Từ Gay đến Phúc âm: Câu chuyện của Becket Cook

Oneway.vn – Mười năm trước, Becket Cook – một người đồng tính nam ở Hollywood – là nhà thiết kế thời trang thành công. Anh làm việc với các ngôi sao và siêu mẫu, từ Natalie Portman đến Claudia Schiffer, đi khắp thế giới để thiết kế cho các tạp chí nổi tiếng như Vogue và Harper’s Bazaar. Anh từng tham dự các buổi trao giải và tiệc tùng tại nhà của Paris Hilton và Prince. Mùa hè chỉ việc nghỉ ngơi ở hồ bơi Drew Barrymore.

Một thập kỷ sau, Cook đã rời bỏ cuộc sống hào nhoáng đó và chẳng có gì lưu luyến trong anh.

Điều gì đã thay đổi cho Cook? Anh đã gặp Chúa Jesus. Ngày quan trọng, tháng 9 năm 2009, khi đang uống cà phê với bạn ở Intelligentsia trong khu phố Silver Lake ở LA, Cook đã trò chuyện với một nhóm thanh niên ngồi gần đó – với Kinh Thánh mở ra trước mặt. Họ đến từ Hội Thánh Reality L.A. và mời Cook đến thăm nhà thờ.

Cook nhận lời mời và đến thăm Hội Thánh Reality L.A. vào Chúa nhật tuần sau. Anh được nghe đến Tin Lành và quyết định hiến dâng đời sống mình cho Chúa Jesus. Anh không bao giờ nhìn lại, và đã từ bỏ bản sắc đồng tính để nhận lấy danh tính mới trong Đấng Christ. Kể từ đó, Cook đã tốt nghiệp Trường Thần học Talbot và viết hồi ký về sự biến đổi của mình: “A Change of Affection: A Gay Man, Incredible Story of Redemption/Thay đổi cách nhìn: Câu chuyện cứu chuộc tuyệt vời của một người đồng tính”, quyển sách vừa được phát hành.

Gần đây tôi đã gặp Cook tại Intelligentsia tại nơi ông đã gặp nhóm thanh niên Cơ Đốc và được biến đổi. Sau đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi.


Điều gì đã xảy ra trong 10 năm trước khiến anh sẵn sàng nhận lãnh hạt giống Phúc âm?

Sáu tháng trước đó ở Paris, tôi đang dự một bữa tiệc thời trang và trong một khoảnh khắc bỗng cảm thấy trống rỗng: tôi đã làm mọi thứ ở Hollywood, gặp gỡ tất cả mọi người, đi du lịch khắp nơi. Vậy mà tôi lại choáng ngợp với sự hư không trong bữa tiệc này. Cảm xúc ấy rất mãnh liệt: “chẳng lẽ đời chỉ có thế thôi”? Tôi đã vật lộn trong những suy tư về ý nghĩa cuộc sống, và tìm kiếm nó theo đủ mọi cách. Nhưng Chúa không bao giờ là lựa chọn của tôi, vì tôi là người đồng tính. Miễn bàn. Tôi không hề bối rối khi nghe những điều Kinh Thánh nói về đồng tính luyến ái. Tôi biết rõ ràng rồi. Nhưng tôi vẫn cứ đi tìm kiếm ý nghĩa.

Vì vậy, sáu tháng sau khi tôi đến quán cà phê này và thấy nhóm thanh niên với cuốn Kinh Thánh mở trước mặt, tôi bắt đầu đặt câu hỏi cho họ. Họ đã giải nghĩa Phúc âm – điều họ tin. Tôi hỏi Hội Thánh của họ tin chuyện đồng tính luyến ái hay không, và họ giải thích rằng họ tin đó là một tội lỗi. Tôi đánh giá cao sự trung thực của họ vì họ không vòng vo. Nhưng lý do tôi chấp nhận câu trả lời của họ là vì tôi đã trải qua khoảnh khắc đó ở Paris. Nếu là 5 năm trước tôi kiểu như: Các người thật điên rồ. Thật cổ hủ, lạc hậu. Nhưng thay vào đó tôi lại thế này: Có lẽ tôi có thể sai. Có lẽ đây thực sự là một tội lỗi. Vì vậy, tôi đã mở lòng hơn trong thời điểm này. Và sau đó họ mời tôi đến nhà thờ.


Khi anh đến nhà thờ lần đầu tiên vào Chúa nhật và trở thành Cơ Đốc nhân. Chuyện gì đã xảy ra?

Tim Chaddick giảng bài giảng ngày hôm đó, và cả bài giảng cơ bản đã đảo lộn mọi thứ tôi biết về tôn giáo. Tôi lớn lên trong các trường Công giáo, và chỉ nghĩ rằng tôn giáo dạy người ta thành người tốt, làm việc tốt. Tôi không nghĩ rằng các linh mục ở trường trung học đã từng giải thích Phúc âm là gì. Không một lần nào. Vì vậy, khi mục sư Tim đang giảng mọi điều những điều trái ngược hoàn toàn với định nghĩa tôn giáo của tôi, tôi chỉ có thể trố mắt ngạc nhiên. Mọi sự tác động sâu sắc đến tấm lòng, thôi thúc tôi tiếp tục ở lại đến hết giờ thờ phượng để được cầu nguyện tin nhận Chúa. Mọi điều thật sốc và bất ngờ đối với tôi, giống như khoảnh khắc trên “đường đến Damascus/Đa-mách”. Vô cùng tuyệt vời, vô cùng quyền năng. Tôi hoàn toàn đầu phục.


Anh được môn đồ hóa như thế nào sau khi được cứu?

Mục sư Tim và tôi hẹn cà phê mỗi tuần, và dù tôi không biết tại sao, ông đang “môn đồ hóa” chính tôi. Điều này rất quan trọng. Có rất nhiều người tại Hội Thánh đến bên tôi và ủng hộ tôi, giới thiệu sách, bài giảng và cầu nguyện cho tôi. Tôi thường nhận được tin nhắn “Tôi đã cầu nguyện cho anh hôm nay!” Tôi tham gia ngay một nhóm nhỏ. Tôi nghe mọi bài giảng của Tim Keller, cũng như John Stott và Dick Lucas. Cả một quá trình, mọi người môn đồ hóa tôi tại Hội Thánh và Chúa dạy dỗ tôi qua người khác. Ngay sau khi được cứu, ba tháng tôi không có việc làm – chuyện rất bất thường với tôi. Vì vậy, tôi dành tất cả thời gian này ở với Chúa, cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Tôi không thể ngừng đọc Kinh Thánh. Mỗi lần nghe một bài giảng hoặc đọc Kinh Thánh, tôi lại chìm trong nước mắt: “Chúa ôi, đây là Chân lý! Con không thể tin con đã được biết Chúa và biết ý nghĩa thật của cuộc sống!


Ngày hôm nay, việc liệu “Cơ Đốc nhân đồng tính” có được hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Làm sao để hòa giải với Chúa Jesus khi đồng tính?

Hai điều không thể hòa hợp được. Nỗ lực làm thế thật kì lạ đối với tôi. Tôi đã có một khoảng thời gian gột rửa sạch sẽ bản thân, và hoàn toàn là ân điển Chúa khiến tôi thấy điều đó là cần thiết. Sao có thể gọi mình là Cơ Đốc nhân tham lam? Cơ Đốc nhân thu thuế? Thật lạ khi tự nhận mình là một Cơ Đốc nhân đầy tội lỗi. Điều đó thật nghịch lý. Tự nhận mình là Cơ Đốc nhân đồng tính, thậm chí sống độc thân và không quan hệ đồng tính luyến ái, chính là một sai lầm nghiêm trọng. Giống như bạn đang mắc kẹt trong tội lỗi cũ, bám vào con người cũ của mình cách cố chấp. Không lợi ích gì khi làm thế. Tại sao bạn lại đồng cảm với con người cũ đã đồng đóng đinh với Đấng Christ? Vì thế, tôi chạy trốn khỏi quá khứ đó càng xa càng tốt. Đó không phải là tôi. Nếu mọi người hỏi vậy tôi xác định mình là giới tính gì, thì tôi chỉ đơn giản nói: “Đừng định nghĩa tôi qua giới tính của tôi. Tôi là tín đồ của Đấng Christ, và đương nhiên phải tranh đấu với nhiều cám dỗ, trong đó có cả sự hấp dẫn đồng giới”.


Phong trào LGBT ngày nay được ủng hộ rộng rãi khi xem đồng tính luyến ái như một bản sắc không thể thay đổi của con người. Anh nghĩ gì về cách nhìn của văn hóa phương Tây về đồng tính?

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, đồng tính dường như trở nên thiêng liêng. Từ một tội lỗi, nó trở thành một bí tích. Cuốn sách Making Gay Okay/ Chấp nhận đồng tính đã cho thấy điều đó đã xảy ra như thế nào. Truyền thông, phim ảnh, TV, tất cả đều hướng tới điều này. Khi tôi còn là một đứa trẻ đồng tính, mọi chuyện không giống như thế này. Đó vẫn là điều cấm kỵ. Có những cuộc diễu hành tự hào đồng tính, nhưng chưa bao giờ diễn ra ở Macy. Các cửa hàng không tô vẽ cầu vồng – cờ lục sắc. Nhưng bây giờ, nó ở khắp mọi nơi, rất nổi trội, và nếu bạn nói bất cứ điều gì chống lại nó, bạn sẽ bị coi là điên rồ nếu chưa nói là xấu xa.

Tất cả mọi thứ như đảo lộn cả lên. Ví dụ, cầu vồng – một biểu tượng trong Kinh Thánh lại bị đem ra làm biểu tượng cho phong trào LGBT. Khi tôi là gay, tôi cảm thấy thật xấu hổ. Theo bản năng, tôi biết đó là sai. Nhưng mặc dù cảm thấy xấu hổ, trong nhiều năm, tôi vẫn cứng lòng với nó. Tôi nghĩ rằng luôn có người phía sau ủng hộ sự lựa chọn này, như lá cờ lục sắc và những cuộc diễu hành chính là niềm tự hào – niềm tự hào của thế giới, thậm chí tôi đã thuyết phục bản thân rằng chuyện này không có gì sai, không có gì phải xấu hổ. Bạn phải liên tục nói với chính mình như vậy, và lắng nghe văn hóa nói với bạn như vậy. Bởi vì có sự xấu hổ kèm theo, nên việc nhấn mạnh sự “đúng đắn” của nó giúp mọi người tự tin vào “bản sắc” của họ hơn.


Anh có thấy những Cơ Đốc nhân lớn lên trong đức tin nhưng sau đó từ bỏ vì vấn đề LGBT? Trong sách của anh, anh so sánh điều này với việc Ê-sau bán quyền trưởng nam của mình của mình chỉ vì một tô canh đậu.

Tôi thấy điều này xảy ra mọi lúc, đặc biệt là những bạn lớn lên trong gia đình Cơ Đốc và học các trường Cơ Đốc. Chuyện này rất phổ biến và văn hóa rất mạnh mẽ. Kiểu như: “Xem nào, nếu bạn đã lướt mạng xã hội trong một tiếng, bạn cũng phải đọc Kinh Thánh trong một tiếng, vì bạn vừa bị lừa dối và bây giờ bạn cần sự thật bù lại”. Vâng, điều đó thật đáng buồn. Cuộc sống bạn chỉ như hơi nước. Bạn muốn cuộc đời mình là gì khi nằm hấp hối trên giường? Bạn có muốn lúc đó thế này không: “Không được, tôi còn phải thỏa mãn mọi dục vọng và có được những gì tôi muốn có?” Hay bạn muốn được gọi là: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm!”?. Bạn đã dành cả cuộc đời mình cho sứ mệnh phục vụ vương quốc Chúa? Tôi thường nghĩ về Phao-lô, ông đã sống độc thân và đã không than vãn về điều đó. Ông quan tâm đến việc gây dựng Hội Thánh và giảng Tin Lành khắp nơi. Ông bị đắm tàu, bị đánh đập, bị bỏ tù, nhưng ông chẳng quan tâm – ông chỉ muốn rao giảng Phúc âm.

Đối với những người từ bỏ đức tin, trước tiên tôi cầu nguyện cho họ, đặc biệt là những người tôi biết. Tôi rất buồn vì bạn thật sự đã từ bỏ quyền trưởng nam của mình cho một món ăn tầm thường. Bạn có hiểu bạn đang làm gì không?


Cơ Đốc nhân nên hành xử thế nào khi những người gần gũi với họ từ bỏ đức tin để công khai giới tính?

Tôi đã thấy điều này xảy ra với vài người bạn và tôi hiểu động lực đằng sau. Nhưng Lời Chúa không thay đổi dựa trên cảm xúc của chúng ta. Về việc phản ứng với những người thân thiết đồng tính của chúng ta, mấu chốt là phải yêu họ vô điều kiện nhưng không được ảnh hưởng đến đức tin của bạn. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta đang sống lưu vong. Như Shadrach/Sa-đơ-rắc và bạn bè đã từ chối cúi đầu trước bức tượng vàng ở Babylon (Daniel 3) cho dù hậu quả có thể rất thảm khốc, chúng ta cũng phải chống lại sự cám dỗ cúi đầu trước nền văn hóa thời nay bằng bất cứ giá nào. Điều này không hề dễ dàng. Một số người công khai đồng tính sẽ xúc phạm bạn nặng nề khi bạn giữ quan điểm Kinh Thánh truyền thống. Họ có thể cảm thấy như bạn đang khước từ họ. Tôi cũng từng cảm thấy như vậy khi gia đình mặc dù yêu tôi nhưng vẫn tin rằng hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi. Dù họ không có ý từ bỏ tôi, tôi vẫn cảm thấy bị xa lánh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chìa khóa chính là yêu thương vô điều kiện bất kể họ như thế nào, và cầu nguyện cho họ. Chị dâu tôi đã làm như vậy với tôi. Chị ấy theo đạo Tin Lành, và chị ấy biết rằng tôi biết chị ấy không đồng ý với đồng tính luyến ái (chị giữ quan điểm chính thống). Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy một chút phán xét nào từ chị ấy trong suốt những năm qua. Chị ấy chỉ yêu thương tôi và cầu nguyện cho tôi. . . trong 20 năm dài. Và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện ấy!


Dựa theo cuốn sách anh viết, người đồng tính được biến đổi thành Cơ Đốc nhân cụ thể như thế nào?

Khi chúng ta được tái sinh, tình cảm của chúng ta cũng thay đổi. Không chỉ trong khía cạnh tình dục, mà trong mọi thứ khác: thái độ đối với tiền bạc, thành công, các mối quan hệ. Xét về cái gọi là phương cách biến đổi, tôi không nghĩ rằng đó là điều mà chúng ta nên ép buộc. Tôi vẫn đang đấu tranh với sự hấp dẫn đồng giới (mặc dù điều đó đã giảm đi rất nhiều và không còn chi phối suy nghĩ của tôi như trước khi Chúa cứu tôi). Nhưng Ngài có thể làm mọi thứ. Ngài đã tạo ra vũ trụ, vì vậy Ngài có thể định hướng lại mọi quan điểm của chúng ta. Đôi khi tôi cầu xin Chúa chữa lành vết thương tình dục trong tôi, vì tôi từng bị bạn của cha tôi quấy rối (điều này có ảnh hưởng lớn hơn đến xu hướng tình dục của tôi). Ai biết được, Chúa có thể thay đổi ham muốn của tôi một ngày nào đó. Chúng ta sẽ thấy. Nhưng hiện tại, tôi hạnh phúc khi được độc thân và độc thân đến hết đời. Tôi vui mừng bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Chúa Jesus.


Anh đã trả giá và nhận được điều gì khi lựa chọn theo Chúa Jesus?

Chúa đã ban cho tôi rất nhiều ân điển khi Ngài cứu tôi. Từ bỏ đời sống đồng tính rất khó khăn; nhưng thật ra lại khá dễ dàng. Tôi vừa mới gặp Chúa Jesus và mối quan hệ với Ngài thật quá  tuyệt vời và quyền năng. Thật kỳ lạ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn hẹn hò đồng giới nữa. Khi sống cuộc sống đó, tôi liên tục chịu áp lực. Bạn bè luôn cố gắng để kiểm soát tôi. Nếu bạn không hẹn hò với ai đó, mọi người sẽ nghĩ bạn không ổn. Vì vậy, tôi thực sự nhẹ nhõm khi không làm vậy nữa. Giống như tôi viết trong sách, tất cả bạn trai cũ của tôi đều lừa dối tôi. Nhưng trong mối quan hệ với Đấng Christ, tôi cảm thấy rất an toàn. Tôi không cần phải cố gắng. Những người bạn trai cũ của tôi đều là nghệ sĩ. Một người trong một ban nhạc siêu thành công. Một người là một nhà văn lớn ở New York. Luôn luôn là như vậy, nếu bạn không đạt được thành công và giữ vững phong độ, bạn sẽ bị bỏ rơi. Bạn luôn phải ở gồng mình mọi lúc mọi nơi! Bạn không thể thả lỏng dù chỉ hai giây; nếu không bạn sẽ bị đuổi khỏi câu lạc bộ, hoặc phải chuyển đến Palm Springs.

Thật nhẹ nhõm khi ở trong mối quan hệ với Đấng Christ. Tôi không cảm thấy mình phải trả giá bất kỳ điều gì, vì tôi rất hạnh phúc. Nhưng tôi đã mất đi mãi mãi vài người bạn, vài mối quan hệ thực sự sâu sắc. Rất nhiều bạn bè tôi đã ủng hộ, nhưng một số người thân nhất thì không. Điều đó thật đau đớn, nhưng lúc ấy tôi rất háo hức, tôi không quan tâm. Khi cuốn sách ra đời, vài tình bạn còn ở lại và số còn lại đã biến mất vĩnh viễn. 

Điều tôi nhận được giống như Phao-lô đã nói: Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi (Phil. 3: 8). Malcolm Muggeridge nổi tiếng nói rằng tất cả danh tiếng, tiền bạc và thành công của thế giới không là gì so với việc biết Đấng Christ. Điều tôi nhận được là mối quan hệ với Đức Chúa Trời thông qua Đấng Christ. Sự sống đời đời. Đó chính là niềm vui không gì có thể lay chuyển, vì không chỉ được biết Đấng Christ, tôi còn được biết ý nghĩa cuộc sống – quê hương thật của tôi, những gì tôi làm, nơi tôi sẽ đến. Chúa đã mang đến cho tôi sự bình yên như vậy đấy.

 

Bài: Becket Cook – Brett McCracken, dịch Hồng Nhạn

 (Nguồn: Thegospelcoalition.org)

 


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *