Suy Ngẫm Về Tương Lai Của Việc Phát Hành Thánh Nhạc Việt Nam

Trong 2 năm gần đây, số CD Thánh nhạc Việt Nam chính thức được phát hành có thể đếm trên đầu ngón tay. Thời hoàng kim của các CD Thánh Nhạc Việt Nam là khoảng từ thập niên 2003 – 2011. Trong khoảng thời gian này, số lượng CD mới được phát hành không thể đếm hết. Chúa đã dùng các tác giả Cơ Đốc Việt Nam trong vòng 20 năm qua đã sáng tác gần khoảng hơn 15.000 bài thánh nhạc. (Theo thống kê dự đoán khi tôi làm việc với các nhạc sĩ Cơ Đốc trong trang facebook Bạn Hữu Âm Nhạc). Con số thật chắc chắn nhiều hơn.

Năm 2013, nhân dịp ca sĩ, nhạc sĩ Phạm Tuấn Hùng đến hầu việc Chúa tại Toronto, anh có hẹn gặp gỡ với nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Tôi chở Phạm Tuấn Hùng đến tư gia nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Ngồi nghe ông nói chuyện về tình hình phát hành CD của Trung Tâm Thúy Nga và các Trung Tâm khác của Việt Nam tại hải ngoại. Ông nói “Bây giờ phát hành CD từ lỗ đến lỗ. Kinh phí khi Thúy Nga phát hành một CD từ A đến Z là khoảng 20.000 – 25.000 đôla Mỹ/ 5.000 đĩa”. Ông nói tiếp: “Thời hoàng kim Trung tâm Thúy Nga có thể bán 5.000 – 10.000 CD đã qua, bây giờ phát hành, bán được vài trăm CD là tốt lắm rồi! Đa số là do ca sĩ đi show và tự bán. Bởi CD phát hành tháng trước, tháng sau đã được cập nhật trên internet rồi”.

Một nhạc sĩ Cơ Đốc tại Việt Nam yêu mến Chúa, đang hầu việc Chúa trong Hội thánh, gia cảnh không khá gì mấy… nhưng anh đã cố gắng phát hành CD với những sáng tác mới của anh. Anh đã bỏ một số tiền đầu tư khá lớn, khi anh nhờ tôi giới thiệu CD trên trang Bạn Hữu Âm Nhạc, và giúp phổ biến cho các Hội thánh. Anh tâm sự “Em sợ các trang Web khi cập nhật lên thì CD của em sẻ không còn ai mua. Em không chỉ muốn lấy lại ½ vốn là mở tiệc ăn mừng!” Nghe thật đau lòng! 

Album nhac thanh

Tại sao các ca sĩ, nhạc sĩ, trung tâm Cơ Đốc không còn phát hành CD nhạc Thánh?

Có nhiều lý do nhưng một trong những lý do sau đây đã làm “tổn hại nặng nề” đến nền Thánh Nhạc Việt Nam là việc “trăm hoa đua nở” của các trang Web Cơ Đốc với việc cập nhật miễn phí, cho không các ca khúc, nhạc nền mới phát hành mà không xin phép của tác giả, nhà sản xuất với lý do trông có vẻ rất thuộc linh và thiêng liêng là truyền giảng Tin Lành! Nhưng thực tế con số những người vào các trang Web Cơ Đốc xem và tải về thì đa số là người tin Chúa! Hay lý luận “tận dụng mọi phương cách để rao truyền Tin Lành”. Hoặc việc bắt chước các trang Web nhạc bên ngoài cứ cập nhật lên cho mọi người nghe miễn phí!…v..v…

Việc làm nầy phạm 1 trong 10 điều răn: “Ngươi chớ trộm cướp.” (Xuất-ê-díp-tô-ký 20:15). Rất hoan nghênh các trang Web được chính tác giả cho phép. Tôi biết những ca nhạc sĩ rất là “dễ thương và rộng rãi”. Nếu xin phép họ, đa số họ sẻ cho sau khi CD đã phát hành 1-2 năm vì họ cũng muốn tác phẩm, ca khúc của họ được nhiều người tôn vinh Chúa. Đa số các bài Thánh ca của Tây Phương sau 10 năm phát hành sẻ được sử dụng mà không cần xin phép. Nhưng CD Thánh nhạc Việt Nam vừa được phát hành thì chỉ sau 1 tháng đã được cập nhật và cho phép tải xuống miễn phí trên các trang Web!

