Oneway.vn – Câu chuyện đức tin trong Kinh Thánh khích lệ chúng ta giữ đức tin và tin cậy Chúa giữa sóng gió và khó khăn đang đối diện.
Kinh Thánh chứa đựng nhiều câu chuyện về những con người đã phải trải qua những hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng bởi đức tin nơi Chúa, họ vẫn bình an.
Những câu chuyện này là lời nhắc nhở chúng ta về việc giữ lòng trung tín vì Chúa có quyền năng để khiến chúng ta làm điều không thể.
Câu chuyện đức tin trong Kinh Thánh kể về điều gì?
Câu chuyện đức tin trong Kinh Thánh kể về những người nam và người nữ đã vượt qua điều không tưởng bởi đức tin không lay chuyển nơi Chúa của họ. Những câu chuyện này là minh chứng hoàn hảo về quyền năng và sự tốt lành của Chúa cho những người trung tín với Ngài.
Kinh Thánh nói gì về đức tin?
Theo Hê-bơ-rơ 11:1-3,
“Đức tin là thực chất của những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những việc ta không xem thấy. Nhờ đức tin mà người xưa được lời chứng tốt. Bởi đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ được hình thành bởi Lời Đức Chúa Trời; do đó những vật hữu hình ra từ những sự vô hình.”
Đức tin là chúng ta tin chắc chắn Chúa có kế hoạch tuyệt vời hơn giữa thế gian vô vọng. Đức tin vượt trỗi hơn tri thức; khiến chúng ta hành động. Đức tin kêu gọi chúng ta tìm kiếm và biết Chúa nhiều hơn.
Câu chuyện đức tin nổi tiếng trong Kinh Thánh
Đức tin lớn: Đa-vít và Gô-li-át
Câu chuyện gắn liền với trường Chúa Nhật, vì nhiều lý do. Đây là câu chuyện khích lệ con trẻ lẫn người lớn về việc không có gì là không thể khi chúng ta đặt niềm tin mình nơi Chúa. Và không có ví dụ nào hoàn hảo hơn câu chuyện Đa-vít đánh bại nhà vô địch của Phi-li-tin, Gô-li-át.
Câu chuyện bắt đầu với trận chiến bốn mươi ngày giữa dân Y-sơ-ra-ên và Phi-li-tin. Một ngày kia, Gô-li-át tiến lên và ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải chọn một người nam trong số họ để giao chiến. Nếu đánh thắng, thì dân Phi-li-tin sẽ phục dịch dân Y-sơ-ra-ên và ngược lại (1 Sa-mu-ên 17:8-10).
Có vẻ dễ dàng nhỉ? Tuy nhiên, thay vì dũng cảm đương đầu với thử thách, thì quân lính Y-sơ-ra-ên lại co ro trong sợ hãi, vì Gô-li-át không phải một người bình thường; đó là một gã khổng lồ. Cao khoảng 3 mét, Gô-li-át cao hơn tất cả mọi người trong chiến trường cùng với bộ áo giáp bằng đồng.
Tên khổng lồ không ngừng thách thức dân Y-sơ-ra-ên ngày và đêm cho đến khi Đa-vít xuất hiện. Đang khi trên đường giao đồ giúp cha mình, Đa-vít biết Gô-li-át đã không ngừng sỉ nhục và gây khủng hoảng cho dân Y-sơ-ra-ên. Dù được anh cả, là Ê-li-áp khuyên trở về trong hoang mạc, nhưng Đa-vít vẫn mặc kệ và quyết đánh Gô-li-át (1 Sa-mu-ên 17:32).
Đức tin vĩ đại của Đa-vít nơi Chúa được bày tỏ qua việc ông chọn từ chối áo giáp và gươm mà vua Sau-lơ đưa cho. Thay vào đó, từ trong túi mình, Đa-vít lấy năm hòn đá nhẵn, và một cái ná để quyết chiến với tên Gô-li-át (1 Sa-mu-ên 17:38-40). Ông đã sử dụng kỹ năng ném đá giết gấu và sư tử có được khi chăn bày cho cha mình, với lòng kiên quyết và vững tin ông quyết ông đáp trả lời mắng nhiếc của Gô-li-át (1 Sa-mu-ên 17:45-47)
Đức tin của Đa-vít trong quyền năng của Chúa ông đã giúp ông chiến thắng trong trận chiến với Gô-li-át và nhiều trận chiến khác nữa trong tương lai. Trong khi những người chung quanh dễ dàng nản lòng, Đa-vít vẫn dũng cảm và vững vàng trong năng quyền Chúa. Chúa của ông vĩ đại hơn tên khổng lồ Phi-li-tin.
Đức tin mạnh mẽ: Đa-ni-ên
Dù Đa-ni-ên cầu nguyện chân thành và được ơn trước mặt nhiều lãnh đạo, nhưng ông vẫn bị đưa vào hầm sư tử vì đã không ngừng cầu nguyện với Chúa. Đa-ni-ên không làm gì sai, nhưng bởi vì lòng ghen ghét của nhiều người, đức tin của ông nơi Chúa phải chịu thử nghiệm. Dù vậy, Đa-ni-ên vẫn giữ lòng trung tín với Chúa và tiếp tục cầu nguyện (Đa-ni-ên 6:10-11). Bởi lòng trung tín nên dù ở trong hầm sư tử, Chúa vẫn gìn giữ ông an toàn suốt thời gian đó (Đa-ni-ên 6:21-22).
Cũng giống như Đa-ni-ên, sự trung tín của chúng ta nơi Chúa sẽ phải chịu thử nghiệm. Theo tấm gương của Đa-ni-ên, đừng lay chuyển mà hãy tin cậy nơi sự dẫn dắt của Chúa vì Ngài sẽ luôn gìn giữ chúng ta. Khi trung tín, chúng ta đang để Chúa tể trị, vì vậy mà chúng ta không cần phải lo lắng. Chúa sẽ ban thưởng cho lòng trung tín không lay chuyển khi khó khăn qua đi.
Đức tin nền tảng: Môi-se
Lớn lên trong một gia đình Cơ Đốc, tôi tự tin rằng hầu hết chúng ta đều từng xem hay nghe qua bộ phim hoạt hình, Hoàng Tử Ai Cập. Giống nhưng bộ phim mô tả, cuộc đời Môi-se có khởi đầu không giống như chúng ta. Bởi sắc lệnh hà khắc từ vua Pha-ra-ôn của Ai Cập, mẹ ông buộc phải đặt ông vào chiếc thúng cói và thả trôi ông trên sông với hi vọng làm như thế ông sẽ được sống (Xuất Ai Cập Ký 1:22; 2:3).
Thực ra, Chúa đã có kế hoạch cho cuộc đời Môi-se bởi vì thay vì để ông chết, con gái của Pha-ra-ôn đã thương cảm và mang Môi-se về nuôi dưỡng dù biết ông là một người Hê-bơ-rơ (Xuất Ai Cập Ký 2:5-6). Sau đó, Môi-se lớn lên trong gia đình Pha-ra-ôn ở hoàng cung; tuy nhiên, sâu thẩm trong lòng, ông vẫn không thuộc về họ.
Một ngày kia khi đi ra ngoài, ông thấy một tên Ai Cập đánh một người Hê-bơ-rơ. Không một phút suy nghĩ, ông đã ra tay giết tên Ai Cập đó và vùi xác trong cát (Xuất Ai Cập Ký 2:11-12). Pha-ra-ôn bực tức và tìm cách giết Môi-se. May mắn thay, Môi-se đã trốn khỏi Ai Cập. Ông đã sống ở Ma-đi-an trước khi được Chúa phán với ông qua bụi gai cháy để kêu gọi ông trở về Ai Cập, dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến đất hứa (Xuất Ai Cập Ký 3:1-10).
Giống như cách chúng ta thường trả lời, Môi-se xin Chúa sai người khác “có khả năng hơn” để làm việc này. Chúng ta thường tránh làm những việc nằm ngoài vùng an toàn và quên rằng Chúa ở cùng và sẽ trang bị chúng ta cho hành trính phía trước. Môi-se đã không nhìn thấy mình là một lãnh đạo xứng đáng để dẫn dân Chúa ra khỏi Ai Cập. Tuy vậy, nhờ nền tảng đức tin mình, ông có được lòng dũng cảm, đứng vững trước Pha-ra-ôn, và đã thành công đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập.
Đức tin không nhìn thấy: Ê-xơ-tê
Ê-xơ-tê có quyền để sợ hãi. Dù bà là hoàng hậu và vợ của Vua A-suê-ru, bà không thể trình diện trước vua nếu không có sự cho phép, và bà có thể bị xử tử. Tuy nhiên, Ê-xơ-tê cần phải cảnh báo với Vua về âm mưu tận diệt người Do Thái, cũng là dân bà của Ha-man. Cậu bà, Mạc-đô-chê đã thúc giục bà tìm cách được gặp vua, là điều mà bà hiểu rằng bất cứ ai nếu không được vua triệu tập thì sẽ bị giết (Ê-xơ-tê 4:10-11).
Nhưng cậu bà vẫn nhất quyết nhờ bà đến cảnh báo vua. Mạc-đô-chê đã nhắc Ê-xơ-tê nhớ rằng bà là một người Do Thái trước khi trở thành hoàng hậu. Với địa vị hiện tại của bà, đây là lúc để hành động và sử dụng đặc ân đó để giúp dân bà (Ê-xơ-tê 4:14). Không hề chậm trễ, Ê-xơ-tê nhờ Mạc-đô-chê tập họp mọi người Do Thái tại Su-sơ và kiêng ăn cho bà (Ê-xơ-tê 4:16).
Ê-xơ-tê vẫn lo sợ, nhưng đức tin bà nơi Chúa càng sắt son hơn. Dù bà không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng bà tin Chúa đang tể trị. Và Ngài thực sự tể trị! Vào ngày thứ ba, Ê-xơ-tê đứng chầu trước nội điện. Vua vui lòng để Ê-xơ-tê được yết kiến và hỏi xem bà cầu xin điều gì (Ê-xơ-tê 5:1-3). Bạn thấy không? Giống như Ê-xơ-tê, nếu chúng ta để nỗi sợ thắng mình, chúng ta sẽ bỏ qua cơ hội mà Chúa đã sắm sẵn cho mình.
Đức tin chữa lành: Người phụ nữ bị rong huyết
Dù đã bị rong huyết suốt 12 năm, bà vẫn không hết hi vọng. Khi bà nghe Chúa Jêsus đang ở gần đó, bà đã đến phía sau Chúa Jêsus và chạm vào áo Ngài, và bà được lành bệnh (Mác 5:27-29). Bà không thốt ra một lời với Chúa Jêsus; đức tin và niềm tin vững vàng về việc Chúa Jêsus chữa cho bà được lành đã là quá đủ (Mác 5:28; 5:34). Bà không chút nghi ngờ về việc Chúa sẽ chữa lành bà. Đó bởi vì đức tin mà bà được lành.
Ý nghĩa của việc hiểu câu chuyện đức tin trong Kinh Thánh
Để nhắc chúng ta nhớ rằng đức tin làm hài lòng Chúa
Hê-bơ-rơ 11:6 nói rằng không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời. Khi chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi kế hoạch và đường lối Chúa, chúng ta thừa nhận và để Chúa tể trị. Niềm tin vững vàng trong Đấng Christ kêu gọi chúng ta tìm kiếm và biết Ngài nhiều hơn. Càng gần Chúa, chúng ta sẽ càng biết cách làm hài lòng Ngài.
Để dạy chúng ta có thể làm được những điều không thể.
Đa-vít không thể đánh bại Gô-li-át nếu không có đức tin rằng Chúa vĩ đại hơn tên khổng lồ đó nhiều. Ê-xơ-tê không thể có được dũng cảm để đứng trước vua nếu bà không tin Chúa đang tể trị. Đức tin nơi kế hoạch của Chúa dành cho chúng ta đẩy chúng ta ra khỏi vùng an toàn và ban cho chúng ta sức mạnh để làm những điều không thể.
Để thêm năng lực cho chúng ta vâng lời Chúa trong hoàn cảnh thử thách nhất
Chúa sẽ không đặt chúng ta vào một hoàn cảnh khó khăn mà không trang bị đầy đủ cho chúng ta trước. Khi đặt đức tin mình nơi Chúa, chúng ta tin cậy Ngài và vâng theo từng mạng lệnh và hướng dẫn của Ngài. Đức tin một lần nữa khẳng định với chúng ta rằng Chúa đang tể trị và Ngài sẽ không đặt chúng ta vào hoàn cảnh mà chúng ta không thể chịu nổi.
Kết luận
Đọc và nghiên cứu câu chuyện đức tin trong Kinh Thánh một lần nữa bảo đảm và yên ủi chúng ta. Chúa đã gìn giữ Đa-ni-ên khi ông bị quăng vào hang sư tử. Ngài đã ở cùng Ê-xơ-tê khi bà tìm cách để yết kiến vua, dù khi chưa có sự cho phép. Đa-vít đã đánh bại Gô-li-át với một cái ná và năm hòn đá nhẵn, và Môi-se đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập an toàn.
Họ vẫn lòng trung tín dù đối diện những không thể. Điều gì đang ngăn trở chúng ta? Nếu họ có thể nắm chắc lấy lời hứa và sự dẫn dắt của Chúa, thì chúng ta cũng có thể!
Bài: Alex Shute; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: faithgiant.com)
Leave a Reply