Tổng Thống Trump ký điều luật viện trợ cho nạn nhân của ISIS, Cơ Đốc nhân ở Iraq “bắt đầu nhìn thấy sự khác biệt”

Oneway.vn – Các nhà lãnh đạo tôn giáo và hoạt động nhân quyền vui mừng sau khi Tổng thống D. Trump ký một dự luật tăng cường nỗ lực giúp Cơ Đốc nhân và các nhóm tôn giáo thiểu số khác đang bị nhà nước Hồi giáo IS thảm sát ở Iraq và Syria.

Ngày 11 tháng 12 năm 2018, Tổng thống Trump ký Đạo luật “Cứu trợ và Trách nhiệm khẩn cấp liên quan đến nạn diệt chủng ở Iraq và Syria”, tại Nhà Trắng – Tổng Giám mục Wanrda bên trái

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật “Cứu trợ và Trách nhiệm khẩn cấp liên quan đến nạn diệt chủng ở Iraq và Syria” (Iraq and Syria Genocide Emergency Relief and Accountability Act) trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người ủng hộ tự do tôn giáo. Đây là điều luật mà các nhà lập pháp lưỡng đảng đã mất gần 2 năm mới thông qua, nhằm đảm bảo hỗ trợ cho các nhóm tôn giáo thiểu số di cư ở Iraq và Syria, cũng như trách nhiệm mà những kẻ khủng bố IS phải chịu về tội diệt chủng.

“Chúng tôi hy vọng điều này có nghĩa là bây giờ chúng tôi sẽ bắt đầu giai đoạn cho sự giúp đỡ bền vững và rõ ràng dành cho các nhóm thiểu số đang gặp khó khăn. Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào công lý thực sự và trách nhiệm cho những gì đã xảy ra” – Tổng Giám mục Bash Bashar Warda của Tổng Giáo phận Chaldean Erbil, Iraq; Tổng Giáo phận chịu trách nhiệm giúp đỡ hàng ngàn tín đồ Cơ Đốc di cư ở Kurdistan – nói với tờ The Christian Post.

Đạo luật này cho phép chính phủ tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện và các tổ chức phi chính phủ, bao gồm các hội nhóm tôn giáo – những người đang ở trên đất Iraq và Syria, trực tiếp tham gia cung cấp viện trợ nhân đạo và phục hồi cho Cơ Đốc nhân và các nhóm tôn giáo thiểu số khác – mục tiêu của các nhóm khủng bố.

Đạo luật này cũng sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ giải quyết các nhu cầu nhân đạo có thể giúp các cộng đồng bị bắt bớ ra khỏi quê hương họ, dù thực tế các thành trì IS đã được giải phóng. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ các nhóm và tổ chức phi chính phủ đang tìm cách yêu cầu những kẻ khủng bố IS phải chịu trách nhiệm thông qua các cuộc điều tra hình sự và những bằng chứng vững chắc.

Việc ký kết đạo luật được đưa ra khi những lo ngại đã được nêu lên đầu năm nay, rằng cộng đồng Cơ Đốc ở Iraq vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận viện trợ từ chính phủ Mỹ, bất chấp lời hứa từ Phó Tổng thống Mike Pence rằng Mỹ sẽ cung cấp viện trợ cấp thiết cho cộng đồng này.

Tổng Giám mục Warda – một trong số nhiều lãnh đạo tôn giáo – được mời đến Phòng Bầu dục trong buổi ký kết. Ông đứng bên phải Tổng thống Trump trong Phòng Bầu dục khi dự luật được ký và được trao bút mà ông Trump dùng ký dự luật.

“Tôi nhận thấy Tổng thống rất dễ tính và dễ gần” – Tổng Giám mục Ward Warda cho biết. “Tôi nói: Thưa Tổng thống, chúng ta cần thực hiện dự luật này càng sớm càng tốt, và tôi biết ngài có thể làm điều đó, bởi ngài là người đã nói là làm. Và Tổng thống trả lời: Chúng ta sẽ làm vậy”.

Dự luật được nghị sĩ Chris Smith – thành viên Đảng Cộng hòa bang New Jersey – người ủng hộ tự do tôn giáo quốc tế mạnh mẽ, nhắc lại trước Hạ Viện vào tháng 1/2017, sau khi nó không được thông qua trong kỳ họp trước đó. Nó được Thượng viện nhất trí thông qua vào tháng 10, và được Hạ viện nhất trí thông qua vào cuối tháng 11.

Nhà hoạt động Tony Perkins – một tín hữu Tin Lành – thành viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ tuyên bố: “Trong khi chính quyền của Tổng thống Trump đang nỗ lực giải quyết cho nhu cầu của những đối tượng là mục tiêu trong chiến dịch diệt chủng của ISIS, dự luật mới này sẽ đem đến một thúc đẩy khác cho các nhóm cứu trợ, bao gồm các nhóm tôn giáo”. Ông tiếp: “Cho đến gần đây, mọi hoạt động của các nhóm cứu trợ gần như dựa trên các khoản đóng góp tư nhân. Vào mùa Đông, khi bệnh tật lan tràn, ngay cả nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, chăn và thuốc cũng rất hiếm”.

Một trong những nhóm cứu trợ đã hỗ trợ Iraq là Hiệp hội huynh đệ Công giáo có trụ sở tại Mỹ; tổ chức Knights of Columbus đã cung cấp hơn 20 triệu USD để hỗ trợ tín hữu Công giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số ở Iraq và Syria kể từ năm 2014, bao gồm 2 triệu USD xây dựng lại thị trấn Cơ Đốc Karamdes.

Ông Carl Anderson, Giám đốc điều hành của tổ chức Knights of Columbus phát biểu: “Đạo Luật được ký hôm nay lần nữa nhắc nhở chúng ta về những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm hỗ trợ nạn nhân diệt chủng – những cộng đồng Cơ Đốc là mục tiêu của người Ottoman thế kỷ trước, và những người Do Thái sống sót ở Shoah”.

Kể từ khi hàng trăm ngàn tín hữu Cơ Đốc bị đẩy khỏi quê hương vì sự xuất hiện của nhà nước Hồi giáo năm 2014, đã có lời phàn nàn rằng chính phủ Mỹ chưa thực sự nỗ lực đủ trong việc hỗ trợ trực tiếp cho các Hội Thánh và những nhóm có trách nhiệm cung cấp viện trợ cho các cộng đồng thiểu số di cư.

Tổng Giám mục Wanrda đã lên tiếng bày tỏ lo ngại hồi tháng 6 rằng viện trợ vẫn không đến được với tín hữu Cơ Đốc ở Iraq bị bắt bớ, mặc dù Phó Tổng thống Pence đã tuyên bố vào mùa thu năm ngoái rằng Mỹ sẽ thay đổi chính sách để công tác viện trợ nhân đạo cho Iraq sẽ không qua Liên Hợp Quốc, mà sẽ đến trực tiếp các tổ chức tôn giáo.

Tổng Giám mục nói rằng Cơ Đốc nhân ở Erbil “bây giờ tệ hơn so với 2 năm trước”, và sự hỗ trợ duy nhất cho Cơ Đốc nhân di cư đến từ Giáo hội. Tổng Giám mục Warda nói với tờ Christian Post rằng mọi thứ đã được cải thiện.

“Sau đó, đã có sự thay đổi đáng chú ý kể từ tháng 8 với sự xuất hiện của đặc phái viên từ phó tổng thống để giám sát chương trình viện trợ ở Bắc Iraq” – Tổng Giám mục Ward Warda cho biết. “Viện trợ đã bắt đầu di chuyển vào các thị trấn bị ảnh hưởng, và mọi người bắt đầu thấy sự khác biệt. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi một số dự án quan trọng nhất mà chúng tôi đưa ra, nhưng tôi hiểu rằng sẽ bắt đầu thấy tài trợ cho các chương trình này trước Giáng Sinh từ chương trình chung của USAID và tổ chức Knights of Columbus”.

Hồi tháng 10, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ đã đồng ý hợp tác với Knights of Columbus để “tạo điều kiện hợp tác nhằm giúp các cộng đồng ở Trung Đông hồi phục sau nạn diệt chủng và bắt bớ”, kết nối cơ quan này với các nhà lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo cộng đồng ở địa phương.

Đã hơn 18 tháng kể từ khi thành phố Mosul và vùng đồng bằng Nineveh hoàn toàn được giải phóng, Tổng Giám mục Warda nói đã có nhiều tiến bộ trong việc khôi phục điện và nước cho hầu hết các thị trấn nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan viện trợ tư nhân. Ông nói thêm rằng trong khi một số tiến bộ đã được thực hiện trong việc khôi phục nhà cửa, “thì vẫn còn một chặng đường rất dài để đi”.

“Trong mọi thị trấn vẫn còn nhiều ngôi nhà bị phá hủy cần được dọn sạch, nhiều ngôi nhà bị cháy cần được khôi phục” – Tổng Giám mục Ward Warda giải thích. “Ngoài ra, dự án mở đường cho vùng Batnaya và người dân ở đó cuối cùng cũng có thể bắt đầu lại, chúng tôi cần phải làm việc ở đó vì cho đến nay, rất ít công việc đã được thực hiện tại nhà và thị trấn bị hư hại rất nặng”.

Tổng Giám mục Warda nói ông và các nhà lãnh đạo khác đã gặp các thành viên của Quốc hội trong tuần qua để thảo luận về cách để giúp đỡ các nhóm tôn giáo thiểu số bị ảnh hưởng “một cách tổng thể”, chứ không chỉ dựa trên vị trí địa lý. “Đối với Cơ Đốc nhân, điều này nghĩa là chúng ta không thể quên người dân ở ngoài Nineveh như Baghdad và Erbil, bởi nhiều người di tản đang ở trong các cộng đồng này, và họ cũng cần sự giúp đỡ của chúng ta” – ông nói. “Ngoài ra, để tín hữu Cơ Đốc có thể hiện diện một cách bền vững và mạnh mẽ ở Iraq, họ cần những cộng đồng quan trọng này tồn tại”.

Như đã công bố rộng rãi, số tín hữu Cơ Đốc ở Iraq giảm từ 1,5 triệu người năm 2003, xuống còn khoảng 200.000 người hiện nay.

Mặc dù nhiều Cơ Đốc nhân Iraq đã trở về làng quê, nhiều người ở Erbil và các khu vực khác ở phía bắc xứ Kurd vẫn phải di dời vì nhà cửa đã bị phá hủy. Tổng Giám mục Warda nói những Cơ Đốc nhân khác từ Mosul vẫn phải di dời vì sợ rằng khi trở về nhà sẽ bị một nhóm “thánh chiến Hồi giáo” khác có thể lặp lại những gì nhà nước Hồi giáo IS đã làm.

Tổng giáo phận Erbil, vốn từng cung cấp nơi trú ẩn cho hàng ngàn tín hữu di cư đã không thể tiếp tục việc này vì quỹ hỗ trợ cung cấp nơi trú ẩn đã cạn kiệt. Tổng Giám mục Warda giải thích một cách chi tiết rằng tổng giáo phận gần như dùng tất cả các ngân quỹ cho nỗ lực đưa mọi người trở về làng quê của họ.

Tổng Giáo phận vẫn cung cấp, hỗ trợ y tế và thực phẩm. Ngoài ra, họ cũng đang chăm sóc cho “một số lượng lớn Cơ Đốc nhân tị nạn từ Syria, những người đã đến Erbil”. “Số người này hiện đang tăng lên mỗi ngày, và cho đến nay, chúng tôi không nhận được bất kỳ viện trợ nào để giúp đỡ cho nhu cầu của họ” – Tổng Giám mục Ward Warda bày tỏ. Ông cũng nhấn mạnh đến nhu cầu việc làm.

“Nhiều người trong số di cư đã không thực sự làm việc trong 4 năm. Đặc biệt là những người trẻ. Nếu chúng tôi giữ họ lại Iraq, thì điều này rất hệ trọng”.

Hồng Nhung dịch(Nguồn: Christian Post)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *