Oneway.vn – Trong các thành phần xã hội, đâu là những người bạn ngại tiếp xúc nhất? Nhưng dù có thế nào, thì họ cũng cần được nghe Tin Lành…
Bà Trần, trên 50 tuổi, sống tại Úc đã lâu, gia đình, con cháu đề huề. Bà bị một số người lừa gạt, dẫn đến nợ nần, rồi chọn vận may “đỏ đen” để giải quyết, thành ra nợ chồng thêm nợ. Không còn khả năng chi trả, cuối cùng bà vào tù cùng một khoản nợ lớn.
Việc đua đòi lối sống xa hoa đã đẩy bà Nguyễn Thị G. vào con đường nợ nần. Biết khó chi trả, bà đánh liều vận chuyển ma túy trái phép từ nước ngoài vào Úc với khoản thù lao khủng. Bà được thuyết phục rằng nếu bị bắt thì án tù cũng không bao lâu. Vì thế, bà chấp nhận. Lần đầu trót lọt. Lần thứ 2 cũng tương tự, thế nhưng bà bị bắt khi vừa đặt chân xuống máy bay. Vào tù, bà mới biết thêm là đã bị dùng như một con chốt nhằm đánh lạc hướng cảnh sát, giúp chủ của bà vận chuyển lượng ma túy lớn hơn.
Nhiều nam thanh nữ tú xinh đẹp, mạnh khoẻ với tuổi đời rất trẻ từ Việt Nam sang Úc du học với một tương lai xán lạn, nghe bạn bè rủ rê, tìm việc làm thêm để có tiền tiêu vặt. Những công việc nhẹ nhàng và không tốn quá nhiều thời gian: vận chuyển vài món hàng nhỏ, vài lần tưới cần sa tại một ngôi nhà nào đó… Thế rồi cảnh sát ập đến. Nhẹ thì cũng phải vài ba năm tù, tiêu tan giấc mơ du học với bao kỳ vọng của ba mẹ nơi quê nhà. “Bị tù thế này, gia đình ở Việt Nam có biết không?” – Người quản giáo hỏi – “Dạ, nhờ bạn bè giấu, nhưng chắc không được bao lâu…” – họ trả lời. Rồi còn có những đứa trẻ được sinh ra trong tù…
Đại gia đình ông Nguyễn Văn T. sống tại Úc trên 30 năm. Ông dính vào ma túy, bị tù một thời gian dài và đến nay sắp mãn hạn. Do không phải công dân Úc, theo luật, ông buộc phải về lại Việt Nam. Người quản giáo hỏi: “Ra tù rồi ông sẽ thế nào? Định đi đâu?“. Ông trả lời trong vô vọng: “Không biết nữa, vì ở Việt Nam, tôi cũng không còn ai thân thuộc…”.
Ông Trần Văn H. năm nay ngoài 60 tuổi, con cái đã lớn và có cuộc sống riêng, tưởng sẽ an nhàn hưởng thụ. Nhưng rồi lần nọ, một vài người gợi ý cho ông cách kiếm thêm thu nhập, việc nhẹ lương cao: “tưới cây, mỗi tuần 1-2 lần”. Đó là cây cần sa. Ông bị bắt. Trong tù, do không biết tiếng Anh nên hầu như ông chỉ lủi thủi một mình. Thú vui duy nhất của ông là mở radio hết đài này sang đài khác để nghe cải lương. Lâu lâu con cái mới đến thăm một lần. Ông cũng chưa biết tương lai sẽ ra sao.
Sau gần 4 năm làm việc tại đây, Mục sư Nguyễn Đông Luận (Trung tâm RAVENHALL CORRECTIONAL tại Melbourne), chia sẻ: “Những người tù nơi đây cần được chia sẻ, cần được nghe Phúc Âm, cần được học Kinh Thánh… Sau khi ra tù, họ cũng cần Hội Thánh cưu mang, giúp đỡ về tinh thần”. Ông cho biết thêm, về công tác xã hội giúp đỡ tù nhân tại đây thì có nhiều tổ chức, trong đó có cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Họ hoạt động rất mạnh, thường đến vào dịp Tết và Trung thu để an ủi, khích lệ các tù nhân. Phật giáo tại đây tạo được tiếng vang trong cộng đồng bởi tinh thần hoạt động xã hội mạnh mẽ, hiệu quả. Tù nhân tại đây được tiếp xúc với nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng hầu như không có cơ hội gặp người Tin Lành. Ngay cả một số ít ỏi người tin Chúa trong tù, thì khi ra tù, họ cũng chưa được Hội Thánh chăm sóc, giúp đỡ để đứng vững trong niềm tin. Cho đến nay, hầu như chưa một Hội Thánh hay tổ chức Tin Lành của người Việt tại Úc nào có hoạt động như vậy.
Hình: Trung tâm RAVENHALL CORRECTIONAL
Hình: Hoạt động xã hội tại trung tâm nhân dịp năm mới.
Hình: Mục sư Luận và cộng sự trong một buổi sinh hoạt tại trung tâm.
Giữa xã hội bận rộn và phát triển không ngừng hiện nay, khi ai đó nói đến nhà tù hay tù nhân, ta thường sẽ có thái độ sợ hãi, tránh né, khinh khi, bỏ qua… Nhiều quan điểm cho rằng họ không đáng được giúp đỡ, họ xứng đáng bị bỏ rơi vì tội lỗi họ đã gây ra. Theo như những gì mục sư Luận chia sẻ, tôi chạnh lòng nghĩ: Vậy thì đâu là lối ra cho cuộc đời họ? Linh hồn họ sẽ như thế nào nếu như những năm tháng trong tù hoặc sau đó họ không được nghe Tin Lành? Phải chăng Bức tranh Truyền giáo còn thiếu một mảnh ghép?
Hình: Nhân sự quản giáo tại trung tâm
Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Jesus đến thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15); “…Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng. Đến phiên các người nầy bèn thưa lại rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc đau ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư? Ngài sẽ đáp lại rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa” (Ma-thi-ơ 25:44-45).
Hình: Sau khi hoàn lương các tù nhân ra tù và gia đình gặp gỡ với nhau vào tháng 7/2019
Người Việt Nam nơi hải ngoại cũng có những cuộc đời vinh danh rạng rỡ nơi xứ người. Cũng có những tấm gương rất đáng tự hào cho người Việt. Bài viết này chỉ viết riêng về nhà tù, nơi phản ánh một phần của xã hội tại thành phố Melbourne. Không có ý bôi nhọ người Việt Nam. Chỉ muốn truyền tải thông điệp đến cộng đồng Cơ Đốc: Xin đừng bỏ qua người tù!
Rất cần sự đồng công của Hội Thánh Tin Lành tại Úc và tại Việt Nam để những mảnh đời này không bị bỏ quên một cách vô tình hay cố ý.
Bài viết: Châu Liêu
Hình ảnh: Nguyễn Đông Luận