5 nỗi sợ của… tuổi già!

Oneway.vn – Bạn có tin Đấng Christ và sự cứu chuộc của Ngài là bảo chứng cho mọi Lời hứa không? Bạn có tin Lời của Ngài không?

Có  5 sợ về tuổi già mà dường như ai cũng phải trải qua. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban “liều thuốc giải” cho từng việc một trong Lời của Ngài. Những “liều thuốc” này nếu không có đức tin sẽ vô tác dụng. Nhưng bởi đức tin nó phát huy công hiệu và giúp ta vượt qua được nỗi sợ, chúng ta sẽ được ở bên Chúa Jêsus khi kỳ hạn đến mà không phải bước đi trong lo sợ trong những ngày cuối cùng trên đất. Đó là điều tôi vững tin!

1. Sợ cô đơn

Có lẽ người phối ngẫu của bạn đã mất, hoặc bạn sống độc thân cả đời. Việc sống độc thân cũng ổn, nhưng cũng không tuyệt lắm khi ta dần bước sang tuổi xế chiều.

Có lẽ bạn bắt đầu thắc mắc, “Liệu còn có ai nhớ đến mình không?” 

Chúa Jêsus phán, “Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Tôi nghĩ đến từ “luôn” thậm chí còn quan trọng hơn vế “cho đến tận thế.” Một điều để nói rằng Chúa ở với chúng ta cho đến tận thế và còn hơn thế nữa, “Ta sẽ ở với con trong mỗi giây phút của cuộc đời con”.

John Paton – một nhà truyền giáo đã đến vùng đất mà nay được biết đến với tên Vanuatu. Ông buộc phải trèo lên cây khi có 1,300 thổ dân đang cố tìm cách giết ông. Khi họ đang đứng bên dưới, ông đã nắm chắc lấy lời hứa trong Ma-thi-ơ 28:18-20, “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta… Ta luôn ở với các con”. 

Và đây là điều ông đã viết sau khi sống sót:

“Lời của Chúa, “Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” lúc ấy trở nên rất thật đối với tôi, đến nỗi không gì làm tôi hoảng sợ khi tôi bám chặt vào Ngài, như điều Ê-tiên đã làm, nhìn chăm lên trời. Tôi cảm nhận quyền năng giúp sức của Ngài. Thực ra, điều đó trở lại với tôi cách ngọt ngào sau 20 năm, tôi đã được chiêm ngưỡng sự gần gũi và thân thương nhất về khuôn mặt và nụ cười của Chúa Jêsus trong thời khắc kinh khiếp nhất, dùi cui đang chĩa vào cuộc đời tôi. (John G. Paton, trang 342)

Ngài sẽ luôn bên cạnh bạn. Tôi không muốn tạo cho bạn cảm giác rằng bạn không nên quan tâm đến người xung quanh đời sống bạn. 

Đức Chúa Trời đã lập Hội thánh của Ngài vì chúng ta. Bạn không nên sống theo kiểu như chẳng cần ai lo đến bạn. Đó là sự thất bại của cộng đồng Cơ Đốc, và chúng ta nên hành động để ngăn sự thất bại đó. Vậy nên, tôi khích lệ bạn: Khi có thể, hãy nhìn xung quanh để biết có ai cô đơn. Khi có thể, hãy ở bên cạnh người khác.

2. Sợ vô dụng

Tôi là một người nam, vì thế những điều tôi đang nghĩ đến ở đây chủ yếu là về người nam. 

Ralph Winter nói, “Đàn ông ở Hoa Kỳ không chết vì tuổi già. Họ chết vì nghỉ hưu”. Điều xây dựng trong tâm hồn của nhiều người nam là nhu cầu được trở nên hiệu năng. Tôi đảm bảo rằng điều đó cũng đúng đối với phụ nữ theo nhiều cách khác, nhưng bây giờ tôi đang suy nghĩ về người nam. Một người nam cảm thấy mất đi hiệu năng, hữu dụng và thành tựu thì đang có nguy cơ anh ấy rơi vào cảm giác đánh mất hoàn toàn chính mình và lý do để tồn tại.

Trong kỳ Thế Vận Hội Olympics năm 1992, tôi đã giảng về “Tinh Thần Olympics”, so sánh các Môn thể thao với ngôn ngữ của Phao-lô về việc chạy và chiến đấu, đấm bốc và vật lộn. Ngày tiếp theo, tôi được tin rằng Elsie Viren, một thành viên lớn tuổi trong Hội Thánh chúng tôi đã qua đời tại bệnh viện. 

