6 lời cảnh tỉnh đến những tâm hồn đang ‘ngủ quên’

Oneway.vn – Sự tỉnh thức thuộc linh không chỉ là ý thức rằng mọi điều trên thế gian này là tạm bợ, mà còn là sự sẵn lòng sống mỗi ngày như thể Đấng Christ có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Những biến cố chấn động thế giới, giống như những thử thách mà chúng ta không thể tránh khỏi, nó phơi bày sự nắm giữ (hoặc thiếu kiểm soát) của con người vào thực tại. Chúng cho thấy, liệu những người tin Chúa Jêsus có tiếp tục tin cậy và bước theo Ngài ngay cả khi cuộc sống không đầy lộn lạo, bất an!? 

Cả nhà và xe đều cháy đen trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở LA – Ảnh: AFP

Đức Chúa Trời gọi những người kiên định, bền bỉ đức tin với thực tại là những người “tỉnh thức” (1 Phi-e-rơ 1:13; 4:7; 5:8). Khi nghe đến từ “tỉnh thức” hãy nghĩ đến “sáng suốt,” “rõ ràng,” “trang nghiêm,” hoặc thậm chí đơn giản là “không say rượu”. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, sự tỉnh thức mang một ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều.

Người tỉnh thức không phải là người nửa vời, khô hạn, buồn bã, hay thiếu cảm hứng. Họ nghiêm túc về những điều quan trọng – về Đức Chúa Trời, về tội lỗi, về sự thánh khiết, và về niềm vui. Nhưng họ cũng đủ khiêm nhường và ý thức để không quá coi trọng bản thân – thừa nhận khi họ sai, tập trung vào nhu cầu và lợi ích người khác, biết nhờ cậy và học hỏi từ người khôn ngoan, và sống trong niềm vui thỏa.

Làm thế nào để trở nên tỉnh thức?

Sự tỉnh thức không đến từ việc tập trung vào chính nó, mà từ việc cầu nguyện, suy ngẫm thường xuyên về thực tại cuối cùng và quan trọng nhất. Nghĩ, cảm nhận, hành động, nói, làm việc, chi tiêu, yêu thương và phục vụ như thể mọi điều Đức Chúa Trời phán đều là chân thật.

Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến sự tỉnh thức ba lần (1 Phi-e-rơ 1:13; 4:7; 5:8), và cả ba lần đều hướng đến sự nhận thức và tỉnh thức đối với thực tại thuộc linh. Ông tha thiết kêu gọi những tín đồ đang chịu cám dỗ và thử thách không bị ru ngủ bởi lối suy nghĩ và sống nông cạn, thiển cận, thuộc về thế gian. 

1. Chúng ta đã được chuộc bằng huyết vô tội của Con Trời

Không có lẽ thật nào khiến tâm hồn tỉnh thức mạnh mẽ như việc suy ngẫm về thân thể tan nát, đau thương của Chúa Jêsus trên thập tự giá. Khi Phi-e-rơ kêu gọi sự tỉnh thức, ông viết:

(Ảnh: Oak Ridge Baptist Church)

“Anh em hãy chuẩn bị tâm trí, hãy tiết độ… hãy đem lòng kính sợ mà sống trong thời kỳ ở trọ nầy. Vì anh em biết rằng không phải nhờ vào những vật dễ hư hoại như bạc hoặc vàng mà anh em được chuộc khỏi lối sống phù phiếm từ tổ tiên mình truyền lại, nhưng bởi huyết báu của Đấng Christ, như huyết của chiên con không khuyết tật, không tì vết,” (1 Phi-e-rơ 1:13, 17–19)

Chúng ta không được chuộc bằng sự giàu có, mà bằng những vết thương của tình yêu. Con Đức Chúa Trời công chính, thánh khiết, và vô tội đã gánh chịu nỗi đau của chúng ta, mang lấy sự buồn rầu của chúng ta, và chịu tan nát vì tội ác của chúng ta (Ê-sai 53:4–5).

Con Trời thực sự đã đến trong xác thịt, thực sự đã trưởng thành và sống cuộc đời vô tội suốt ba thập kỷ, thực sự đã chịu đau khổ bất công dưới tay những kẻ có tội, thực sự đã bị kết án, tra tấn và chịu chết – tất cả để đem chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 3:18). Những gai nhọn trên đầu Ngài, những đinh nhọn xuyên qua thân thể Ngài đã đâm vào nơi sâu nhất của thực tại, hứa hẹn sự sống và sự chữa lành cho tất cả những ai tìm gặp Ngài – và tuyên bố sự phán xét cuối cùng sẽ dành cho những ai chống đối Ngài. Mọi sự một ngày kia sẽ được bày tỏ bởi và vì Chiên Con đã bị giết và sống lại (Khải Huyền 5:12; 13:8; Ê-phê-sô 1:10).

Cuộc sống của chúng ta có mang lấy niềm hy vọng và thực tại này: Con Đức Chúa Trời đã chịu chết vì chúng ta?