Tất cả các trung tâm âm nhạc Cơ Đốc lớn trên thế giới luôn có tác quyền của cơ quan cấp bằng bảo vệ tác quyền CCLI (Christian Copyright Licensing Information) để bảo vệ tác quyền. Một số Hội Thánh Việt Nam tại hải ngoại phải mua giấy phép được sử dụng của CCLI hằng năm trong việc sử dụng các bài Thánh ca của các trung tâm âm nhạc Cơ Đốc trên thế giới. Một phần lớn số tiền nầy được cơ quan CCLI trả cho các nhà sản xuất, các ca nhạc sĩ.

Việc các tác giả, các nhà sản xuất chia sẻ các ca khúc, các bài hát cho các cá nhân, các nơi có nhu cầu là việc tốt nhưng việc mau mắn tự động cho “không” các bài hát, nhạc nền của các trang Web Cơ Đốc, hay các cá nhân nghĩ rằng “mình góp phần phục vụ Chúa bằng cách mua CD về và đăng web chia sẻ cho mọi người” đã làm cho các ca, nhạc sĩ Cơ Đốc “mất tinh thần và không còn vốn” để phát hành những CD mới (một điểm lợi của việc giúp đỡ nầy là khuyến khích, tạo điều kiện cho các tín hữu tôn vinh Chúa.

Việc ủng hộ, giúp đỡ các Hội thánh gặp khó khăn hay ở vùng sâu, xa, những Hội thánh không có điều kiện thì rất tốt! Bài viết nầy không đề cập đến những nhóm tín hữu, những Hội thánh ở vùng sâu, xa cần được hổ trợ!) nhưng những tín hữu, những Hội thánh có khả năng để mua CD, DVD vài chục ngàn Việt Nam hay 8 – 10 đô. Hãy suy nghĩ đến phí tổn việc thực hiện một CD Thánh Nhạc Việt Nam chất lượng PRO tốn khoảng 2.000 – 5.000 đô cho khoảng 1.000 đĩa (Hòa âm, thu âm, ca sĩ tốn khoảng từ 1.000- 2.000 đô, trung bình là 1.500 đô chi phí thực hiện tại Việt Nam. Nếu thực hiện tại US, Canada thì chi phí gấp đôi!) Như vậy, việc phát hành một CD Thánh nhạc tốn khoảng từ 30.000.000 đến 80.000.000 Việt Nam thì việc lấy lại vốn để sản xuất CD kế tiếp không phải là chuyện dễ! Ngoại trừ một số phòng thu được tài trợ hay được bảo trợ từ các Hội Thánh, các cơ quan Cơ Đốc, các trang Web. trong và ngoài Việt Nam.

Tôi biết rất nhiều nhạc sĩ đã thu âm, hoàn thành đĩa chính nhưng không có tài chính để phát hành hay chưa dám phát hành vì biết chắc là không lấy lại được vốn đã bỏ ra! Riêng tôi đã hoàn thành Album số 4 hơn 1 năm qua nhưng vẫn chưa phát hành. Cám ơn Chúa, một số trang Web đã tôn trọng tác giả, người sản xuất khi họ xin phép tác giả, nhà sản xuất hoặc mua bản quyền trước khi cập nhật lên trang Web của họ, đây là những tấm gương tốt!

Một số các tín hữu, các Hội thánh đã tích cực giúp bán những CD, DVD Thánh nhạc, đây là những việc làm thực tế và làm cho các ca nhạc sĩ Cơ Đốc lên tinh thần! Lý do tôi thành lập trang facebook Bạn Hũu Âm Nhạc là muốn góp phần nhỏ trong việc nâng đỡ, khích lệ các ca, nhạc sĩ Cơ Đốc và muốn hướng dẫn các bạn trẻ hầu việc Chúa qua âm nhạc đi đúng với lời dạy dỗ của Thánh Kinh.

Giải pháp nào cho tình trạng đóng băng nên Thánh nhạc Việt Nam hiện nay?

Hướng đi của việc phát hành Thánh nhạc Việt Nam trong những năm sắp đến vẫn là từ các cá nhân yêu Thánh nhạc hoặc các nhạc sĩ làm từng bài hoặc album để kỷ niệm hay chỉ để hầu việc Chúa. Việc phát hành CD đã bị và sẻ tiếp tục tình trạng “đóng băng” cho đến khi thánh nhạc Cơ Đốc Việt Nam có một cơ quan như CCLI, nơi tập trung và phát hành các sản phẩm Thánh nhạc có quy cũ, phát hành những sản phẩm Thánh nhạc có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa sâu về tâm linh. Hướng tương lai có thể thu hút người mua là các DVD thánh nhạc chất lượng cao với các Video, MV hoặc các chương trình Thánh nhạc chất lượng cao.

giac-mo-nhiem-mau

Album Giấc mơ nhiệm màu của Ca sĩ, nhạc sĩ Tuấn Hùng

Hiện nay, các ca sĩ trình diễn tự giới thiệu và bán CD của mình hoặc bán giúp các nhạc sĩ vẫn là cách tốt nhất để phát hành các CD mà vẫn có thể lấy lại được vốn. Việc tổ chức các live show Thánh nhạc bán vé hoặc các chương trình gây quỹ từ thiện cũng là phương cách tốt cho việc giới thiệu thánh nhạc Việt Nam cho tín hữu lẫn thân hữu.

Về tương lai của các phòng thu âm thì với phương tiện trang bị cho một “home studio – phòng thu âm tại nhà” ngày càng phổ biến thì các phòng thu âm sẽ gặp khó khăn về khách hàng. Các phòng thu âm bị áp lực phải nâng cấp thì mới có thể có khách hàng và có thể “sống lâu” nếu được các cơ quan Cơ Đốc cộng tác, bảo trợ. Về việc các ca khúc mới thì Thánh nhạc Việt Nam đang cần những ca khúc được “xức dầu” đụng chạm lòng người nghe dành cho mọi chủ đề, cho mọi giới và các chương trình khác nhau.

Tương lai của nền Thánh Nhạc Việt Nam sẽ tùy thuộc nơi ý thức và thái độ của các tín hữu Cơ Đốc Việt Nam. Nếu các tín hữu Cơ Đốc Việt Nam muốn có những CD, DVD, những sản phẩm âm nhạc Cơ Đốc đạt chất lượng PRO (tôi nghĩ, các ca nhạc sĩ Cơ Đốc Việt Nam có đầy đủ trình độ, khả năng để làm nên những sản phẩm âm nhạc Cơ Đốc chất lượng không thua kém các quốc gia Cơ Đốc khác.) Vấn đề là họ, những ca nhạc sĩ, những nhà sản xuất âm nhạc Cơ Đốc chân chính cần sự khích lệ, ủng hộ thực tế qua việc thay đổi suy nghĩ là “đăng lên cho mọi người tải về miễn phí” là hầu việc Chúa, là rao giảng Tin Lành!

Tại Bắc Mỹ này, khi nói đến chữ “free – cho không” là người ta nghĩ ngay đến việc sản phẩm “không chất lượng, chương trình không chất lượng.” Những tín hữu Cơ Đốc sẵn sàng bỏ tiền ra mua những CD nhạc của các Trung Tâm Thúy Nga, Asia hoặc các trung tâm tại Việt Nam v..v… với giá từ 30 đến 90 ngàn đồng hay tại hải ngoại từ 10 – 15 đô/ CD đến 20 – 25 đô/ DVD … nhưng khi nói đến Thánh nhạc thì lại nghĩ là “hầu việc Chúa, nhạc Thánh thì nên cho không!” Nếu các tín hữu Cơ Đốc Việt Nam không thay đổi suy nghĩ cách thực tế để khích lệ, ủng hộ các ca, nhạc sĩ, các nhà sản xuất âm nhạc Cơ Đốc thì tương lai của nền Thánh nhạc Việt Nam sẽ không tươi sáng và không có môi trường để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Tôi mong ước một ngày nào nền Thánh nhạc Cơ Đốc Việt Nam sánh vai cùng các quốc gia bạn trên thế giới. Chúng ta không thiếu người, không thiếu những tấm lòng, không thiếu tài năng… chúng ta chỉ cần “thay đổi suy nghĩ” ngay hôm nay. Các ca nhạc sĩ Cơ Đốc Việt nam cũng cần “chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt” để có thể hợp tác với nhau qua một số dự án, chương trình đặc biệt …điều nầy sẽ thêm sức mạnh để đôi cánh của Thánh Nhạc Việt Nam bay cao hơn.

Một nhạc sĩ Cơ Đốc trẻ từ Việt Nam từng nói: “Tôi rất vui vì có người chịu trả tiền mua “Sound track” (nhạc nền) cho dù không đáng bao nhiêu tiền hoặc nhạc tôi làm ra bằng cả tâm trí, sức lực, sáng tạo thì không cho không!”

Lời Thánh kinh nhắc nhở chúng ta: “Vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7b). Tương lai tùy thuộc vào những gì chúng ta đã và đang làm hôm nay!

Nếu bạn thấy bài viết nầy có ích cho nền Thánh nhạc Việt Nam trong hiện tại và tương lai, xin hãy “gieo” tư tưởng của bài viết này cho các tín hữu, nhóm tín hữu, trong các nhóm, trong các mục vụ, trong Hội thánh của bạn. Chúng ta có thể thấy hình ảnh tươi sáng hơn của nền Thánh nhạc Việt Nam trong những năm tháng sắp tới!

Theo Mục sư Nguyễn Duy Trung (Rev. Timothy Trung Nguyen) – Toronto 14/7/2014   

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *