Tốt nghiệp: Hành trình đằng sau ‘bục vinh quang’

Dường như mới chỉ hôm qua thôi, tôi còn ngồi ở hàng ghế cuối cùng các bạn học trong buổi lễ tốt nghiệp. Khi lần lượt từng người được gọi tên lên nhận bằng, trong tôi dâng lên một nỗi sợ hãi mơ hồ. Tôi đã hoàn thành chặng đường bốn năm để đạt đến khoảnh khắc này, vậy mà phía trước dường như chỉ là một màn sương mịt mù.

(Ảnh: Trường THPT Quốc Trí)

Tôi không bước ra khỏi cánh cửa tủ quần áo để tiến vào một thế giới rực rỡ ánh sáng, mà như đang bước vào một đường hầm tối tăm của những điều chưa biết. Từ giã sự an toàn quen thuộc của giảng đường đại học, tôi đối diện với một đời sống hoàn toàn mới mẻ. Thành thật mà nói, tôi không muốn tốt nghiệp.

Với nhiều học sinh trung học và sinh viên đại học, cảm giác sợ hãi và lo lắng luôn lảng vảng đâu đó. Những câu hỏi như: “Tiếp theo là gì?”, “Bạn sẽ học đại học ở đâu?”, hay “Bạn có háo hức bắt đầu công việc trong ngành mình chọn không?”, tất cả đều có thể khiến người ta bối rối, vì thật sự chẳng ai biết rõ điều gì đang chờ đợi. Đạt đến một cột mốc quan trọng trong đời đôi khi lại khiến bạn tự hỏi: liệu những điều mình sắp làm có đúng không? Liệu mình có đủ khả năng để thành công không?

Khi ấy, tôi buộc phải suy nghĩ lại về ý nghĩa của việc tốt nghiệp. Tôi từng xem đó là vạch đích, nhưng lẽ ra nên xem nó là bệ phóng. Người tốt nghiệp dù ở cấp mẫu giáo hay đại học đều đang bước lên một cấp độ mới trong hành trình hình thành, học tập và phát triển ân tứ. Bạn có thể cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp, kỹ sư hay điều dưỡng, nhưng khi bước lên bục vinh danh, đừng quên tiếp tục bước tới trên hành trình theo Chúa.

Dưới đây là 5 điều bạn nên làm sau khi tốt nghiệp và sẵn sàng bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.


1. Tiến lên trong tình yêu dành cho Chúa

Tôi từng nghĩ lễ tốt nghiệp là đích đến. Nhưng thực ra, đó chỉ là điểm bắt đầu.

Một mùa mới của cuộc đời có thể là cơ hội để suy ngẫm và xác lập những ưu tiên, nhưng nó cũng có thể khiến bạn trì trệ trong những điều đã quen thuộc. Vậy nên, hãy xem giai đoạn tiếp theo này như một dịp để bạn phát triển tình yêu của mình dành cho Chúa. Hãy tiến sâu hơn trong việc hiểu biết về bản tính và tình yêu của Ngài qua Lời Kinh Thánh. Nuôi dưỡng tâm linh bạn bằng sự suy ngẫm sâu sắc về tình yêu mà Chúa đã dành cho bạn trong Đấng Christ. Hãy không ngừng rao giảng Phúc Âm về Chúa cho người khác và cả chính mình.

Hãy đến với Hội Thánh, ngồi dưới sự giảng dạy trung tín về Phúc Âm, để tình yêu bạn dành cho Chúa không nguội lạnh mà ngày càng sâu sắc và mãnh liệt.

Đừng chỉ dừng lại nơi bạn đang yêu Chúa, hãy bước lên một tầm mức mới trong việc biết và yêu Ngài.



2. Tăng tốc trong hành trình nên giống Đấng Christ

Tính cách không phải là điều bạn đạt được trong một sớm một chiều, đó là điều bạn phải phát triển. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta được kêu gọi yêu mến và bước theo Chúa Jêsus – Đấng hoàn hảo và vô tội. Đời sống chúng ta được định sẵn để chiêm ngưỡng vinh quang Ngài và được biến đổi qua khải tượng ấy, để trở nên giống như Ngài (2 Cô-rinh-tô 3:18). Tốt nghiệp là thời điểm lý tưởng để tự hỏi: tôi đang trưởng thành thế nào trong sự chính trực, công bình, lòng thương xót và lối sống công chính — những phẩm chất Chúa Jêsus từng bày tỏ?

Nhà văn Cơ Đốc – C. S. Lewis từng nói với sinh viên ở King’s College rằng, rất có thể một số người trong họ sẽ trở thành những “kẻ vô lại,” dù khi nghe điều đó, chẳng ai nghĩ mình sẽ như vậy. Vì sao ông lại chắc chắn thế? Bởi ông biết rằng nhiều người sẽ bắt đầu thỏa hiệp với lương tâm, không trưởng thành trong nhân cách và đức hạnh, rồi dần sa vào những điều sai trật.

Tốt nghiệp là lúc bạn cần nghiêm túc theo đuổi sự chính trực và hành trình nên giống Đấng Christ.



3. Tăng cường sử dụng các ân tứ thuộc linh

Đức Thánh Linh đã ban cho mỗi người những khả năng, sở thích, tài năng và ân tứ khác nhau để rao giảng Phúc Âm và xây dựng Hội Thánh. Mỗi Cơ Đốc nhân đều được kêu gọi để “trang bị cho các thánh đồ làm công tác phục vụ, xây dựng thân thể của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:12). Là chi thể trong Thân thể Đấng Christ, mỗi người đều có vai trò.

Tốt nghiệp là cơ hội để bạn dâng lên Chúa những gì đã học, sự trưởng thành và lòng nhiệt thành để phục vụ Hội Thánh địa phương. Có thể trong mùa mới này, bạn sẽ nhận ra rõ ràng hơn các ân tứ mình có. Có thể bạn cần được huấn luyện thêm. Nhưng chắc chắn rằng, bạn cần bắt đầu “cày bừa” – sử dụng các ân tứ đó để tôn vinh Chúa trong cộng đồng đức tin.

Hãy xem lễ tốt nghiệp như bệ phóng cho sự phục vụ ý nghĩa và bền vững trong Hội Thánh.


4. Bước vào nghề nghiệp

Tốt nghiệp đánh dấu sự hoàn thành một giai đoạn học tập, có thể là phổ thông, đại học hay đào tạo chuyên môn. Với một số người, việc học lên cao hơn hoặc bắt đầu công việc có thể dường như tầm thường, chẳng mang nhiều ý nghĩa thuộc linh. Nhưng nếu bạn nhìn sự nghiệp như một sự kêu gọi từ Chúa, một ơn gọi để phục vụ người khác thì công việc sẽ trở nên thiêng liêng.

Giờ là lúc bạn dấn thân với trọn tấm lòng để sống với phẩm chất giống Đấng Christ trong nơi làm việc.

Khi bạn bắt đầu sự nghiệp, hãy tự hỏi: công việc này giúp ích gì cho người khác? Nó có đóng góp gì cho xã hội và cho sự phát triển con người không? Hãy trở thành sinh viên, thợ thủ công, giáo viên, luật sư hay nha sĩ giỏi nhất – không phải vì danh tiếng, mà vì vinh quang của Chúa và vì lợi ích của tha nhân.

Hãy nâng tầm nghề nghiệp bằng cách nhìn nó như một cơ hội phục vụ.


5. Bước lên và chia sẻ Phúc Âm

Bạn có nắm rõ các yếu tố cốt lõi của sứ điệp Phúc Âm không? Bạn có thể giải thích điều đó cho một người chưa tin Chúa Jêsus không? Tốt nghiệp cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bước vào một cánh đồng truyền giáo mới, có thể là nơi làm việc, lớp học mới, hay cộng đồng khác.

Hãy tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ ân điển, tình yêu và sự tha thứ của Đức Chúa Trời cũng như niềm hy vọng bạn tìm thấy trong Đấng Christ.

Hãy để việc chia sẻ Phúc Âm trở thành mục tiêu thúc đẩy bạn mỗi ngày. Dù bạn ở đâu, làm gì, bạn cũng được sai phái như một môn đồ của Chúa Jêsus, mang tin lành về tình yêu Ngài đến với những người đang sống xa cách Ngài. Đừng tốt nghiệp chỉ để theo đuổi sự nghiệp, hãy biến sự kiện đó thành động lực để mở rộng Phúc Âm.


“Mọi việc đều khó, trừ ăn bánh kếp.” Không ai diễn tả điều này sống động hơn Charles Spurgeon. Đúng vậy, khó khăn, trở ngại và thử thách khi sống vì sự vinh hiển của Chúa là điều không thể tránh khỏi. Theo bước Đấng Christ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Với mỗi bước tiến, chúng ta cần phải học cách kiên trì và chịu đựng. Như William Carey — nhà truyền giáo người Anh từng đến Ấn Độ — từng nói: “Hãy kỳ vọng những điều lớn lao nơi Chúa. Và dấn thân làm những việc lớn cho Ngài.” Nhưng tất cả những điều đó đều cần đến sự bền bỉ.

Vậy nên, khi bạn tốt nghiệp, hãy tiếp tục bước lên — để làm điều khó tiếp theo vì vinh quang của Chúa.

Bài: Jeremy Writebol; dịch: Thùy Trang
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *