Oneway.vn – Y-sơ-ra-ên ngưng cấp visa cho các nhóm Tin Lành Phục quốc Do Thái, gây khó khăn cho hoạt động của họ trong tương lai.Thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng Likud Benjamin Netanyahu trong đêm sự kiện bầu cử của đảng Likud vào ngày 1 tháng 11 năm 2022, tại Jerusalem, Israel | Hình ảnh Amir Levy / Getty
Thông tin cho biết Bộ Nội vụ Y-sơ-ra-ên đã quyết định không cấp visa cho các nhóm Tin Lành Phục quốc Do Thái, bao gồm cả Đại sứ quán Cơ Đốc giáo Quốc tế có ảnh hưởng tại Jerusalem. Quyết định này đe dọa việc triển khai hoạt động của các nhóm này trong tương lai.
David Parsons, phó chủ tịch và phát ngôn viên cấp cao của Đại sứ quán Cơ Đốc giáo Quốc tế Jerusalem, phát biểu tại tờ báo Haaretz của Y-sơ-ra-ên: “Bộ Nội vụ đang từng bước bóp nghẹt sự tồn tại của chúng tôi”.
Tổ chức ICEJ đã hoạt động tại Y-sơ-ra-ên từ năm 1980 và có chi nhánh tại hơn 90 quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người Do Thái nhập cư vào Y-sơ-ra-ên. Theo Parsons, tổ chức này đã cung cấp hơn 250 hầm tránh bom, chăm sóc cho hàng trăm người sống sót sau thảm họa diệt chủng và đầu tư 25 triệu đô la mỗi năm vào các dự án nhân đạo khác trong nước.
Tại Y-sơ-ra-ên, các tổ chức Tin Lành chủ yếu tập trung vào hoạt động thiện nguyện, bao gồm thúc đẩy nhập cư và hỗ trợ những người sống sót sau thảm họa diệt chủng. Haaretz đồng thời cho biết thêm rằng phần lớn nỗ lực của họ là nhằm củng cố an ninh quốc gia của Y-sơ-ra-ên, khi nhiều người tin rằng việc người Do Thái trở về Y-sơ-ra-ên báo hiệu cho ngày Chúa Jêsus trở lại.
Tiến sĩ Juergen Buehler, chủ tịch Đại sứ quán Cơ Đốc giáo, đã bày tỏ trên tờ All Y-sơ-ra-ên News rằng tổ chức của ông không biết lý do mà Bộ Nội vụ thay đổi chính sách đối với ICEJ và các tổ chức Tin Lành khác.
Buehler nêu rõ: “Chúng tôi đang đối mặt với một tình hình chưa từng có tại Bộ Nội vụ. Điều này khiến chúng tôi không thể hoạt động hiệu quả trong sứ mệnh sát cánh và hỗ trợ Nhà nước Y-sơ-ra-ên”.
“Chính sách thị thực mới làm cho chúng tôi khó hoàn thành nhiệm vụ truyền thông của mình, trong khi điều này rất bất hợp lý. Truyền thông là công cụ chính của Đại sứ quán Cơ Đốc giáo nhằm thực hiện nhiệm vụ quan hệ công chúng cho Y-sơ-ra-ên, tuyên truyền những điều tích cực về Y-sơ-ra-ên và phản đối chủ nghĩa bài Do Thái” – Buehler nói thêm.
“Chúng tôi không hiểu lý do Bộ Nội vụ đưa ra quyết định mới này và cảm thấy vô cùng thất vọng. Chúng tôi mong rằng họ sẽ sớm quay lại với cách thức hoạt động như trước”.
Theo Parsons, việc thay đổi chính sách đã diễn ra mà không báo trước.
Trong đại dịch, Bộ Nội vụ đã không cấp thị thực hoạt động cho nhân viên quốc tế của ICEJ, và khi chính phủ mới của Y-sơ-ra-ên lên nắm quyền, họ cũng hoàn toàn không cấp thị thực giáo sĩ nữa. ICEJ bị từ chối các yêu cầu cấp thị thực giáo sĩ vì Bộ Nội vụ cho rằng họ không phải là một tổ chức tôn giáo, dù họ đã đăng ký là một “hiệp hội Cơ Đốc giáo”.
Parsons nói rằng: “Quyết định này là không công bằng vì ICEJ là một tổ chức Cơ Đốc giáo về cả tên và bản chất”. Ông cho biết giờ đây họ chỉ có thể xin thị thực tình nguyện, nhưng điều này rất khó khăn và chỉ dành cho những người độc thân từ các nước giàu có.
Công ty luật nhập cư Kan-Tor & Acco cho biết: “Thị thực A-3 là loại thị thực dành cho những người nước ngoài muốn làm việc trong các cơ sở tôn giáo được Y-sơ-ra-ên công nhận và thực hiện các hoạt động tôn giáo quốc tế”. Thị thực này chỉ có hiệu lực trong một năm và cần phải được gia hạn mỗi năm.
Công ty luật Kan-Tor & Acco cho biết: “Các tổ chức này đã làm việc ở Y-sơ-ra-ên trong nhiều năm nhưng không được thông báo lý do vì sao Bộ Nội vụ lại từ chối cấp thị thực cho họ. Không rõ đây có phải là chính sách mới của chính phủ Y-sơ-ra-ên mới hay không. Cơ quan Di trú và Dân số nói rằng vấn đề này đã được bàn bạc trước đó và sẽ được giải quyết sớm”.
Calev Myers, luật sư đại diện cho ICEJ, nói với Haaretz rằng tổ chức có kế hoạch bác bỏ quyết định này. Nếu bác bỏ bị từ chối, họ sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Các tổ chức Tin Lành khác cũng gặp khó khăn trong việc xin thị thực cho giáo sĩ.
Hai tổ chức “Baptist Convention” và “Christian Friends of Y-sơ-ra-ên” cũng nằm trong số những tổ chức gặp khó khăn gần đây.
Cơ quan Dân số và Nhập cư tại Bộ Nội vụ thông báo với Haaretz rằng lãnh đạo mới của Cơ quan Dân số và Nhập cư – Eyal Sisu – dự kiến sẽ đánh giá lại vấn đề.
Các tổ chức Tin Lành và những người ủng hộ chính phủ Y-sơ-ra-ên vô cùng bối rối trước quyết định của Bộ Nội vụ, bởi vì thủ tướng Netanyahu luôn tôn trọng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng Tin Lành quốc tế. Tín đồ Tin Lành cũng đóng vai trò quan trọng khi cựu Tổng thống Trump quyết định đưa đại sứ quán Mỹ ở Y-sơ-ra-ên tới Jerusalem.
Joel C. Rosenburg, một nhà hoạt động và tác giả Phúc âm người Mỹ gốc Y-sơ-ra-ên, gần đây đã viết rằng không biết Bộ trưởng Nội vụ Moshe Arbel, một giáo sĩ Do Thái chính thống cực đoan và là thành viên Knesset, một thành viên của đảng chính trị tôn giáo Shas, có liên quan đến quyết định này hay không.
Rosenburg tuyên bố: “Có thể việc này được các cấp thấp hơn quyết định và Bộ trưởng không nhận thức được vấn đề cũng như hậu quả tiềm tàng khi phân biệt đối xử trắng trợn những người bạn và đồng minh theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái Cơ Đốc của Y-sơ-ra-ên”.
“Xin hãy cầu nguyện rằng Thủ tướng Netanyahu sẽ chỉ đạo Bộ trưởng Nội vụ Arbel khắc phục vấn đề ngay lập tức. Vào tháng 3, Netanyahu đã can thiệp một cách dứt khoát để ngăn chặn luật pháp ở Knesset chà đạp quyền tự do tôn giáo của Cơ Đốc nhân”.
Tín đồ theo Cơ Đốc giáo ở Y-sơ-ra-ên đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng chỉ chiếm khoảng 2% dân số Y-sơ-ra-ên.
Một báo cáo do Cục Thống kê Trung ương công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy 75,8% người theo Cơ Đốc giáo ở Y-sơ-ra-ên là tín đồ Cơ Đốc Ả Rập, chiếm 6,9% dân số Ả Rập ở Y-sơ-ra-ên.Trước đó, các nghị sĩ của đảng Do Thái giáo Torah Thống nhất của Y-sơ-ra-ên đã đề xuất một dự luật nhằm khiến việc truyền giáo Cơ Đốc trở thành phạm pháp. Nhưng vào tháng 3, Thủ tướng Netanyahu công bố rằng chính phủ của ông sẽ không bỏ phiếu cho dự luật này.
Y-sơ-ra-ên đã có những quy định để ngăn chặn những người theo đạo Cơ Đốc truyền giáo cho công dân Do Thái vị thành niên và phạt những ai dùng tiền dụ dỗ họ theo Cơ Đốc giáo.
Thượng phụ Latinh Pierbattista Pizzaballa, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã ở Thánh địa, cho rằng những phần tử Do Thái cực đoan gây ra các cuộc tấn công ngày càng nhiều ở khu vực Cơ Đốc giáo.
Ông cho rằng những kẻ cực đoan này được chính phủ Netanyahu bao che và ủng hộ, ông gọi đó là chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử Y-sơ-ra-ên.
Pizzaballa nói rằng ông rất lo lắng về việc các giáo sĩ bị quấy rối và tài sản tôn giáo bị phá hoại, rằng nền văn hóa và chính trị hiện nay dường như đang bao biện hoặc bỏ qua các hành vi chống lại Cơ Đốc nhân.
Ông cũng nói rằng trong Tuần Lễ Phục Sinh, chính quyền Y-sơ-ra-ên đã làm hàng nghìn Cơ Đốc nhân thất vọng, khi hạn chế số lượng người được vào Nhà thờ Phục Sinh ở Jerusalem từ 10.000 xuống còn 1.800, với lý do an toàn và tránh hỏa hoạn.
Bài: Anugrah Kumar; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christianpost.com)
Leave a Reply