Chuyện gì đã xảy ra với sa-tan?

(Nguồn ảnh: Andrew Seaman, Unsplash)

Có lần tôi giảng luận về Bài giảng trên núi của Chúa Jêsus, và theo Lời Ngài đã phán, tôi cũng nói về sự phán xét đời đời. Tôi không thể tránh né những lẽ thật mà chính Ngài đã phán – cho dù những lời ấy có khó nghe đi nữa. Ngài muốn cảnh báo mọi người tránh xa con đường hủy diệt, nhấn mạnh rằng chúng ta không thể vừa theo Chúa vừa theo đời, nhắc nhở rằng giận dữ và dục vọng sẽ dẫn chúng ta đến chốn hoả ngục. Tôi không thể rao giảng về Chúa Jêsus mà lại tránh né những điều chính Ngài đã phán – cho dù người nghe có đồng ý hay không.

Sau giờ thờ phượng, một người phụ nữ tiến đến nói với tôi rằng đây là lần đầu tiên cô ấy nghe nói về địa ngục. Cô ấy cảm ơn tôi vì đã giảng rõ ràng về chủ đề đó. Cô ấy nói thầm thì, như thể “địa ngục” là một từ ngữ bị nguyền rủa, dù ai cũng biết rằng đó là sự thật nhưng chúng ta vẫn không được nhắc đến.

Tất cả những điều này khiến tôi tự hỏi: Sao có thể rao giảng về Chúa Jêsus mà lại không nhắc đến sự phán xét? Vậy thì phải hiểu những dụ ngôn của Ngài như thế nào? Còn việc Ngài liên tục cảnh báo về sự hủy diệt thì sao? Bạn không thể nào bỏ qua bức tối hậu thư cảnh báo về sự hủy diệt và hư mất linh hồn, nơi hồ lửa không bao giờ tắt.

Tránh nói về sa-tan

Người ta thường tránh nói về địa ngục vì không muốn nói về sa-tan. Ít ai muốn nhắc đến sa-tan, ma quỷ, quyền lực và các thế lực đối đầu với Chúa và con dân Ngài. Mọi người đều né tránh sa-tan, ngại nói về ma quỷ.

Có những mục sư muốn tránh việc thổi phồng quá đà sức ảnh hưởng của sa-tan theo cách không đúng với Kinh Thánh. Họ nghĩ rằng nên nói giảm nói tránh thì tốt hơn. Nhưng Kinh Thánh và lịch sử Hội Thánh không ủng hộ điều này.

Phản ứng dây chuyền khi tránh nói về sa-tan

Vấn đề là đây. Nếu bạn không bao giờ nói về sa-tan, có lẽ bạn cũng không bao giờ nói về tội lỗi và sự cứu rỗi theo những cách sâu nhiệm hơn, chứ không chỉ đơn thuần là làm việc tốt hay việc xấu trong đời này. 

Nếu bạn không bao giờ nói về địa ngục, có lẽ bạn cũng không truyền bá Phúc Âm với một tâm thế cấp bách, mà chỉ đang mời gọi mọi người sống một cuộc sống tốt hơn, điều mà bất kỳ tôn giáo nào cũng hướng người ta đến. 

Nếu bạn không bao giờ nói về ma quỷ, có lẽ bạn cũng ít nghĩ về thiên sứ, điều này phản ánh một tầm nhìn thiếu kém, bỏ qua lĩnh vực tâm linh và vô hình, trong khi đó là điều mà Kinh Thánh, Hội Thánh xưa và giáo hội toàn cầu đều khẳng định là đang hiện hữu. 

Hơn nữa, quan điểm sai lầm về thiên sứ, ma quỷ, sa-tan và địa ngục khiến chúng ta khó khăn khi đấu tranh với tội lỗi, khó mà thờ phượng Chúa cách phải lẽ, và khó tìm được sự thánh khiết tâm linh để yêu mến Chúa hơn. Trốn tránh sa-tan nghĩa là trốn chạy khỏi chiến trường tâm linh để tìm một nơi yên tĩnh và hài lòng trong thời bình.

“Nếu bạn không bao giờ nói về địa ngục, có lẽ bạn cũng không truyền bá Phúc Âm với một tâm thế cấp bách, mà chỉ đang mời gọi mọi người sống một cuộc sống tốt hơn, điều mà bất kỳ tôn giáo nào cũng hướng người ta đến.” (Nguồn ảnh: Jackson David, Unsplash)

Thiếu đầu tư vào Thiên Quốc

Khi tránh né những lẽ thật quan trọng nhất của Cơ Đốc giáo, chúng ta sẽ tự nhiên đề cao những điều không quan trọng lắm. Nếu chúng ta không nhận ra tầm quan trọng cấp bách của sự sống và sự chết mà Chúa Jêsus và các sứ đồ đã nhắc đến, chúng ta sẽ bắt đầu chú tâm đến những vấn đề khác, khiến cho những chuyện thuộc về thế gian có vẻ quan trọng hơn thực tế.

Đó là điều chúng ta thấy ở nhiều Hội Thánh ngày nay. Chúng ta đánh mất tầm nhìn toàn diện và chỉ nhìn thấy tiểu tiết. Khi chỉ quan tâm đến những điều liên quan đến “thế giới này” và coi nhẹ lẽ thật về sự phán xét đời đời, chúng ta sẽ mất đi hy vọng về công lý vĩnh hằng, và chỉ tập trung vào công lý ở thế gian này. Nếu ngay lúc này chúng ta không có công lý đời đời, thì việc theo đuổi công lý ở thế gian sẽ trở thành một cuộc chiến vô nghĩa. Chúng ta bị cuốn vào nhiều cuộc chiến lặt vặt trong khi cuộc chiến lớn đang diễn ra khốc liệt. Khi chúng ta quên đi phần thưởng lớn, thì những phần thưởng nhỏ nhặt ở thế gian này sẽ trở nên quan trọng hơn.

Chúng ta có rao giảng như cách Chúa Jêsus rao giảng không? 

Tôi không khuyên chúng ta nên nói về sa-tan, địa ngục, thiên sứ và ác quỷ mà không suy nghĩ kỹ càng, không cân nhắc xem người nghe sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Chúng ta phải lựa chọn bối cảnh cho phù hợp. Đó là lý do tại sao Chúa ban cho chúng ta các diễn giả để diễn giải Lời Ngài chứ không chỉ đọc to lên mà thôi. Chúng ta cần diễn giải những lời Kinh Thánh dạy một cách dễ hiểu, mời gọi mọi người nhìn thế giới theo một cách hoàn toàn khác biệt.

Nhưng ngay cả khi thể hiện sự quan tâm chu đáo, chúng ta cũng không thể tránh khỏi sự lạ lẫm và nhạy cảm khi nói về vấn đề này. Cũng không nên cố gắng tránh làm gì. Chính những đặc điểm đó làm cho thông điệp trở nên nổi bật. 

Nếu chúng ta muốn trở thành sứ giả của Chúa Jêsus, bắt chước Ngài và rao giảng Lời Ngài, thì chúng ta phải can đảm đối diện với tất cả những gì Ngài đã nói, kể cả những phần khiến chúng ta khó chịu ngày nay – cho dù Lời Ngài có động chạm đến những người kiêu căng, hoặc những người ngầm chế nhạo lời cảnh báo về sự phán xét.

Một Hội Thánh có thể vẫn giữ nguyên giáo lý và giữ lời tuyên xưng đức tin vững chắc, nhưng lại thiếu tập trung vào những gì Kinh Thánh đã nhấn mạnh. Một Hội Thánh có thể vẫn tin vào lẽ thật nhưng lại không nghiêm túc thực thi lẽ thật. 

Kẻ thù thường dùng cách này để làm cho tín đồ ngày nay mất đi sự nhạy cảm thuộc linh: khiến các mục sư rao giảng về Chúa Jêsus, nhưng lại không rao giảng theo cách mà Chúa Jêsus đã rao giảng.

Bài: Trevin Wax; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *