Oneway.vn – Chúng ta rất dễ tham muốn thứ của người khác hoặc những ham muốn trong lòng, vậy làm sao chúng ta có thể ngừng tham lam và ham muốn?
Tham lam là gì?
Mạng lệnh về việc chớ tham lam không có gì mới cả. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi và đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, Ngài đã dạy họ Mười Điều Răn, trong số đó có Điều răn Thứ Mười; “Con không được tham muốn nhà người lân cận con, cũng không được tham muốn vợ, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay bất cứ vật gì thuộc về người lân cận con.” – Xuất Ai Cập 20:17.
Đức Chúa Trời biết trong lòng chúng ta có nhiều ham muốn như nhà hàng xóm, người phối ngẫu, phương tiện đi lại hoặc bất cứ thứ gì khác mà chúng ta ước mình có.
Giê-rê-mi 17:9 – “Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, Và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?”.
Tấm lòng dối trá
Tham lam là điều răn duy nhất mà con người thường không nhìn thấy được vì nó diễn ra trong tấm lòng mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể nhìn thấy.
Việc vi phạm các điều răn khác dễ dàng được nhìn thấy hơn qua bằng chứng vật chất, nhưng tội lỗi (lòng tham) này ẩn sâu trong lòng con người, đến nỗi ngay cả người đó cũng có thể không biết về nó.
Nhà tiên tri Giê-rê-mi cho chúng ta biết tấm lòng của chúng ta thật dối trá biết bao khi viết nó như câu hỏi tu từ với câu trả lời hiển nhiên là “không có ai”. Giê-rê-mi đã viết: “Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, Và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9)?
Ai có thể hiểu được lòng người?. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể nhìn thấu tấm lòng của chúng ta và chỉ khi Chúa phơi bầy tấm lòng của chúng ta cho chính chúng ta bằng Thánh Linh Ngài thì chúng ta mới có thể hiểu được những gì trong lòng mình. Nếu không, chúng ta đều có điểm mù…mỗi người trong chúng ta.
Ham muốn là gì?
Chúa Jêsus cảnh báo chúng ta về tội gian dâm, thậm chí đi sâu vào tận sâu thẳm tấm lòng con người.
Ngài nói chúng ta có thể phạm tội ngay cả khi không thực hiện hành vi tình dục vô luân bằng cách khao khát một ai đó trong lòng.
Nói về dục vọng trong lòng, Chúa Jêsus dạy: “Các con có nghe lời dạy: ‘Chớ phạm tội tà dâm” – Ma-thi-ơ 5:27, nhưng Chúa Jêsus đã đưa điều răn này đến nguồn cội của tội ngoại tình – trong trái tim con người; trong suy nghĩ, ý định và ham muốn xác thịt của chúng ta.
Chúa chúng ta tiếp tục “Nhưng Ta bảo cho các con biết: Hễ ai nhìn phụ nữ mà ham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm với người ấy rồi” (Ma-thi-ơ 5:28).
Bây giờ, hành vi ngoại tình về mặt thể xác rõ ràng là tội lỗi, nhưng Chúa Jêsus còn dạy rằng những suy nghĩ, ham muốn trong lòng cũng giống như ngoại tình…gọi đó là ngoại tình tâm trí.
Cho nên việc ham muốn một người không phải là người phối ngẫu của mình bị coi là ngoại tình trong lòng. Đó là kết quả của sự ham muốn. Khi nó bắt đầu từ trái tim thì việc thực hiện bằng xương thịt sẽ dễ dàng hơn. Đó là ham muốn xác thịt không phải của bạn và cuối cùng có thể trở thành tội ngoại tình thực sự, nhưng nó bắt đầu từ tận tấm lòng, tuy nhiên, Chúa Jêsus cảnh báo đó vẫn là tội lỗi.
Sự ham muốn trong lòng đó dẫn đến “Rồi khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi; tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết” (Gia-cơ 1:15).
Thờ hình tượng
Nhiều người có thể không nghĩ dục vọng là thờ hình tượng, nhưng đó là điều Lời Chúa nói. Sứ đồ Phao-lô truyền cho chúng ta “Vậy hãy giết chết những dục vọng trần tục như gian dâm, bất khiết, tình dục dâm đãng, ước muốn xấu xa và tham lam; vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng” (Cô-lô-se 3:5).
Đây là lý do tại sao sự tham lam được coi là thờ hình tượng. Đó là bởi vì chúng ta đặt bản thân, những đam mê và dục vọng của mình vào trung tâm vũ trụ. Nhưng đó là điều chúng ta phải nỗ lực thực hiện như ông nói “Giết chết”.
Phao-lô rất rõ ràng khi ông nói: “Anh em có thể biết chắc điều này rằng mọi kẻ gian dâm, ô uế, hoặc tham lam (tức là thờ thần tượng), không được thừa hưởng cơ nghiệp trong vương quốc của Đấng Christ và Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô. 5:5). Ngoài ra, “sự gian dâm, mọi điều ô uế và tham lam cũng không được kể ra giữa anh em, như các thánh đồ đã làm” (Ê-phê-sô 5:3).
Tóm lược
Tôi thích cách Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh bằng văn bản rằng “Vì các điều răn: “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam,” và bất cứ điều răn nào khác, đều tóm tắt trong câu nầy: “Ngươi phải yêu người lân cận như mình” (Rô-ma 13:9).
Chúng ta không thể yêu người lân cận bằng cách ham muốn những thứ của họ hay người phối ngẫu của họ. Đó không phải là yêu thương người lân cận của chúng ta.
Ngay cả khi họ không biết bạn đang khao khát người phối ngẫu hoặc đồ vật của họ, Chúa cũng biết điều đó và đó là một tội lỗi nghiêm trọng. Và nó cho thấy chúng ta không hài lòng với những gì mình có hiện tại và muốn nhiều hơn nữa. Chúng ta có thể hành động như thể Chúa chưa ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn, nhưng hãy nghĩ về điều này; Ngài đã cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần! Mong muốn và nhu cầu hoàn toàn không giống nhau.
Kết luận
Thế giới hư mất thèm muốn mọi thứ là điều tự nhiên. Thế giới bên ngoài Hội thánh thấy việc tham lam không có gì sai trái, nhưng Lời Chúa gộp việc thèm muốn và tham lam đó vào một số tội lỗi rất ghê tởm.
Phao-lô nhìn vào thế giới hư mất và thấy rằng “Họ đầy dẫy mọi điều bất chính, gian ác, tham lam, hiểm độc; lòng đầy ganh tị, giết người, gây gổ, dối trá, nham hiểm” (Rô-ma 1:29).
Những kẻ ham muốn trong lòng được xếp vào nhóm những kẻ “nói hành, vu khống, thù ghét Đức Chúa Trời, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, chuyên làm điều ác, không vâng lời cha mẹ” (Rô-ma 1:30).
Trước khi kết thúc, tôi phải hỏi bạn ai đang đọc bài viết này; bạn đã tin cậy nơi Chúa Jêsus Christ chưa? Đức Chúa Trời có đem bạn đến sự ăn năn và đức tin không (Mác 1:15)? Tôi cầu nguyện để bạn tin cậy nơi Chúa Jêsus Christ, vì Ngài phán với bạn và Ngài phán với mọi người: “… nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy” (Lu-ca 13:5). Hãy ăn năn ngay hôm nay và tin cậy nơi Đấng Christ nếu không bạn phải đối mặt với sự phán xét của Đức Chúa Trời sau khi chết (Hê-bơ-rơ 9:27) hoặc lúc Đấng Christ hiện ra (Khải Huyền 20:12-15), tùy điều nào đến trước.
Bài: Jack Wellman; dịch: Thuy Trang
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)
Leave a Reply