Oneway.vn – Sau bữa ăn tối Lễ Vượt Qua, Chúa Jêsus và các môn đệ đi vào vườn Ghết-sê-ma-nê trên núi Ô-li-ve.
Tại đó, Chúa Jêsus báo cho ba môn đồ thân tín biết về nỗi buồn bực sâu thẳm trong linh hồn mình, Ngài truyền bảo họ: “Các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta” (Math 26:38). Rồi Ngài đi cầu nguyện cùng Cha Ngài.
Thông thường người Do Thái đứng cầu nguyện, nhưng tại đây Chúa Jêsus quỳ gối, sấp mặt xuống đất mà khẩn thiết cầu xin rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu-ca 22:42). Lời khẩn cầu này được lặp lại hai lần nữa (Ma-thi-ơ 26:44).
Trong cơn rất đau thương, Lu-ca mô tả Chúa Jêsus cầu nguyện càng thiết đến nỗi mồ hôi của Ngài trở nên như những giọt máu lớn rơi xuống đất! (Lu-ca 22:44)
Tại sao Chúa Jêsus phải cầu nguyện xin Cha Ngài cất chén?
“Chén” mà Chúa Jêsus phải uống là chén chứa đựng đầy đủ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Cha trên tội lỗi (Ê-sai 51:17). Khi chấp nhận chết trên thập giá, Chúa Jêsus phải mang tội lỗi của toàn nhân loại (Ê-sai 53:5-6), chịu sự trừng phạt, rủa sả thay cho tội nhân (Ga-la-ti 3:13) và bị Đức Chúa Cha lìa bỏ (Ma-thi-ơ 27:46).
Chúa Jêsus sẵn sàng chấp nhận mọi đau đớn, tổn thương trong tinh thần và thể xác khi Ngài bị loài thọ tạo nhục mạ, bị các môn đồ chối từ, bị Giu-đa phản bội, bị đánh đập và bị đóng đinh trên thập tự giá (Ma-thi-ơ 16:21).
Chính vì gớm ghiếc tội lỗi và không muốn bị Đức Chúa Cha lìa bỏ nên Chúa Jêsus khẩn thiết cầu xin Cha Ngài, nếu có thể được, xin Cha hãy dùng phương cách khác trong sự cứu rỗi nhân loại. Nhưng vì biết khi chết thế cho tội nhân, Ngài trở nên như chiên con không tì vít, để chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Đây là con đường duy nhất, không có phương cách nào khác (Giăng 14:6) nên Chúa Jêsus vui lòng vâng phục Đức Chúa Cha, tự nguyện uống chén thịnh nộ, chết trên thập tự giá.
Lời cầu nguyện xin ý Cha được nên thể hiện sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Jêsus. Ngài hoàn toàn thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho mình. Dù sự đau thương có khủng khiếp đến đâu, nhưng nếu đó là ý của Cha thì Ngài sẵn sàng chấp nhận. Ngài là mẫu mực toàn hảo về tấm lòng vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời.
Trong khi Chúa Jêsus chiến đấu trong sự cầu nguyện thì các môn đồ NGỦ MÊ!
Tại sao họ lại ngủ mê trong khi Chúa đem họ vào vườn để họ cùng cầu nguyện, cùng chiến đấu với Ngài?
Có phải khuya lắm không? Có phải họ mệt đừ sau một ngày dài không? Có phải họ ăn quá nhiều tại Lễ Vượt Qua không?
Lu-ca cho biết họ ngủ “vì buồn rầu” (Lu-ca 22:45). Tại Lễ Vượt Qua, Phi-e-rơ can đảm tuyên bố rằng ông thà chết chớ không chối Chúa, Phi-e-rơ tin bởi nỗ lực cá nhân, ông sẽ có đủ sức can đảm theo Chúa cách vững vàng đến cuối cùng và các môn đồ khác cũng tuyên bố tương tự như vậy. Tuy nhiên, Chúa Jêsus biết Ngài không chỉ sắp bị thử thách cam go về lòng trung thành với Cha Ngài nhưng các môn đồ cũng bị thử thách về lòng trung thành của họ với chính Ngài.
Khi thấy họ ngủ mê thay vì cầu nguyện, Ngài nói cùng họ rằng: “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.” (Math 26:41). Dù được Chúa Jêsus cảnh báo lần nữa họ vẫn ngủ cho đến khi kẻ phản Chúa đến.
Tâm linh chỉ được mạnh mẽ khi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện. Các môn đồ đã nản lòng, thối chí vì không cầu nguyện, họ không tỉnh thức về mối hiểm nguy cận kề, nên đã thất bại.
Như Chúa Jêsus đã báo trước “Hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi” (Math 26:56), và Phi-e-rơ cũng đã làm đúng như điều Chúa Jêsus đã nói về ông rằng, “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay, cũng trong đêm nay, trước khi gà gáy hai lượt, ngươi sẽ chối ta ba lần.” (Mác 14:30)
Phi-e-rơ đã chối Chúa, dù ông theo Chúa đến tận phòng xử án và các môn đồ khác, còn Giăng, lập tức chạy trốn khỏi vườn để được an thân.
Chúa Jêsus đã thành công trong sứ mạng cứu người qua sự chết đền tội của Ngài bởi sự cầu nguyện.
Ngày nay, trong linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài. Bí quyết để bạn thành công hay thất bại tuỳ thuộc vào việc bạn đang NGỦ MÊ như các môn đồ hay đang chiến đấu trong sự cầu nguyện theo gương Chúa Jêsus.
Bạn đang chọn và thực hành phương thức nào cho mình?
Anne Phạm
Leave a Reply