Oneway.vn – Ngày nay, dường như các luật lệ của Chúa về Mười Điều Răn không còn được chú ý và chia sẻ nhiều trong các lớp học Kinh Thánh?
Chúa không gây ấn tượng bằng một phân tích cẩn thận khi đặt Mười Điều Răn làm trọng tâm trong việc môn đồ hoá. Ngài mong chờ môn đồ sẽ thực sự vâng giữ những điều răn này.
Nhưng với lý do chính đáng. Việc cố gắng vâng giữ Mười Điều Răn với động cơ và mục đích sai trật thì chắc chắn mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa sẽ sai trật. Chúa ban điều răn để họ vâng giữ – không phải để có được sự cứu rỗi, nhưng sự cứu rỗi là bởi chúng ta là ai, Chúa là ai, Ngài là Đấng như thế nào với chúng ta, chúng ta ở đâu, và Ngài đã làm gì cho chúng ta.
Lý do 1: Chúng ta là ai
Đừng bỏ qua điều hiển nhiên này: Trước Xuất Ai Cập Ký 20 là đoạn 19. Chúa xác định dân Y-sơ-ra-ên là “một vương quốc thầy tế lễ và một dân tộc thánh” (Xuất 19:6). Họ là dân được biệt riêng. Chúng ta cũng vậy. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng thuộc về vương quốc thầy tế lễ và dân tộc thánh (1 Phi 2:9). Chúng ta phải chuẩn bị để đứng một mình, nhìn khác đi, và sống theo những quy tắc khác với thế gian. Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng thánh khiết như thế, nhưng Chúa kêu gọi chúng ta phải như thế. Là dân sự của Chúa, chúng ta được biệt riêng để sống theo đường lối của Ngài.
Lý do 2: Chúa là Ai
Những câu đầu tiên trong Xuất Ai Cập Ký 20 không chỉ là phần mở đầu trước khi trình bày các điều răn. Phần này nói về Chúa là Ai và tại sao chúng ta phải vâng lời Ngài.
Trong câu 2, Chúa một lần nữa bày tỏ Ngài một lần là “Giê-hô-va Đức Chúa Trời,” đó là Yahweh, Đấng thành tín với giao ước. Cũng là Chúa đã phán với Môi-se trong bụi gai cháy. Tại đó Chúa phán: “Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU.” Chúa là Đấng tể trị, tự hữu, hằng hữu, Đấng tạo hoá toàn năng.
Chúa đã giáng các tai vạ, rẻ Biển Đỏ và ban ma-na nơi hoang mạc. Ngài không phải là Chúa của những chuyện vặt vãnh. Nếu có một Chúa, và nếu Ngài giống với Chúa được mặc khải trong Kinh Thánh, thì sẽ thật là tự phụ, ngu dại và nguy hiểm khi tiếp thu tư tưởng của thế gian cho nguyên tắc đạo đức của riêng chúng ta.
Luật pháp bày tỏ tấm lòng và phẩm chất của Đấng ban luật pháp. Chúng ta phải cân nhắc trước khi nói: “Tôi không cần luật pháp,” hay trước khi chúng ta nổi giận với suy nghĩ về những điều phải làm và không được làm.
Điều răn không chỉ bày tỏ điều Chúa muốn, chúng còn cho chúng ta thấy Chúa là Đấng như thế nào. Chúng bày tỏ sự vinh hiển, đáng ngợi và vĩ đại của Ngài. Chúng ta không thể tôn trọng Đấng ban luật pháp khi vẫn xem thường luật pháp.
Lý do 3: Ngài là Đấng như thế nào với chúng ta
Chúa ban Mười Điều Răn không chỉ bày tỏ Ngài là Chúa, nhưng còn là “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con” (Xuất 20:2). Chúng ta là tài sản riêng của Ngài (Xuất 19:5; 1 Phi 2:9).
Với quyền năng vô hạn, Chúa không phải là nhà độc tài thất thường, hay vị thần cáu kỉnh nắm cầm quyền lực gian ác và không quan tâm đến tạo vật của mình. Ngài là Chúa có thân vị, và trong Đấng Christ, Ngài được ban cho chúng ta (Rô-ma 8:31). Thật kinh khiếp nếu Chúa phán từ trời rằng: “Ta là Chúa” Nhưng sự tự mặc khải thiên thượng của Ngài không dừng lại, Ngài nói thêm, “…Chúa của con”. Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài là Cha chúng ta. Ngài ban điều răn vì ích lợi của chúng ta.
Lý do 4: Nơi chúng ta đứng
Định nghĩa về sự tự do của Kinh Thánh không phải là “làm những gì bạn muốn”. Tự do là tận hưởng những lợi ích khi làm điều nên làm. Chúng ta thường nghĩ Mười Điều răn ràng buộc chúng ta – như thể đường lối của Chúa sẽ cầm giữ chúng ta như nô lệ và ngăn chúng ta nhận biết ước mơ và chạm đến những khả năng tiềm tàng của mình. Chúng ta quên rằng Chúa muốn ban sự sống sung mãn (Giăng 10:10) và sự tự do thật (Giăng 8:32) cho chúng ta. 1 Giăng 5:3 nói rằng điều răn của Ngài không phải là nặng nề.
Bạn có nghĩ Mười Điều Răn là nặng nề không? Bạn biết có bao nhiêu luật lệ tại Hoa Kỳ không? Đây là câu đố vui, vì không ai biết cả! Có 20.000 điều luật quy định về việc sở hữu súng. Năm 2010, ước tính có khoảng 40.000 điều luật mới được thêm vào ở nhiều mức độ khác nhau trên toàn quốc. Bộ luật Hoa Kỳ, chỉ là một phần của luật liên bang và không bao gồm các quy chế pháp lý với hơn 50 bộ khác. Vào năm 2008, Uỷ ban Hạ viện đã yêu cầu Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội tính toán số lượng tội phạm hình sự vi phạm luật liên bang. Họ đáp lại rằng, 5 năm nữa, họ mới có thể trả lời cho câu hỏi này do thiếu nhân sự.
Chúa không cố ép chúng ta vào những luật lệ và quy tắc. Mười Điều răn không phải là song sắt giam hãm chúng ta, nhưng luật giao thông thì có. Với những người theo chủ nghĩa vô chính phủ sẽ nghĩ rằng, “thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu không có luật giao thông”. Một số người trong chúng ta đã từng lái xe như thể chúng ta không có luật pháp. Nhưng ngay cả khi bạn không đủ kiên nhẫn để chờ đèn đỏ, cố gắng vượt đèn vàng, và rẽ trái khi đang dần chuyển sang màu đỏ – thì tin rằng bạn chọn cần phải có luật pháp và trật tự.
Bạn sẽ không thể nào lái xe đến cửa hàng nếu không có luật pháp. Khi bạn lái xe trên một con đường đèo hiểm trở, bạn có nguyền rủa những thanh chắn bảo vệ bên đường giúp ngăn bạn khỏi cái chết bất ngờ không? Không, chúng được đặt ở đó với chi phí rất lớn và vì lợi ích đi lại tự do an toàn của chúng ta.
Mười Điều Răn không phải là những chỉ dẫn làm thế nào để ra khỏi Ai Cập. Chúng là luật lệ cho những người tự do sống tự do.
Lý do 5: Điều Ngài đã làm
Một lần nữa, hãy chú ý rằng luật pháp có sau Phúc Âm – sau tin lành về sự cứu chuộc. Chúa không đến với dân sự khi còn là những nô lệ và nói, “Ta có Mười Điều răn. Ta muốn các ngươi phải tuân giữ. Ta sẽ trở lại sau năm năm, và nếu các ngươi thanh tẩy được đời sống của mình, Ta sẽ giải phóng các ngươi khỏi Ai Cập”. Đó là cách nhiều người nhìn vào Cơ Đốc giáo: Chúa có luật pháp, và nếu tôi tuân giữ, Chúa sẽ yêu tôi và cứu tôi. Đó không phải là những gì đã xảy ra trong câu chuyện ra khỏi Ai Cập.
Khi dân Y-sơ-ra-ên bị áp bức, và Chúa nói, “Ta nghe tiếng khóc của con. Ta sẽ giải cứu con vì ta yêu con. Và con sẽ được cứu, tự do và tha thứ. Ta sẽ dẫn con đến con đường sự sống”.
Chúng ta cần nhắc lại điều này: sự cứu rỗi không phải là phần thưởng cho sự vâng lời; mà đó là lý do để chúng ta vâng lời. Chúa Jêsus không nói rằng, “Nếu con vâng giữ các điều răn Ta, Ta sẽ yêu con”. Nhưng trước hết Ngài rửa chân cho các môn đồ và nói, “Nếu các con yêu mến Ta thì vâng giữ các điều răn Ta” (Giăng 14:15). Tất cả những điều chúng ta làm chỉ bởi vì Ngài đã làm cho chúng ta trước.
Bài: Kevin Deyoung ; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: thegospelcoalition)
Leave a Reply