5 cách để có thể lắng nghe tiếng Chúa

Oneway.vn – Bạn có từng mong chờ để được nghe tiếng từ Chúa chưa? 

Bạn từng mong muốn được Chúa phán điều gì đó với mình chưa? 

Làm sao để có thể nghe tiếng Ngài?

Có lẽ bạn đang đối diện với một quyết định khó khăn, hay bạn cần sự yên ủi, hay bạn đơn giản cảm thấy lạc lõng. Mỗi khi khó khăn, phản ứng đầu tiên của tôi là nhìn lên và cầu xin Chúa, “Xin chỉ cho con biết điều nên làm”.

Nhưng đối với đa số chúng ta, lời cầu nguyện này thậm chí còn khó chịu hơn vì dường như điều chúng ta nhận lại chỉ là sự im lặng. Giống như kiểu một chiếc điện thoại bị mất kết nối vậy.


Cách để lắng nghe tiếng Chúa: Ngài có nghe chúng ta không?

Tin tốt là, Chúa chắc chắn nghe chúng ta, và Ngài không phụ thuộc vào nhà cung cấp 4G. 

Ngài nghe được những lời cầu nguyện sâu thẳm và không ngừng phán với chúng ta. Chúng ta chỉ cần học cách để lắng nghe Ngài.

Khi hình dung việc lắng nghe tiếng Chúa, tôi có khuynh hướng nghĩ về một giọng nói trầm, phát ra từ những đám mây. Nhưng không phải lúc nào Chúa cũng phán như thế.


Khi bạn dành thời gian để lắng nghe Ngài, Chúa phán với chúng ta qua rất nhiều cách khác nhau:


1. Qua Kinh Thánh

Bạn có để ý rằng mỗi khi bạn đọc Kinh Thánh, bạn sẽ ghi khắc trong bạn và nhắc nhở điều gì đó không?

Chính Kinh Thánh tuyên bố là Lời Chúa là Lời sống và linh nghiệm, có ích trong nhiều mặt. Hãy chú ý đến điều khiến bạn khắc ghi khi đọc. Đây có thể là cách Chúa phán với bạn.

Những từ nào đọng lại sâu trong trí bạn? Những câu nào dường như đang phán trực tiếp với bạn? Chúng ta có thể nghe rất nhiều điều từ Chúa khi đọc Lời Ngài. Chỉ cần chúng ta chú ý.


2. Qua tiếng nói bên trong

Càng dành nhiều thời gian với Chúa, chúng ta sẽ càng biết rõ về Ngài, và càng quen thuộc với tiếng Ngài. Tiếng của Ngài là suy nghĩ mà trước đây chúng ta không có, hay một khuynh hướng sâu sắc. Tiếng của Chúa thường giống như điều mà chúng ta gọi là “lương tâm.”

Hãy chú ý đến điều bạn đang cảm nhận, suy nghĩ và đang hiểu. Đó là một cách lắng nghe tinh tế, nhưng bạn càng dành nhiều thời gian để lắng nghe, bạn sẽ nghe được Chúa rõ hơn.


3. Qua người khác

Đôi khi những từ rõ ràng nhất từ Chúa lại đến từ người khác, bạn có nghĩ vậy không?

Có lẽ bởi vì cách đó dễ nghe được tiếng Chúa hơn so với những điều không quá gần gũi với chúng ta.

Đôi khi tiếng Chúa đến theo cách tiên tri: Một ai đó khác đang lắng nghe Chúa, và người đó nói cho bạn điều Chúa phán.

Nhưng, có lẽ thường xuyên hơn, đó chỉ đơn giản là lời nhắc nhở về một điều phải lẽ. Đây là một cách để nghe tiếng Chúa.

Đôi khi tôi quên rằng Chúa thành tín, và chỉ trong phút chốc, một ai đó gửi cho tôi tin nhắn nói rằng Chúa thành tín. Chúa sử dụng người khác để khích lệ và nhắc nhở chúng ta về đặc tính của Ngài.


4. Qua những hoàn cảnh đặc biệt

Khi nói về việc lắng nghe Chúa qua những hoàn cảnh đặc biệt, chúng ta thường sử dụng cách nói về cánh cửa. Chúng ta nói, “Xin Chúa mở cửa để chúng con bước vào”. Hay “Chúa ôi, xin đóng những cánh cửa mà Ngài không muốn con đến đó”.

Đây là cách đặc biệt hiệu quả khi Chúa định sẵn điều cụ thể cho chúng ta.

Nếu có một công việc mà Ngài muốn bạn làm, có lẽ chỉ còn lại một chọn lựa duy nhất. Hay nếu Ngài muốn bạn học tại một ngôi trường cụ thể, có lẽ Ngài sẽ chu cấp một phần học bỗng rời rộng để giúp đỡ cho quyết định của bạn.

Nhưng tiếng Chúa qua những hoàn cảnh không luôn đến theo cách mà những cánh cửa được mở ra và đóng lại. Đôi khi còn mơ hồ hơn thế. Đôi khi có những hoàn cảnh nhỏ bé hơn, thiếu dứt khoát hơn lại chỉ cho chúng ta một hướng đi.

Hãy chú ý đến điều bạn đang thấy và đang nghe.

Họ đang thảo luận về điều gì trong Hội Thánh? Những sự kiện nào đang diễn ra trước mắt bạn? Chúng thường có thể là một cách để lắng nghe tiếng Chúa khi tiếng Ngài không đến như cách một cánh cửa bị đóng sầm hay mở tung ra.


5. Qua giấc mơ và khải tượng

Trong những giấc mơ và khải tượng, Chúa bày tỏ với chúng ta những điều mà sau đó chúng ta có thể dùng để làm theo ý muốn Ngài hay để giúp chúng ta hiểu điều đang xảy ra chung quanh.

Những giấc mơ và khải tượng thường khác với những mộng tưởng mà tâm trí bạn có khi tập trung vào một cuộc họp đặc biệt dài.

Vậy làm sao để bạn biết sự khác biệt?

Trong kinh nghiệm của tôi, giấc mơ và khải tượng từ Chúa rất đặc biệt để nhận thấy bởi vì chúng nằm ngoài lối tư duy thông thường của bạn, bạn hoàn toàn không biết chúng đến từ đâu.

Hãy bắt đầu viết xuống các giấc mơ khi bạn thức dậy vào buổi sáng – xem bạn có thể biết gì từ đó không. Cũng vậy, hãy chú ý đến điều tâm trí bạn hướng đến. Chúa có lẽ sẽ bày tỏ với bạn một điều gì đó mới mẻ.

Phần gây hiểu sai nhất của việc lắng nghe tiếng Chúa đó là đôi khi chúng ta tự hỏi là mình có đang tự bịa ra không. Việc lắng nghe Chúa không có khoa học rõ ràng, và chúng ta phần lớn đều nghi ngờ. Điều đó không công bằng. Chúng ta không phải Chúa, và đôi khi chúng ta chỉ nghe điều chúng ta muốn nghe.

Nhưng sau đây là vài bộ lọc tôi sử dụng khi cố gắng biện biệt xem điều đó có đến từ Chúa hay không:

1. Tra xem điều bạn nghe với Kinh Thánh. Chúa sẽ không bao giờ phán điều ngược lại với lời Ngài.

2. Những gì bạn đang nghe có nhắc nhớ bạn về Lời Chúa đang phán không?

3. Trình dâng điều bạn nghe cho những người khôn ngoan, tin kính. Xem họ đang nghe gì về điều này.

Chúa chúng ta không yên lặng, và càng dành nhiều thời gian với Ngài, chúng ta sẽ càng nhận biết sự thúc giục từ tiếng Ngài. 

Hãy sẵn sàng để lắng nghe tiếng Chúa.

Bài: Scott Wilson; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: churchleaders.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *