đó vì nước thiên đàng thuộc về họ.

Tác Giả: Mark Galli, biên tập viên của Christianity Today

Nguồn: Christianity Today

Dịch: Đức Ân


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *