Chúa yêu bạn không cần phải giữ biên lai

Oneway.vn – Bạn có giữ lại biên lai không?” Đây là một câu hỏi thường nhật trong đời sống chúng ta. 

Khi mua sắm, chúng ta thường giữ lại các biên lai, đặc biệt đối với những món đồ đắt tiền.

Tôi lo sợ rằng chúng ta cũng áp dụng thói quen mua sắm có trách nhiệm này với mối quan hệ thuộc linh của chúng ta với Chúa. 

Chúng ta có thể cảm nhận được bản thân yêu Chúa nhiều hơn hay ít hơn khi hoàn cảnh thay đổi. Những cám dỗ đến dễ dàng khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa đã bỏ rơi, trong khi phước hạnh tràn đầy sẽ dễ thuyết phục rằng Chúa yêu chúng ta, và những ngày tháng bình thường có thể khiến chúng ta nghi ngờ về sức sống của tình yêu Ngài. 

Chúng ta thường bị cám dỗ để tin rằng cảm nhận của chúng ta như thế nào và điều chúng ta làm sẽ ảnh hưởng đến tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. 

Và giữa lúc sự tối tăm, tuyệt vọng xâm chiếm, chúng ta có lẽ đã tự hỏi liệu Chúa có đang cân nhắc lại công tác cứu chuộc của Ngài không? Ngài có giữ lại biên lai không?

Đức Chúa Trời yêu bạn trước khi Đấng Christ chết thay cho bạn.

Trong cuốn sách của John Owen với tựa Tiệc Thánh với Đức Chúa Trời Ba Ngôi có một lời nhắc nhở của Owen rất hữu ích. Ông nhắc nhở độc giả của mình nhớ rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương (1 Giăng 4:8) – Đấng đã sai Chúa Jêsus đến thế gian để làm tế lễ chuộc tội chúng ta (câu 10). Tình yêu đó trước tiên dành cho dân sự của Ngài khi Đấng Christ được sai đến để cứu chuộc họ. Đức Chúa Trời yêu thương dân sự của Ngài trước khi Ngài lập nền cho thế giới (Ê-phê-sô 1:4 và những câu tiếp theo).

Lẽ thật của Phúc Âm nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không đáng được nhận; không xứng với tình yêu thương của Chúa (Rô-ma 5:7–8).  

Nhưng Chúa Jêsus đã đến để tìm và cứu những tội nhân giống như bạn và tôi, quả thật điều đó xuất phát từ tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta. 

Các phân đoạn Kinh Thánh bày tỏ về tình yêu của Đức Chúa Trời đối với loài người giống như trong Giăng 3:16 sẽ khiến bạn ngạc nhiên hơn khi chúng ta suy ngẫm.

Chúa yêu bạn, không chỉ yêu mỗi phiên bản tương lai của bạn.

Không gì đáng nghi ngờ, Kinh Thánh được viết ra dành cho những người giống như bạn và tôi, là những người hay quên Phúc Âm. Chúng ta có thể giảng về sola gratia (duy bởi ân điển) và sola fide (duy bởi đức tin) cho những người chưa biết về Đấng Christ, nhưng đến khi thực hành đời sống Cơ Đốc, thì chúng ta lại trượt dài trong trong việc bày tỏ lối sống công chính.

Chúng ta đều biết điều này sẽ đi đến đâu.

Khi chúng ta cảm nhận nọc độc của tội lỗi và thấy xấu hổ về vi phạm đó, chúng ta thường trốn khỏi Chúa. Giống như tổ phụ đầu tiên, chúng ta đứng sau lá cây che chắn tạm bợ của công việc, thú vui tiêu khiển, và thậm chí là sinh hoạt tôn giáo. Chúng ta bằng lòng để trốn sau ảo tưởng này cho đến khi tiêu hao hết năng lượng thuộc linh cho sự buông thả của chúng ta. Giống như miếng bánh pizza hay cây kem sau một buổi tập thể dục năng lượng, thì thời gian với Chúa chỉ có thể có được bằng những hi sinh thỏa đáng của cá nhân.

Điều này thường xảy ra bởi vì chúng ta tin lời nói dối là giờ đây Đức Chúa Trời không còn yêu thương chúng ta nữa—khi chúng ta yếu đuối—và Ngài sẽ yêu ta nhiều hơn ở một phiên bản tin kính hơn.

Đó là việc chúng ta quên Phúc Âm. Bạn còn nhớ lẽ thật của Phúc Âm là gì không? Những lẽ thật ấy đã phai trong lòng bạn?

Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta”. (Rô-ma 5:6–8)

Điều này quá diệu kỳ phải không? Đức Chúa Trời yêu chúng ta dù chúng ta đang yếu đuối, bất chính, tội lỗi và là kẻ thù của Ngài (Rô-ma 5:10). Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ khiến chúng ta ngày càng giống Đấng Christ, nhưng tình yêu của Ngài dành cho chúng ta được bày tỏ trong cách điều đó bắt đầu (khi chúng ta vẫn còn hư mất), Ngài đã làm điều đó như thế nào (Ngài thánh hóa chúng ta), và điều đó kết thúc như thế nào (sự vinh hiển). Giờ đây Đức Chúa Trời vẫn yêu dân sự Ngài—dù cho họ đang ở mức độ nào trong tiến trình nên thánh. Và Ngài vui thích để mang chúng ta về nhà. Đức Chúa Trời yêu chúng ta cho đến cuối cùng.

Chúa Jêsus không giữ lại biên lai đối với những người mà Ngài đã chuộc, bởi Ngài không bao giờ mắc sai lầm. Tình yêu của Ngài trường tồn vĩnh cửu, đời đời và không hề thay đổi. Tình yêu như thế vẫn tuôn tràn và nhấn chìm những nghi ngờ, những ý nghĩ mơ hồ.

Bạn có thể làm gì ngoài việc nhận lãnh tình yêu Chúa, yên nghỉ trong lẽ thật và đáp lại với Ngài bằng niềm vui hân hoan?

Bài: Erik Raymond; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *