Oneway.vn – Những con người khác nhau, nhưng cùng đến với chung một đích: được khám bệnh miễn phí.
Ưu tiên điều “tốt” hơn
Công việc thường ngày của cô Nguyễn Thị Thủy, 52 tuổi, là ép chả cá thuê ở khu vực hồ Dầu Tiếng.
Nhận được phiếu khám bệnh miễn phí từ 3 ngày trước, sáng 13/10/2017, cô cùng con trai – anh Nguyễn Văn Hùng, 30 tuổi, dậy thật sớm, ngưng hết mọi công việc, vượt đoạn đường gần 40km để đến điểm khám bệnh.
Gia đình cô Thủy từ Campuchia trở về Việt Nam cách đây gần 10 năm, sinh sống ở khu vực xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Cô Thủy bị bệnh tim mạch, mắt đau, không nhìn rõ. Anh Hùng đau bao tử, sức khỏe yếu, không thể đi làm thường xuyên. Hoàn cảnh khó khăn nên dù biết bệnh, biết đau nhưng đành chịu, cô Thủy không nhớ đã bao lâu chưa dám đến bệnh viện, chưa dám uống một liều thuốc nào. Nên lần này, được khám bệnh, phát thuốc miễn phí với cô là một niềm vui lớn.
“tiền đâu ra để đi khám ở bệnh viện”
Chị La Thị Đan, 39 tuổi, chị chỉ nhớ mình chừng đó tuổi, còn lại không biết gì hơn: năm sinh, quê quán, ngay cả cái tên chị cũng chỉ nhớ là… đọc như vậy. Gia đình chị trở về từ Campuchia hơn 1 năm nay. Không giấy tờ, nhà cửa, tài sản, 7 người gồm ba mẹ, vợ chồng chị cùng 3 con sống ngày nào biết ngày đó. Chỉ có vợ chồng chị đủ sức khỏe đi làm phụ hồ, nhưng công trình hoàn công đã hơn 1 tháng nay rồi mà anh chị vẫn chưa tìm được việc tiếp theo. Ba đứa con chị, đứa lớn nhất năm nay 12 tuổi, không được đi học cũng chưa giúp gì được cho ba mẹ. Trước mắt chị là tương lai mù mịt…
Sáng 13/10, anh chị từ nhà tới chỗ khám bệnh sớm quá, chưa kịp ăn uống gì, vợ chồng chia nhau hộp cơm chống đói chờ tới lượt khám.
Chị Đan bị nhức chân, đau bao tử. Chồng chị cũng thuộc dạng “bách bệnh”. Mà “tiền đâu ra để đi khám ở bệnh viện” – chị chia sẻ.
Đợt này, được khám và phát thuốc miễn phí, chị mừng lắm!
Mỗi người một…bệnh!
Cô Nguyễn Thị Đắt, 60 tuổi, bị tiểu đường, đau nhức toàn thân.
Anh Trần Văn Mười, 40 tuổi, nhưng vẻ ngoài già hơn tuổi rất nhiều, khuôn mặt khắc khổ, anh cho biết mình bị trĩ đã lâu.
Anh Trần Văn Tím bị dị tật bẩm sinh ở bàn tay trái, các ngón không thể cử động linh hoạt, một phần bị nước ăn, đau nhức, chảy máu… Giống anh Mười, anh Tím cũng trông già hơn tuổi rất nhiều.
Trần Thị Chia, 35 tuổi, bị sỏi thận hành hạ lâu nay.
Anh Trần Nghiệp chưa tới 30, vóc người gầy gò, còm cõi; đau bao tử kinh niên.
Em Trần Thị Niên, 19 tuổi, bị viêm xoang nặng và huyết áp. Trông em nhỏ xíu, gầy nhom.
Những người kể trên không phải danh sách bệnh nhân, mà là mẹ, anh chị em trong một đại gia đình – tính cả cháu chắt phải hơn 20 người. Họ trở về từ Campuchia hơn 1 năm nay, tay không tấc đất, ba thế hệ phải sống lênh đênh trên một cái nhà bè ở hồ Dầu Tiếng. Không tìm được việc làm, sức khỏe không, mấy mươi miệng ăn chỉ biết trông chờ vào lượng tôm cá kiếm được mỗi ngày ở cái hồ này, nơi biết bao người cũng trông chờ, tìm kiếm… chỉ mong mỗi ngày qua đều khỏi đói, chứ chưa dám nghĩ xa hơn: một tương lai bớt ảm đạm cho con, cho cháu.
Sáng 13/10, 6 người trong đại gia đình háo hức vượt chặng đường gần 40km đến Điểm Nhóm Tin Lành Tân Châu khám bệnh.
Nhận được thuốc, họ vừa mừng vừa lo, vì ở nhà họ còn nhiều người cũng bệnh, cũng muốn đi khám nhưng phần vì không xe, phần vì bệnh nặng không đi được. “Có thể cho thêm thuốc đem về được không?”. Nhưng… thuốc đâu phải kẹo hay cơm mà muốn phát thế nào thì phát.
Cần quan tâm đến “một góc con người”
Sau giờ học, học sinh trường Tiểu học Thị Trấn B được các bác sĩ nha khoa tư vấn vệ sinh răng miệng. Đây là lần đầu các em được hướng dẫn chải răng đúng cách.
Em Mai Trường Khải nói: “Nhỏ giờ con chỉ bắt chước ba mẹ chứ không biết thế nào là chải răng đúng”.
Nha sĩ Hà Thị Kim Liên tiếc nuối: “Hơn 90% các em có vấn đề về răng miệng chỉ vì vệ sinh không đúng cách”.
Cô Vũ Thị Phú – giáo viên – cho biết: “Trường ít có dịp dạy các em vấn đề này, chủ yếu ba mẹ các em hướng dẫn vệ sinh răng miệng ở nhà”.
Một buổi sáng của Binh Xà Phíp
Hơn 7g sáng, đông đảo bà con tới trạm y tế xã biên giới Hòa Hội, huyện Châu Thành để khám bệnh. Tất cả đều có hoàn cảnh khó khăn, ít có điều kiện đi khám ở bệnh viện.
Em Binh Xà Phíp bị cảm sốt mấy ngày không khỏi. Mới 14 tuổi, em đã nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình. Ba mẹ em đi làm thuê khi có người gọi, thu nhập không ổn định. Biết có đoàn khám bệnh, phát thuốc miễn phí, sáng 14/10, em vội vàng cùng bố đến để khám và xin thuốc.
Bà Phạm Thị Hiếu – Phó Chủ tịch xã – cho biết: “Xã chưa hỗ trợ nhiều cho bà con vấn đề sức khỏe. Cũng có những đoàn tới khám bệnh miễn phí, nhưng hiếm và không quy mô như đợt này. Bà con ở đây rất vui khi biết có đoàn tới khám”.
Trong 2 ngày 13, 14/10/2017, tại Điểm Nhóm Tân Châu và trạm y tế xã Hòa Hội, huyện Châu Thành đã có 1.150 người được khám, 630 học sinh của trường tiểu học Thị Trấn B, huyện Tân Châu được tư vấn chăm sóc răng miệng và tặng quà.
Còn nhiều, rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn như thế trên khắp đất nước. Hãy đồng hành cùng CBN Việt Nam để chia sẻ tình yêu và bày tỏ Danh Chúa cho nhiều người, để cộng đồng được biết đến Chúa, được biến đổi bởi tình yêu từ Cha Thiên Thượng, để “mọi đầu gối sẽ quỳ bên chân Ngài, mọi môi lưỡi tôn vinh Danh Chúa”. Amen!
Bài: Hoàn Nguyện; ảnh: Phi Long
* Mọi thông tin phản hồi hay câu chuyện thực của chính bạn, của người thân, của tín hữu trong Hội Thánh làm chứng hoặc những người xung quanh mà bạn biết rõ; vui lòng gửi về: [email protected]. Chúng tôi luôn trân trọng tất cả những chia sẻ, những ý kiến đóng góp và bài vở của Quý vị!
Ban Biên Tập