Oneway.vn – Vùng đất Tây Nguyên là thủ phủ của nhiều loại nông sản, cũng luôn dẫn đầu về số lượng người tin Chúa tại Việt Nam.Nhà thờ Tin Lành Phê Lach, Bình Phước. Ảnh: Viên Mãn
Năm ngoái, tôi có dịp đi dọc đường Trường Sơn, băng qua các tỉnh Tây Nguyên, trước khi về quê đón Tết cùng gia đình. Đó là chuyến đi đáng nhớ mà nếu có dịp, tôi sẽ kể chi li hơn. Tôi thậm chí còn nghĩ sẽ viết một loạt bút ký về chuyến đi nhiều kỷ niệm này.
Hành trình dài hàng trăm cây số ấy bắt đầu từ Sài Gòn, đến Bình Phước, qua Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, rồi dừng lại ở mảnh đất Quảng Nam ‘chưa mưa đã thấm’.
Có một điều đặc biệt là trong hành trình đó, tôi gần như băng qua hầu hết ‘thủ phủ’ của rất nhiều loại nông sản ở Việt Nam, như điều, cao su, cà phê, hồ tiêu, nhân sâm…
Bình Phước, nơi được xem là thủ phủ cao su tại Việt Nam khi đứng đầu cả nước về diện tích trồng lẫn sản lượng, thế nhưng giờ đây không ít nông dân đau đầu khi rừng cao su thì bạt ngàn, mà giá và sản lượng lại giảm. Tạp chí Cao su Việt Nam viết: “Rất nhiều nông dân đã chán nản khi nhìn hàng ngàn cây cao su đầu tư nhiều năm nhưng cuối cùng không thu được lợi nhuận”. Thậm chí, cao su mất giá đến nỗi nông dân không đủ tiền mua phân, thuốc… để tái đầu tư.
Còn tại Đăk Lăk, thủ phủ cà phê Việt Nam, giờ đây trồng cà phê không còn là ưu tiên hàng đầu của nông dân nữa. Bởi cà phê liên tục rớt giá khiến người trồng không có lợi nhuận. Thậm chí có khi thu hết vụ nhưng chưa bù được tiền vốn khiến người trồng lao đao. Trong khi đó, cũng chưa có loại cây trồng nào khác có thể thay thế cà phê trong lúc này.
Rời Buôn Mê Thuột, tôi tiếp tục hành trình để đến một thủ phủ khác: Thủ phủ vàng đen. Cây hồ tiêu từng là niềm hy vọng của cả vùng Tây Nguyên, nhưng nay đẩy nhiều nông dân vào cảnh khốn cùng. ‘Thủ phủ vàng đen’ giờ đây có lẽ là cụm từ trong quá khứ. Gia Lai, nơi từng có sản lượng hồ tiêu nhiều nhất, giờ đây tiêu mất giá; tiêu chết, vườn tiêu bỏ hoang. Nông dân, bằng mọi cách bỏ xứ, đi làm công nhân, thậm chí là… ‘về bên kia thế giới’ để giải quyết nợ nần.
Thêm một thủ phủ nữa trên hành trình mà tôi trải qua: Thủ phủ nhân sâm. Nhân sâm Ngọc Linh ở khu vực Kon Tum, Quảng Nam nổi tiếng và giá trị hơn nhiều so với sâm Triều Tiên hay Hàn Quốc. Thế nhưng, như người ta thường nói, ‘sâm Hàn tốt và phổ biến hơn là nhờ công nghệ… PR’. Còn sâm Ngọc Linh, dù có giá trị cao, và được phát hiện sớm – từ những năm 70 của thế kỷ trước – nhưng đến nay vẫn chưa có một thương hiệu đáng kể nào. Đáng buồn hơn, sâm Ngọc Linh mới chỉ vượt qua ‘nạn tuyệt chủng’ chừng ít năm trở lại đây – trước khi có chế tài đối với việc khai thác ồ ạt, bất hợp pháp.
Rồi đây, chưa biết những thủ phủ nông sản này sẽ trở thành gì, và người dân sẽ tiếp tục gắn bó với mảnh đất cha ông họ từng sống bao đời nay, hay sẽ lây lất, sẽ bỏ xứ… để tìm một cuộc mưu sinh mới? Đó là bài toán đa thức phức tạp mà những nhà làm chính sách tại đất nước này cần giải.
Bên cạnh những thực trạng nan giải vừa nêu, tôi thấy một thủ phủ khác trong hành trình của mình: Thủ phủ Tin Lành. Kể từ khi Tin Lành được truyền đến, thì số tín hữu tại Tây Nguyên luôn chiếm một lượng đông đảo so với những vùng khác của Việt Nam.
Theo một vài thống kê, tỷ lệ Cơ Đốc giáo thuộc một số sắc tộc ở vùng cao nguyên này luôn ở mức hơn 80%; và luôn cao hơn khi so với các tôn giáo khác.
Trong những chương trình lớn của Giáo hội, như Đại hội đồng, Hội đồng Giáo phẩm… thì người tham dự đến từ khu vực Tây Nguyên luôn chiếm đa số. Hay ngay tại Viện Thánh Kinh Thần học (Q.2, TP.HCM), số sinh viên đến từ các tỉnh Tây Nguyên cũng thường chiếm tỷ lệ cao: Hơn 50%.
Thế nhưng thủ phủ Tin Lành ấy nay cũng đang nằm ở ‘nửa kia’ của sự tăng trưởng, thậm chí là tụt dốc thảm hại. Thế hệ trẻ đang dần bỏ Hội Thánh, chạy theo vòng xoáy của sự phát triển xã hội, đánh mất giá trị Cơ Đốc mà cha ông họ biết bao năm gầy dựng.
Tôi ghé thăm một Hội Thánh nọ, vị Mục sư Quản nhiệm chia sẻ rằng tất cả người trong làng đều tin Chúa. Thế nhưng, ngồi ở quán nước bên kia đường, đối diện nhà thờ, tôi thấy nhiều thanh-thiếu niên phè phè hút thuốc lá, uống bia rượu, buông những lời tục tĩu nhảm nhí… Vị Mục sư Quản nhiệm nói không sai. Những thanh thiếu niên tôi thấy là tín hữu trong Hội Thánh. Ông bà, cha mẹ họ là những người theo Chúa lâu lăm. Nhưng đến lượt họ, thì đời sống chưa thực sự được biến đổi…
Rồi sẽ về đâu? Tôi không định bàn tiếp chuyện người nông dân trồng cà phê, cao su hay hồ tiêu tại Tây Nguyên. Tôi muốn nói đến thực trạng đáng buồn tại ‘thủ phủ Tin Lành’, và đau xót trước thực trạng ấy. Khi mà Tin Lành còn chưa đến được với người Việt khắp cả nước, thì đã bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống…
Tôi tự hỏi, liệu những lãnh đạo giáo hội đã nhìn thấy thực trạng vừa nêu? Và nếu có, đã có chiến lược gì để thay đổi, phát triển?
Tôi cho rằng đây cũng là một bài toán khó đối với giáo hội. Nhưng tin chắc, với Đức Chúa Trời Toàn năng, thì không phải như thế. Bởi chẳng điều chi Ngài không làm được. Nếu Hội Thánh được Chúa thăm viếng, thì chắc chắn sẽ có sự phấn hưng trên đất nước Việt Nam thân yêu này.
Tôi mong rằng, trong năm mới 2020 này, sẽ có những điều mới mẻ, những dấu hiệu của sự chuyển biến tích cực. Để rồi, những tín hữu, không phải chỉ ‘tin Chúa’ khi ngồi trên ghế nhà thờ, mà ngoài xã hội, họ cũng là những ‘ngọn đèn’ làm sáng Danh Chúa. Mong rằng, trước khi Chúa trở lại, thì số người tin Chúa tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, chứ không phải nằm ở ‘phía bên kia’ khi đặt trên biểu đồ tăng trưởng.
Hoàn Nguyện
Leave a Reply