2. Kẻ thù luôn rình rập để ‘nuốt chửng’ chúng ta

Người tỉnh thức cũng biết rằng họ đang sống trong sự chống đối, xáo trộn, và bị săn đuổi. Biết rằng họ bước đi với Đấng Christ giữa chông gai của hoạn nạn và cám dỗ. Biết rằng các mối quan hệ của họ có thể trở thành ‘sân chơi’ của quỷ dữ. Họ biết rằng chức vụ của họ làm rúng động nền tảng địa ngục – và đánh thức cơn thịnh nộ của nó. Họ đã nghe lời khuyên: “Hãy tiết độ và tỉnh thức; kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, đang rình rập chung quanh anh em, tìm người để cắn nuốt.” (1 Phi-e-rơ 5:8)

3. Cuộc sống là chiến trường thuộc linh

Người tỉnh thức sống như thể họ đang trong một chiến trường thuộc linh – bởi vì họ thực sự đang như vậy. Đức Chúa Trời đã ban cho họ áo giáp không thể phá hủy, và kêu gọi phảI mang lấy nó mỗi ngày (Ê-phê-sô 6:11).

(Ảnh: Freepik)

Những kẻ không tỉnh thức dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của kẻ thù – bị phân tâm bởi những điều vô nghĩa, bị ru ngủ bởi những thú vui tạm bợ, hoặc bị lôi kéo bởi những cám dỗ quỷ quyệt. Họ không nhận thức được rằng mỗi ngày đều có kẻ thù rình rập, tìm kiếm cơ hội để nuốt trọn đức tin, niềm hy vọng, và tình yêu của họ.

Người tỉnh táo, ngược lại, luôn canh chừng. Họ để ý đến những thói quen hoặc ham muốn có thể dẫn đến tội lỗi. Họ phân biệt giữa những điều tốt đẹp tạm thời và những điều có giá trị vĩnh cửu. Họ nắm chắc sự dạy dỗ Kinh Thánh và cầu nguyện để không sa ngã trước những lời dối trá nguy hiểm. Họ chuẩn bị để chống lại những mưu kế của kẻ ác, cậy nhờ vào sức mạnh của Đức Chúa Trời.

Họ cũng biết rằng kẻ thù của họ, dù rất nguy hiểm, đã bị Đấng Christ đánh bại. Mỗi bước đi trong sự tỉnh thức là một lời nhắc nhở về chiến thắng của Chúa Jêsus trên thập giá và qua sự Phục Sinh vinh quang!

4. Tất cả sẽ sớm kết thúc!

Người tỉnh thức nhận thức rõ rằng thế gian này không phải là đích đến cuối cùng. Phi-e-rơ viết:

“Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy tỉnh táo và tiết độ để cầu nguyện.” (1 Phi-e-rơ 4:7)

Tất cả những đau khổ, thử thách và cám dỗ mà chúng ta đối diện ngày hôm nay chỉ là tạm thời. Có một ngày, Đấng Christ sẽ trở lại trong vinh quang, làm mới lại mọi sự và dứt điểm mọi sự không thuộc về Ngài. Ngày ấy sẽ đến như một kẻ trộm trong đêm (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2), và chỉ những ai tỉnh thức mới sẵn sàng đón nhận.

Sự tỉnh thức thuộc linh không chỉ là ý thức rằng mọi điều trên thế gian này là tạm bợ, mà còn là sự sẵn lòng sống mỗi ngày như thể Đấng Christ có thể trở lại bất cứ lúc nào. Chúng ta không biết ngày hoặc giờ (Ma-thi-ơ 24:36), nhưng chúng ta biết rằng Ngài sẽ trở lại. Điều này thúc đẩy chúng ta yêu thương cách sâu sắc hơn, phục vụ cách nhiệt thành hơn, và tìm kiếm sự thánh khiết cách chân thành hơn.

5. Tỉnh thức qua lời cầu nguyện

Cuối cùng, sự tỉnh thức thật được duy trì qua lời cầu nguyện. Phi-e-rơ khuyên rằng sự tỉnh thức của chúng ta phải dẫn đến việc cầu nguyện. Khi đối diện với những thực tại thuộc linh này, chúng ta không thể dựa vào sức riêng mình. Chúng ta cần Đức Chúa Trời dẫn dắt, bảo vệ và hướng dẫn.

(Ảnh: Forward in Christ)

“Vậy hãy tỉnh táo và tiết độ để cầu nguyện”. (1 Phi-e-rơ 4:7)

Người tỉnh thức là người biết mình cần Đức Chúa Trời cách tuyệt đối. Họ cầu nguyện không chỉ vì đó là điều họ “phải làm” mà vì họ biết rằng đó là nguồn sống của họ. Qua lời cầu nguyện, họ nhờ cậy Đức Chúa Trời để có thể đứng vững trong niềm tin, kháng cự cám dỗ, yêu thương cách thật lòng, và giữ hy vọng cho đến ngày cuối cùng.

6. Hãy thức tỉnh ngay hôm nay!

Chúng ta có thể đang ngủ quên thuộc linh ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng bằng ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tỉnh thức trở lại. Hãy ngừng lại và tự hỏi: Có điều gì trong cuộc sống đang khiến tôi lơ là trước những thực tại thuộc linh? Có điều gì tôi cần từ bỏ, điều chỉnh hoặc nhờ cậy Chúa để thay đổi và thức tỉnh?

Hãy nhớ rằng sự tỉnh thức không đến ngay lập tức mà là một hành trình, quyết định mỗi ngày để sống trong ánh sáng của lẽ thật. Hãy chuẩn bị tâm trí mình để hành động, và sống trong ý thức rằng chúng ta đã được chuộc bởi huyết báu, đang sống trên một chiến trường thuộc linh, và sẽ sớm gặp Đấng Christ vinh quang.

Cầu xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta luôn tỉnh thức – không chỉ để đối diện với những thử thách hôm nay mà còn để sống vì sự vinh hiển của Nước Ngài mãi mãi.

Bài: Marshall Segal; dịch:
(Nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *