7 bài học mạnh mẽ Phao-lô dạy Hội Thánh về sự yếu đuối

Oneway.vn – Ngoài Chúa Jêsus, không ai dám đối đầu và tháo gỡ được những ham muốn trần tục của Hội Thánh một cách thấu suốt và triệt để như sứ đồ Phao-lô trong các bức thư ông gửi Hội thánh tại Cô-rinh-tô.

Trong cả hai bức thư, Phao-lô trình bày thiết kế của Chúa cho sự yếu đuối trong đời sống Cơ Đốc, đó là quay trở lại với quyền năng được bày tỏ của Chúa qua sự yếu đuối của thập tự giá. 

Đối với Phao-lô, đời sống Cơ Đốc đòi hỏi việc bước đi theo Chúa Jêsus trong đức tin, chối bỏ những giá trị đời này, và đón nhận Đấng Christ chịu đóng đinh không chút yếu đuối.

Sau đây là 7 cách Phao-lô khích lệ chúng ta đón nhận sự yếu đuối.


1. Tin rằng sự yếu đuối của Đấng Christ bị đóng đinh là quyền năng cứu rỗi của Chúa

Sứ điệp về sự đóng đinh của Đấng Christ là “quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (1 Cô 1:23-24). Vậy nên, đối với Phao-lô, trọn đời sống Cơ Đốc là được “sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu [chúng ta] và phó chính mình Ngài vì [chúng ta].” (Gal 2:20).

Vì Phúc Âm là “quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin”, mọi người công chính được Chúa cứu được bày tỏ và nhận lãnh trọn vẹn qua đức tin trong Chúa Jêsus (Rô 1:16-17). Chúng ta sẽ đánh mất quyền năng cứu rỗi của Chúa, khi không đặt niềm hi vọng nơi Ngài

Ngày nay, Hội thánh sẽ giảng về điều này chứ?


2. Bắt chước sự yếu đuối của Đấng Christ.

Là một sứ đồ được khuôn mẫu theo hình ảnh khổ nạn của Đấng Christ: “Đức Chúa Trời đã đặt các sứ đồ chúng tôi vào chỗ thấp kém nhất, như những người bị án tử hình” (1 Cô 4:9). Nhưng sự yếu đuối không chỉ dành cho những sứ đồ của Chúa Jêsus.

Sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Phao-lô đã sinh ra Hội thánh tại Cô-rinh-tô. Là người “nhờ Tin Lành, đã sinh anh em ra trong Đấng Christ Jêsus”, ông mong mỏi “con yêu quý” tăng trưởng giống như ông: “Tôi nài khuyên anh em, hãy bắt chước tôi” (câu 14-16). 

Phao-lô đã sai Ti-mô-thê đến với người Cô-rinh-tô vì mục đích đó: “[Ông sẽ] đến nhắc lại cho anh em đường lối của tôi trong Đấng Christ, như tôi vẫn dạy trong Hội Thánh khắp mọi nơi” (câu 17).

Ngày nay, gương mẫu Hội thánh đặt ra và kêu gọi bắt chước theo là gì?


3. Nghĩ đến sự yếu đuối khi Chúa kêu gọi bạn.

Hiểu được rằng “yếu đuối của Đức Chúa Trời còn mạnh hơn loài người” đòi hỏi việc nhớ đến sự yếu đuối của chính mình khi Chúa cứu bạn. Phao-lô viết: “Hãy suy nghĩ lúc anh em được kêu gọi, trong anh em không có mấy người khôn ngoan theo tiêu chuẩn đời nầy, không mấy ai có quyền thế, cũng chẳng có mấy người thuộc dòng quý tộc” (câu 26)

Sự khôn ngoan, sự cứu chuộc, công chính, thánh khiết, của chúng ta ở đâu? Trong Đấng Christ. Chỉ một mình Đức Chúa Jêsus Christ là có trọn sự khôn ngoan, công chính, nên thánh, và sự cứu chuộc.

Ngày nay, thuộc viên của Hội thánh có còn nhớ rằng họ đến từ đâu không?


4. Từ chối những phương pháp học bỏ qua quyền năng của Chúa.

Phao-lô nhắc các tín hữu tại Cô-rinh-tô về cách ông đến với họ bằng Phúc Âm: “Tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá” (I Cor 2:2). Phao-lô đang mô tả về “cách” mà ông thi hành chức vụ.

“Cách” cũng quan trọng như “điều” sứ điệp ông rao giảng, bởi vì khi những phương thức và cách thức của thế gian được áp dụng vào, thì thập tự giá của Đấng Christ không còn năng quyền nữa.

Ngày nay, Hội thánh có sẵn lòng ra đi giống như Phao-lô không?


5. Sống bày tỏ năng quyền của Đức Thánh Linh.

Phao-lô chọn sống để năng quyền của Chúa được bày tỏ và ứng nghiệm (I Cor 2:4). Ở phần khác, Phao-lô nói với các tín hữu Cô-rinh-tô rằng Đấng Christ “đã chịu đóng đinh vào thập tự giá trong tình trạng yếu đuối, nhưng Ngài đang sống với quyền năng của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 13:4).

Xuyên suốt I và II Cô-rinh-tô, Phao-lô chiến đấu với hệ thống tư tưởng xem trọng sự khôn ngoan và năng lực của thế gian. Ông đã phá đổ những điều này như thế nào? Ông luôn luôn rao giảng và áp dụng Phúc Âm. Vũ khí mạnh sức của chiến trận chúng ta là sứ điệp được công bố của thập tự giá trong năng quyền của Thánh Linh qua sứ giả sống bởi Phúc Âm.

Ngày nay, Hội thánh đang sử dụng vũ khí gì?


6. Đừng sợ hãi khi tỏ ra yếu đuối.

Những sự chỉ trích đối với Phao-lô (cùng lòng trung thành lung lay của tín hữu Cô-rinh-tô đối với ông và Phúc Âm của ông) chính là lời buộc tội về “sự yếu đuối” của Phao-lô.

Phao-lô không phải là mẫu người có thế mạnh về sức lực và vẻ ngoài. Nhưng một lần nữa, Chúa Jêsus cũng vậy, “Người chẳng có vẻ đẹp cũng chẳng có sự uy nghi để chúng ta nhìn ngắm; Không có gì trong diện mạo Người khiến chúng ta ưa thích được” (Ê-sai 53:2).

Chúa Jêsus trông yếu đuối. Phao-lô cũng không sợ để người khác biết mình yếu đuối.


7. Tự hào về những yếu đuối để năng quyền của Đấng Christ cứ ở trong bạn.

Phao-lô coi khinh ý tưởng tự ca ngợi mình: “Vì không phải ai tự đề cao mình là được chấp nhận, nhưng là người được Chúa đề cao” (II Cor 10:18).

Thay vào đó, ông tự hào về những yếu đuối đáng xấu hổ được tỏ rõ trong lịch sử chức vụ của ông:

“Năm lần bị người Do Thái đánh bằng roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu, một đêm một ngày trôi giạt trên biển. Trong nhiều cuộc hành trình, gặp nguy hiểm trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong thành phố, nguy ngoài hoang mạc, nguy trên biển cả, nguy với những kẻ giả danh anh em, chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói chịu khát, bao lần nhịn ăn, chịu rét mướt, trần truồng” (II Cor 11:24-27).

Danh sách của Phao-lô có thể được xem như chiến tích đáng khoe. Trong cách này, những kinh nghiệm sẽ là những lời chứng cho sức mạnh xác thịt của Phao-lô. Nhưng ông không làm gì với một kết luận như thế. Vậy nên ông nhấn mạnh về sự yếu đuối đáng xấu hổ mình rằng: “Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (câu 30).

Chúng ta có đang ở trong Hội thánh sẵn lòng để nói về những yếu đuối của mình với mục đích bày tỏ quyền năng vinh quang của Đấng Christ không?

Hội thánh có vui lòng để chịu khổ vì danh Đấng Christ?

Chúng ta có sẵn lòng tin (và sống như vậy) khi Chúa Jêsus hứa, “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (II Cor 12:9) không?

Bài: Eric Schumacher; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *