Oneway.vn – Việc sử dụng cùng một thuật ngữ không có nghĩa là tôi và người ấy cầu nguyện với cùng một Đức Chúa Trời.
(Đền thờ Oakland California của giáo phái Mặc-môn – Ảnh: Wikipedia)
Khi mới bắt đầu mục vụ, tôi trở thành tuyên úy cảnh sát cho sở Sandy, Utah. Tôi đã không trụ được lâu.
Vị tuyên úy trưởng là một tín đồ Mặc môn, và ông ấy muốn tất cả các tuyên úy hiệp lại cầu nguyện với nhau cách thường xuyên. Khi tôi giải thích với anh ấy rằng tôi không thể làm được vì tôi và anh ấy không thờ phượng cùng một Đức Chúa Trời, anh ấy bị sốc khi nghe tôi nói vậy. Anh ấy không hiểu rằng việc sử dụng các thuật ngữ giống nhau – Đức Chúa Cha, Con của Đức Chúa Trời – Chúa Giê Su Ky Tô (Chúa Jêsus Christ), Đức Thánh Linh – không có nghĩa là tôi và anh ấy đang nói về cùng một điều.
Điều này cho tôi cơ hội để giải thích lý do tại sao Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh không phải là Đức Chúa Trời của Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (LDS) và để làm rõ rằng tôi và anh ấy không cầu nguyện, thờ phượng hay tin cùng một Đức Chúa Trời.
Vậy thì, các tín đồ Mặc Môn tin gì về Đức Chúa Trời?
Đây là hai trụ cột trong giáo lý của họ về Đức Chúa Trời: (1) Đức Chúa Cha, là một con người cao trọng và (2) mỗi thân vị của Đức Chúa Trời là một vị chúa khác nhau và riêng biệt.
‘Đức Chúa Trời từng là con người giống chúng ta ngày nay”
Các tín đồ Mặc Môn tin rằng Đức Chúa Cha đã từng sống như một con người.
Trong một bài giảng năm 1844 được gọi là Bài Diễn Thuyết về King Follett, Joseph Smith (người sáng lập tôn giáo Mặc Môn) đã nói: “Đức Chúa Trời đã từng giống như chúng ta ngày nay, và hiện là một con người cao trọng, đang ngự trị trên các tầng trời!”
Ông tiếp tục nói rằng Đức Chúa Trời “đã từng là con người như chúng ta; phải, chính Đức Chúa Trời, Cha của tất cả chúng ta, từng sống trên đất này”.
“Việc sử dụng cùng một thuật ngữ không có nghĩa là tôi và người ấy cầu nguyện với cùng một Đức Chúa Trời”.
Ngay cả bây giờ khi Đức Chúa Trời đang ở địa vị cao trọng (theo như ông nói), Smith tuyên bố, Đức Chúa Trời có thân xác như chúng ta: “Nếu bạn nhìn thấy Ngài hôm nay, bạn sẽ thấy Ngài trong hình dáng của một con người – giống bạn về mọi mặt, hình dung và hình dáng như một con người”.
Quy điển Kinh Thánh Mặc Môn xác nhận sự dạy dỗ của Smith: “Đức Chúa Cha có một thể xác bằng xương và thịt hữu hình như loài người” (Giáo Lý và Giao Ước 130:22).
Nếu Đức Chúa Cha, từng là con người, thì Ngài từ đâu đến? Theo các lãnh đạo LDS, Ngài đến từ cha của Ngài.
Orson Pratt, một trong các sứ đồ Mặc Môn đầu tiên, đã viết:
Chúng ta được Cha trên trời sinh ra; Cha trên trời của chúng ta đã được Cha của Ngài sinh ra ở một thế giới trên trời trước đó; và Ngài lại được sinh ra bởi một Cha khác xa xưa hơn; và cứ thế, từ đời này sang đời khác, từ thế giới trên trời này đến thế giới trên trời khác xa xưa hơn.
Tín đồ Mặc Môn tin rằng có nhiều thế giới với nhiều đức chúa trời. Những vị chúa này có con cái sống trong thế giới của họ và con cái của họ cũng có thể trở thành chúa.
Con đường trở thành đức chúa trời là mục tiêu của mọi tín đồ Mặc Môn. Lorenzo Snow, chủ tịch thứ năm của giáo hội LDS, đã tóm tắt các giáo lý về Đức Chúa Trời và sự thần thánh hóa của đạo Mặc Môn bằng một trong những trích dẫn được nhiều người biết đến nhất của một lãnh đạo Mặc Môn: “Đức Chúa Trời cũng từng là con người như con người ngày nay; vậy nên con người cũng có thể trở thành Đức Chúa Trời”.
Thuyết Mặc Môn dạy rằng những người Mặc Môn xứng đáng có thể đi theo con đường giống như Cha Thiên Thượng (“quy luật tiến hóa vô tận”). Họ có thể tiến hóa từ tiền tồn tại đến cuộc sống phàm trần đến chỗ được thăng làm chúa. Phụ nữ cũng có thể được thăng làm chúa, trở nên như Mẹ Thiên Thượng, vợ của Đức Chúa Cha, dù nhà thờ LDS thừa nhận rằng hiểu biết của họ về Mẹ Thiên Thượng còn hạn chế.
Tóm lại, Đức Chúa Trời của giáo phái LDS là một con người cao trọng đã từng sống trên một hành tinh giống như hành tinh của chúng ta. Ngài đã được thăng lên làm chúa, sống trong thượng giới với một thân thể hữu hình, có Mẹ Thiên Thượng là vợ đời đời của Ngài và sinh sống trên hành tinh của chúng ta cùng với con cái của Ngài.
Thiên Chủ Đoàn: 3 Đức Chúa Trời Hiệp Nhất trong Một Mục Đích
Điều này đủ để chứng minh Mặc Môn là tôn giáo đa thần. Tuy nhiên, hầu hết các tín đồ Mặc Môn sẽ bác bỏ nhãn hiệu này; họ tuyên bố rằng dù họ công nhận có các đức chúa trời khác, nhưng họ chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời của thế giới họ mà thôi. Đức Chúa Trời này, theo thuyết Mặc Môn, là một phần của Thiên Chủ Đoàn bao gồm ba hữu thể khác nhau và riêng biệt: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.
“Con đường trở thành chúa là mục tiêu của mọi tín đồ Mặc Môn”.
Bruce R. McConkie, một sứ đồ Mặc Môn trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, giải thích: “Ba nhân vật riêng biệt – Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh – tạo nên Thiên Chủ Đoàn. Vì mỗi thân vị đều là một Đức Chúa Trời, nên hiển nhiên, chỉ từ quan điểm này, nói lên rằng có nhiều Đức Chúa Trời tồn tại”.
Tương tự như vậy, Joseph Smith cũng tuyên bố giáo lý ba ngôi của Cơ Đốc giáo là một “giáo lý phổ biến nhưng sai lầm” và thay vào đó đề cập đến Thiên Chủ Đoàn là “ba nhân vật riêng biệt và là ba Đức Chúa Trời”.
Trang web chính thức của LDS có một bài viết với tiêu đề “Trở Nên Như Đức Chúa Trời”, trong đó nói rằng: “Các Thánh Hữu Ngày Sau cũng tin mạnh mẽ vào sự hiệp nhất về mặt thiêng liêng. Họ tin rằng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Jêsus Christ – Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, dù là các hữu thể riêng biệt, nhưng đều hợp nhất trong mục đích và giáo lý” (chỗ nhấn mạnh là của tôi).
Thuyết Mặc Môn tuyên bố chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời, nhưng họ muốn nói đến một Thiên Chúa trong ý định – không phải một Đấng hiện hữu.
‘Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác’
(Ảnh: Pixabay)
Tuyên úy LDS của sở cảnh sát đã không nhận ra rằng giáo lý về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh và giáo lý về Đức Chúa Trời của Mặc Môn là loại trừ lẫn nhau – cả hai đều không thể đồng đúng. Trong cương vị là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời đã tuyên bố rõ ràng qua tiên tri Ê-sai: “Chẳng có thần nào được tạo thành trước Ta, và cũng chẳng có thần nào sau Ta nữa” (Ê-sai 43:10). Và tương tự như vậy trong Ê-sai 45:5, Đức Chúa Trời phán: “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác”.
Thuyết Mặc Môn tuyên bố chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời, nhưng họ muốn nói đến một Thiên Chúa trong ý định – không phải một Đấng hiện hữu.
Bản Tuyên Xưng Đức Tin của Westminster (1646) tóm tắt sự dạy dỗ trong Kinh Thánh về Đức Chúa Trời, trình bày trái ngược hoàn toàn với thần học Mặc Môn:
Chỉ có một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật duy nhất, là Đấng hằng hữu và toàn hảo vô cùng, một linh thánh sạch nhất, vô hình, không có thân xác, các bộ phận của thân xác hay dục vọng, Đấng không đổi dời, lớn lao, đời đời, không hiểu hấu được, toàn năng, khôn ngoan nhất, thánh khiết nhất, tự do nhất, tuyệt đối nhất, làm mọi sự theo ý muốn không đổi dời và công bình nhất của chính Ngài, vì vinh quang của chính Ngài, Đấng yêu thương, nhân từ, thương xót, nhịn nhục, đầy tốt lành và lẽ thật, tha thứ sự gian ác, sự vi phạm và tội lỗi; Đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm Ngài; và cùng với đó là sự phán xét công bình và kinh khiếp nhất của Ngài; ghét mọi tội lỗi; Đấng sẽ không bao giờ kể kẻ có tội là vô tội. (WCF 2.1)
Nhiều thế kỷ qua, Cơ Đốc nhân đã xưng nhận cách đúng đắn rằng Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống duy nhất có ba ngôi – một Đức Chúa Trời có ba ngôi hiệp nhất, hằng còn đến đời đời: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Mỗi thân vị đều hoàn toàn là Đức Chúa Trời. Cả ba ngôi đều giống nhau về bản thể và bình đẳng về quyền năng và vinh quang.
Chỉ duy Đức Chúa Trời ba ngôi này, được bày tỏ qua các trang của Lời Ngài, mới đáng để chúng ta thờ phượng. Chỉ duy Đức Chúa Trời này mới có thể cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi mình. Và chỉ duy Đức Chúa Trời này mới có thể nghe lời cầu nguyện của chúng ta.
Bài: Matthew Emadi; dịch: Ruth
(Nguồn: thegospelcoalition.org)