Oneway.vn – những sự kiện lớn đã diễn ra trên khắp hành tinh trong quyền năng tể trị của Chúa vào năm 2022 này.
Mặc dù chúng ta chỉ có thể quan sát từ một góc nhỏ của thế giới, nhưng hãy cùng nhau tìm kiếm bức tranh toàn cảnh: những sự kiện lớn đã diễn ra trên khắp hành tinh trong quyền năng tể trị của Chúa vào năm 2022 này.
10. Ủng hộ chủ nghĩa tự do, sau đó thì sao?
(Ảnh: Reauters)
Trong năm nay, xu hướng ủng hộ chuyển giới dường như giảm dần, khi người ta bắt đầu chú ý đến sự công bằng (như trong các môn thể thao nữ có người nam chuyển giới thành nữ tham gia) và những tổn hại (đối với tù nhân nữ bị tù nhân nam chuyển giới thành nữ đe dọa, và vấn nạn bạo lực gia đình ẩn giấu).
Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà các cuộc tranh luận chính trị hiện nay phản đối giả định rằng “chủ nghĩa tự do duy trì sự ổn định xã hội”.
Nếu xã hội không còn phân định nam nữ, thì làm sao chúng ta có thể định hướng đời sống xã hội đúng theo chân lý?
9. Nhiều vụ xả súng hàng loạt diễn ra
(Ảnh: BBC)
Không một nơi nào là an toàn cả. Đã có những vụ xả súng diễn ra trên đường phố, nơi hàng quán, và ngay cả trong trường học.
Hội Thánh nên chuẩn bị cách ứng phó với những kẻ nổ súng. Cho đến nay, Cơ Đốc nhân vẫn chưa được thống nhất trong cách đối phó với vấn nạn bạo lực.
Nhà nước có thể siết chặt vấn đề kiểm soát súng và vũ khí, nhưng vấn đề tâm linh dường như còn sâu xa hơn những gì mà hệ thống chính trị có thể chạm tới.
8. Vấn nạn che đậy lạm dụng tình dục
(Ảnh: Pixapay)
Thật là một tin xấu: gần hai thập kỷ qua, các lãnh đạo Hội Thánh đã che đậy các báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em và những kẻ lạm dụng nói chung.
Sự che đậy này cần được phơi bày. Bất cứ ai cũng có thể dùng lời nói để tuyên bố niềm tin vào thẩm quyền và sự kiện toàn của Kinh Thánh.
Tuy nhiên, sự thật chỉ có thể được chứng minh qua hành động tuân theo các mệnh lệnh của Lời Chúa, chứ không chỉ lời nói suông mà thôi.
7. Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị qua đời
(Ảnh: Thanh niên)
Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào ngày 8 tháng 9 năm 2022, và cuối tháng này chắc hẳn người dân sẽ lại đau buồn khi bà không có mặt để chúc mừng Giáng Sinh theo thông lệ.
Trong vai trò Nữ Vương kể từ năm 1952, Nữ hoàng Elizabeth II đã làm chứng rõ ràng và chắc chắn về phép lạ của sự nhập thể.
Khi bà không còn nắm quyền lãnh đạo, chúng ta được nhắc nhở về sự suy yếu của Cơ Đốc giáo ở Vương quốc Anh và các quốc gia liên minh trong 70 năm qua. Tấm gương đức tin của bà vẫn không ngăn được sự suy yếu đó. Chúng ta vẫn chưa có bước đột phá nào để tiếp cận thế giới “hậu Cơ Đốc” sau khi bà qua đời.
6. Nhiều mục sư mang tiếng xấu
(Ảnh: Pixapay)
Đã hai năm trôi qua kể từ 2020, chúng ta vẫn đang đối phó với đống đổ nát về chính trị, chủng tộc và khoa học. Quá nhiều mục sư đã mang tiếng xấu về việc dùng vấn đề tâm linh để chi phối người khác. Chúng ta cần chú trọng đào tạo các mục sư về vấn đề giảng giải Kinh Thánh và hệ thống Thần học.
Cần đảm bảo rằng các mục sư biết cách lãnh đạo với niềm tin chắc chắn giữa sự chống đối, và chăn bầy với một tinh thần không độc đoán.
5. Hai trường Đại học Cơ Đốc từ bỏ quan điểm đạo đức Kinh Thánh
(Ảnh: Pixapay)
Đại học Calvin và Đại học Phương Đông quyết định từ bỏ đạo đức Kinh Thánh để ủng hộ cuộc cách mạng tình dục vào cuối năm 2022.
Một số giảng viên và cựu sinh viên tại các trường này đã làm việc suốt nhiều năm để bác bỏ quan điểm giảng dạy chính thống. Một số chuyên gia chính trị và các lãnh đạo Hội Thánh sẽ tiếp tục thỏa hiệp với các cường quốc tiến bộ mới nổi.
Ít ra thì câu chuyện ở trường Calvin vẫn chưa kết thúc, khi các lãnh đạo trẻ trong Hội Thánh Cải cách Cơ Đốc giáo tái khẳng định đạo đức Kinh Thánh vào mùa hè này. Giáo hội Giám lý Thống nhất dần tan rã là một dấu hiệu cảnh báo khi chúng ta cứ chần chừ trong việc cải tổ trường học.
4. Chính thức thông qua quyết định cấm phá thai lần đầu tiên sau gần 50 năm
(Ảnh: Pixapay)
Bất chấp phản ứng dữ dội về chính trị, phán quyết Dobbs xứng đáng được tôn vinh khi lật ngược vụ Roe v. Wade.
Chúng ta cứ nghĩa rằng ngày này sẽ không bao giờ đến. Để đối phó với quyết định gây sốc nhưng lại chính đáng này, các bang có nhiều ca phá thai nhất đã “nhân đôi” ý định giết người của họ. Trong khi các Trung tâm Mang thai Khủng hoảng (nhằm thuyết phục phụ nữ ngừng ý định phá thai) bị phóng hỏa, cơ quan chức năng dường như không hề nỗ lực để bắt giữ thủ phạm.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là: liệu các nhà hoạt động bảo vệ sự sống sẽ đàm phán thành công để đạt được các thỏa hiệp chính trị cấm phá thai, hay mọi nỗ lực của họ cuối cùng sẽ chẳng được gì ngoài sự chấp thuận của một số quốc gia bảo thủ? Đặc biệt là ở những bang cấm phá thai, Hội Thánh sẽ có nhiều cơ hội để truyền bá Thần học bảo vệ sự sống.
Các báo cáo ban đầu cho thấy tỷ lệ phá thai giảm 6% trên toàn quốc.
3. Iran bùng nổ cách mạng
(Ảnh: Pixapay)
Chế độ thần quyền đông dân nhất thế giới không còn xa lạ gì với các cuộc cách mạng.
Có lẽ giống như các cuộc nổi dậy trước đó, chính phủ Hồi giáo sẽ thắng thế trước những người biểu tình đòi tự do. Nhưng Iran ngày nay đã thay đổi đáng kể: phong trào truyền giáo đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết trong những năm gần đây. Mặc dù các Cơ Đốc nhân nơi đây không chắc liệu họ có nên tham gia biểu tình hay không, họ vẫn cầu nguyện cho công lý và chính phủ.
Chúng ta không biết được cho đến năm 2023 hoặc lâu hơn nữa, liệu các Hội Thánh ở Iran có được hưởng quyền tự do tôn giáo nhiều hơn hay không. Bất chấp điều đó, cho đến nay chế độ đàn áp này chưa bao giờ cản trở được quyền năng Chúa.
2. Trung Quốc trở lại chủ nghĩa độc tài trên bờ vực chiến tranh với Đài Loan
(Ảnh: foreignpolicy)
Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh cho ra một dự đoán đáng ngại về năm tới, khi tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi lễ khai mạc cùng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 4 tháng 2. Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm giảm đi tham vọng xâm chiếm nước láng giềng Đài Loan của Trung Quốc.
Bất chấp điều đó, chính sách Zero-COVID của Trung Quốc đã củng cố một chính phủ độc tài quyết tâm cai trị mọi khía cạnh đời sống người dân. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình gần đây cho thấy rằng chính phủ đã đi quá xa. Trong khi Hội Thánh Trung Quốc phát triển và trưởng thành, chế độ của Tập Cận Bình đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Việc Tập Cận Bình củng cố quyền lực tại Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10 cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi nhiều từ “tinh thần thép” của các mục sư Trung Quốc.
1. Nga xâm lược Ukraine – cuộc chiến tranh lớn đầu tiên ở châu u kể từ Thế chiến II
(Ảnh: epthinktank)
Ý nghĩa thần học lập tức bật lên khi Nga xâm chiếm nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Chủ tịch chủng viện ở các quốc gia hậu Xô Viết khác đã cùng với anh em Ukraine lên án cuộc tấn công của Nga. Một số lãnh đạo Hội Thánh quyết định ở lại phục vụ đã phải trả giá đắt nhất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin biện minh cho cuộc xâm lược bằng cách kêu gọi phá hủy Nhà thờ Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Moscow. Nhưng nhà thờ đó đã tách ra khỏi Moscow sau khi Thượng phụ Chính thống Nga Kirill ủng hộ cho cuộc chiến. Phương Tây đến nay vẫn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine, chỉ dao động phần nào khi lạm phát do năng lượng ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Đây sẽ là một cuộc chiến của ý chí.
Bài: COLLIN HANSEN; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply