Sự nóng giận: Hãy để con trỏ nhấp nháy trước khi ‘gửi tin’

Oneway.vn – Con đường khôn ngoan in dấu chân của sự kiềm chế.

(Ảnh: thegospelcoalition)

Vào tháng 4 năm 1933, khi căng thẳng quốc tế ngày càng leo thang, Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức William E. Dodd phát hiện nhiều thông điệp bí mật của ông bị rò rỉ và lan truyền thành lời đàm tiếu. Quá phẫn nộ, Dodd viết một lá thư gửi cấp trên, bày tỏ sự bực tức và lo ngại của mình. Ban đầu, ông dự định trao tận tay lá thư này, nhưng sau khi có thời gian để bình tĩnh lại, ông quyết định không gửi nữa. Lá thư đó, cuối cùng, nằm trong một tập hồ sơ mang tên “chưa gửi”.

Bạn đang có tập hồ sơ nào chứa các email, tin nhắn, lá thư hoặc cuộc trò chuyện những vẫn chưa gửi không?

Nhiều lần, tôi đã ước mình đã có thể chậm lại một chút để nó “thở” trước khi phản hồi. Bạn từng có suy nghĩ này giống tôi không?

Sự tiện lợi của giao tiếp hiện đại khiến chúng ta dễ dàng phản ứng một cách nhanh chóng và nóng nảy. Nhưng sự khôn ngoan từ Kinh Thánh kêu gọi chúng ta hãy để con trỏ nhấp nháy một chút trước khi nhấn nút “gửi”. Có lẽ, tất cả chúng ta sẽ có lợi khi sở hữu một tập hồ sơ “chưa gửi” ngày càng lớn.

Với lời nói, chúng ta có thể đem đến phước lành cho ai đó, nhưng đồng thời, cũng có thể gây ra nhiều tổn thương (Gia-cơ 3). Hãy nghĩ về an ninh xung quanh một nhà máy điện hạt nhân. Nơi này tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ, nhưng cũng cần được bảo vệ chặt chẽ để tránh các cuộc tấn công có thể gây ra ô nhiễm phóng xạ. Cũng như vậy, chúng ta được lệnh phải giữ gìn lời nói, vì công cụ để ban phước có thể trở thành công cụ hủy diệt chỉ trong chớp mắt.

Đây là lý do mà trước giả Thi- thiên than thở cùng Chúa: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin gìn giữ miệng con
Và canh cửa môi con”
(Thi thiên 141:3). Môi miệng đem đến phước lành và cả sự hủy diệt, người khôn ngoan ý thức được sự mong manh của bản thân và tìm kiếm sự trợ giúp từ Đức Chúa Trời. Bạn có cầu nguyện xin Chúa giữ môi miệng của mình không?

Ngoài việc cầu nguyện, đôi khi tốt nhất là giữ im lặng. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta về con đường của người khôn ngoan: “Ai nói năng dè dặt là người có tri thức, ai có tính điềm tĩnh là người thông sáng” (Châm ngôn 17:27).

Con đường khôn ngoan in dấu chân của sự kiềm chế. Đó là việc biết khi nào cần giữ lại lời nói. Đôi khi, sự tự chủ đòi hỏi chúng ta phải chậm lại trong lời nói (Gia-cơ 1:19), hoặc thậm chí không nói gì cả (hoặc không nhắn tin, không email, không đăng bài).

Khi cân nhắc phản hồi một vấn đề hay ai đó, tôi luôn tự hỏi mình liệu có đang tức giận không. Nếu câu trả lời là “có”, thì đó là dấu hiệu tự động để tôi dừng lại. Bởi vì khi giận dữ, tôi sẽ có nguy cơ làm gia tăng xung đột (Châm ngôn 10:12; 15:18). Tôi cần có thời gian để nguôi giận trước khi hành động.

Tôi cũng nhận thấy rằng việc cầu nguyện rất hữu ích. Khi cầu nguyện, Chúa thường làm thay đổi góc nhìn của tôi, khiến tôi thấy mọi thứ khác đi. Ngài nhắc nhở tôi về quyền tể trị, sự chu cấp, lòng nhân từ và ân điển của Ngài. Tôi được nhắc nhở về tội lỗi, sự ích kỷ và tính nhạy cảm quá mức của mình. Giống như một đứa trẻ đưa cho cha mình chiếc giày bị thắt nút, Chúa nhanh chóng gỡ bỏ những nút thắt trong lòng tôi, khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Thay vì trút giận, hãy mang nỗi lòng ấy đến với Chúa. Ngài có cách giải quyết tâm trạng của chúng ta qua lời cầu nguyện. Bỏ qua bước này thường dẫn đến những lời nói đáng tiếc.

Cuối cùng, tôi tự hỏi mình: làm thế nào Phúc Âm có thể chi phối phản ứng hiện tại của tôi? Liệu vấn đề này có đáng để tôi bực bội đến vậy không? Tôi có đang phản ứng như một người đã nhận được ân điển vô hạn và tha thứ mọi tội lỗi của mình không? Tôi có đang làm nhòe đi âm thanh của Phúc Âm bởi phản ứng của mình không?

Khi bạn cảm thấy cơn giận sôi sục và muốn phản hồi nhanh chóng, hãy để “con trỏ nhấp nháy” một lúc. Dành thời gian để cầu nguyện, suy ngẫm và cân nhắc. Và có lẽ, bạn sẽ thấy tập hồ sơ “chưa gửi” của mình ngày càng dày thêm.


Bài: Erik Raymond; dịch: SD
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *