10 “mẹo” hay giúp cho việc học Kinh Thánh của bạn

Oneway.vn – Những tháng đầu năm mới là mốc quan trọng để tái kết ước và lên kế hoạch cho việc học Kinh Thánh trọn năm.

Khi chúng ta mời gọi sự hiện diện của Chúa bước vào đời sống mình thông qua việc đọc Lời Ngài, chúng ta cũng hãy dành chỗ để Ngài phát triển trong chúng ta một tấm lòng luôn tìm cách bước theo Ngài trong mọi lĩnh vực của đời sống. 

Giống như bất kỳ thói quen hoặc sự thực hành mới nào, chúng ta phải để ý đến một số yếu tố chủ chốt giúp chúng ta thành công. Kẻ thù không muốn chúng ta học Kinh Thánh, vậy nên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng hắn sẽ cố gắng đánh lạc hướng và làm nản lòng chúng ta bằng mọi cách có thể.

Để chống lại điều đó, chúng ta sẽ xem qua 10 “mẹo” sau để có thể giúp bạn giữ thói quen học Kinh Thánh mới này trở thành một thói quen lâu dài.

1. Chuẩn bị về mặt thuộc thể 

Rõ ràng, điều đầu tiên bạn cần cho việc học Kinh Thánh đều đặn đó là Kinh Thánh. Mặc dù có nhiều bản dịch cho bạn lựa chọn nhưng quan trọng là chọn một bản dịch mà bạn thấy dễ hiểu. Sẽ rất khó nếu bạn cứ cố bám theo một kế hoạch đọc Kinh Thánh mà bạn không thực sự hiểu nó đang muốn nói gì.

Hãy chọn bản dịch có cách dùng từ mà bạn thấy dễ hiểu. Ngoài ra, bạn có thể cần thêm một số vật dụng như nhật ký và một vài cây bút dạ quang.

Dù những thứ trên hoàn toàn không bắt buộc nhưng bạn có thể sẽ muốn ghi nhớ những gì bạn đang học khi đọc Kinh Thánh. Chuẩn bị sẵn những vật dụng này thực sự có thể giúp ích cho bạn.

2. Chuẩn bị về mặt tâm hồn

Khi đọc, có thể sẽ có những điều Chúa phơi bày ra vì Ngài muốn chữa lành hoặc giải quyết bên trong bạn. Hãy cứ để việc đó xảy ra. Đôi khi, bạn sẽ thấy những cảm xúc đó khó xử lý, đặc biệt là nếu chúng tiêu cực.

Nhưng thực tế là không ai trong chúng ta hoàn hảo. Đó là lý do tại sao chúng ta cần Đức Chúa Jêsus. Quan trọng là hãy để Chúa giải quyết những điều kín giấu trong lòng chúng ta vì đó là cách mà chúng ta được lành.

Sửa soạn tấm lòng để Chúa hành động trong chúng ta là một phần thật sự quan trọng giúp chúng ta thành công trong thời giờ học Lời Chúa.

3. Chuẩn bị về mặt tâm linh

Sẽ có những lúc Chúa nhắc nhở chúng ta vâng phục điều gì đó qua chính Lời bạn đang đọc. Ngay cả lời kêu gọi hãy yên lặng trước mặt Ngài, và ngay chỗ yên tĩnh đó Chúa sẽ phán điều Ngài muốn cho đời sống của chúng ta. Hãy cầu nguyện để tấm lòng bạn luôn cởi mở đón nhận những gì Chúa muốn thực hiện trong và qua Lời Ngài cho đời sống bạn.

4. Cho phép mình nhìn theo hướng mới

Không sao cả nếu bạn không thấy những gì bạn nghĩ mình nên thấy trong một phân đoạn nào đó. Đôi khi, chúng ta quá quen thuộc với một phần Kinh Thánh từ các bài học hoặc bài giảng trước đây đến nỗi bỏ lỡ điều Chúa đang muốn phán với chúng ta ngay bây giờ, ngay trong chính giai đoạn này.

Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm nên Ngài có thể dùng một phân đoạn Kinh Thánh quen thuộc để phán với chúng ta theo một cách mới mẻ. Quan trọng là chúng ta phải để cho Thánh Linh có chỗ trong tấm lòng và tâm trí mình, để Ngài có thể hành động. Hãy cởi mở với ý tưởng rằng có lẽ Chúa đang muốn khải thị một điều gì đó mới.

5. Sử dụng quyển Kinh Thánh thật

Tôi thấy rằng “mẹo” này có thể hơi khó, đặc biệt nếu bạn đã quen với Kinh Thánh dạng âm thanh hoặc ứng dụng Kinh Thánh. Dù đó có thể là những công cụ cực kỳ hữu ích cho việc đọc Kinh Thánh hàng ngày, song hãy nhớ rằng đây là danh sách những “mẹo” giúp bạn học Kinh Thánh sâu hơn.

Không phải là bạn không thể sử dụng các ứng dụng để học Kinh Thánh, nhưng có điều gì đó linh thiêng trong quyển Kinh Thánh thật.

Trong một nền văn hóa mà phương tiện truyền thông kỹ thuật số và chứng nghiện điện thoại đã chiếm hết cuộc sống chúng ta, việc gạt qua một bên những sao nhãng của điện thoại có thể cho phép chúng ta kết nối sâu nhiệm hơn với Chúa.

Vì kẻ thù luôn muốn ngăn trở chúng ta đến với Lời Chúa nên hắn có thể và thường xuyên sử dụng điện thoại của chúng ta để khiến chúng ta phân tâm.

6. Đặt ra một giờ cụ thể

Nếu không cẩn thận, một ngày có thể vụt khỏi chúng ta và thời gian học Kinh Thánh của chúng ta có thể bị chiếm mất bởi những việc khác. Đặt ra một giờ cụ thể, cài báo thức hoặc thậm chí đặt lịch hẹn vào lịch trên điện thoại cũng có thể là những cách hữu ích giúp bạn để ý đến thời gian. 

Lên lịch cho một khoảng thời gian trong ngày là cơ hội tốt nhất và hiệu quả nhất cho lịch trình của bạn cũng như cho các thành viên trong gia đình biết rằng bạn có một “cuộc hẹn với Chúa”.

7. Thờ phượng

Đối với nhiều người, việc lập sẵn một danh sách nhạc thờ phượng để nghe khi học là vô cùng hữu ích. Nhưng nếu nghe nhạc khiến bạn bị mất tập trung, bạn có thể thờ phượng để chuẩn bị tấm lòng trước hoặc sau khi học xong và dành thời gian cầu nguyện với Chúa về những gì mình đã đọc.

Có một điều gì đó đặc biệt xảy ra trong lòng chúng ta khi chúng ta thờ phượng, và nó có thể là một công cụ mạnh mẽ mà Chúa dùng để phán với chúng ta.

8. Cộng đồng

Một trong những mưu kế mà kẻ thù thích sử dụng trong đời sống tín đồ đó là tự tách mình. Chúng ta được dựng nên có tính cộng đồng: tương giao với Chúa và tương giao với nhau.

Mặc dù nơi tốt nhất để điều này xảy ra là trong phạm vi Hội Thánh địa phương, nhưng điều này cũng có thể xảy ra trong một nhóm học Kinh Thánh hoặc nhóm Facebook địa phương.

Mục tiêu là để thường xuyên kết nối với những người muốn học Lời Chúa cùng nhau. Chia sẻ điều Chúa đang dạy bạn là một cách tuyệt vời để kinh nghiệm tình thân trong Chúa và ca ngợi sự tốt lành của Chúa.

Khi gắn kết với nhau và cùng học biết về Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy kết nối nhiều hơn với Chúa và với thân thể Đấng Christ.

9. Cứ tiếp tục

Bất kể chúng ta có thiện chí đến đâu, đôi khi cuộc sống vẫn luôn có trở ngại. Chúng ta có thể bắt đầu mạnh mẽ nhưng sau đó bỏ mất một vài ngày học Kinh Thánh. Nếu việc đó xảy ra, bạn chỉ cần tiếp tục lại nơi mà bạn đã bỏ dở. Đừng để việc “bị lùi một bước” ngăn bạn tiến về phía trước.

Mục tiêu của việc Học Kinh Thánh là để hiểu mỹ đức và bản tính của Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ chính Ngài cho chúng ta trong Lời Ngài.

Nếu bạn bỏ qua một ngày tâm giao với người bạn thân nhất hoặc bạn đời của mình, bạn sẽ không ngừng nói chuyện với họ luôn.  Với Chúa cũng vậy; bạn chỉ cần tiếp tục lại tại nơi mà bạn đã bỏ dở.

10. Áp dụng

Khi bạn đọc, hãy mong đợi Thánh Linh của Chúa hành động trong bạn. Như vậy, chúng ta sẽ cho phép Ngài chuyển Lời từ tâm trí chúng ta xuống tấm lòng chúng ta. Chúa muốn hành động trong và qua bạn. Khi bạn học biết thêm về Ngài, điều quan trọng là chúng ta phải vâng theo điều Ngài đang kêu gọi chúng ta làm.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc biết điều đó là gì, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi sau. Nó bày tỏ cho tôi điều gì về Chúa? Tôi có thể vâng theo điều gì? Tôi có thể bắt chước những gì? Tôi có thể rút ra điều gì từ các mối quan hệ của mình?

Khi chúng ta mời gọi sự hiện diện của Chúa bước vào đời sống mình thông qua việc đọc Lời Ngài, chúng ta cũng hãy dành chỗ để Ngài phát triển trong chúng ta một tấm lòng luôn tìm cách bước theo Ngài trong mọi lĩnh vực của đời sống. 


Bài: Rachael Groll; dịch: Ruth

(Nguồn: christianity.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *