Oneway.vn – Đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng vô định khi nghĩ về hướng đi tương lai của mình chưa? Đừng lo, bạn không cô đơn!Có thể bạn không tin khi thấy những thành công hiện tại của Stephanie Phua – nhà sáng lập công ty truyền thông xã hội Duo Studio, nhưng cô cũng từng cảm thấy lạc lõng khi tốt nghiệp đại học.
Khó tin hơn nữa, thậm chí Stephanie đã từng không chắc chắn về con đường sự nghiệp của mình, cho dù đã tốt nghiệp ngành Truyền thông đại chúng – một ngành rất phù hợp với lĩnh vực hiện tại của cô.
Nhưng cô gái 33 tuổi – nhà sáng lập công ty truyền thông đang hợp tác với các thương hiệu và tập đoàn lớn – chia sẻ rằng con đường không phải lúc nào cũng rõ ràng như vậy.
Con đường không phải lúc nào cũng rõ ràng
Stephanie kể lại rằng cô chưa bao giờ cảm thấy mình phù hợp với bất kỳ lĩnh vực nào mà một sinh viên Truyền thông đại chúng thường theo đuổi – dù là báo chí, tiếp thị, truyền thông hay nghiên cứu.
“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi không biết phải làm gì, hay danh tính thật sự của mình là gì”.
Đối mặt với khủng hoảng tuổi đôi mươi, cô đã nghỉ hai năm sau khi tốt nghiệp để dạy khiêu vũ và làm vài công việc viết nội dung quảng cáo bán thời gian.
Stephanie thậm chí còn tham gia một khóa học thiết kế đồ họa kéo dài ba tháng ở Melbourne – nhưng cũng không thành công lắm.
“Vào cuối những năm đôi mươi, thành công đồng nghĩa với việc bạn lên được vị trí quản lý hoặc cao hơn, chuẩn bị kết hôn và có một khoản đầu tư kha khá. Tôi thì chẳng có gì cả” – cô chia sẻ.
“Trong khi đó, nhiều bạn học của tôi làm việc trong các tập đoàn về truyền thông như hãng thông tấn, báo chí và cơ quan chính phủ đã bắt đầu leo lên vị trí quản lý”.
Stephanie giải thích thêm: “Có vẻ như mọi người đều biết họ muốn làm gì trong khi tôi vẫn đang loay hoay với quá nhiều con đường khác nhau”.
“Lòng tự trọng của tôi cũng bị tổn thương, vì tôi phải nhận mức lương thực tập sinh mỗi khi bắt đầu một lĩnh vực mới”.
Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình của Stephanie cũng tăng thêm áp lực cho cô.
Cha mẹ Stephanie là hai cử nhân đầu tiên trong dòng họ. Cha cô từ bác sĩ nay đã trở thành doanh nhân, còn mẹ cô vẫn đang tiếp tục thăng tiến khi làm việc trong ngân hàng.
Nhiều người quen của cha mẹ cô cũng là những người “thành công” điển hình theo tiêu chuẩn xã hội.
“Trong khi mọi người ‘khoe’ về con cái của họ, tôi cảm thấy thật buồn khi cha mẹ tôi chẳng có gì để nói về sự nghiệp của tôi cả” – Stephanie thừa nhận, tự mô tả bản thân là kẻ lạc loài trong các buổi họp mặt gia đình.
“Cảm giác thật tồi tệ, đặc biệt là vì cha mẹ tôi cũng đi theo con đường thành công thông thường.”
Mãi đến năm 27 tuổi, con đường của cô mới bắt đầu rõ ràng hơn.
Công việc mà Stephanie vẫn luôn làm ngay cả trong thời gian nghỉ việc chính là viết blog. Tự nhận mình là người đam mê mạng xã hội, cô đã đăng hơn 10.000 bức ảnh trên tài khoản Instagram của mình để ghi lại kỷ niệm.
Một dịp nọ, cô đã viết blog về một quán cà phê trong hẻm và đặt tiêu đề là: “Quán cà phê ẩn khó tìm nhất tại Singapore”.
Trong vòng hai ngày, lượng truy cập của trang web đã tăng lên khoảng vài nghìn lượt xem.
Vào thời điểm đó, Stephanie cũng đang cố gắng gây quỹ hỗ trợ những người sống sót sau trận động đất và sóng thần Tōhoku năm 2011 thông qua mạng xã hội, đồng thời tổ chức một buổi biểu diễn với những người bạn vũ công của cô.
Trong vòng ba tuần, họ đã huy động được hàng chục nghìn đô la.
Hai bước ngoặt này đã chứng minh cho Stephanie thấy rằng tiếp thị nội dung có sức mạnh và tác động đến đời sống cũng như doanh nghiệp như thế nào. Điều đó thôi thúc cô phải phát triển sự nghiệp của mình theo hướng này.
Vì vậy, cô đã quay trở lại ngành quảng cáo và rồi chuyển sang làm việc tự do với một người bạn, cuối cùng họ đã thành lập công ty mà chúng ta biết ngày nay – Duo Studio.
Nhưng thành lập một công ty không hề dễ dàng. Thực tế, do kinh nghiệm quản lý chưa tốt ở công ty trước, Stephanie không muốn tự mình làm chủ.
Stephanie giải thích: “Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy bực bội với tất cả những công việc đang đến. Mặc dù tôi thực sự yêu thích những thử thách mới, nhưng tôi biết rằng tôi không thể xử lý mọi chuyện một mình.
“Và tôi không muốn thuê nhân viên, vì điều đó đi ngược lại với bản chất công việc tự do mà tôi đã lựa chọn – tôi không muốn phải lo liệu mảng nhân sự”.
Cô ấy nói tiếp: “Tôi cảm thấy choáng ngợp: ‘tại sao Chúa cho con nhiều cơ hội như vậy, nhưng con lại không thể nắm lấy, Chúa ơi?’”.
Đáp lại, Chúa hướng dẫn cô qua một bài giảng, nói về đoạn Chúa Jêsus bước vào thuyền của Phi-e-rơ.
Nhiều người trong chúng ta biết câu chuyện này – Phi-e-rơ đã đánh cá cả ngày mà không được gì cho đến khi Chúa Jêsus bảo ông thả lưới lần nữa. Và đột nhiên, Phi-e-rơ kéo được một mẻ cá lớn đến nỗi thuyền bắt đầu chìm.
“Đó chính là tôi ngay lúc ấy. Thuyền của tôi đang chìm” – Stephanie nghĩ lại khi ấy. Nhưng đó cũng là lúc Phi-e-rơ gọi những người đánh cá khác đến để chia cá.
Và lần đầu tiên trong đời, Stephanie nhận được sự soi sáng có thể áp dụng cho cuộc sống của chính mình.
“Phước hạnh không phải là để tôi tích trữ cho bản thân; mà là để tôi chia sẻ với các cộng sự của mình”
“Nếu Chúa đã ban cho tôi món quà lớn lao này, thì tôi phải quản lý món quà ấy thật tốt. Chẳng có lý do gì để tôi lần lữa không chịu chia sẻ cơ nghiệp Chúa ban”.
Và vì vậy, bất chấp cảm giác miễn cưỡng của mình, Stephanie bắt đầu tuyển dụng và phát triển đội ngũ của mình. Từ tuyển dụng đến sa thải, ủy quyền đến quản lý, tất cả đều rất mới mẻ đối với cô và là một quá trình học hỏi đầy khó khăn.
“Chúng tôi mới chỉ hoạt động được năm năm. Và mỗi năm là một trải nghiệm vô cùng khác biệt” – cô tiết lộ.
“Vào năm đầu tiên, chỉ có hai chúng tôi. Không cần phải gánh vác trách nhiệm với nhiều người – chỉ hai chúng tôi với nhau.
Năm tiếp theo, công ty tôi có thêm bốn đến sáu người. Điều đó buộc tôi phải phát triển thành người quản lý. Tôi phải học cách giao việc và quản lý tài nguyên công ty hiệu quả hơn. Về mặt hành chính, chúng tôi phải tìm hiểu về quản lý nhân sự và bảo hiểm xã hội”.
Vào năm thứ ba, Stephanie bước vào vị trí giám đốc, đồng nghĩa với việc cô phải học cách thiết lập và truyền đạt định hướng cho nhân viên.
“Mọi việc chỉ rõ ràng nếu bạn thấu hiểu giá trị cá nhân của mình” – cô đúc kết.
“Nếu một lãnh đạo không xác định rõ điều đó, những người còn lại trong nhóm sẽ bị ảnh hưởng”.
Vào năm 2020, Stephanie nhận thấy rằng mình phải nhanh chóng học cách quản lý khủng hoảng và giao tiếp với nhóm trong thời gian COVID-19.
“Thật không thể đoán trước cũng như chưa từng có tiền lệ, cuối cùng chỉ còn có mình tôi” – cô kể lại. “Mỗi khi có thay đổi, tôi phải nhanh chóng hiểu rõ để có khả năng truyền đạt lại cho nhóm”.
Nhưng điều giúp cô vượt qua những thời khắc khó khăn chính là kỷ luật luôn tìm kiếm Chúa, ngay cả khi cảm thấy lạc lối hoặc tiêu cực.
“Lần đầu tiên phải sa thải một nhân viên, tôi rất căng thẳng. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều: ‘Chúa ơi, Ngài có thể hướng dẫn con cách làm việc này không?’” – cô nhớ lại.
Cô không muốn người ấy phải ra đi với cảm giác vô dụng, cô tin rằng để họ ra đi trong tốt đẹp cũng là một phần trách nhiệm quản lý.
Chúa đã đáp lại và cho cô những hướng dẫn rõ ràng về cách bắt đầu cũng như kết thúc cuộc trò chuyện. Stephanie thậm chí còn cầu nguyện với người đó trước khi anh ta rời đi.
Nhưng có Chúa ở cùng không có nghĩa là cô chẳng cần làm việc chăm chỉ. Thực tế, để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn, cô phải luôn thúc đẩy bản thân phát triển những điểm yếu của mình.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà Stephanie phải đối mặt khi lãnh đạo nhóm là khả năng giao tiếp.
Để vượt qua thử thách này, cô đã đảm nhận vai trò người dẫn chương trình truyền hình trong bộ phim tài liệu mang tên “Khởi nghiệp”, phỏng vấn các doanh nhân khắp châu Á.
Bên cạnh việc rèn luyện khả năng giao tiếp rõ ràng và ngắn gọn, vai trò này còn giúp cô nuôi dưỡng tầm nhìn phát triển doanh nghiệp ở Đông Nam Á.
Năm 2020, cô mở rộng đội ngũ của mình, đưa Duo Studio vào hoạt động tại Malaysia.
Stephanie thậm chí đã đăng ký làm người hướng dẫn cho General Assembly, một nền tảng học tập trực tuyến, để rèn luyện kỹ năng diễn giải và truyền đạt tốt hơn.
Khi nhìn lại, Stephanie bày tỏ rằng hành trình của cô không hề dễ dàng, nhưng rất đáng giá.
Cô thừa nhận: “So với những định nghĩa truyền thống về thành công, tôi chẳng có nhiều triển vọng: Tôi học không tốt ở trường, chẳng biết mình muốn theo đuổi điều gì và còn thường xuyên nhảy việc.
Nhưng trong khi định nghĩa về thành công ở Singapore vẫn còn phiến diện, cô tin rằng mỗi người có một con đường khác nhau. Và ở tuổi 33, cô biết rằng những con đường quanh co đó là một phần trong quá trình trưởng thành của mình.
Lời động viên của cô dành cho những người đang trong quá trình tìm kiếm hướng đi của mình, là hãy tiếp tục kiên trì và cố gắng.
“Một người bạn tốt từng nói với tôi rằng: ‘Hãy học cách tận hưởng cuộc hành trình’”
“Thật khó khăn, nhưng khi nhìn lại, tôi sẽ không đánh đổi kinh nghiệm của mình để lấy bất cứ thứ gì, vì Chúa đã sắp đặt mọi điều để chuẩn bị cho những gì tôi đang làm ngay bây giờ, đó là kiến thức sâu sắc về tất cả các kỹ năng cần thiết để điều hành doanh nghiệp”.
Quan trọng nhất, Stephanie khích lệ các bạn trẻ hãy bén gót theo Chúa: “Mặc dù tôi có thể vẽ ra một kế hoạch để phát triển mọi thứ, nhưng tôi biết rằng có vô số việc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình”.
Xét cho cùng, giống như sách Châm Ngôn có chép: “Con người hoạch định đường lối mình, nhưng Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người” (Châm Ngôn 16:9).
Bài: Wong Siqi; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn bài & ảnh: thirst.sg)