4 nguyên nhân gây ra sự chia rẽ trong Giáo hội

Oneway.vn – Một số sự chia rẽ mà chúng ta thấy trong phong trào Tin Lành có thể là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi tự hỏi liệu một trong những lý do khiến sự phân tán này tiếp tục tồn tại có phải là do chúng ta nhầm lẫn giữa các loại chia rẽ khác nhau hay không.

Một số sự chia rẽ xuất phát từ những khác biệt về triết lý mục vụ. Một số khác là kết quả của sự thỏa hiệp thần học. Không ít sự chia rẽ bị thúc đẩy bởi tham vọng cá nhân. Và cũng có những vấn đề liên quan đến tính khí – những cá tính hay tranh cãi dẫn đến những xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tôi tin rằng một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm sự phân rẽ ngày nay đến từ những người vô tình (hoặc trong một số trường hợp, cố ý) xuyên tạc bản chất của sự bất đồng. Một khác biệt về triết lý mục vụ lại bị diễn giải như một sự rời bỏ đức tin. Một khác biệt về tính khí bị quy kết là thao túng chức vụ vì lợi ích cá nhân. Kết quả là gì? Sự nhầm lẫn, hoài nghi và vu khống.

Tân Ước đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ trong dân sự của Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là phải nhận diện rõ những sự khác biệt này để có thể đánh giá đúng đắn và phán xét một cách nhân từ. Dưới đây là bốn dạng chia rẽ thường thấy – và những nguy cơ khi chúng ta không phân biệt được chúng.

1. Xung đột cá nhân

Lời kêu gọi của Phao-lô dành cho Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ trong Phi-líp 4:2–3 rất đơn giản:

    “Tôi khuyên Ê-vô-đi và khuyên Sin-ty-cơ nên hiệp ý trong Chúa. Tôi cũng xin anh, người bạn đồng lao chân thành, hãy giúp những phụ nữ nầy; họ đã sát cánh với tôi chiến đấu vì Tin Lành”.

    Hãy chú ý rằng Phao-lô không đứng về phe nào trong tranh cãi giữa hai người phụ nữ này. Có thể ông có quan điểm riêng về vấn đề, nhưng rõ ràng ông xem sự chia rẽ này là vấn đề lớn hơn so với những gì họ bất đồng. Đây là hai người hầu việc Đấng Christ, từng cùng nhau lao khổ vì Phúc Âm, nhưng xung đột giữa họ đã trở nên quá lớn đến mức đe dọa sự hiệp nhất của Hội thánh.

    Cuốn “When Christians Disagree” của Tim Cooper ghi lại những khác biệt về tính khí đã khiến hai nhà văn Thanh giáo là John Owen và Richard Baxter xung đột với nhau. Những chia rẽ này không chủ yếu bắt nguồn từ bất đồng về giáo lý trọng tâm mà từ sự va chạm cá nhân. Tôi đã thấy nhiều ví dụ tương tự – những người đáng lẽ phải cùng chung chí hướng nhưng vì khác biệt về tính cách, phong cách lãnh đạo hoặc cái tôi bị tổn thương mà xung đột trở nên trầm trọng hơn bởi sự thù địch cá nhân.

    2. Chia rẽ về chiến lược

    Một trong những khoảnh khắc đáng suy ngẫm nhất trong sách Công Vụ là sự chia rẽ giữa Phao-lô và Ba-na-ba (Công Vụ 15:36–41). Hai vị sứ đồ này đã từng đi cùng nhau, cùng chịu khổ và chứng kiến công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Nhưng bất đồng về việc có nên đem Giăng Mác theo trong chuyến hành trình tiếp theo hay không đã trở nên quá gay gắt đến mức họ phải rời nhau.

      Nhiều khả năng, sự chia tay này không xuất phát từ động cơ cá nhân, cũng không liên quan đến thần học. Đây là hai người trung tín tìm cách mở rộng Phúc Âm, nhưng lại có những xác tín khác nhau về chiến lược mục vụ. Họ xung đột về vấn đề khôn ngoan và sự thận trọng.