Tôi thường nói, “Chúng ta cùng chiến đấu nào”. Và khi nhận ra rằng Elsie sẽ không bao giờ bước ra khỏi giường được nữa, tôi hỏi, “Làm thế nào để Elsie, một người hơn chín mươi tuổi và gần qua đời, làm được điều đó?”. Tôi đã viết một bài có tựa là “Bằng cách nào, Elsie có thể chạy?”, trong bài đó tôi đã đưa ra câu hỏi, “Cuộc đua của bà giờ đang thế nào?”.

Các câu Kinh Thánh chìa khóa là 2 Ti-mô-thê 4:6-7, “Ta đang bị đổ ra như làm lễ quán” – phải, bà đã như thế. Cụ bà đã trung tín phục vụ Hội Thánh trong suốt 62 năm. Rồi Phao-lô nói tiếp, “giờ qua đời của ta gần rồi. Ta đã chiến đấu trong một trận chiến anh dũng, đã hoàn tất cuộc chạy đua, đã giữ được đức tin”.

Khi Phao-lô kết thúc bằng việc nói rằng “Ta đã giữ vững đức tin” thì ông đang giải nghĩa hai vế câu đầu tiên, về việc chiến đấu và hoàn tất. Vậy, cuộc đua của Elsie trông như thế nào? Câu trả lời là tin. Tin Chúa. Tin cậy Ngài. Yên nghỉ trong Ngài. Đừng để sa-tan chiến thắng trận chiến này và phá hủy đức tin của bạn.

Vậy, đức tin là cách để chiến đấu chống lại nỗi sợ của sự vô dụng.

Không phải là rất diệu kỳ khi Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 6:8, “Vì [chúng ta biết rằng] bất luận nô lệ hay tự do, mỗi người sẽ nhận được phần thưởng từ Chúa, tùy việc tốt mình đã làm” sao? Ông nói, “Tùy việc tốt…” 

Thu tầm nhìn lại nhỏ nhất, việc tốt sâu kín nhất bạn có thể làm khi tuổi xế chiều là gì? Nó có lẽ là vài việc tốt đơn giản mà không ai biết đến. Đến cuối đời này, bạn sẽ nhận được phần thưởng cho mọi việc tốt mình đã làm. Điều đó là có ích. Bạn có ích. Điều nhỏ bé nhất mang ý nghĩa đời đời.

Cùng xem Phi-líp 1:20–21, “Điều tôi mong mỏi và hi vọng là sẽ không bị hổ thẹn về điều gì cả, nhưng thừa lòng can đảm, để bây giờ cũng như trong mọi lúc, dù sống hay chết, thì Đấng Christ vẫn được tôn vinh trong đời sống tôi. Vì đối với tôi, sống là Đấng Christ, còn chết là ích lợi”. Phao-lô có ý nói rằng khả năng lần gặp mặt sau thì ông đã qua đời. Một người nào đó có thể nói, “Mục sư ơi, có phải ông đang nói rằng, vẫn có điều hữu ích để tôi làm trong ba ngày tiếp theo trước khi tôi chết sao? Tôi có thể trở nên hữu ích sao? Tôi phải đặt ống truyền trong cổ họng mình rồi”.

Và câu trả lời là Phao-lô nói đến ý định của ông là Đấng Christ được tôn cao ngay cả bởi sự chết của ông. Trong ba ngày tiếp theo đó, bạn vẫn có lý do đển tôn cao Chúa Jêsus trước khi qua đời – hoặc không. Và đây là cách để làm điều đó: Chết giống như Phao-lô đã chết. Chết như thể sự chết là một món lợi.

3. Sợ hoạn nạn

Hoạn nạn trong mục đích của Đức Chúa Trời mang đến nhiều ảnh hưởng trong đời sống hiện tại, và sau khi qua đời. Nó không bao giờ là vô nghĩa. Nó không bao giờ thiếu mất thiết kế đầy thương xót của Đức Chúa Trời vì lợi ích của chúng ta. 


Rô-ma 5:3–5 mô tả về tác động của những đau khổ phải trải qua khi chúng ta sống.

“Không những thế, chúng ta cũng vui mừng trong gian khổ nữa, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực, nghị lực sinh ra hi vọng, và hi vọng không làm chúng ta hổ thẹn, vì tình thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta”.

Khi nói đến gian khổ, hoạn nạn và nỗi đau thì tâm trí chúng ta nên như thế này: “Sự đau khổ này đang là điều ích lợi trong tôi, cho tôi và qua tôi. Nó giúp tôi trở thành một người theo ý muốn Chúa”. Đó là điều phần Kinh Thánh này dạy chúng ta.

Tôi đã ở bên giường của một bệnh nhân và người bệnh biết rằng anh ấy có lẽ còn sống nhiều nhất là một ngày nữa. Anh ấy nói, “Mục sư ơi, nó thật đau đớn, rất đau đớn. Sao điều này lại xảy đến trên tôi?”. Tôi trả lời, “Như Đức Chúa Trời ban cho bạn ân điển để chịu đựng với không một lời cay đắng nào cho đến cuối cùng, cho bạn yên nghỉ trong Ngài nhiều nhất có thể, thì hai mươi giờ đồng hồ tiếp theo đây sẽ tạo nên sự khác biệt vĩ đại, đáng quý trong vinh quang cao trọng mà bạn sẽ kinh nghiệm được khi bước qua một trang mới của cuộc đời. Những giờ phút này không phải là vô ích”.

Tôi thực sự tin vào điều đó. Chúng không vô ích. Phải, chúng sẽ không làm cho tâm tánh của bạn tỏa sáng ở đây bởi vì bạn sẽ qua đời. Sẽ không còn nghị lực nào trên đất để tỏa sáng. Nhưng ngay khi bạn bước qua ranh giới giữa hiện tại và cõi đời đời này, một cách nào đó Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ cho bạn lý do tại sao chúng xuất hiện trong hai giờ đồng hồ đó, và chúng đã làm gì cho bạn. Đó là tin tức tốt lành.

4. Sợ mất đức tin

Khi nói đến mất đức tin, ý của tôi là, “Chúa ơi, con có trở nên như thế không? Con đang rất bối rối và nghi ngờ”.

Tôi nhớ đến một trong những người nữ ưu tú nhất của Hội Thánh Báp-tít Bết-lê-hem khi tôi từng là mục sư ở đó. Bà là một chiến sĩ cầu nguyện, và chắc hẳn mọi người đều có thể nói rằng bà là một trong những người phụ nữ tin kính nhất trong Hội Thánh. Giờ đây bà đã được ở trong Nước Thiên đàng.

Tôi đã có mặt ở bệnh viện khi bà qua đời. Khi tôi bước vào phòng, người bà đang run rẩy. Bà nắm lấy tay tôi và nói, “Mục sư John ơi, họ đã đến và nhảy múa quanh giường của tôi. Họ nhảy múa quanh giường của tôi và họ đang trần truồng”. Bà đã mô tả những điều kinh khủng. Nó không giống như bà. Bà đang bị ma quỷ quấy phá. Một thánh đồ lớn tuổi, tin kính đang bị ma quỷ quấy phá trước khi qua đời. Điều đó dạy tôi vài điều khi còn là một mục sư trẻ: Trận chiến trên đất không bao giờ kết thúc. Tôi từng nghĩ rằng khi bạn đã sống một đời sống trung tín và tin kính, thì bạn sẽ ngày càng trở nên tự do hơn khỏi những sự tấn công kinh khủng của kẻ ác. Điều đó không đúng.

Vậy nên, trong những khoảnh khắc kinh khủng như thế, Phi-líp 3:12 đã trở thành câu Kinh Thánh yêu thích của tôi: “Ấy không phải là tôi đã đoạt giải, hoặc đã trở nên toàn hảo rồi đâu, nhưng tôi đang theo đuổi để đoạt cho được, vì chính tôi đã được Đấng Christ đoạt lấy rồi”. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh việc: “Con muốn có Ngài, Chúa Jêsus. Con muốn có Ngài khi bước qua sự chết với tư cách là một tín đồ trung tín đến cuối cùng. Con muốn có Ngài luôn luôn”. Và Ngài nhắc tôi rằng, “Lý do duy nhất con đến được với Ta là bởi Ta đã có con”. Lý do duy nhất bạn muốn có Chúa Jêsus là bởi Ngài đã ôm lấy bạn. Nếu không thì bạn không thể đến gần với Ngài tha thiết như thế được.

Một trong những lời chào cuối thư vĩ đại trong Kinh Thánh nhất viết, “Cầu xin Đấng có quyền năng giữ anh em khỏi vấp ngã và khiến anh em đứng trước vinh quang Ngài một cách không tì vết và vui mừng, là Đức Chúa Trời duy nhất, Cứu Chúa chúng ta, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, được tôn vinh, uy nghiêm, năng lực và thẩm quyền từ muôn đời trước, hiện nay và cho đến đời đời!” (Giu-đe 24-25). Phân đoạn đó được xây dựng trên lẽ thật là Ngài gìn giữ chúng ta. Một trong những bài hát thờ phượng đầy mạnh mẽ về nỗi sợ mất đức tin mà tôi rất thích đó là “Christ Nắm Tôi Thật Chặt”. Lời ấy thật êm dịu “Ngài nắm tôi thật chặt, Ngài yêu thương tôi rất thiết tha. Ngài nắm tôi thật chặt”.

5. Sợ chết

Cùng nhìn lại một chút về cuộc đời của tôi. Tôi phải nằm nghiêng một bên khi ngủ vì tôi không thể ngủ khi nằm ngửa được. Khi nằm ngửa, tôi nói, “Ôi, cảm giác này thật tuyệt vời. Tôi ước mình có thể ngủ với tư thế này” nhưng tôi không bao giờ làm được. Nên cuối cùng tôi đành phải quay sang một bên, và tôi hình dung Chúa phán với tôi khi tôi chợp mắt, “John Piper à, Ta không định cho con chịu cơn thịnh nộ, nhưng hưởng sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus Christ, là Đấng đã chết vì con để con hoặc thức hoặc ngủ đều được sống với Ngài” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9–10). 

Hầu như buổi tối nào tôi cũng nói điều đó. Không chịu cơn thịnh nộ. Không chịu cơn thịnh nộ! Dù tôi sống hay chết.

Noël và tôi đã mua hai mảnh đất để chúng tôi được chôn gần cháu gái mình. Chúng tôi sẽ không quay về South Carolina. Chúng tôi sẽ ở lại Minnesota cho đến khi qua đời. Vậy nên tận trên một ngọn đồi, chúng tôi có đất của mình, và chúng tôi đã chọn một vài bảng đá cho bia mộ, và chúng tôi đã chọn câu Kinh Thánh để khắc lên chúng. Và 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9–10 — là những câu đó.

Vì vài lý do, mà đối với tôi, tôi cần Chúa nhìn vào mắt tôi và nói, “Ta không định cho con chịu cơn thịnh nộ. Điều đó sẽ không xảy ra. Không bao giờ. Không chịu cơn thịnh nộ. Chúa Jêsus đã mang lấy cơn thịnh nộ mà con đáng phải chịu. Nếu ta cất đi mạng sống của con vào 3 giờ sáng nay thì cũng không vấn đề gì vì Con Ta đã chết vì con”. 

Còn nếu Ngài không hành động?

Cuối cùng, để tôi cho bạn câu Kinh Thánh mà tôi nghĩ đó là một trong những câu quan trọng nhất trong Kinh Thánh: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32). 

Điều này có nghĩa nếu Đức Chúa Trời đã làm được việc khó nhất trong vũ trụ – đó là, để Con Ngài phải chịu tra tấn và bị giết – nếu Ngài không làm như vậy vì bạn thì sao? Điều đó hợp lý, và Ngài đã phán thế. Ngài sẽ làm mọi thứ vì bạn. Ngài sẽ ban cho chúng ta “tất cả mọi thứ”. Điều này áp dụng cho mọi lời hứa mà chúng ta biết. Việc Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Đấng Christ là bảo chứng của những lời hứa đó.

Vậy nên, hãy tin cậy Đấng Christ. Đó là việc chúng ta cần làm bây giờ. Bạn có tin Đấng Christ và sự cứu chuộc của Ngài là bảo chứng cho mọi Lời hứa không? Bạn có tin Lời của Ngài không? Tin vào Lời hứa về ân điển tương lai đang đến của Ngài. Ngài sẽ luôn luôn ở đây. Hãy vui mừng trong Ngài. Hãy tự do phục vụ Chúa trong niềm vui, không phải cho chính mình. 

Nguyện Chúa được vinh hiển bởi sự vui mừng của bạn trong Ngài và sự phục vụ của bạn cho người khác. Và cùng với những người xung quanh bạn, hãy cầu nguyện cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau để dù khi qua đời hay còn sống vẫn ích lợi.

Bài: John Piper; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: desiringgod.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *