Oneway.vn – Họ dẫn đến trước mặt Chúa một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm. Họ hỏi Chúa nên xét xử như thế nào.
Chúa Jêsus đang dạy trong đền thờ, bỗng có một đám đông đến làm gián đoạn việc dạy của Chúa. Đám đông đó gồm các thầy thông giáo và người Pha-ra-si cùng với dân chúng. Họ dẫn đến trước mặt Chúa một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm. Họ hỏi Chúa nên xét xử như thế nào.
Thực ra thì họ không chú ý đến nhân vị của người đàn bà cũng như sự công bình của luật pháp. Họ chỉ muốn gài Chúa Jêsus vào thế lưỡng nan. Nếu Chúa Jêsus theo luật Môi-se thì một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm phải bị ném đá cho chết và như vậy Chúa là người không có tình thương, không nhân từ. Ngoài ra, Chúa còn phạm luật pháp hiện hành của La-mã vì không ai có quyền xử tử hình người khác ngoại trừ Tổng đốc La-mã. Còn nếu Chúa bảo tha người đàn bà này thì họ kết tội Chúa Jesus dung tha hay khuyến khích ngoại tình và xúi dân phá bỏ luật pháp của Môi-se.
Chúa Jêsus, một lần nữa, đã chứng tỏ không phải là một người thường qua cách cư xử của Ngài. Ngài đã đáp ứng với một ân điển lạ lùng. Nhìn phản ứng của Ngài, chúng ta cứ tưởng Ngài không làm gì cả nhưng thực sự Ngài có ba hành động.
Hành động thứ nhất không phải là trả lời câu thách thức của họ. Ngài cúi xuống lấy tay viết trên đất. Đây là lần duy nhất trong Kinh Thánh ghi nhận Chúa Jêsus viết.
Chúa đã viết gì trên đất ? Bản dịch Tân ước tiếng A-mê-ni viết rằng: Chúa viết bản cáo trạng về các tội lỗi của những người đang tố cáo người đàn bà. Theo Mục sư John Claypool, ông giả dụ rằng Chúa đã viết : Còn người đàn ông kia đâu? Tôi nghĩ đây là một giải thích chí lý. Nếu lập một tòa án xử tội người đàn bà này thì các người phải mang lại đây người tòng phạm với bà. Chúa biết rằng trách nhiệm về sự vấp phạm này ngoài người đàn bà này, còn có người khác. Tội tà dâm không thể là một hành động đơn phương, một mình. Có hai người phạm luật Môi se và chỉ có một người bị xử tội.
Hành động thứ hai: Trước áp lực của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si cùng đám đông, Chúa có hành động thứ hai. Đó là Chúa lột mặt nạ của tất cả mọi người hiện diện. Ngài nhìn lên và nói: “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi”(Giăng 8:7). Chữ KHÔNG CÓ TỘI trong câu này, chẳng những có nghĩa là vô tội mà còn có nghĩa là không có một tư tưởng tội lỗi nữa. Chúa Jêsus nói với họ rằng: Các ông có thể ném đá giết chết người đàn bà này với điều kiện các ông chưa bao giờ có tư tưởng phạm tội như người nữ này. Mọi người yên lặng rồi lần lần rút lui. Người lớn tuổi đi trước. Họ học bài học về sự đoán xét người khác trong lúc họ muốn hại Chúa Jêsus.
Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta một lời phán của Chúa Jêsus trong sách Mathiơ : “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? 4 Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? 5 Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được”. (Mat 7:3-5).
Hành động thứ ba: Chúa bày tỏ tình yêu thương, nhân từ đối với tội nhân.
“Đức Chúa Jêsus ở lại một mình với người đờn bà, người vẫn đương đứng chính giữa đó.10 Đức Chúa Jêsus bấy giờ lại ngước lên, không thấy ai hết, chỉ có người đờn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? 11 Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa”.
Chúng ta thấy ở đây Chúa Jêsus không nói với người đàn bà đó rằng: “Bà thật may mắn. Bây giờ bà phải sống thật tốt lành”. Nhưng Chúa bảo: Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa”, có nghĩa là “Đừng để cái đau đớn hôm nay trở thành vô ích. Hãy ghi nhớ trong lòng bài học hôm nay. Lần sau, khi ngươi gặp trường hợp tương tự như vậy hãy dùng kinh nghiệm này mà quyết định khôn ngoan hơn: Đừng đi vào vết xe cũ nữa.
- Chúa Jêsus không định tội không có nghĩa là việc làm đó đúng, nhưng Ngài muốn cho người đàn bà có một cơ hội của lần sau.
- Chúa muốn chúng ta dùng kinh nghiệm ê chề của quá khứ để đắc thắng cám dỗ của tương lai, hơn là ngồi đó hối hận chuyện đã qua.
- Ý tưởng cho rằng “Nếu trước đó tôi đừng làm như vậy” sẽ làm cho ta tiêu cực, chán nản hủy hoại năng lực, sức sống của mình.
- “Nếu lần sau, tôi sẽ dùng kinh nghiệm đó mà có hành động khôn ngoan hơn, hành động khác hơn, tốt hơn và thành công hơn”.
Thật, Chúa để ý đến cuộc sống tương lai của chúng ta hơn là quá khứ của chúng ta. Chúa quan tâm đến cuộc sống mà chúng ta sẽ sống hơn là những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Ngài muốn chúng ta dùng những kinh nghiệm của quá khứ, những bài học của quá khứ để tỉnh thức hôm nay và kết quả hơn cho ngày mai.
(Bài: conduongvinhphuc)