Oneway.vn – Không thể phủ nhận Tết Trung thu hay Tết Thiếu nhi là một trong số lễ hội truyền thống của một số nước Á châu, trong đó có Việt Nam.
Có nhiều lý giải khác nhau về nguồn gốc Tết Trung Thu, cũng có không ít tranh cãi quanh việc Cơ Đốc nhân có nên “ăn” hay “chơi” Trung Thu hay không; vì đó là “ngày âm”, lịch âm; đó là lễ hội của người Trung Hoa, người Việt chỉ “ăn ké” lâu dần thành quen… Thế nhưng có thể nói, cho đến nay, Trung Thu đã trở thành dịp lễ hội dành cho trẻ em nhiều nơi trên thế giới, nhất là khu vực châu Á. Trẻ thường háo hức mong Trung Thu để được vui chơi hay quây quần ấm áp bên gia đình, nên đây cũng là dịp để người lớn thể hiện tình yêu đối với con trẻ.
Tết Trung Thu tại các nước, cả khu vực người Hoa ở Chợ Lớn vẫn thường có múa lân. Nhưng dĩ nhiên, Cơ Đốc nhân sẽ không tham gia những hoạt động như thế. Tuy nhiên, tổ chức ‘chơi’ Trung Thu trong gia đình, bạn bè… là dịp để thăm hỏi động viên, khích lệ, tâm sự, cầu thay cho nhau bên tách trà, miếng bánh; ngắm con cái quây quần bên chiếc lồng đèn truyền thống… cũng là niềm hạnh phúc khá hiếm hoi trong đời sống gấp gáp, thực dụng hiện nay. Cha mẹ cũng có thể chia sẻ với con cái nguồn gốc Tết Trung Thu, ‘Tết đoàn viên’, ‘Tết tình thân’; về những mùa Trung Thu trong ký ức với ông bà, cha mẹ, những điều hay, đẹp – nhất là đẹp lòng Chúa – thì cần ghi nhớ, lưu giữ, còn những hũ tục thì cần xóa bỏ, quên đi.
Trung Thu còn là dịp rất tốt để chia sẻ với con trẻ lòng biết ơn, ngợi khen, cảm tạ Chúa về ‘sự sáng tạo vũ trụ’ dành cho con người. “Đức Chúa Trời phán: ‘Phải có các vì sáng trên vòm trời để phân biệt ngày với đêm, để làm dấu hiệu xác định các mùa, ngày và năm; và để làm các vì sáng trên vòm trời soi sáng quả đất’ thì có như vậy. Đức Chúa Trời tạo nên hai vì sáng lớn hơn để cai quản ban đêm. Ngài cũng tạo nên các ngôi sao. Đức Chúa Trời đặt các vì sáng đó trên vòm trời để soi sáng quả đất, cai quản ban ngày và ban đêm, và phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối” (Genesis/Sáng Thế Ký 1:14-18). ‘Vì sáng thứ hai’ Chúa đặt để ‘cai quản ban đêm’, đó chính là Mặt Trăng, là ‘chị Hằng’ trong ký ức tuổi thơ.
Các nhà nghiên cứu cho biết ngoại trừ những lúc mưa, ánh trăng trong đêm Trung Thu thường sáng hơn những đêm rằm khác – cho thấy tình yêu thương và bàn tay chăm chút của Đức Chúa Trời trên con người; Đấng yêu thương, ban cho các ‘vì sáng lớn’ để soi vào nơi tối tăm, khiến chúng “mọc lên soi kẻ dữ cùng người lành, làm mưa cho người công chính cùng kẻ độc ác” (Matthew/Ma-thi-ơ 5:45); cho dù thế giới này vẫn còn rất nhiều người không chỉ phủ nhận sự sáng tạo, đức yêu thương, hy sinh… mà còn chống nghịch Ngài.
Tết Trung Thu đối với trẻ con xưa hay nay vẫn thế. Chỉ có người lớn và xã hội là thay đổi, thậm chí biến tướng. Trẻ mong Trung Thu để có đèn lồng đẹp, được ăn cỗ, vui chơi… thì người lớn xem đây là ‘cơ hội’, là dịp để cho/nhận quà cáp, biếu xén, lấy lòng nhau bằng những món quà ‘ngoài Trung Thu’, những chiếc bánh cao cấp mà trong đó nhân bánh không phải để ăn. Thế nên một số ‘người lớn đặc biệt’ mong chờ Trung Thu còn hơn trẻ nhỏ!
Trung Thu đối với không ít Hội Thánh và Cơ Đốc nhân còn là dịp để tổ chức truyền giảng, thiện nguyện, bày tỏ tình yêu thương đối với trẻ em lang thang cơ nhỡ, vào đời sớm… không có Trung Thu; các gia đình con cái Chúa chật vật, túng thiếu; dịp nhường cơm xẻ áo, lan tỏa tình yêu, văn hóa và tinh thần Cơ Đốc cho cộng đồng.
Thảo Phạm – Hoàn Nguyện
Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].
“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).
Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!