      Tin tốt lành là Đức Chúa Trời vẫn sử dụng cả hai người sau khi họ tách ra. Phúc Âm thậm chí có thể đã được lan truyền nhanh hơn nhờ sự chia rẽ này. Sau đó, Phao-lô đã khen ngợi Giăng Mác (2 Ti-mô-thê 4:11), cho thấy rằng theo thời gian, quan điểm của ông đã trở nên mềm mại hơn.

      Sự chia rẽ giữa Phao-lô và Ba-na-ba trở thành trường hợp điển hình của những anh em trong Đấng Christ, dù có chung rất nhiều điểm đồng thuận, nhưng vẫn không thể làm việc cùng nhau vì khác biệt trong chiến lược. Ngày nay, các lãnh đạo tin kính vẫn có thể bất đồng về cách thức trong Hội thánh, chiến lược truyền giáo, lập trường chính trị hay cách tiếp cận với văn hóa – những gì mà khoảnh khắc này đòi hỏi.

      3. Từ bỏ đức tin

      Bội đạo – sự thỏa hiệp về thần học hoặc đạo đức đối với đức tin đã được giao phó một lần đủ cả cho các thánh đồ – là một lý do khác khiến Cơ Đốc nhân chia rẽ nhau. Đê-ma từng là người cộng sự với Phao-lô, được nhắc đến cùng với Lu-ca (Cô-lô-se 4:14; Phi-lê-môn 1:24). Tuy nhiên, trong bức thư cuối cùng của Phao-lô, chúng ta thấy một báo cáo đầy đau buồn:

        “Vì Đê-ma, do ham mê đời nầy, đã lìa bỏ ta và đi qua Tê-sa-lô-ni-ca” (2 Ti-mô-thê 4:10).

        Đê-ma đã trở thành biểu tượng cho những người rời bỏ đức tin không phải vì bị bách hại hay do tính cách, mà vì thế gian đã chiếm lấy lòng và tâm trí họ. Tình yêu đối với thế gian có thể lấn át tình yêu dành cho Đấng Christ.

        Trong thời đại đầy rẫy sự thỏa hiệp thần học, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy một số người dao động về những vấn đề trọng yếu hoặc từ bỏ đức tin hoàn toàn. Tuy nhiên, chứng kiến một anh chị em trong Đấng Christ rời xa sự dạy dỗ lành mạnh luôn là điều đau lòng.

        4. Trục lợi tâm linh

        Một lý do khác khiến sự chia rẽ xảy ra là một số lãnh đạo Hội thánh là những kẻ giả mạo tìm kiếm lợi ích cá nhân. Hãy xem xét trường hợp của Si-môn phù thủy (Công Vụ 8:9–24). Ông ta thấy quyền năng của Đức Thánh Linh và muốn mua nó. Ông ta muốn tận dụng ân tứ của Đức Chúa Trời để tìm kiếm quyền lực và lợi ích cho bản thân.

          Ngày nay, Hội thánh vẫn đầy rẫy những kẻ trục lợi. Những giáo sư giả, những người rao giảng thịnh vượng, những kẻ cơ hội tiếp tục lợi dụng Phúc Âm để làm giàu cho chính mình. Kinh Thánh cảnh báo về những kẻ buôn bán Lời Chúa để trục lợi (2 Cô-rinh-tô 2:17). Chúng ta cần tách biệt khỏi những kẻ giả mạo.

          Phân biệt sự khác nhau giữa các loại chia rẽ trong hội thánh là điều cần thiết để không làm xói mòn lòng tin, gây nghi ngờ và làm suy yếu chứng cớ của chúng ta. Chúng ta phải học cách nhận diện khi nào sự chia rẽ là không thể tránh khỏi, khi nào có thể chúc phước cho một chức vụ sau sự chia tay, và khi nào hòa bình cần được duy trì.

          Kẻ kiện cáo đã có đủ đá để ném rồi – Cơ Đốc nhân không nên tiếp tay cho hắn!

          Bài: Trevin Wax; dịch: DN
          (Nguồn: thegospelcoalition.org)


          Posted

          in

          by

          Tags:

          Comments

          Leave a Reply

          Your email address will not be published. Required fields are marked *