Oneway.vn – Với các trường hợp nhiễm coronavirus ngày càng tăng vượt khỏi Trung Quốc lan ra toàn thế giới, nhiều tín đồ tự hỏi làm sao để đáp ứng với tình hình báo động này.
Chúa muốn chúng ta làm gì khi đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này? Hội thánh có nên đóng cửa vì sợ lây bệnh? Tôi có nên để con cái tiếp tục đi học không? Có nên hủy bỏ kế hoạch du lịch không?
Chúng ta làm thế nào để giúp đỡ một thế giới đang hoảng loạn?
Ghi nhớ những gì chúng ta biết
Chúng ta cần được nhắc nhở về những gì mình đã biết. Lo lắng không phải là người bạn, và hoảng loạn không phải là điều chúng ta nên làm.
Vua Sa-lô-môn nhắc nhở: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn, thì sức lực con nhỏ mọn thay” (Châm ngôn 24:10). Con dân Chúa không bao giờ bị chi phối bởi nỗi sợ hãi, mà phải đứng vững nhờ đức tin.
Corrie ten Boom cùng với các tín hữu khác đã can đảm đứng lên chống lại chủ nghĩa phát xít Đức – một dạng virus chết người khác. Và cô ấy nhắc nhở chúng ta: “Lo lắng không giúp xóa đi nỗi buồn của ngày mai, nhưng lại tiêu diệt sức mạnh của ngày hôm nay.”
Trong thời kỳ khủng hoảng, thế giới cần những người vững vàng, được mạnh mẽ bởi ân điển Chúa, và giàu lòng vị tha bởi sức mạnh Ngài. Lo lắng không giúp được gì ngoài việc làm suy yếu tấm lòng và tâm trí bạn. 90% những điều chúng ta lo lắng hoặc hoảng loạn thường không bao giờ xảy ra, và 10% còn lại nằm ngoài tầm kiểm soát chúng ta.
Mặc dù chúng ta vẫn phải cảnh giác chống lại virus, lo lắng không giúp thay đổi hoàn cảnh hoặc làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Lo lắng không giúp chúng ta chống lại bệnh tật hoặc tạo động lực cho chúng ta hành động.
Lo lắng về COVID-19 (hoặc bất cứ điều gì khác) sẽ làm tăng thêm rắc rối. Thay vì lo lắng và hoảng loạn, Chúa Jesus kêu gọi chúng ta phản ứng bằng lời cầu nguyện và đức tin nơi Ngài (Ma-thi-ơ 6: 33-34; Phi-líp 4: 6).
Cuối cùng, không cần phải lo lắng vì chúng ta biết Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết (1 Cô-rinh-tô 15: 55-57).
Hãy nhắc nhở bản thân liên tục: lo lắng và cầu nguyện đều đòi hỏi năng lượng của bạn.
Cầu nguyện đem đến bình an, còn lo lắng chỉ gây hoảng loạn. Hãy lựa chọn một cách khôn ngoan.
Yêu người và tin cậy Chúa
Nếu Chúa kêu gọi chúng ta lo lắng về điều gì, thì đó là hãy lo lắng làm sao để yêu thương người khác.
Kinh Thánh khuyến khích chúng ta: “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài” (Thi thiên 37: 3). Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta phải mạnh mẽ bước tiếp giữa mọi sự xấu xa. Dù là khủng bố hay đại dịch, chúng ta đều có thể tin cậy Chúa, biết rằng “vì nếu ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy, thì thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ vậy.” (1 Phi-e-rơ 3:17)
Con người thường hay lo lắng. Nhưng Chúa kêu gọi chúng ta đối mặt với những rắc rối và đe dọa bằng lòng can đảm, trao gánh nặng lên cho Ngài.
Trong suốt lịch sử, nhiều Cơ Đốc nhân sẵn sàng giúp đỡ người bệnh ngay cả trong thiên tai, đại dịch và khủng bố. Họ yêu người khác và không hề sợ chết vì hiểu rằng “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” (Phi-líp 1:21)
Khi bước vào mớ hỗn độn của bệnh tật và dịch lệ, họ đã chứng tỏ đức tin nơi Chúa với cả thế giới đang quan sát.
Thay vì chỉ hỏi “Làm sao để tôi giữ mình khỏe mạnh?”, thì cũng nên hỏi rằng “Làm sao tôi có thể giúp đỡ người bệnh?” Cần nhớ: hãy nhanh chóng khi giúp đỡ và chậm rãi khi chạy trốn.
Chúng ta nên đối diện với coronavirus với tinh thần cầu nguyện đầy năng quyền, lòng yêu thương và hành động vị tha thiết thực. Tại sao? Vì Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã trở nên xác thịt (Giăng 1:14), tình nguyện bước vào chốn bệnh tật, tội lỗi và chết thay cho chúng ta. Ngài chữa lành bệnh tật và chăm sóc những ai tổn thương. Chúng ta cũng phải làm như Ngài.
Chúng ta vẫn cần phải cẩn thận
Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể liều lĩnh. Tình yêu Chúa và Lời Ngài không hề khuyến khích chúng ta bất cẩn bất chấp rủi ro, nhưng cả hai đều đề cao sự vâng lời. Yêu thương người bệnh không có nghĩa là chúng ta để mặc bệnh tật lây nhiễm cho chính mình (Châm ngôn 22:3).
Khi việc lây lan đã trở nên dễ dàng và nghiêm trọng hơn, phản ứng đúng đắn của chúng ta với coronavirus chính là thực hiện đúng những việc nhỏ nhưng cần thiết như rửa tay hoặc ở nhà nếu sức khỏe đang yếu…
Trước khi nghĩ đến việc ngừng nhóm họp Hội thánh, hãy tự hỏi: “Làm sao chúng ta có thể chăm sóc những người có nguy cơ nhiễm bệnh?” Khi có người bị bệnh, hãy chăm sóc cho họ. Có phải hầu hết chúng ta vẫn đang khỏe mạnh? Đó là lý do tuyệt vời để tạ ơn Chúa và cầu nguyện. Hãy chủ động tìm kiếm cơ sở chăm sóc y tế thích hợp khi có triệu chứng phát sinh và không nên bỏ qua việc chăm sóc lẫn nhau.
Hãy noi gương những người đã can đảm hành động trong quá khứ. Ở Anh vào thế kỷ 19, khi hàng ngàn người chết vì dịch tả, Charles Spurgeon đã đến thăm để chăm sóc mọi người. Hội thánh Chúa ở Vũ Hán Trung Quốc – vùng tâm dịch vẫn đang trung thành tiến tới cho đến ngày nay.
Khi nhìn thế giới phản ứng với cuộc khủng hoảng này, chúng ta được nhắc nhở các nghiêm túc về sự chết. Đừng bỏ bê việc chia sẻ niềm hy vọng bạn có trong Chúa Jesus cho mọi người (1 Phi-e-rơ 3:15). Hãy rao ra cách Ngài đã giải cứu bạn khỏi “đại dịch tội lỗi” và hình phạt chết đời đời. Hãy lớn tiếng chia sẻ rằng chúng ta không thể tìm thấy niềm hy vọng nơi sức khỏe, hay nơi trần gian này.
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với cái chết. Nhờ Chúa Jesus, chúng ta có thể tự tin hiên ngang bước đến ngày đó. Giống như Phao-lô, chúng ta nhớ rằng “Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Phi-líp 1:21). Chúng ta thật sự không có gì phải sợ, dù là coronavirus, virus Ebola, thiên tai hay bất cứ điều gì.
Hãy mạnh mẽ lên. Hãy cầu nguyện cho người bệnh. Bước đi trong năng quyền Chúa. Yêu thương anh em. Làm điều tốt lành cho mọi người. Dùng sức khỏe của bạn để phục vụ, không phải để che giấu. Chúa Jesus nắm chủ quyền trên tất cả. Và không gì có thể làm hại chúng ta cho đến khi làm xong công việc Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta.
Bài: Todd Wagner; dịch: Hồng Nhạn
(nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply