7 điều sách Gióp dạy chúng ta về tin lành trong một thế giới ‘tin dữ’

Oneway.vn – Trong thế giới sa ngã đầy đau khổ và những câu hỏi chưa được giải đáp, Sách Gióp trong Kinh Thánh cung cấp những hiểu biết sâu sắc về trải nghiệm của con người và công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Trời.

Mặc dù câu chuyện của Gióp cho thấy sự đau khổ cùng cực nhưng nó cũng cho thấy sức mạnh của niềm tin nơi Chúa lớn mạnh hơn bất kỳ sự đau khổ nào mà chúng ta gặp phải. Cuộc sống trong thế giới sa ngã này thật bất công nhưng Chúa vẫn ban cho chúng ta những tin lành – và điều đó hướng chúng ta đến niềm hy vọng thực sự.

Vì vậy, hãy có một cái nhìn mới mẻ về sách Gióp. Chúng ta có thể khám phá những bài học quý giá về việc vượt qua sự bất công của cuộc sống với sức mạnh từ Chúa.

Dưới đây là 7 điều Sách Gióp dạy chúng ta về tin lành trong một thế giới bất công.


1. Chúa đang kiểm soát, ngay cả khi chúng ta trải qua hỗn loạn

Sách Gióp cho thấy Chúa nắm quyền kiểm soát khi Gióp và gia đình ông trải qua nhiều cơn khủng hoảng hỗn loạn. Câu chuyện của Gióp bắt đầu bằng cảnh tượng ở thiên đàng nơi Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan thử thách lòng trung thành của Gióp. Bất chấp những đau khổ khủng khiếp xảy ra với Gióp – mất đi của cải, sức khỏe và những người ông yêu thương – Đức Chúa Trời vẫn nắm quyền kiểm soát một cách chắc chắn.

Gióp 42:2 khẳng định lẽ thật này: “Con biết rằng Chúa có thể làm được mọi việc, không ai ngăn cản được ý định của Ngài”. Câu này nêu bật quyền năng tối cao của Đức Chúa Trời – khả năng của Đức Chúa Trời hoàn thành các mục đích thiêng liêng của Ngài cho cuộc đời chúng ta, bất chấp những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong thế giới sa ngã này.

Xuyên suốt Sách Gióp, chúng ta thấy Chúa có toàn quyền trên mọi tạo vật. Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ ràng khi sách mô tả Ngài tạo ra một thế giới tốt đẹp và có liên hệ đến nhân loại sau khi con người sử dụng món quà tự do của Ngài để huỷ hoại thế giới. Ngay cả khi Gióp đặt câu hỏi về sự công bằng trong nỗi đau khổ của mình và yêu cầu câu trả lời từ Chúa, cuối cùng ông cũng thừa nhận và phục tùng thẩm quyền tối thượng của Ngài.

Ngay cả giữa những bất ổn và bất công của cuộc sống, chúng ta vẫn có thể được an ủi khi biết rằng Chúa đang tể trị. Nhận biết quyền tối thượng của Chúa mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn và hy vọng. Đảm bảo với chúng ta rằng cho dù hoàn cảnh của chúng ta có khủng khiếp đến đâu, Chúa vẫn tích cực thực hiện các kế hoạch của Ngài cho cuộc đời chúng ta.

Lẽ thật này giúp chúng ta tin vào sự thành tín của Chúa và kiên trì vượt qua những tình huống thử thách với sự tự tin, biết rằng cuối cùng Chúa là người nắm quyền kiểm soát. Khi sự hỗn loạn của cuộc khủng hoảng ập đến, chúng ta có thể nhìn Chúa để vượt qua hoàn cảnh của mình với niềm tin rằng bằng cách nào đó mục đích tốt đẹp của Chúa sẽ đắc thắng.


2. Chúa lắng nghe tiếng khóc của chúng ta

Một trong những khía cạnh an ủi nhất của Sách Gióp là miêu tả Đức Chúa Trời như một Đấng biết lắng nghe đầy cảm thương, Đấng nghe thấy tiếng khóc than của dân Ngài, ngay cả trong nỗi tuyệt vọng sâu sắc nhất của họ. Hành trình vượt qua đau khổ của Gióp được đánh dấu bằng những giây phút thống khổ và thắc mắc. Tuy nhiên, trong suốt hành trình, Chúa vẫn tiếp tục lắng nghe Gióp đang kêu cầu Ngài.

Tiếng kêu đau khổ của Gióp vang vọng xuyên suốt câu chuyện, thể hiện nỗi đau đớn và bối rối sâu sắc của ông khi đối mặt với nghịch cảnh quá lớn. Trong Gióp 7:17-18, Gióp suy ngẫm về sự ngắn ngủi và đau khổ của đời người, đặt câu hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại quan tâm sâu sắc đến nhân loại như vậy: “Loài người là gì mà Chúa kể là cao trọng? Có là gì đâu mà Chúa phải quan tâm, phải viếng thăm mỗi buổi sáng, và thử thách mỗi lúc mỗi khi?”.

Bất chấp câu hỏi hiện sinh của Gióp, câu trả lời của Đức Chúa Trời không phải thờ ơ mà là sự quan tâm. Xuyên suốt cuộc đối thoại giữa Gióp và những người bạn, cũng như trong những lời cầu nguyện và suy tư của Gióp, chúng ta thấy bằng chứng về việc Đức Chúa Trời sẵn sàng dấn thân vào nỗi đau khổ của con người. Gióp trải lòng mình với Đức Chúa Trời, bày tỏ sự thất vọng, tức giận và tuyệt vọng của mình. Đáp lại, Chúa lắng nghe. Ngài không phớt lờ tiếng kêu la của Gióp hay phớt lờ lời cầu xin sự hiểu biết của ông.

Đức Chúa Trời thừa nhận nỗi đau của Gióp và sau đó hỏi Gióp một loạt câu hỏi dài trong Gióp các chương từ 38 đến 40 để giúp Gióp hiểu sâu hơn về lòng tốt và thẩm quyền của Ngài. Gióp dần nhận ra rằng Đức Chúa Trời thật sự quan tâm đến ông, vì Đức Chúa Trời lắng nghe và bắt đầu cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với ông. Việc Chúa sẵn lòng lắng nghe tiếng kêu than của chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phục vụ một Đức Chúa Trời không xa cách hay thờ ơ với nỗi đau của chúng ta. Thay vào đó, Chúa đến gần chúng ta trong lúc chúng ta cần nhất.

Như Thi Thiên 34:18 tuyên bố: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương. Và cứu vớt kẻ nào có tâm hồn thống hối”. Trong những giây phút tuyệt vọng, chúng ta có thể không hiểu tại sao Chúa lại để chúng ta trải qua những hoàn cảnh đau đớn, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa nghe thấy tiếng kêu cầu và sẵn lòng đem đến cho chúng ta sự khích lệ giữa cơn thách thức.


3. Chúng ta có thể tìm thấy sự thoải mái trong cộng đồng

Sách Gióp nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng và tình đoàn kết trong thời kỳ đau khổ. Khi Gióp lần đầu tiên trải qua sự mất mát nặng nề về tài sản, sức khỏe và gia đình, ông đã tìm thấy sự hỗ trợ từ bạn bè. Gióp 2:11 tường thuật: “Khi ba người bạn của Gióp là Ê-li-pha người Thê-man, Binh-đát người Su-a và Sô-pha người Na-a-ma được tin về các tai họa đã xảy đến cho ông, thì họ từ xứ mình hẹn nhau đến để chia buồn và an ủi ông“. Phản ứng này thể hiện sức mạnh của một cộng đồng quan tâm. Bạn bè của Gióp ngồi im lặng với ông suốt bảy ngày, cùng than khóc và chia sẻ nỗi đau buồn với ông. Việc họ sẵn lòng hiện diện với Gióp trong nỗi đau khổ của ông là một ví dụ mạnh mẽ về tình đoàn kết và sự đồng cảm.

Trong những khoảnh khắc mất mát và tuyệt vọng, hành động đơn giản là ở bên nhau có thể mang lại sự an ủi và hỗ trợ to lớn. Tuy nhiên, khi câu chuyện mở ra, những nỗ lực an ủi của bạn bè Gióp đã trở nên sai lầm. Họ bắt đầu đưa ra những lời giải thích về sự đau khổ của Gióp, cho rằng đó là những tội lỗi và khuyết điểm của ông. Bất chấp ý định tốt của họ, lời nói của họ chỉ làm tăng nỗi đau đớn và sự thất vọng của Gióp. Tuy nhiên, mặc dù lời nói có thể khiến chúng ta thất vọng và những lời giải thích có thể không hiệu quả, nhưng sự hiện diện của những người bạn giúp chúng ta trụ vững như những tia sáng chiếu xuyên qua những hoàn cảnh đen tối.

Chúa kêu gọi chúng ta giúp đỡ những người đang đau khổ. Ga-la-ti 6:2 khuyến khích chúng ta: “Hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ”. Khi chúng ta hiện diện để giúp đỡ nhau chính là chúng ta đang mời Chúa ban tình yêu của Ngài cho cuộc đời mỗi chúng ta.


4. Chúng ta có thể thành thật trong lời cầu nguyện

Sách Gióp dạy chúng ta tầm quan trọng của sự trung thực và xác thực trong lời cầu nguyện, đặc biệt khi chúng ta đối mặt với đau khổ và bối rối. Trong suốt thử thách của mình, Gióp không ngại bày tỏ những cảm xúc và thắc mắc sâu sắc nhất của mình trước Chúa. Trong Gióp 10:1-2, Gióp thẳng thắn nói: “Tôi chẳng còn muốn sống, nên tha hồ buông lời than thở, tôi sẽ nói ra trong cay đắng của lòng tôi. Tôi sẽ thưa với Đức Chúa Trời: ‘Xin đừng kết án con, xin cho con biết vì sao Ngài buộc tội con”. Gióp cầu nguyện với sự thành thật và tổn thương. Ông không cố gắng che giấu nỗi đau hay kìm nén những nghi ngờ của mình. Thay vào đó Gióp vạch trần chúng trước mặt Đức Chúa Trời. Tấm gương của Gióp thách thức chúng ta tiếp cận Chúa với sự minh bạch tương tự, biết rằng Chúa có thể giải quyết những câu hỏi và cảm xúc khó khăn nhất của chúng ta.

Thông thường, chúng ta cảm thấy buộc phải khoác lên mình vẻ ngoài sùng đạo hoặc đè nén những nghi ngờ và sợ hãi trong khi cầu nguyện. Chúng ta có thể lo lắng rằng việc bày tỏ sự tức giận, thất vọng hoặc bối rối sẽ xúc phạm đến Chúa hoặc chứng tỏ sự thiếu đức tin. Tuy nhiên, Sách Gióp mời gọi chúng ta cởi bỏ mặt nạ và đến trước mặt Đức Chúa Trời như con người thật của chúng ta – với tất cả những khó khăn của chúng ta.

Thi Thiên 62:8 khích lệ: “Hỡi dân ta, hãy tin cậy Ngài luôn luôn; hãy dốc đổ nỗi lòng mình ra trước mặt Ngài; vì Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta”. Khi trút bầu tâm sự với Chúa bằng lời cầu nguyện chân thành, chúng ta sẽ mở lòng mình để đón nhận sự an ủi, hướng dẫn và ân sủng của Chúa. Chúa mời gọi chúng ta đến với Ngài với gánh nặng của mình và nhận được sự chăm sóc yêu thương mà chúng ta cần từ Ngài.


5. Khôn ngoan trong sự im lặng

Sách Gióp nhắc nhở chúng ta về sự khôn ngoan khi biết khi nào nên nói và khi nào nên im lặng, đặc biệt khi đối mặt với đau khổ. Ban đầu, bạn bè của Gióp mang lại sự an ủi cho ông bằng cách đơn giản là có mặt khi ông cần. Gióp 2:13 miêu tả: “Ba người bạn ngồi xuống đất với Gióp suốt bảy ngày đêm, không ai nói với ông một lời, vì họ thấy nỗi đau của ông quá lớn“.

Trong sự đoàn kết thầm lặng của họ, những người bạn của Gióp thể hiện sức mạnh của sự hiện diện. Họ nhận ra rằng có những lúc không có lời nào thích hợp để nói và sự hỗ trợ có ý nghĩa nhất mà họ có thể mang lại vào những lúc đó chính là sự đồng hành thầm lặng. Tuy nhiên, những người bạn của Gióp bắt đầu đưa ra những lời giải thích cho nỗi đau khổ của Gióp, cố gắng hiểu nỗi đau của ông thông qua sự hiểu biết hạn chế của họ về đường lối của Chúa. Thật không may, lời nói của họ chỉ làm nỗi đau của Gióp thêm sâu sắc. Gióp quở trách họ trong Gióp 13:5 bằng cách nói: Phải chi các anh nín lặng thì các anh mới thật sự khôn ngoan! Điều quan trọng là phải biết khi nào nên kiềm chế lời nói và chỉ lắng nghe. Đôi khi trong niềm đau khổ sâu sắc, sự hiện diện quan tâm của chúng ta có thể mang lại cho họ niềm an ủi hơn bất kỳ lời nói nào.

Châm-ngôn 17:28 nhắc nhở chúng ta rèn luyện sự sáng suốt: Khi giữ im lặng, dù người ngu dại cũng được kể là khôn ngoan, Người biết kiềm chế môi miệng được xem là thông sáng. Đôi khi cách hành động khôn ngoan nhất là chăm chú lắng nghe và tránh phán xét hoặc bình luận. Cũng trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa, chúng ta có thể bị cám dỗ đòi hỏi câu trả lời từ Chúa về lý do tại sao Ngài lại để chúng ta đau khổ, và chúng ta có thể cảm thấy thất vọng khi không nghe được những thông điệp mong muốn từ Chúa. Nhưng Sách Gióp khuyến khích chúng ta học cách ngồi yên lặng tin cậy trước Chúa khi Ngài thực hiện những mục đích trong cuộc sống của chúng ta mà hiện nay chúng ta không thể hiểu được.


6. Chúa sẽ đổi mới chúng ta

Một trong những khía cạnh đáng khích lệ nhất của Sách Gióp là cách nó thể hiện sự đổi mới và hồi sinh giữa cơn đau thương. Bất chấp những thử thách to lớn mà Gióp phải trải qua – mất đi của cải, sức khỏe và gia đình – cuối cùng Chúa vẫn phục hồi ông. Gióp 42:10 tường thuật: Khi Gióp đã cầu thay cho các bạn, Đức Giê-hô-va phục hồi tài sản cho Gióp. Ngài ban cho ông gấp đôi số tài sản mà ông đã có trước kia. Gióp 42:12 nói: “Đức Giê-hô-va ban phước cho những năm cuối đời của Gióp nhiều hơn lúc ban đầu”.

Câu chuyện của Gióp cho chúng ta một tin vui rằng ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, Đức Chúa Trời vẫn ban cho chúng ta niềm hy vọng, và Ngài sẽ thực hiện niềm hy vọng đó vào đúng thời điểm. Chúa không bỏ rơi chúng ta trong đau khổ, nhưng Ngài hành động để mang lại sự cứu chuộc và chữa lành vào thời điểm hoàn hảo của Ngài. Đức Chúa Trời ban thưởng cho Gióp vì sự trung thành của ông trong lúc ông phải chịu đau khổ nặng nề, và Đức Chúa Trời tuôn đổ phước lành dồi dào vào phần sau của cuộc đời Gióp. Chúa có thể biến nỗi đau khổ sâu sắc nhất của chúng ta thành những mục đích tốt đẹp. Khi bước qua những ngọn đồi và thung lũng của cuộc đời, chúng ta có thể tin cậy rằng Chúa sẽ ở đó để tiếp thêm sức mạnh và làm trọn niềm hy vọng của chúng ta.


7. Chúng ta có thể tin cậy vào sự khôn ngoan của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng, Sách Gióp dạy chúng ta giá trị của việc tin tưởng vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, ngay cả khi không thể hiểu được đường lối của Ngài. Gióp cho thấy Chúa luôn có điều gì đó quý giá để chúng ta học hỏi từ những thử thách mà Ngài cho phép chúng ta trải qua.

Trong suốt thử thách của Gióp, ông vật lộn với những câu hỏi sâu sắc về bản chất của đau khổ và công lý của Chúa. Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn đi đến chỗ đầu phục, thừa nhận giới hạn hiểu biết của mình và đặt niềm tin vào quyền tối thượng của Chúa. Trong Gióp 42:3, ông tuyên bố: “Thật, con đã nói những điều con không hiểu, những việc quá diệu kỳ mà con không hề biết”.

Gióp nhận ra rằng có những điều huyền nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của con người, và ông phục tùng sự khôn ngoan của Chúa ngay cả khi ông không hiểu tại sao Chúa lại để cho sự đau khổ của ông xảy ra. Châm-ngôn 3:5-6 kêu gọi chúng ta: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, đừng nương cậy nơi sự thông sáng của con. Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối của con, chính Ngài sẽ san bằng các nẻo con đi”.

Khi phó thác cuộc đời mình cho Chúa và tin cậy vào sự khôn ngoan của Chúa trong mọi tình huống, đức tin của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn.

Tóm lại, Sách Gióp cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc có giá trị về bản chất của đau khổ và đức tin. Chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã thật bất công. Tất cả chúng ta đều đau khổ trong suốt cuộc đời ở đây. Tuy nhiên, Sách Gióp cho thấy rằng Chúa ban cho chúng ta tin lành ngay giữa những đau khổ. Nắm giữ tin lành này có thể giúp chúng ta vượt qua đau khổ một cách tốt đẹp và vượt qua nó với sự khôn ngoan và đức tin lớn mạnh!


Bài: Whitney Hopler; dịch: Minh Dung
(Nguồn: crosswalk.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *