Oneway.vn – Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay cảm thấy (dần dần chán với) các mục vụ sôi nổi, không còn được đầy dẫy Thánh Linh như các tiên tri và các sứ đồ được mô tả trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên qua hết sự kiện kỳ diệu này đến sự kiện kỳ diệu khác. Trong Tân Ước, những người chứng kiến chức vụ của Chúa Giê-xu đã bị chinh phục trong sự ngạc nhiên khi thấy các phép lạ của Ngài làm (Lu-ca 5:25), và các sứ đồ của Hội Thánh đầu tiên thường xuyên thực hiện các dấu kỳ và phép lạ giữa dân chúng (Công Vụ 5:12).
God has come.
Nhưng ngày nay, những sự kiện kỳ diệu như vậy có vẻ rất hiếm, và khi nghe về các phép lạ, nhiều Cơ Đốc nhân còn nghi ngờ. Ít nhất chúng ta cũng cảm thấy có gì khác về cách Chúa hành động trong thời Cựu Ước, Tân Ước và cách Ngài hành động ngày nay. Điều này đã và đang dấy lên một câu hỏi có căn cứ: Vì sao ngày nay chúng ta không còn kinh nghiệm các phép lạ như được thấy trong Tân Ước nữa?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu cách Chúa hành động qua các phép lạ trong Kinh Thánh:
Mục đích của các phép lạ trong Thánh Kinh
Các phép lạ trong Kinh Thánh là hành động của Đức Chúa Trời để bày tỏ năng quyền tể trị của Ngài trên tạo vật, cũng như Ngài cam kết sẽ làm điều tốt lành cho dân sự Ngài. Các phép lạ thường rất quan trọng vì chúng phục vụ cho một mục đích lớn hơn trong kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời, bày tỏ tính xác thực trong các sứ điệp của Ngài để đem khải tượng đến cho loài người. Đây là một trong các chức năng chính của phép lạ trong các câu chuyện Kinh Thánh. “Khi các phép la xảy ra, chúng là bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời hành động và chúng phục vụ để phát triển tin lành.” (1) Các phép lạ chứng thực sứ điệp của Chúa và các sứ giả của Ngài.
Trong Cựu Ước, Môi-se làm phép lạ để bày tỏ quyền năng Chúa, ông như là người đại diện cho Chúa (Xuất 4:1-9). Cũng vậy, các tiên tri được Chúa ban lời để rao truyền, và để xác minh thẩm quyền của họ, Ngài đã ban cho họ khả năng thực hiện phép lạ (1 Các Vua 17:17-24, 18:36-39, 2 Các Vua 1:10).
Robert Reymond lưu ý, “Các phép lạ trong thời Cựu Ước chứng thực Môi-se và các tiên tri là người của Đức Chúa Trời, còn các phép lạ trong thời Tân Ước chứng thực Đấng Christ và các sứ đồ.” (2) Ví dụ, Ni-cô-đem nhận ra Đức Chúa Trời ở cùng Chúa Giê-xu vì các phép lạ Ngài làm (Giăng 3:2). Lu-ca thuật lại khoảng 20 phép lạ của Chúa Giê-xu, và bốn phép lạ về sự chữa lành độc đáo đều được chép trong sách Lu-ca. Các phép lạ của Chúa Giê-xu chứng thực quyền năng Ngài trong kế hoạch thánh đem đến sự cứu rỗi (Lu-ca 7:22). Thật ra, sự chữa lành của Chúa Giê-xu cho thấy bề rộng của quyền năng Ngài. Ngài chữa lành người bệnh, người mù, đuổi quỷ, và chữa được nhiều loại bệnh đặc biệt: băng huyết, teo tay, mù, điếc, liệt, động kinh, phong, bệnh phù, và sốt. Ngài khiến người chết sống lại và thể hiện quyền năng chinh phục thiên nhiên.
Các phép lạ cũng nói đến vương quốc Đức Chúa Trời và sự phục hồi tạo vật. Giăng gọi các phép lạ của Chúa Giê-xu là “dấu kỳ” (Giăng 4:54, 6:15), Chúa Giê-xu công nhận các phép lạ của Ngài chứng thực rằng vương quốc Đức Chúa Trời đã đến (Lu-ca 11:14-23). Chúa Giê-xu thực hiện các phép lạ chữa lành, đuổi tà ma và phép lạ “tự nhiên” (như biến nước thành rượu và biến ra nhiều thức ăn) như là dấu hiệu rằng nước Chúa đã đến thế gian. Như Wayne Grudem nói, một trong những mục đích của phép lạ là “để làm chứng rằng vương quốc Đức Chúa Trời đã đến và bắt đầu lan rộng các kết quả ích lợi vào đời sống của con người.” (3) Đây là điểm mà Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ 12:28, “Nhưng nếu Ta cậy Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời để trừ quỷ, thì vương quốc Ðức Chúa Trời đã đến với các ngươi.” Nhờ các phép lạ của Chúa Giê-xu, nên những ai đã thấy Ngài đều biết rằng Chúa của dân Do Thái đã một lần nữa hành động ở giữa họ.
Mục sư Tim Keller nói rằng các phép lạ không đơn giản là dẫn đến niềm tin do thấy được, mà còn đưa đến sự thờ phượng, kinh sợ và kinh ngạc. Phép lạ của Chúa Giê-xu không bao giờ là trò ảo thuật được thực hiện để khiến người ta ấn tượng và ép họ tin… nhưng Ngài dùng phép lạ để chữa lành người đau, cho người đói được no, và khiến người chết sống lại. Vì sao? Ngày nay chúng ta nghĩ phép lạ như là một trật tự tự nhiên bị ngưng lại, nhưng Chúa Giê-xu dùng chúng để phục hồi lại trật tự tự nhiên (4).
Phép lạ của Chúa Giê-xu bày tỏ thần tánh của Ngài — vì đó chúng ta được kêu gọi thờ lạy Ngài. Đây là phản ứng của các môn đồ sau khi Chúa Giê-xu đi bộ trên mặt nước. “Quả thật, Thầy là Con Ðức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 14:33). Khi được hỏi Ngài có phải là “Đấng phải đến không” (Lu-ca 7:19), Chúa Giê-xu thay vì trả lời rằng Ngài là Đấng Mê-si-a, thì Ngài nói đến các phép lạ. Chân dung của Lu-ca về Chúa Giê-xu tập trung vào thẩm quyền và lời hứa Ngài đem đến. Công việc cứu rỗi của Chúa Giê-xu mở đầu vương quốc Đức Chúa Trời, cứu chuộc tội nhân, bảo đảm sự tha thứ tội, và ban Đức Thánh Linh.
Mô tả của mục sư Grudem về các phép lạ trong Cựu và Tân Ước đáng được trích tại đây:
Đặc trưng của Hội Thánh thời Tân Ước đó là các phép lạ được thực hiện. Trong Cựu Ước, các phép lạ xảy ra chủ yếu trong mối liên hệ với một nhà lãnh đạo xuất chúng tại một thời điểm, như Môi-se hay Ê-li hay Ê-li-sê. Trong Tân Ước, có một sự gia tăng các phép lạ đột ngột và chưa từng thấy khi Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ (Lu 4: 36-37, 40-41). Tuy nhiên, trái ngược với mô hình của Cựu Ước, quyền làm phép lạ và đuổi quỉ không chỉ giới hạn trong Chúa Giê-xu, các phép lạ cũng không biến mất khi Chúa Giê-xu thăng thiên. Ngay cả khi còn trong chức vụ, Chúa Giê-xu đã ban thẩm quyền chữa bệnh và đuổi quỉ không chỉ cho mười hai môn đồ, mà đến bảy mươi môn đồ (Luca 10:. 1, 9, 17-19; x Mat 10: 8; Luca 9:. 49-50).
Tiếp theo, các phép lạ trong thời Hội Thánh đầu tiên phục vụ như một mục đích xác đáng tức thời trong lịch sử cứu chuộc: xác minh tính xác thực của khải tượng của Đức Chúa Trời và báo hiệu thời đại cuối cùng sắp đến.
Xét đến Giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem trong Công vụ 15. Một trong những tranh chấp lớn nhất trong Hội Thánh đầu tiên liên quan đến việc người ngoại cải đạo sang Cơ Đốc giáo có cần phải giữ luật pháp thời Cựu Ước và cắt bao quy đầu không. Nó trở thành vấn đề tranh cãi lớn đến nỗi Phao-lô, Phi-e-rơ, và Ba-na-ba phải gặp các lãnh đạo của Cơ Đốc nhân Do Thái ở Giê-ru-sa-lem để thảo luận vấn đề này. Đáng chú ý ở chỗ, Công Vụ 15:12 nói, ” Cả hội đồng đều im lặng; kế đó họ lắng nghe Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại những dấu kỳ và phép lạ Ðức Chúa Trời đã làm qua họ ở giữa các dân ngoại.” Ở đây, phép lạ của Chúa làm làm chứng cho các Cơ Đốc nhân Do Thái thấy Ngài cũng hành động theo một cách mới và độc đáo đối với các dân ngoại.
Các phép lạ ngày nay
Vậy, ngày nay, Cơ Đốc nhân nên nghĩ thế nào về các phép lạ? Đầu tiên, chúng ta phải nhận thấy rằng các phép lạ trong Kinh Thánh phục vụ cho các mục đích quan trọng trong kế hoạch cứu rỗi của Chúa tại một thời điểm. Tuy nhiên, đây không có nghĩa ngày nay các phép lạ đã hoàn toàn chấm dứt. Thật vậy, như mục sư Grudem lưu ý, “Không có gì sai khi tìm kiếm phép lạ Chúa ban cho vì các mục đích đúng đắn: để xác nhận tính chân thật của sứ điệp tin lành, để giúp đỡ những người khó khăn, để loại bỏ trở ngại trong các mục vụ, và để đem vinh hiển cho Đức Chúa Trời. “
Các phép lạ vẫn xảy ra, nhưng Cơ Đốc nhân phải tránh hai điều cực đoan, một là xem tất cả đều là phép lạ và hai, không có gì là phép lạ.
Thứ hai, Cơ Đốc nhân phải mở rộng sự hiểu biết của mình về việc Chúa làm bao gồm sự quan phòng liên tục của Ngài trong những việc hàng ngày và công việc cứu chuộc kỳ diệu của Ngài trong Hội Thánh. Ví dụ, trong Giăng 14:12, Chúa Giêsu nói: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin Ta thì cũng sẽ làm việc Ta làm; và sẽ làm những việc lớn hơn, vì Ta trở về với Cha.” Nhưng lúc này ý Ngài vẫn chưa rõ ràng khi Ngài nói những người đến sau sẽ làm ” những công việc lớn lao hơn.” Một số có thể cho rằng “những công việc lớn lao hơn này” nói đến nhiều phép lạ hơn. Tuy nhiên, quan niệm của mục sư D. A. Carson ở đây rất hữu ích:
Những công việc lớn hơn…. Không đơn thuần có nghĩa là nhiều việc hơn – Hội Thánh sẽ làm nhiều việc hơn Chúa Giê-xu, vì trong Hội Thánh có rất nhiều người trong một khoảng thời gian dài— vì có những lý luận của người Hy Lạp nói hay hơn nhiều về từ “hơn,” và vì thì ý nghĩa đó rồi cũng sẽ sáo mòn. Những công việc lớn hơn cũng không có nghĩa là công việc “ngoạn mục hơn” hay “siêu nhiên hơn”: thật khó để tưởng tượng có điều gì ngoạn mục hơn hay siêu nhiêu hơn việc làm La-xa-rơ sống lại, hóa bánh ra nhiều hay biến nước thành rượu. (7)
“Những việc lớn hơn” của những người theo Chúa Giê-xu chủ yếu nhắm vào trật tự mạt thế mới được thiết lập bởi sự chết của Đấng Christ, sự sống lại và sự thăng thiên.
Những dấu kỳ và công việc Chúa Giê-xu thực hiện trong những năm tháng chức vụ của Ngài không thể hoàn tất trọn vẹn cho đến sau khi Ngài sống lại và thăng thiên. Chỉ vào thời điểm đó, người ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của chúng. Trái lại, các công việc mà tín hữu được giao phó để làm qua quyền năng của Thánh Linh, sau khi Chúa Giê-xu làm cho vinh hiển, sẽ được đặt trong khung sự chết và đắc thắng của Chúa, do đó công việc này sẽ thật sự và ngay lập tức bày tỏ Đức Chúa Con. (8)
Và mặc dù những công việc này chắc chắn bao gồm những dấu kỳ và phép lạ mà Hội Thánh đầu tiên đã thực hiện bởi năng quyền Thánh Linh, nhưng chúng không chỉ giới hạn trong phép lạ mà thôi. Trái lại, chúng cũng bao hàm “sự huyền bí” về việc người ngoại được đưa vào nhóm những người mới của Đức Chúa Trời. Các công việc phi thường của Chúa trong hội thánh bao gồm sự tha tội và sự biến đổi những người trước kia xa cách Ngài. Chữa bệnh, dấu kỳ, và phép lạ đúng là phi thường, nhưng vẫn không phi thường hơn sự cứu chuộc được làm trọn bởi Đấng Christ.
Kể cả khi chúng ta không thường xuyên thấy các phép lạ, thì Chúa vẫn hành động. Ngài hành động qua những quá trình tự nhiên bình thường chúng ta thấy mỗi ngày. Ngài kêu gọi con người đến với Ngài để hội thánh mở rộng và phát triển. Ngài hành động theo những cách kỳ diệu giữa những người mà chúng ta không biết trên thế giới.
Dù chúng ta có vinh dự được chứng kiến tận mắt các phép lạ và những việc siêu nhiên hay không, thì Cơ Đốc nhân vẫn có thể tự tin rằng Chúa vẫn đang hành động trong thế gian, Chúa đưa con người đến với Ngài, đem vinh hiển cho Chúa Giê-xu, và xây dựng hội thánh của Ngài (Ma-thi-ơ 16:18)
CTV Kim Dung
Theo thegospelcoalition.org
Leave a Reply