Từ tấm bé, các cậu bé cần được miêu tả đặc điểm của một người nam tin kính và quan sát họ. Rất tiếc là thực tế lại không như vậy. Với chúng, người nam tin kính là ai đó giống Siêu nhân hoặc Quái vật chân to vậy. Chúng không sao nhận thức được những điều này.
Khoảng vài tuần trước, tôi dẫn hai đứa con trai tới một trung tâm nhà vườn. Khi tôi đang mua vé vào, một người đàn ông lớn tuổi sau quầy thu tiền đã làm tôi khựng lại. Hai đứa nhỏ nhà tôi đang đứng sang bên, chơi với những chiếc chuông gió. Chính chúng cũng không biết phải phản ứng thế nào với lời bình luận của người đàn ông kia.
“Hai cô bé đang làm gì thế?”
Tôi không nghĩ là ông có ý gì xấu. Lũ trẻ cũng không hề bị quấy rầy. Chắc hẳn ông chỉ muốn trêu chọc lũ trẻ thôi. Hai thằng bé vừa bẽn lẽn cười vừa nhẹ nhàng nói: “Chúng cháu không phải con gái.” Tôi cũng trả lời nhẹ nhàng y như vậy: “Ồ, các con trai của bố, các con mà là con con gái á, khùng thật!”
Mãi đến lúc lái xe đi tôi mới thấy khó chịu với chính mình. Đúng là tôi đã bỏ lỡ cơ hội nói về con trai mình. Chúng cần tôi như vậy. Chúng đang xem tôi giải quyết tình huống đó ra sao. Ngày hôm đó, các con trai tôi cần một người cha mạnh mẽ.
Tôi đã chứng kiến quá nhiều những cậu chàng yếu đuối kết hôn, làm việc và thậm chí là cưới lại lần nữa. Họ không nói với bạn rằng họ yếu đuối, có lẽ vì chính họ cũng không biết điều đó.
Nhiều năm nay, tôi đã trích dẫn một câu kinh thánh đã in sâu trong lòng tôi ngay lần đầu đọc được:
Ha-lê-lu-gia!Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va,Hết lòng yêu thích điều răn của Ngài!Con cháu người ấy sẽ cường thịnh trên đất; (Thi Thiên 112: 1-2b)
Là một người cha, tôi cầu nguyện rằng các con trai của mình sẽ lớn lên và trở thành một người nam mạnh mẽ, tin kính. Cùng lúc, tôi cũng cố gắng để dẫn dắt chúng đi trên con đường đó bằng những điều sau:
1. Chỉ cho các con quyền năng trong sự yếu đuối. Thế gian này buộc chúng ta nghĩ rằng những người nam tan vỡ, sống cảm xúc và phụ thuộc là những dấu hiệu chứng tỏ rằng người đó kém nam tính. Những lời đó là dối trá. Tôi muốn các con tôi nghe tôi nói về những điều không trọn vẹn của mình. Tôi muốn chúng nghe tôi nói, rằng tôi biết ơn Chúa và ân điển của Ngài ra sao. Đôi lần tôi đã khóc vì ân điển đó, bởi lẽ nó quá lớn lao và mang cho tôi sự giải phóng. Thay vì dạy chúng vươn lên bằng nỗ lực của bản thân, tôi muốn chúng biết đến gần Chúa – một Đấng quyền năng, lớn lao và đầy ân điển, Đấng luôn chào đón những người phụ thuộc vào Ngài, những người có tấm lòng tan vỡ và đầy dẫy đức tin.
2. Giúp các con nhận ra sức mạnh của mình. Tôi gọi đó là thời gian “bên gấu bố”. Tôi đấu vật với các con ngay từ tấm bé. Đến tuổi, chúng đã đấm rất đau. Mỗi khi chúng làm động tác đấu vật tốt hoặc biết cách đấm đúng chỗ, tôi cho các con biết là chúng đang tiến bộ. Tôi không hề muốn chúng nghi ngờ về sức mạnh của mình. Chúng đã có mọi tiềm năng cần thiết.
3. Làm gương cho các con bằng cách yêu thương và tôn trọng vợ.Khi các con tôi còn nhỏ, nếu chúng tôi nói rằng ba mẹ sắp đi hẹn hò, chúng sẽ khóc ầm ĩ. Giờ thì chúng chẳng còn quan tâm tới việc đó nữa. Nhiều lần chúng tôi đã giải thích cho các con, rằng ba và mẹ yêu thương nhau, ba mẹ cần dành thời gian riêng bên nhau. Chúng thấy tôi thích thú với việc tặng quà, giúp tôi gây bất ngờ cho mẹ chúng. Hy vọng rằng một ngày nào đó, tôi có thể giúp các con làm vợ tương lai của chúng bất ngờ nữa.
4. Dạy các con cách tranh luận quân bình. Đôi lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, chúng tôi có xung đột, cãi cọ, đôi co với nhau. Nhiều khi tôi nóng nảy, cục cằn. Các con tôi trực tiếp chứng kiến mọi điều. Tôi không muốn các con nghĩ rằng cãi nhau với vợ nghĩa là hôn nhân không hạnh phúc. Tôi muốn chúng biết rằng xung đột là một điều tốt. Nếu làm tốt, nó mang tới sự trưởng thành, sự tự do và tình bằng hữu.
5. Cho chúng học làm việc. Tôi thích các con cùng làm việc với mình. Như tuần trước, tôi dạy chúng làm khung xe đạp hoặc chẻ củi trong sân sau. Tôi muốn các con mình biết dùng các dụng cụ thế nào, sửa điện phức tạp ra sao. Mỗi khi sửa, tôi rủ các con cùng làm. Tất nhiên là không có chúng tôi sẽ làm nhanh hơn, nhưng thật vui khi thấy mình làm chậm lại và có các con cùng giúp.
6. Dạy cho con các câu chuyện trong Kinh thánh. Khi chúng trưởng thành, tôi vẫn muốn giãi bày các câu chuyện của Đức Chúa Trời cùng chúng. Không chỉ là để học thuộc lòng Kinh Thánh, nhưng để chúng dần hiểu rằng Chúa là Cha thiên thượng. Các con cần có một người nghe chúng hỏi về Chúa và cùng nghiền ngẫm Kinh thánh để khám phá câu trả lời. Có những câu trả lời mà cả ba chưa hiểu hết, tôi muốn giải thích với các con rằng đức tin thật sự là gì, và đừng sợ những lúc như vậy.
Nhân thể, sau vài tuần nghiền ngẫm xem phải làm thế nào với người đàn ông lớn tuổi kia, tôi đã đưa lũ trẻ quay lại trung tâm nhà vườn. Tôi làm vậy để xem ông có còn nói những câu như vậy hay không. Tôi thấy mình cứ như Đa-vít đi đối đầu với Gô-li-át vậy.
Tất nhiên, người đàn ông lớn tuổi vẫn ở đó, ngay sau quầy tính tiền quen thuộc. Tôi đi thẳng tới và nhìn thẳng vào mắt ông. Tiếc là ông ta không nói gì. Nhưng nếu ông có nói, tôi đã chuẩn bị để nói thế này:
“Chúng không phải các cô bé. Chúng là những người đàn ông tương lai. Mỗi ngày tôi phải dạy chúng con đường đến đó.”
*Tác giả bài viết là Kenvin East, Chủ tịch mục vụ Câu lạc bộ Con trai và Con gái (Boys and Girls Clubs) tại phía Đông Texas. Đây là một mục vụ chuyên phục vụ nhu cầu của mọi trẻ em trong khu vực Đông Texas. Trước đây, Kenvin East phục vụ tại Trại Thiếu Nhi Pine Cove với cương vị Giám đốc Điều Hành Mục vụ.
Nguồn: crosswalk.com
Dịch: Lê Hằng
Theo loisusong.net
Leave a Reply